Giải pháp gỡ “ngòi nổ” đình công

Sáng 23.5, dự án luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động - Bộ luật Lao động (sửa đổi) - sau khi được tiếp thu, chỉnh lý từ kỳ họp trước đã được đưa ra Quốc hội thảo luận. Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày “Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)” và tiến hành thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo luật.

So với dự thảo BLLĐ (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai (gồm 17 chương, 273 điều), dự thảo lần này ít hơn 29 điều do đã bỏ hoặc lồng ghép vào quy định của các điều khác, đồng thời bổ sung thêm 5 điều mới: “Điều 26 về thử việc”; “Điều 64 về mục đích, hình thức đối thoại tại nơi làm việc”; “Điều 65 về nội dung của đối thoại”; “Điều 66 về tiến hành đối thoại tại nơi làm việc”; “Điều 140 về nghĩa vụ của người lao động đối với công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động” và “Điều 213 về trình tự đình công”.

Không cho phép tăng giờ làm thêm

Một trong các vấn đề nổi lên của dự thảo BLLĐ (sửa đổi) trình kỳ họp thứ hai QH khóa XIII gây nhiều ý kiến khác nhau là quy định tăng giờ làm thêm tối đa với tất cả các nhóm ngành nghề lên 360 giờ/năm (BLLĐ hiện hành quy định thời gian làm thêm tối đa không quá 200 giờ/năm, trong một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì người sử dụng LĐ mới được huy động không quá 300 giờ/năm).

Đây là điều khoản liên quan trực tiếp đến quyền lợi của hàng triệu người LĐ, nhất là nữ CN trong các ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản... Nếu so sánh với thời giờ làm việc của cán bộ công chức, thì một tháng người công nhân đã phải làm việc nhiều hơn ít nhất 32 giờ. Nếu cho phép giờ làm thêm tối đa tăng lên 30 giờ/tháng (tức 360 giờ/năm - tương đương 45 ngày làm việc) với tất cả các ngành nghề thì NLĐ quanh năm chỉ tối mắt, tối mũi làm việc, còn đâu thời gian để học tập nâng cao trình độ, vui chơi giải trí, chăm lo gia đình (?!).

 

Giải pháp gỡ “ngòi nổ” đình công
Công nhân trên công trường xây dựng thuỷ điện Sơn La. Ảnh: KỲ ANH

Tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng

Về chính sách đối với lao động nữ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án 1 (quy định: Người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng). Trong điều kiện hiện nay, nếu thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng, theo tính toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội thì Quỹ Bảo hiểm xã hội có thể cân đối được.

Vì vậy, tại kỳ họp thứ ba QH khóa XIII lần này, quy định giờ làm thêm trong dự thảo bộ luật đã được điều chỉnh theo hướng “không cho phép tăng giờ làm thêm”. Đại biểu Cù Thị Hậu (đoàn Hưng Yên)- nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, phát biểu: “Tôi đã từng làm công nhân và cán bộ CĐ 45 năm. Tôi biết rất rõ việc tăng giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng xấu đến bản thân người CN (nhất là LĐ nữ) là như thế nào! Vì vậy, không tăng giờ làm thêm là đúng”.

Phương án được UB Thường vụ QH đưa ra và ưu tiên lựa chọn là giữ nguyên như BLLĐ hiện hành (nghĩa là quy định thời gian làm thêm tối đa không quá 200 giờ/năm, trong một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì người sử dụng LĐ mới được huy động không quá 300 giờ/năm) đã được đa số đại biểu QH đồng tình.

Theo Chủ nhiệm UBCVĐXH của QH Trương Thị Mai, quy định này phù hợp với điều kiện và thể chất của NLĐ VN, tạo cơ hội việc làm cho nhiều NLĐ, khuyến khích các DN đầu tư đổi mới công nghệ và năng lực quản trị. Việc kéo dài thời giờ làm thêm là chưa phù hợp với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề của NLĐ và giá trị sản phẩm tăng lên thì thời giờ làm việc phải giảm dần nhằm bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ.

