Hội thảo góp ý hoàn thiện dự án luật giáo dục đại học

Ngày 5/4, Hội thảo “Góp ý hoàn thiện pháp luật về giáo dục đại học” được tổ chức tại Đà Lạt, do Văn phòng Quốc hội, Tạp chí nghiên cứu luật pháp phối hợp với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Trường Đại học Đà Lạt tổ chức. Ngày 7/4, trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật giáo dục đại học của Việt Nam”.

Ngày 5/4, Hội thảo “Góp ý hoàn thiện pháp luật về giáo dục đại học” được tổ chức tại Đà Lạt, do Văn phòng Quốc hội, Tạp chí nghiên cứu luật pháp phối hợp với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Trường Đại học Đà Lạt tổ chức.

Tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã nhấn mạnh đến 3 nội dung lớn cần làm rõ và đảm bảo tính khả thi cao trong Luật Giáo dục Đại học đó là: Quan hệ giữa quy mô và chất lượng giáo dục đào tạo; Vấn đề gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và thị trường lao động; Tổ chức hệ thống giáo dục đại học. Nhiều nội dung, câu chữ… trong dự thảo Luật Đại học cũng đã được đề nghị chỉnh sửa cho phù hợp như: vấn đề buộc thành lập hội đồng quản trị và Ban kiểm soát trong các trường đại học tư liệu có phù hợp nếu chủ thể chỉ là một cá nhân ? Việc các trường đại học quốc gia được sử dụng con dấu có Quốc huy liệu có đúng (vì dấu có Quốc huy là dấu của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước…).

Hội thảo góp ý hoàn thiện dự án luật giáo dục đại học

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội

Ngành GDĐH hiện nay vẫn đang phấn đấu theo hướng tăng quy mô đào tạo, với chỉ tiêu cả nước có 573 trường đại học, cao đẳng, bình quân 400 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2020. Dự thảo Luật giáo dục đại học đã dành hẳn 1 chương với 5 điều để quy định về đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, nhưng theo GS. Thuyết hầu hết các quy định này đều chung chung, không cụ thể, đó còn chưa kể rất nhiều nội dung thiết yếu để tiến hành hoạt động kiểm định chất lượng lại chưa được quy định.

Tại hội thảo, ý kiến của PGS-TS Phạm Duy Nghĩa – Trưởng khoa Luật kinh tế (Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh) cho rằng "muốn có một đạo luật tốt thì cần phải có chính sách tốt" đã được đông đảo các đại biểu tham dự đánh giá cao. Theo PGS – TS Phạm Duy Nghĩa thì giáo dục đại học những năm qua tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn không ít điều đáng lo. Trong đó việc đáng lo hàng đầu là mô hình tổ chức, chất lượng giáo dục… và đặc biệt là những biến tướng của xã hội hóa giáo dục đại học. Hiện không ít trường học đặt lợi nhuận lên hàng đầu và hoạt động theo kiểu “công ty cổ phần”, không chịu trách nhiệm xã hội với những hệ lụy lâu dài về nguồn nhân lực do mình đào tạo. Vì vậy cần phải hướng đến xã hội hóa “phi lợi nhuận” bằng những cơ chế, chính sách cụ thể để xã hội hóa giáo dục được hiểu và hoạt động đúng nghĩa.

Nhiều ý kiến thảo luận về ĐH công lập và ĐH tư thục. Theo đó, vẫn còn sự phân biệt giữa ĐH công và ĐH tư. ĐH tư chưa có chỗ đứng vững chắc cả trong luật và trong suy nghĩ của mọi người. Cần phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể, giữa ĐH công và ĐH tư; cần mô hình quản lý nội tại phù hợp để có thể bảo đảm các yêu cầu về chất lượng giáo dục của trường ĐH tư. Các trường ĐH tư không chỉ là xu hướng xã hội hóa mà còn là đối trọng của các trường ĐH công…

Tại hội thảo, các nhà giáo, các nhà khoa học… đã có nhiều tham luận với những đóng góp thiết thực vào dự thảo Luật Giáo dục đại học nói riêng (sẽ được trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới) và nền giáo dục – đào tạo Việt Nam nói chung. Đó là những vấn đề về cơ cấu hệ thống và phân tầng cơ sở giáo dục đại học, chất lượng và vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục đại học, đa dạng hóa lại hình đại học, cải thiện vị trí xã hội và pháp lý của đại học, giao quyền tự chủ cho các trường, đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đại học…

Ts Lê Văn Học – Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết những đóng góp xác đáng của các đại biểu trong hội thảo này sẽ được tổng hợp, xem xét và bổ sung vào dự thảo Luật để sớm hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét, thông qua với mong muốn có được một luật giáo dục đại học chất lượng nhất và có tính khả thi cao nhất.

 

Tiếp đó, ngày 7/4, trường Đại học Luật Hà Nội, cùng đại diện một số trường đã tổ chức Hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật giáo dục đại học của Việt Nam”, để cán bộ quản lý, giảng viên, người lao động nghiên cứu, thảo luận và góp ý kiến cho dự thảo 2 của Luật giáo dục đại học.

PGS. TS Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội đã chủ trì cuộc thảo luận tại hội thảo. PGS. TS Hoàng Thế Liên đưa ra những vấn đề để các đại biểu thảo luận như: xử lý mối quan hệ giữa Luật giáo dục (đã có) và Luật giáo dục đại học như thế nào (?); với Luật giáo dục quá khung, quá nhiều văn bản hướng dẫn thì Luật giáo dục đại học khi ra đời sẽ được ban hành như thế nào; vấn đề tự chủ của các trường đại học…

Hội thảo góp ý hoàn thiện dự án luật giáo dục đại học

PGS. TS Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội chủ trì cuộc hội thảo

Với những vấn đề được nêu ra, hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến có chất lượng. TS Tô Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật về Bộ máy nhà nước, Khoa Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng: cần làm rõ vị trí của Giáo dục Đại học trong hệ thống giáo dục chung của quốc dân. Mục tiêu của Giáo dục Đại học so với Luật Giáo dục (2005) còn quá chung. Nên đưa ra mục tiêu riêng của giáo dục Đại học và mục tiêu cụ thể cho từng cấp đào tạo của giáo dục đại học (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ..).

TS. Trần Hồng Thúy, Phó chủ nhiệm khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Luật Hà Nội dẫn chứng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giáo trình sử dụng chung, tổ chức biên soạn và duyệt giáo trình sử dụng chung cho các cơ sở giáo dục đại học là không hợp lý, mâu thuẫn với yêu cầu giáo trình giáo dục đại học phải cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục, đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục đại học. Như vậy việc sử dụng chung giáo trình là cản trở các trường, các giảng viên xây dựng thương hiệu trong bối cảnh chuyển sang học chế tín chỉ.

Về vấn đề tự chủ của các trường, TS. Nguyễn Văn Quang, Phó phòng Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội nêu: cần bổ sung chính sách đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm như nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường, tự chủ về mặt tài chính, tuyển dụng cán bộ, công tác tuyển sinh, xây dựng và phân phối chương trình đào tạo, kiểm định và đánh giá.

Phó Giám đốc Đại học Quốc Gia Hà Nội, Phạm Trọng Quát đề xuất bổ sung một số điều quy định về Đại học Quốc Gia, nhằm tạo cơ chế quản lý điều hành hợp lý đối với một trường trực thuộc sự quản lý trực tiếp của Nhà nước.

Lĩnh vực giáo dục đại học đáng lẽ là một lĩnh vực được thực hiện có tính khoa học và bền vững. Nhưng thực tế cho thấy, có nhiều cải tiến đã trở thành “cải lùi”, thậm chí “đụng đâu sai đó”. Luật giáo dục đại học có nhiều điểm trùng lặp, không có sự cải tiến gì hơn với Luật giáo dục hiện hành, nên việc tồn tại song song hai văn bản pháp lý có nội dung giống nhau là bất hợp lý. Do đó, không nên ban hành thành Luật giáo dục đại học mà chỉ nên có văn bản cụ thể hóa, chi tiết về bậc đào tạo Đại học, GS.TS Trần Ngọc Dũng, Trưởng phòng Thanh tra đào tạo, Trường Đại học Luật Hà Nội góp ý. GS.TS Trần Ngọc Dũng bày tỏ quan điểm về vấn đề sinh viên có thể hoàn thiện chương trình đại học, cao đẳng chỉ trong vòng 1,5 năm đến 2 năm là điều không thể chấp nhận được, vì vậy không nên đưa vào dự thảo.

Buổi hội thảo càng trở nên sôi nổi khi ý kiến của đại diện Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị, Nguyễn Hữu Tư nêu ra rằng dự thảo Luật giáo dục đại học quá sơ sài, có nhiều điểm chồng chéo với Luật giáo dục. Nhiều khái niệm không được định nghĩa rõ ràng, có những tên gọi khác nhau nhưng thực chất mô hình hoạt động không có gì khác. Cơ chế tự chủ cần gắn với quyền và trách nhiệm, lợi ích và hệ thống giám sát. Hiện nay không có một cơ chế cụ thể để giám sát cũng như việc người xin cũng “được” và người cho cũng “được”, không gắn với trách nhiệm nên hiệu quả hoạt động không cao.

PGS. TS Bùi Đăng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Luật Hà Nội nêu những kiến nghị về kiểm định chất lượng đào tạo. Như nhiều đại biểu khác, PGS. TS Bùi Đăng Hiếu bức xúc về việc nhiều trường không thực hiện kiểm định và công bố chuẩn đầu ra như Bộ yêu cầu, dù đã bị nêu tên nhưng cuối cùng vẫn không sao cả. Thậm chí có trường không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được phép tuyển sinh và hoạt động bình thường. Còn trường được xếp loại 1, 2 về chất lượng thì vẫn chưa thấy Bộ công bố hay “thưởng” gì cả. Vậy việc kiểm định chất lượng có thực sự cần thiết hay không (?).

Qua hội thảo, đa số các đại biểu đều cho rằng dự thảo luật giáo dục đại học chỉ nêu những vấn đề chung chung giống như nghị quyết, không có điều nào cụ thể để người đọc có thể hiểu theo một chiều. Chưa phát triển những vấn đề mang tính đặc thù của giáo dục. Trong luật có nhiều yếu tố hình sự hóa, chất lượng soạn thảo chưa đạt so với một văn bản dự thảo luật, diễn đạt chưa logic, rõ ràng…

Buổi hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, tích cực và đều hướng tới xây dựng một hệ thống quản lý đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo, khai thác được hết các tiềm lực trong xã hội. Vì vậy, mong muốn luật chỉ nên ra đời khi đáp ứng được những vấn đề cần giải quyết hiện nay.

Tổng hợp/Dự thảo Online