Hội thảo khoa học góp ý: “Hoàn thiện pháp luật về quản lý thuế ở Việt Nam"

Ngày 4/5, tại TP.HCM, Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp thuộc Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý hoàn thiện pháp luật về quản lí thuế ở Việt Nam”. Các chuyên gia, doanh nhân và người làm công tác liên quan đến quản lý thuế cùng tham dự hội thảo. Ông Huỳnh Thành Lập, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM chủ trì hội thảo.

Sau 4 năm triển khai, Luật Quản lý thuế ở VN đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc điều hành chính sách thuế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật này đã bộc lộ một số điểm bất hợp lý cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập, cải thiện chất lượng dịch vụ công và cải cách hành chính.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào việc thảo luận, phân tích và đánh giá các nội dung sửa đổi bổ sung Luật Quản lí thuế, những đổi mới, cải cách thủ tục hành chính thuế, sự tương thích giữa các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quản lí thuế trong dự thảo với các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan đặc biệt là về cơ chế chống chuyển giá…

Về vấn đề tranh chấp thuế

Theo Ông Ngô Huy Cương, khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, khi xây dựng pháp luật về quản lý thuế cần xác định các nguyên tắc như: Nhà nước phải đảm bảo công bằng trong ấn định và thu thuế; mọi thành viên trong cộng đồng đều có quyền giám sát việc quản lý thuế; quản lý thuế phải được xác định trách nhiệm rõ ràng; quản lý tiết kiệm và hiệu quả; đảm bảo quyền và lợi ích của người nộp thuế. Vẫn theo ý kiến ông Cương, vấn đề tranh chấp về thuế chưa được xem là một bộ phận của quản lý thuế, nên cần xây dựng chế định về tòa thuế vụ và tố tụng thuế trong Bộ luật Thuế.

Về việc xóa nợ thuế

TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Đại học Kinh tế - luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng bên cạnh những điểm mới, thiết nghĩ cần làm rõ hơn nhiều vấn đề. Đó là, về cơ chế xóa nợ tiền thuế, tiền phạt trong trường hợp doanh nghiệp tuyên bố phá sản theo quy định của Luật Phá sản. Hiện tại, Luật Phá sản không ưu tiên giải quyết nợ tiền phạt mà chỉ thanh toán cho chủ nợ. Vì vậy, phải xem tiền nợ thuế, tiền phạt phải nộp là một trong những khoản phải thanh toán theo Luật Phá sản chứ không phải là khoản thanh toán sau cùng. Do đó, Dự thảo cần sửa đổi thêm khoản 1 Điều 65 Luật Quản lý thuế theo hướng "khi tài sản của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản không thanh toán được hoặc không thanh toán hết các khoản nợ (bao gồm các khoản nợ không đảm bảo, và nợ thuế tiền phạt) thì áp dụng cơ chế xóa nợ thuế, tiền phạt mà doanh nghiệp đó phải nộp". Mặt khác, luật cũng cần xem xét lại cơ chế xóa nợ tự động hiện nay. Theo Điều 65 Luật Quản lý thuế 2006, việc xóa nợ thuế được áp dụng với mọi loại hình doanh nghiệp. Trong khi đó, Điều 86, 87 Luật Phá sản năm 2004 lại "không miền trừ nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa thanh toán nợ". Việc xem xét trách nhiệm của những cá nhân quản lý hoặc sở hữu doanh nghiệp có hành vi làm giảm khả năng thanh toán nợ thuế hoặc lạm dụng cơ chế xóa nợ để chây ỳ nộp thuế là cần thiết.

Về ân hạn nộp thuế

Các ý kiến kiến nghị việc khắc phục tình trạng để doanh nghiệp chờ quá lâu để được ân hạn nộp thuế. Theo đó, các quy định về quản lý thuế được kiến nghị nên sửa đổi theo hướng: Mọi doanh nghiệp, không phân biệt, chấp hành tốt hay không tốt Luật thuế đều phải nộp thuế ngay khi giao dịch hàng hóa thông quan. Bên cạnh đó, vẫn cho phép các doanh nghiệp được phép phân kỳ trả nợ thuế với hình thức “trả góp” thuế trong thời hạn 12 tháng khi có giấy bảo lãnh của ngân hàng thương mại. Đồng thời, trong thời hạn xuất hành giấy bảo lãnh chậm nộp thuế thì người nộp thuế vẫn phải thanh toán phần lãi của tiền thuế chậm nộp.