Quy định đối thoại tại nơi làm việc

Đại biểu Trần Thanh Hải (đoàn TPHCM) cho rằng, điểm mới trong dự thảo bộ luật lần này là quy định “đối thoại tại nơi làm việc” giữa NLĐ với người sử dụng LĐ. ĐB khẳng định: “Đây sẽ là giải pháp tốt để tháo gỡ các “ngòi nổ” về tranh chấp LĐ và đình công đang gia tăng hiện nay”. Nội dung đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể (từ điều 64 đến điều 90) và Công đoàn (từ điều 190 đến điều 195) là một trong 8 nhóm vấn đề lớn được bổ sung, chỉnh sửa trong dự thảo BLLĐ (sửa đổi) so với lần trình ra kỳ họp QH lần trước.

Báo cáo của UB Thường vụ QH cho rằng, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã quy định về đối thoại tại nơi làm việc thông qua cơ chế hội đồng xí nghiệp, tập đoàn (Đức), hội đồng quản lý doanh nghiệp (Hàn Quốc). Ở nước ta, trước năm 1984 cũng đã có những quy định về vấn đề này. Đối thoại tại nơi làm việc là vấn đề cốt lõi trong thương lượng và là tiền đề xây dựng quan hệ lao động hài hòa, giải quyết các vướng mắc, tranh chấp ở cơ sở ngay từ đầu.

Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, dự thảo bộ luật trong lần trình này đã bổ sung thêm 3 điều quy định về đối thoại tại nơi làm việc, đó là: Mục đích, hình thức đối thoại tại nơi làm việc (điều 64), nội dung của đối thoại (điều 65) và tiến hành đối thoại tại nơi làm việc (điều 66) thành một mục quy định về đối thoại tại nơi làm việc tại chương V của BLLĐ (sửa đổi), đồng thời đổi tên chương này thành: “Chương V: Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể và thỏa ước lao động tập thể”.

Chủ nhiệm UBCVĐXH của QH Trương Thị Mai khẳng định: Các quy định về thương lượng và TƯLĐTT đã được chỉnh lý cụ thể hơn thông qua việc quy định thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc nhằm thúc đẩy đối thoại, thương lượng, trao đổi thông tin giữa người SDLĐ và NLĐ trên nguyên tắc bình đẳng, thiện chí, hợp tác, công khai, minh bạch nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Ngoài ra, dự thảo bộ luật đã bổ sung một số nội dung cần thiết, bao gồm: Quy định nguyên tắc để xác lập TƯLĐTT ngành, quy định về đại diện người SDLĐ, đại diện tập thể NLĐ trong TƯLĐTT ngành. Bổ sung thêm nguyên tắc về quan hệ giữa TƯLĐTT ngành với TƯLĐTT doanh nghiệp để phù hợp với tình hình thực tiễn. Cũng theo bà Mai, các quy định về CĐ trong BLLĐ (sửa đổi) đã được rà soát và chỉnh lý để thống nhất với dự thảo Luật CĐ (sửa đổi). Dự thảo BLLĐ chỉ quy định các nội dung có liên quan trực tiếp đến vai trò của CĐ trong quan hệ lao động, còn các quy định liên quan đến tổ chức, thành lập, quyền lợi của cán bộ CĐ... đã được quy định tại dự thảo Luật CĐ (sửa đổi).

Tiền lương phải được coi là “giá cả sức LĐ”

Quy định về tiền lương và mức lương tối thiểu (tại điều 91, điều 92 BLLĐ sửa đổi), thang bảng lương trong DN... được nhiều đại biểu QH nêu ý kiến đóng góp trong phiên thảo luận. Nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu để bổ sung các quy định cụ thể về tiền lương. Tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, dự thảo bộ luật đã chỉnh lý theo hướng quy định rõ khái niệm về tiền lương để thống nhất cách hiểu về tiền lương, cơ cấu tiền lương, nguyên tắc cơ bản để trả lương và bắt buộc mức lương trả cho NLĐ không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định. Tiền lương trả cho NLĐ căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc. Người SDLĐ phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với NLĐ làm công việc có giá trị ngang nhau.

