Giữ hay bỏ giám định tư pháp của Công An tỉnh

Chiều 10/01/2012, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Giám định tư pháp. Tại phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về 4 vấn đề lớn gồm: (i) quyền yêu cầu giám định tư pháp của đương sự; (ii) cơ cấu tổ chức của các tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y và pháp y tâm thần; (iii) phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp; (iv) giải quyết trường hợp có mẫu thuẫn giữa kết luận giám định lần đầu và giám định lại.

Vấn đề được thảo luận sôi nổi và có nhiều ý kiến trái chiều chính là cơ cấu tổ chức của các tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y. Kết quả tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường tại kỳ họp thứ 2 cho thấy có 63 ý kiến không nhất trí quy định của dự thảo luật về bỏ mô hình giám định pháp y thuộc Công an tỉnh. Trong khi đó, chỉ có 31 ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo luật là bỏ mô hình giám định pháp y thuộc Công an tỉnh, tập trung vào trung tâm giám định pháp y thuộc ngành Y tế.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng không thể bỏ giám định pháp y thuộc Công an tỉnh. Thực tiễn nhiều năm qua, hoạt động giám định tư pháp của đội ngũ giám định viên pháp y thuộc Công an cấp tỉnh đang phát huy hiệu quả, phục vụ kịp thời cho hoạt động tố tụng. Việc tồn tại đội ngũ giám định viên pháp y tại các Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh là giải pháp hữu hiệu trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Một số ý kiến khác nhất trí với quan điểm của cơ quan trình và cơ quan thẩm tra. Theo đó, hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y gồm Viện Pháp y Quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm giám định pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc ngành Y tế; Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an. Theo quy định này, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) sẽ không còn Giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh mà tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chức năng thành lập đoàn công tác liên ngành, đi khảo sát tại các địa phương để nắm bắt tình hình, cung cấp đầy đủ thông tin cho thường vụ Quốc hội và Quốc hội trước khi xem xét, thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2012).

Duthaoonline/Tổng hợp