Góp ý Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi): Đừng biến công đoàn thành “cánh tay nối dài” của giới chủ

Ngày 20-4-2012, Khối tư vấn Kinh tế (UBMTTQ TP.Hồ Chí Minh) phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị góp ý dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Tại đây, đại diện công đoàn nhiều doanh nghiệp đã tới dự và đưa ra những ý kiến hết sức thiết thực.
Điều chỉnh luật cho hợp lý
 
Theo Điều 1 Luật Công đoàn thì công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân, của người lao động tự nguyện lập ra và dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, công đoàn thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia kiểm tra giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, tuyên truyền vận động người lao động học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Góp ý Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi): Đừng biến công đoàn thành “cánh tay nối dài” của giới chủ
 
Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị (Ảnh Đại đoàn Kết)
Quy định là vậy, nhưng theo ông Trần Thiện Tứ, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban quản lý KCX – KCN TP.Hồ Chí Minh, vai trò của công đoàn ở nước ta dường như lập ra cho có và thường hoạt động không hiệu quả. Chúng ta đã được nghe, được thấy nhiều đơn vị có sai phạm lớn với người lao động, tuy nhiên tôi ít thấy công đoàn tổ chức để người lao động đình công, mà hầu hết các vụ đình công đều tự phát khi những bức xúc của người lao động đã lên đỉnh điểm. Do vậy, người lao động ở những đơn vị này quá lẻ loi, không ai bảo vệ. Ông Tứ đề nghị, cần sớm hoàn thiện Luật Công đoàn đủ mạnh để bảo vệ công nhân. Ngoài nguyên nhân luật quy định chưa rõ ràng, chưa có chế tài hợp lý, các đại biểu còn cho rằng, hoạt động công đoàn chưa hiệu quả còn có nguyên nhân quan trọng là công đoàn do chính đơn vị đó lập nên, họ không tự chủ được tài chính, hay nói cụ thể hơn là họ sống bằng đồng lương do đơn vị đó trả nên những người làm công đoàn rất khó đứng về phía người lao động được.
 
Để hạn chế tình trạng này nhiều đại biểu cho rằng có một phương pháp, hiệu quả nhất là: Đề nghị các doanh nghiệp chuyển tiền cho một cơ quan đại diện nhà nước, sau đó người làm công đoàn nhận lương thông qua cơ quan đại diện của mình, thay vì nhận trực tiếp từ đơn vị chủ quản như trước đây.
 
Các đại biểu cũng nhất trí quy định công đoàn cấp trên có quyền và trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động ở các cơ quan, tổ chức đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập được tổ chức công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế cần phải có hành lang pháp lý để nhanh chóng thành lập công đoàn cơ sở và quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động trong việc phối hợp, hỗ trợ tổ chức công đoàn thành lập và hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Minh Trang, Tổng Công ty văn hóa Sài Gòn đề nghị, đơn vị đủ số lượng lao động theo quy định thì phải tổ chức ngay công đoàn, không nhất thiết phải 6 tháng hoạt động như quy định để đảm bảo quyền lợi của người lao động ngay từ đầu. Đồng thời, sau 6 tháng mà đơn vị hoạt động không có tổ chức công đoàn thì phải có biện pháp xử lý, nhưng vấn đề này hiện nay cũng chưa rõ ràng.
 
Nên cho phép lao động nước ngoài tham gia công đoàn
 
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay có hàng chục ngàn lao động nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tại các doanh nghiệp của Việt Nam. Trên thực tế, tại một số đơn vị quan hệ giữa lao động là người nước ngoài với chủ sử dụng lao động đã có phát sinh mâu thuẫn. Các đại biểu cho rằng, trong những trường hợp như vậy, nếu họ được tham gia công đoàn thì sẽ thuận lợi hơn để công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Hơn nữa, việc cho phép lao động là người nước ngoài được gia nhập công đoàn thể hiện tính ưu việt của nhà nước đối với người lao động.
 
Đồng tình với những quan điểm trên, ông Đỗ Hướng Dương, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận cho rằng, lao động nước ngoài tại Việt Nam đa phần là các chuyên gia có trình độ, am hiểu về luật công đoàn nước họ và của thế giới, nếu tạo điều kiện để họ tham gia công đoàn thì họ sẽ đóng góp rất nhiều cho công đoàn Việt Nam, đặc biệt là người lao động Việt Nam cũng sẽ học hỏi được nhiều điều ở họ.

 

Quốc Định/Đại đoàn kết