Dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân: Xa với thực tiễn
- 12/03/2012
Không theo sát đời sống
Điểm sửa đổi được nhiều người chờ đợi nhất chính là mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tăng cao trong 4 năm trở lại đây. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, mức khởi điểm chịu thuế TNCN sẽ được nâng từ 4 triệu đồng/tháng hiện nay lên 6 triệu đồng/tháng, tương đương 78 triệu đồng/năm; Với người phụ thuộc (như cha mẹ, người già, người tàn tật, vợ hay con nhỏ…) mỗi cá nhân sẽ được giảm trừ 2,4 triệu thay vì 1,6 triệu đồng mỗi tháng hiện nay. Tuy nhiên, nội dung sửa đổi này chỉ chính thức áp dụng từ năm 2014. Đây là điều bức xúc của người nộp thuế và cả những chuyên gia theo dõi thuế.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, mốc thời gian áp dụng như trên chưa hợp lý, bởi không phù hợp với những gì đang diễn ra trong đời sống hằng ngày. