Góp ý Dự thảo Luật giáo dục đại học (dự thảo lần thứ năm) tại Thành phố Hồ Chí Minh
- 09/02/2012
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật còn nhiều vấn đề bất cập, cần được làm rõ trước khi thông qua. TS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng kiến nghị: “Nên bác luật này, trả về cho cơ quan dự thảo làm lại. Và trong luật chỉ cần quy định những điều chung nhất, những điều là tổ chức, công dân không được làm trong giáo dục ĐH rồi giao cho Chính phủ chi tiết hóa thành những quy định trong các văn bản dưới luật để triển khai”. Đồng tình với ý kiến này, GS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng ĐH Tây Đô) cho rằng: “Một cách khái quát mà nhận định, từ ngữ dùng trong dự thảo luật hiện nay rất rối rắm, đa nghĩa, khó hiểu, đi ngược lại với nguyên tắc “từ ngữ trong luật phải thật chuẩn mực, chính xác và dễ hiểu”. Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình với các ý kiến này.
Các quy định trong dự thảo hiện nay còn nhiều bất cập. Dự thảo hiện nay vẫn đang quy định nhiều khái niệm như phân tầng, phân cấp các loại trường Đại học gây rối rắm, khó hiểu. Dự thảo cũng quy định về khái niệm lợi nhuận - phi lợi nhuận, tuy nhiên lại quy định có chia cổ tức là sai về mặt logic (nếu không lợi nhuận thì không thể chia cổ tức). Có đại biểu kiến nghị, dự thảo nên chia thành các hình thức đại học như sau: Lợi nhuận - phi lợi nhuận và có lợi nhuận một cách hợp lý.
Về các quy định về Hội đồng trường, TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, chúng ta cần có hội đồng trường. Theo đại biểu này, đây là hoạt động quản trị, là hoạt động tách rời rạch ròi giữa hai khái niệm sở hữu và quyền sử dụng. Ở Mỹ có thể có hàng trăm, ngàn người tham gia hội đồng trường để đại diện cho quyền lợi người học, bảo vệ quyền lợi tự chủ cho nhà trường. Cũng theo Tiến sĩ, không nên quy định hiệu trưởng là chủ tịch hội đồng trường.
Về vấn đề quản lý chất lượng đào tạo, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, nên thành lập các trường đại học hoặc cao đẳng cộng đồng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề, lao động phổ thông cho địa phương. Theo Giáo sư, quản lý nhà nước về giáo dục đại học hiện nay siết quá chặt về đầu vào của các đơn vị đào tạo nhưng lại thả lỏng đầu ra. Và điều này đang đi ngược lại xu hướng chung của nhiều nước phát triển trên thế giới. Các đại biểu đều cho rằng, quản lý nhà nước cần giảm bớt việc can thiệp vào các hoạt động vi mô của trường và cần kết hợp với các hội nghề nghiệp để đưa ra một chuẩn chung quốc gia về chu ẩnchung từng ngành, nghề.
(Thể Uyên, Báo Lao động)