Hội nghị tham vấn ý kiến các chuyên gia hoàn thiện dự án Luật giáo dục đại học tại Hà Nội

Ngày 9-2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến các chuyên gia hoàn thiện dự án Luật Giáo dục đại học, tại Hà Nội. Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng.

5 vấn đề được quan tâm góp ý là mô hình tổ chức, hoạt động, phân tầng, phân loại các cơ sở giáo dục Đại học, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của trường Đại học, xã hội hóa giáo dục Đại học với các vấn đề lợi nhuận, phi lợi nhuận; bảo đảm và kiểm định chất lượng; tiêu chuẩn, chế độ chính sách đối với giảng viên, quyền và nghĩa vụ của người học; quản lý Nhà nước về giáo dục Đại học.

Tại Hội nghị, các đại biểu đều cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo Luật Giáo dục đại học. Dự thảo đã được chuẩn bị khá công phu, chi tiết, làm cơ sở cho đổi mới giáo dục đại học Việt Nam; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng được những đặc trưng của hệ thống giáo dục đại học là tính thống nhất, tính công bằng, tính chất lượng, tính hiệu quả, tính tự chủ và tính quốc tế hóa.

Về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, các đại biểu đều cho rằng cần bổ sung thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, ví dụ như: các cơ sở đại học, trường đại học, cao đẳng phải công khai cam kết chất lượng đào tạo, công khai về nguồn lực tài chính. Góp ý về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Xuân Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, không nên tiến hành đồng loạt các trường mà giao quyền hạn trên cơ sở phân loại, đánh giá đúng năng lực và các điều kiện cần thiết của cơ sở Giáo dục đại học. Từ đó tiến hành giao quyền tự chủ cho cơ sở Giáo dục đại học với mức độ khác nhau: tự chủ hoàn toàn, tự chủ hạn chế hoặc chưa được tự chủ mà phải có thêm thời gian để chuẩn bị, đầu tư. Nghị định dưới luật sẽ quy định rõ điều kiện, tiêu chí cần thiết với những bước đi thích hợp cho các cơ sở Giáo dục đại học.

Ngược lại với ý kiến của GS.TS Nguyễn Xuân Bảo, GS.TS Nguyễn Đình Hương lại cho rằng, cần quy định cụ thể vấn đề quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học ngay trong Luật mà không chờ các quy định, quy phạm dưới Luật. Vì theo Giáo sư, Việc mở rộng quyền tự chủ sẽ tăng cơ hội cho các trường phát triển, cạnh tranh, bình đẳng và nâng cao chất lượng đào tạo.

Về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, một số đại biểu mong muốn giao Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường và chương trình giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục đại học phải tham gia mạng lưới các tổ chức kiểm định quốc tế và kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế …

Về cơ cấu hệ thống và phân tầng cơ sở giáo dục đại học, dự thảo Luật đã có sự phân biệt giữa đại học và đại học quốc gia. Tuy nhiên, theo ý kiến của các đại biểu tham dự thì dự thảo Luật phải tiếp tục làm rõ chức năng và nhiệm vụ của các trường thành viên trong đại học quốc gia và các đại học khác như thế nào? Phân biệt tên gọi các trường thành viên như thế nào cho phù hợp?

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý tập trung phân tích, đánh giá ưu điểm cũng như những hạn chế của dự thảo Luật giáo dục đại học. Chủ tịch nhấn mạnh việc ban hành Luật giáo dục đại học có ý nghĩa rất quan trọng và hết sức cần thiết, nhằm tạo một bước phát triển mới của nền giáo dục đào tạo nước ta, nhất là ở bậc đại học. Chủ tịch cũng yêu cầu Ban Soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa để dự thảo Luật thực sự được chuẩn hóa.

Duthaoonline (tổng hợp)

Duthaoonline (tổng hợp)