Hà Nội đóng góp xây dựng các dự án Luật Công đoàn và Luật phổ biến giáo dục pháp luật: Phải đưa tới những điều người dân cần

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra vào tháng 5 tới, hôm qua (12-4), Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tổ chức góp ý kiến cho các dự thảo Luật Công đoàn và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

Về dự thảo Luật PBGDPL, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giữ vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước. Đây là công cụ, phương tiện để đưa pháp luật đến với cán bộ, nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Để phát huy được hiệu quả của công tác này cần xây dựng cơ chế quản lý đối với các báo cáo viên pháp luật. UBND các cấp có trách nhiệm bồi dưỡng, tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ này.
Khẳng định vai trò của công tác PBGDPL, tuy nhiên, theo đại diện quận Hà Đông, tại nhiều địa phương, công tác này còn mang tính phong trào, chưa đi sâu vào những nội dung pháp luật thiết thực mà người dân quan tâm. Về hình thức phổ biến đã có sự phong phú, đa dạng nhưng hiệu quả chưa cao. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phổ biến giáo dục pháp luật còn tản mạn, chưa đồng bộ, chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong vấn đề xác định và phân công trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.
Hà Nội đóng góp xây dựng các dự án Luật Công đoàn và Luật phổ biến giáo dục pháp luật: Phải đưa tới những điều người dân cần

(Ảnh: M.Quang)
Về dự thảo Luật Công đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Đặng Minh Thuần cho biết, khi tham gia giải quyết đình công, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hầu như không nhận được yêu cầu từ phía người lao động, mà chủ yếu qua thông tin của công an khu vực, ban quản lý hạ tầng hoặc phòng nhân sự các doanh nghiệp. Do vậy, nên bổ sung khoản 3 Điều 17 dự thảo Luật như sau: Khi phát hiện tranh chấp lao động tập thể (dẫn đến đình công không đúng trình tự pháp luật) có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, thì công đoàn cấp trên trực tiếp thực hiện quyền và trách nhiệm theo Điều 10 của Luật.
Bên cạnh đó cần phân cấp cho chính quyền cấp huyện trong giải quyết đình công bởi nếu theo quy định của dự thảo, khi xảy ra đình công không đúng trình tự pháp luật cần có quyết định của UBND cấp tỉnh, chính quyền cấp huyện và các cơ quan liên quan mới vào cuộc giải quyết thì thời gian giải quyết ổn định quan hệ lao động sẽ không kịp thời.
Đại diện cho các đơn vị ở cơ sở, LĐLĐ quận Cầu Giấy đề xuất, cần  quy định cụ thể số lượng 500 lao động trở lên có 1 cán bộ công đoàn chuyên trách, còn dưới 500 lao động thì tùy điều kiện cụ thể và yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị mà bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách hoặc kiêm nhiệm… Ngoài ra, các ý kiến cũng đề xuất nên có phụ cấp lương cho chủ tịch công đoàn trong doanh nghiệp do công đoàn cấp trên trực tiếp trả để động viên, khuyến khích và để chủ tịch công đoàn có trách nhiệm hơn với hoạt động công đoàn.
 

T.Hải - M.Quang/phapluatxahoi.vn