Hội nghị đại biểu chuyên trách thảo luận về Dự án Luật Công đoàn
- 11/01/2012
Đình công tại Công ty Pouchen năm 2010 (Ảnh Báo Tuổi trẻ)
Với dự án Luật Công đoàn, tại Hội nghị trực tuyến này, các vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận gồm:
Thứ nhất, về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động
Báo cáo một số vấn đề cơ bản về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, bên cạnh ý kiến đồng tình, vẫn còn có ý kiến đề nghị không quy định về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài tại dự án luật. Do vậy, thường trực Ủy ban đề nghị các vị đại biểu cho ý kiến về cả hai phương án.
Ở phương án có quy định trong luật, Ủy ban đề nghị theo hướng, nếu có đơn gia nhập, thừa nhận điều lệ công đoàn Việt Nam, thời hạn lao động còn hiệu lực từ một năm trở lên kể từ ngày làm đơn xin gia nhập công đoàn, có giấy phép lao động thì người lao động là người nước ngoài có quyền gia nhập và hoạt động công đoàn. Trong trường hợp không còn đủ các điều kiện nói trên thì đương nhiên chấm dứt việc tham gia công đoàn Việt Nam.
Tán thành phương án này, một số vị đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động người nước ngoài vào phạm vi điều chỉnh của luật.
ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, lao động nước ngoài cũng phải được đảm bảo quyền lợi và ràng buộc trách nhiệm như lao động trong nước, do vậy nên cho phép họ được tham gia các tổ chức công đoàn tại nơi làm việc.
Ông Nguyễn Ngọc Phương (Đồng Nai) phân tích, giữa lao động trong và ngoài nước lâu nay vốn cũng đã phát sinh nhiều vấn đề cần tới sự giải quyết của tổ chức công đoàn. Chưa kể, lực lượng lao động này đang có xu hướng ngày càng gia tăng.
Không tán thành với các ý kiến trên, ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng, số lượng lao động là người nước ngoài ngày càng đông, các cơ quan nhà nước cũng chưa quản lý chặt. Do vậy, không nên cho phép đối tượng này gia nhập tổ chức công đoàn.
Còn theo ông Chu Sơn Hà (Hà Nội), theo quy định của Hiến pháp, chỉ công dân Việt Nam mới được nhận sự bảo hộ của pháp luật Việt Nam. Mặt khác, mọi nghĩa vụ và quyền lợi của lao động nước ngoài cũng đã được nêu trong các điều ước quốc tế chung. Do đó, việc họ tham gia hay không tham gia tổ chức công đoàn không có ý nghĩa quan trọng.
Thứ hai, về vai trò của tổ chức công đoàn trong giải quyết các vụ đình công
Quy định công đoàn có trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo đình công được đưa vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), mặc dù theo thống kê của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ năm 1995 đến nay cả nước đã xảy ra hơn 4.000 cuộc tranh chấp lao động tập thể - đình công và tất cả đều tự phát và không đúng trình tự quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật, để công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm “tổ chức và lãnh đạo đình công”, cần nghiên cứu giải quyết đồng bộ mối quan hệ giữa người sử dụng lao động, người lao động và công đoàn. Đây chính là điều kiện để đảm bảo cho công đoàn thực hiện được chức năng chính là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Trách nhiệm của công đoàn khi có mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động trước hết là hòa giải, thương lượng, thuyết phục để hai bên thỏa thuận, tránh xảy ra các cuộc đình công gây thiệt hại đôi bên. Khi mâu thuẫn về lợi ích không thỏa thuận được thì công đoàn có trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo người lao động thực hiện quyền đình công theo đúng quy định, đồng thời tiếp tục đại diện cho người lao động bàn bạc với người sử dụng lao động để đi đến thống nhất giải quyết vụ đình công.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lê Nam (tỉnh Thanh Hóa) đề nghị, nên quy định vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn khi có đình công, bảo đảm hài hòa quyền lợi của người lao động và lợi ích của chủ sử dụng lao động. Còn theo ĐBQH Đỗ Văn Đương, việc công đoàn luôn đứng ngoài các cuộc đình công là một sự lãng phí. Điều này cho thấy, công đoàn chưa thực sự là cầu nối về quyền lợi giữa người lao động, chính quyền và doanh nghiệp. Nhất là trong điều kiện như hiện nay, lương bổng còn thấp, điều kiện sống chưa được đảm bảo. Ông Đương đề xuất, luật sửa đổi lần này phải dành hẳn một chương riêng về vấn đề tổ chức đình công. “Nếu không quy định chặt chẽ thì công đoàn vẫn chỉ là hình thức, vẫn không bảo vệ được người lao động”, ông Đương nói.
Ở một góc nhìn khác, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng: “Đây là vấn đề khó nhất hiện nay khi chúng tôi điều chỉnh Bộ luật Lao động. Chúng ta đã khẳng định là chỉ đình công về lợi ích, không đình công về quyền. Qua quá trình tổ chức, mới bộc lộ rằng, không phải quy định pháp luật không chặt chẽ mà vấn đề là sự đồng bộ của pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện. Vì gốc rễ là liên quan đến vấn đề lợi ích, như vấn đề tiền lương không đảm bảo thì người lao động lập tức đình công. Mà đây là vai trò, chức năng quản lý của cơ quan Nhà nước về lao động chứ không phải luật đúng hay không đúng”.
Thứ ba, về kinh phí công đoàn
Về vấn đề này, do còn có ý kiến khác nhau nên Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng vẫn đề nghị hai phương án.
Phương án một là theo quy định của dự thảo luật, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động.
Phương án khác là giao Chính phủ quy định cụ thể mức đóng góp với từng loại hình đơn vị, tổ chức doanh nghiệp như luật hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc nêu ý kiến, không nên quy định “cứng” là trích 2% từ tổng quỹ lương thực trả cho người lao động, bởi hiện nay quy mô quỹ lương của nhiều doanh nghiệp, nhất là Tập đoàn kinh tế nhà nước là rất lớn. Không đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Sĩ Lợi đề nghị nên giữ quy định trích 2% quỹ lương, vì dù sao đây cũng là lương của người lao động, để đóng góp cho một tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Thứ tư, về điều kiện thành lập công đoàn cơ sở
Nhiều ý kiến tại hội nghị đề nghị bỏ Điều 6 của dự thảo Luật về quy định từ 20 lao động trở lên được thành lập Công đoàn cơ sở. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, bản chất công đoàn là một tổ chức tự nguyện, vì vậy tiêu chí về số lượng không nên đưa vào luật. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi dẫn chứng, hiện nay số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ có dưới 20 lao động, chiếm tới trên 80% tổng số doanh nghiệp. Do đó, nếu quy định theo Điều 6 của dự thảo Luật là không phù hợp với thực tiễn và trái với nguyên tắc tự nguyện thành lập tổ chức công đoàn.
Thứ năm, về tên gọi của các tổ chức công đoàn
Nhiều đại biểu tham dự hội nghị đề xuất nên thống nhất lại tên gọi của tổ chức công đoàn ở trung ương là Tổng Công đoàn Việt Nam; ở các địa phương là Công đoàn tỉnh (thành phố).
*
* *
Dự thảo luật Công đoàn sẽ còn tiếp tục được hoàn thiện, lấy thêm ý kiến trước khi tiếp tục trình Quốc hội vào kỳ họp thứ ba, tháng 5/2012.