Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Hội nghị lần thứ 20 Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN (khóa X) đã khai mạc sáng 25.4, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng. Tại hội nghị này, ĐCT tiến hành thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Đại diện cho NLĐ là chức năng bẩm sinh của CĐ

Hội nghị ĐCT đã nghe Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính trình bày báo cáo một số vấn đề cần tiếp tục chuẩn bị về dự thảo Luật CĐ (sửa đổi) và dự thảo BLLĐ (sửa đổi); việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) từ tháng 2.2012 đến nay.

Theo PCT Mai Đức Chính, ngày 5.3.2012, thường trực ĐCT Tổng LĐLĐVN đã làm việc với thường trực UB Pháp luật của QH để thống nhất một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật CĐ (sửa đổi) để xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Ngày 22.3.2012, tại phiên họp lần thứ 6, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật CĐ (sửa đổi). Cũng tại phiên họp này, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã trình bày, bảo vệ quan điểm của cơ quan soạn thảo dự án luật và đã được UBTVQH đồng tình cao. Tổng LĐLĐVN cũng đã chỉ đạo LĐLĐ các tỉnh, TP tham gia có hiệu quả với đoàn đại biểu QH các tỉnh, thành khi tổ chức góp ý vào dự thảo Luật CĐ (sửa đổi). Theo Tổng LĐLĐVN, tính đến thời điểm hiện tại, khá nhiều vấn đề trước đây còn chưa đồng thuận thì nay đã được thống nhất trong dự thảo Luật CĐ (sửa đổi).

Đó là: Quyền gia nhập và hoạt động CĐ của LĐ là người nước ngoài; quy định thành lập CĐCS nơi có 20 LĐ trở lên; hệ thống tổ chức và tên gọi của các cấp CĐ; trách nhiệm CĐ trong việc tổ chức, lãnh đạo đình công... Tuy vậy, vẫn còn 2 vấn đề lớn chưa thống nhất trong dự thảo là: Về địa vị pháp lý của CĐ và tài chính CĐ. Tổng LĐLĐVN chưa đồng thuận với quan điểm cho rằng, CĐ không phải là chủ thể duy nhất có trách nhiệm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Về lý luận, chức năng đại diện chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNLĐ là chức năng bẩm sinh của CĐ. Vì vậy, Tổng LĐLĐVN không thống nhất đưa cụm từ “cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ” vào điều luật.     

Sẽ có chế tài xử phạt vi phạm Luật CĐ

Hội nghị đã nghe Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN Nguyễn Hòa Bình trình bày về dự thảo 3 nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật CĐ (sửa đổi), gồm: NĐ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật CĐ (sửa đổi), NĐ hướng dẫn thi hành Luật CĐ (sửa đổi) về tài chính CĐ và NĐ xử lý vi phạm hành chính hành vi vi phạm pháp luật CĐ.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN:  Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)
(Ảnh: KỲ ANH)
Theo Tổng LĐLĐVN, Luật CĐ hiện hành (năm 1990) có 2 NĐ hướng dẫn thi hành, nhưng lại thiếu chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật CĐ.  Trên thực tế, hành vi vi phạm pháp luật CĐ đang diễn ra rất phức tạp, nhưng chế tài xử lý hiện hành (quy định tại một điều duy nhất –Điều 20 NĐ 133/2004/NĐ-CP ngày 16.4.2004 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính hành vi vi phạm pháp luật lao động, và sau đó được thay thế bằng NĐ 47/2010/NĐ-CP ngày 6.5.2010 của CP) lại chưa bao phủ toàn bộ hành vi vi phạm.

 Việc quy định chưa đủ sức răn đe, không đảm bảo dân chủ, tính khách quan trong việc xem xét, quyết định việc xử phạt, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính... đã làm giảm hiệu lực và hiệu quả thi hành Luật CĐ. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho rằng, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính về pháp luật CĐ cần được xây dựng thành một nghị định riêng, trở thành một công cụ pháp lý quan trọng để góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ và tổ chức CĐ, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của đời sống KTXH đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
***
Trong 2 ngày diễn ra kỳ họp (từ 25-26.4.2012), ĐCT Tổng LĐLĐVN sẽ tiếp tục thảo luận các nội dung: Hướng dẫn vận dụng chính sách đối với cán bộ CĐ không đủ tuổi tái cử; quyết định thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội XI CĐVN; công tác cán bộ và điều chỉnh phân công nhiệm vụ trong ĐCT Tổng LĐLĐVN.

Hoàng Quang/laodong.com.vn