Nhiều ý kiến đại biểu QH đề nghị tiếp tục làm rõ vai trò của Nhà nước đối với tiền lương trong cơ chế thị trường, thông qua việc sử dụng công cụ “mức tiền lương tối thiểu” để quản lý và điều tiết tiền lương phù hợp với thị trường lao động.

Đại biểu Trần Thanh Hải (đoàn TPHCM) đề nghị không được xem nhẹ vai trò quản lý nhà nước đối với thang, bảng lương trong DN. Về nguyên tắc, tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Chính phủ cần phải điều chỉnh mức lương tối thiểu khi chỉ số giá sinh hoạt tăng cao làm cơ sở cho các DN điều chỉnh tiền lương kịp thời nhằm bảo vệ NLĐ, hài hòa được lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động.

Dự thảo bộ luật cũng quy định về Hội đồng tiền lương quốc gia (điều 94) với thành phần đại diện của các bên (đại diện NLĐ, đại diện người SDLĐ, cơ quan quản lý NN) thực hiện chức năng tư vấn, thẩm định, đề xuất với cơ quan quản lý NN về mức tiền lương tối thiểu, tham gia xây dựng chính sách tiền lương quốc gia... “Hội đồng quốc gia về tiền lương” là cơ chế mới so với BLLĐ hiện hành.

Giải pháp gỡ “ngòi nổ” đình côngMong mỏi của người lao động là có hợp đồng lao động dài hạn

“Tất cả người LĐ đều mong muốn có công ăn, việc làm ổn định, gắn bó lâu dài với DN. Vì vậy, họ mong được ký loại hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn với chủ DN, chứ không phải là một chuỗi các hợp đồng ngắn hạn. Nếu quy định mức tối đa sau 6 năm giao kết HĐLĐ ngắn hạn (72 tháng), người LĐ mới được ký HĐLĐ không xác định thời hạn thì rõ ràng đã không tạo cơ hội cho NLĐ có việc làm ổn định, gắn bó lâu dài với DN. Đối với lao động nữ, nhất là trong các ngành dệt - may, da - giày, chế biến thủy sản... thì với khoảng thời gian 6 năm làm việc thôi đã khiến cho họ bị suy giảm sức khỏe, qua tuổi thanh xuân một cách nhanh chóng...”.

(Trích phát biểu của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng tại phiên thảo luận của Quốc hội về BLLĐ (sửa đổi) sáng 23.5)

Tuổi hưu lao động nữ cơ bản vẫn giữ như hiện hành Giải pháp gỡ “ngòi nổ” đình công
“Quy định về tuổi nghỉ hưu như dự thảo BLLĐ cơ bản giữ như hiện hành, nhưng đã cho phép có thể điều chỉnh đối với nhóm LĐ làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo do bị suy giảm sức LĐ được nghỉ hưu trước thời gian quy định. Đồng thời, quy định cụ thể thời gian tăng tuổi nghỉ hưu đối với nhóm LĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; nhóm LĐ làm công tác quản lý theo hướng có thể kéo dài thời gian làm việc (nhưng không quá 5 năm) nếu tự nguyện, có sức khỏe và nhu cầu lao động. Tùy theo điều kiện trong từng giai đoạn, Chính phủ có thể xem xét quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của các nhóm LĐ này, tạo điều kiện thực tiễn để xem xét tổng thể tuổi nghỉ hưu trong tương lai”.

(Trích phát biểu của Chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý BLLĐ (sửa đổi) tại Quốc hội sáng 23.5) 


Quang Chính/Báo Điện tử Lao động