Hội nghị lấy ý kiến về việc xây dựng Luật xuất bản (sửa đổi) ngày 6.3.2011

Sáng 6.3, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức Tại Hội nghị lấy ý kiến về việc xây dựng Luật Xuất bản (sửa đổi). Tham gia hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như: sự cần thiết ban hành Luật Xuất bản (sửa đổi), tên gọi của Dự án Luật, về hoạt động liên kết trong xuất bản, về hoạt động hợp tác quốc tế trong xuất bản, về đăng ký xuất bản phẩm, …

Về sự cần thiết ban hành luật Xuất bản (sửa đổi)

Về vấn đề này, một số ý kiến đại biểu tham dự hội nghị cho rằng cần thiết phải sửa đổi Luật xuất bản. Theo các ý kiến này, Luật xuất bản hiện hành đang có một số quy định cũ, lỗi thời không đáp ứng được yêu cầu hội nhập của ngành xuất bản. Vì thế, hiện nay hoạt động xuất bản của nước ta đang gặp nhiều khó khăn. Việc sửa đổi Luật xuất bản trong thời điểm hiện tại sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển. Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, nhiều quy định trong Luật Xuất bản hiện hành đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của hoạt động xuất bản trong thực tiễn.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, việc sửa đổi Luật xuất bản trong thời điểm này là chưa cần thiết vì điều kiện thực tế chưa chin muồi. Các ý kiến này cho rằng, những hạn chế trong hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm hiện nay đều bắt nguồn từ việc thực thi pháp luật không nghiêm, chứ không phải từ những bất cập của bản thân Luật Xuất bản hay các luật có liên quan.  PGs, Ts Trần Thị Tâm Đan nhận xét: “Luật Xuất bản hiện hành ngoài những quy định khá đầy đủ và toàn diện cho hoạt động xuất bản nhằm đảm bảo điều kiện để nâng cao chất lượng xuất bản phẩm và khuyến khích sự sáng tạo trong hoạt động xuất bản, đồng thời cũng đã quy định về in xuất bản phẩm và phát hành xuất bản phẩm, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ đối với xuất bản phẩm xuất phát từ vị trí, vai trò của xuất bản phẩm trong đời sống xã hội là cần thiết”. Vì thế, các ý kiến này đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra Luật nên cân nhắc; nếu không có yêu cầu cấp thiết hoặc những thay đổi lớn về quan điểm thì chưa nên sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản hoặc ban hành một luật mới trong lĩnh vực này; những nội dung cụ thể cần điều chỉnh thì nên điều chỉnh bằng nghị định. Ngoài ra, việc ban hành Luật xuất bản (sửa đổi) trong thời điểm này sẽ chưa lường hết sự phát triển của xã hội, sự phức tạp của hoạt động xuất bản trong thời gian tới, đặc biệt là đối với hoạt động xuất bản phẩm điện tử.

Hội nghị lấy ý kiến về việc xây dựng Luật xuất bản (sửa đổi) ngày 6.3.2011

Chú thích: Ảnh Ng. Anh, nguồn: daibieunhandan.vn

Về tên Dự thảo Luật, đa số đại biểu tham dự hội nghị đồng ý với quan điểm giữ nguyên tên gọi của cũ của Luật là Luật xuất bản. Lý giải cho quan điểm này, các đại biểu đều cho rằng nội hàm của tên gọi Luật xuất bản là đã bao hàm các hoạt động biên tập, in, phát hành xuất bản phẩm; do đó, việc giữ nguyên tên gọi là đã đầy đủ nội hàm vấn đề mà Luật này cần điều chỉnh. Mặt khác, các đại biểu còn cho rằng, việc giữ nguyên tên gọi sẽ nhấn mạnh được vai trò quan trọng của hoạt động xuất bản.

Về quy định đăng ký xuất bản phẩm, có hai chiều ý kiến về quy định này.

Một số ý kiến cho rằng, nên bỏ quy định bắt buộc đăng ký xuất bản phẩm vì lý do sau: hiện nay, hoạt động đăng ký xuất bản phẩm rất hình thức. Bản than các cơ quan quản lý cũng không nắm rõ được nội dung các cuốn sách đăng ký. Mặt khác, việc giữ nguyên quy định đăng ký xuất bản phẩm dẫn đến việc duy trì các giấy phép con, gây ra nhiều tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình xin giấy phép. Vì vậy, các ý kiến này cho rằng, không nên duy trì quy định này trong dự thảo Luật, bên cạnh đó Dự thảo Luật cần quy định cụ thể, chi tiết trách nhiệm của cơ quan xuất bản – các nhà xuất bản về nội dung của các xuất bản phẩm (hoặc quy định trách nhiệm cho người đứng đầu các nhà xuất bản) và tăng cường công tác hậu kiểm trong hoạt động xuất bản.

Bên cạnh quan điểm trên, một số đại biểu thì lại cho rằng, việc đăng ký xuất bản phẩm là một lần nữa giúp Nhà xuất bản rà soát lại chức năng của mình đối với nội dung xuất bản phẩm. Hiện nay các nhà xuất bản đang xuất bản phẩm một cách tràn lan và trở thành các nhà in tổng hợp. Đối với các nhà in chuyên ngành, không có chức năng in các lĩnh vực khác như không có chức năng in xuất bản phẩm y tế hoặc xuất bản phẩm tôn giáo, … mà vẫn in và làm trái quy định của pháp luật. Các ý kiến này cũng đề nghị, đối với các nhà xuất bản địa phương thì có thể có chức năng tổng hợp, nhưng đối với các nhà xuất bản khác thì bắt buộc phải quy định chức năng xuất bản của mình và không được xuất bản tràn lan.

Về một số vấn đề khác, một số ý kiến đề nghị Dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể, chi tiết và có hiệu quả áp dụng trên thực tế cao đối với điều khoản kiểm tra, nộp lưu chiểu. Dự thảo Luật đã có quy định về vấn đề này, tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa có các quy định cụ thể, chi tiết về việc bảo quản, lưu trữ các xuất bản phẩm nộp lưu chiểu, dẫn đến tình trạng quy định này vẫn đang thực hiện một cách hình thức trên thực tế. Ngoài ra, tại hội nghị các đại biểu tham dự còn thảo luận về các vấn đề khác như: về hoạt động liên kết xuất bản, về vấn đề hợp tác quốc tế trong xuất bản, về chính sách hỗ trợ của nhà nước cho hoạt động xuất bản …

Duthaoonline (tổng hợp)

Duthaoonline