Về việc chậm nộp tiền thuế

Tiền lãi nộp chậm đang là hình thức được áp dụng lâu nay. Trong dự thảo Luật lần này cũng bảo lưu quan điểm nộp tiền phạt. Mức nộp chậm nộp thuế hiện nay là 0,05%/ ngày. Song, theo quan điểm của ông Ngọc Sơn, cần xác định rõ đó là tiền lãi tiền thuế chậm nộp hay là tiền phạt? Nếu xem là không phải biện pháp xử phạt thì cần sửa tên gọi của điều luật từ "xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế" thành "xử lý đối với hành vi chậm nộp tiền thuế". Nếu mức xử lý hiện tại vẫn chưa đem lại kết quả, thì Dự thảo có thể tính toán đến việc điều chỉnh tăng thêm mức phạt. Theo quan điểm của Ủy ban Tài chính ngân sách nên nâng mức tiền lãi lên 0,1%/ngày.

Về xử lý vi phạm thuế

Việc xử lý vi phạm về thuế cần phải xây dựng xuất phát trên cơ sở mang tính răn đe, sau đó là bù đắp chi phí, vì công tác thanh kiểm tra, điều tra hành vi vi phạm thuế cần huy động nhiều người với sự hỗ trợ nhiều tổ chức, cơ quan, cá nhân và tốn chi phí. Nếu mức xử phạt hành vi trốn thuế, gian lận thuế từ 1-3 lần số tiền thuế trốn thì quá nhẹ, nên chăng nâng mức xử phạt lên tối thiểu 5 lần, và một phần khoản tiền phạt này sẽ được dùng cho hoạt động kiểm tra, thanh tra thuế. Mức xử phạt phải đủ mạnh để người nộp thuế luôn phải nghĩ đến việc có bị vi phạm hay không, từ đó ý thức được lợi ích tuân thủ pháp luật thuế. Còn đối với việc chậm nộp thuế có thể xử phạt giống như mức xử phạt trong trường hợp nợ chậm trả theo quy định của Bộ luật Dân sự. Theo quan điểm của TS. Nguyễn Thị Nam Hương, khoa Luật đại học quốc gia Hà Nội là giữ nguyên mức phạt 0,05%/ngày, và đề ra thời gian nợ nhất định, nếu vượt sẽ tăng 30% của tỷ lệ mức phạt lên thêm. Theo PGS.TS. Dương Anh Sơn, trường Đại học Kinh tế - luật, cần quy định những chế tài nhằm nâng cao trách nhiệm của các chủ thể quản lý thuế. Trường hợp, người nộp thuế không đồng ý với số thuế cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hành hóa nhập khẩu thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện, pháp luật không thể bắc buộc người nộp thuế nộp số thuế ấn định.

Về kiểm soát hành vi chuyển giá

Liên quan đến việc kiểm soát hành vi chuyển giá trong các giao dịch liên kết, có ý kiến đề xuất nên học hỏi kinh nghiệm của ngành thuế các nước trên thế giới. Mặt khác, nên áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá theo nguyên tắc thị trường giữa các cơ quan thuế và các công ty đa quốc gia. Theo cơ chế này sẽ tạo ra sự chủ động cho doanh nghiệp trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế. Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, hơn 60% doanh nghiệp FDI trên địa bàn TP.HCM báo cáo lỗ để trốn thuế. Cả nước có 8.800 DN FDI, tuy nhiên cũng có tới 56% trong số đó liên tục báo lỗ trong 3 năm. Tình trạng trên cho thấy pháp luật về quản lí thuế còn có nhiều bất cập và chưa phát huy được hiệu quả trong thực tế.

Để Luật Quản lí thuế đi vào cuộc sống, quản lí hiệu quả hoạt động thu thuế, bên cạnh việc xác định rõ mối quan hệ được Luật Quản lí thuế điều chỉnh còn cần phải xác định được vị trí, các mối quan hệ của luật này với các văn bản pháp luật liên quan. Do vậy, việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật Quản lí thuế nhằm đẩy mạnh và tăng cường tính hiệu quả của công tác quản lí thuế là hết sức cần thiết. Hiện nay công tác xây dựng dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lí thuế đang được tích cực triển khai và đi vào giai đoạn cuối.

Tổng hợp/Dự thảo Online