Góp ý dự thảo Luật Công đoàn: Cần cụ thể hóa các quy định
- 18/11/2011
Dự thảo sửa đổi Luật Công đoàn (CĐ) đã được bổ sung nhiều quy định mới nhưng vẫn chưa đầy đủ và còn chung chung... Dự thảo gồm 6 chương, 32 điều đang được các cơ quan chức năng lấy ý kiến đóng góp để Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 5 tới đây. So với Luật CĐ năm 1990 (gồm 17 điều), dự thảo lần này đã quy định khá chi tiết, cụ thể về chức năng, quyền hạn của tổ chức CĐ trong hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ).
Bổ sung khái niệm CĐ ngành
Điều 4 của dự thảo gồm 10 khoản giải thích từ ngữ, trong đó có những khái niệm rất mới như: quyền CĐ; tranh chấp về quyền CĐ. Việc làm rõ những khái niệm này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động CĐ cũng như dễ dàng giải quyết tranh chấp nếu có. Ngoài ra, trong điều 4 cũng đưa ra nhiều khái niệm khác. Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ CĐ TPHCM, trong điều 4 cần có thêm khái niệm về “CĐ ngành” cho phù hợp với quy định tại điều 7 về tổ chức CĐ Việt Nam.
Thực tế cho thấy khi xây dựng dự thảo “Thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may”, một điểm khiến các cơ quan chức năng lúng túng là chưa có khái niệm CĐ ngành. Vì vậy, dự thảo cần có thêm khái niệm về “CĐ ngành” để sau này khi xây dựng các thỏa ước CĐ ngành khác, các cơ quan chức năng khỏi lúng túng.
Có cơ chế đối thoại
Điều 12 của dự thảo quy định 7 quyền, trách nhiệm của CĐ trong việc đại diện bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ. Khoản 1 điều 12 quy định: “Hỗ trợ và hướng dẫn NLĐ giao kết, thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động”. Thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp (DN), cơ quan, tổ chức khi tuyển dụng lao động vào làm không giao kết HĐLĐ. Đối với những trường hợp này, NLĐ rất lúng túng khi có tranh chấp xảy ra. Vì vậy, dự luật cần bổ sung quy định: “CĐ hỗ trợ và hướng dẫn NLĐ thực hiện quan hệ lao động đúng pháp luật”.
Đầu tháng 3 vừa qua, CĐ Công ty TNHH Vận tải hỗn hợp Việt Nhật số 1, khi phát hiện chủ DN “treo” kinh phí CĐ; xây dựng thang, bảng lương chưa phù hợp, không trả tiền phép năm đầy đủ cho NLĐ, trả tiền lãi thế chân phương tiện không hợp lý... đã yêu cầu ban giám đốc đối thoại, trả lời. Kết quả của cuộc đối thoại đã bảo vệ được quyền lợi của CĐ, NLĐ và ngăn ngừa được tranh chấp có thể xảy ra. Vì vậy, theo ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, khoản 3, điều 12 cần quy định thêm: “Khi phát hiện quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ bị xâm hại hoặc tụt giảm do lỗi của người sử dụng lao động (NSDLĐ) hoặc điều kiện khách quan, CĐ cơ sở hoặc cấp trên cơ sở có quyền yêu cầu NSDLĐ đối thoại giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của NLĐ”.
Đồng thời, tại điều 28 về “sử dụng, quản lý tài chính CĐ” cần bổ sung quy định: “Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN sử dụng lao động, NSDLĐ can thiệp việc quản lý, chi tiêu tài chính CĐ”. Bởi thực tế đã có nhiều đơn vị dù có trích kinh phí CĐ nhưng lại quản lý chặt chẽ, CĐ muốn tiêu tiền của mình phải “xin phép” DN.
Bố trí việc khác khi hết HĐLĐ
Thời gian qua, có nhiều cán bộ CĐ, do tích cực hoạt động CĐ hay bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ nên không được tiếp tục giao kết HĐLĐ khi hết hạn. Điều này đã ngăn trở hoạt động CĐ. Dự thảo lần này đã đưa hẳn ra một điều luật (điều 26) về bảo đảm quyền của cán bộ CĐ, trong đó, khoản 1 quy định: “Trường hợp HĐLĐ, hợp đồng làm việc hết hạn mà NLĐ đang trong nhiệm kỳ tham gia ban chấp hành CĐ cơ sở thì mặc nhiên được tiếp tục thực hiện hợp đồng hết nhiệm kỳ”.
Thực tế, có những HĐLĐ khi hết hạn, công việc vẫn còn và cần người để làm tiếp. Nhưng cũng có công việc khi hết hạn HĐLĐ cũng là hết việc. Lúc này, NLĐ không thể “ngồi không” để tiếp tục thực hiện hợp đồng hết nhiệm kỳ được. Vì vậy, cần bổ sung trong trường hợp hết HĐLĐ mà hết công việc ghi trong HĐLĐ thì NSDLĐ có trách nhiệm bố trí, thỏa thuận với NLĐ làm công việc khác có tiền lương, điều kiện lao động tương ứng cho đến hết nhiệm kỳ ban chấp hành CĐ.
Một số điều khoản cần bổ sung
- Khoản 4, điều 13 cần bổ sung vai trò của CĐ trong việc phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng các tiêu chuẩn, quy phạm an toàn về vệ sinh thực phẩm bữa ăn giữa ca của NLĐ bởi thực tế có rất nhiều DN không chú trọng đến chất lượng bữa ăn giữa ca do chưa có chuẩn mực bắt buộc, đây cũng là nguyên nhân xảy ra nhiều cuộc tranh chấp dẫn tới ngừng việc.
- Khoản 2, điều 23 cần bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN phải trao đổi, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, trung thực liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN với CĐ. Việc thông tin chính xác, trung thực tạo điều kiện để CĐ hiểu rõ hơn về tình hình của cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN, trên cơ sở đó có thể đưa ra các thỏa ước lao động tập thể phù hợp điều kiện thực tế hoặc vận động NLĐ chia sẻ tại thời điểm DN khó khăn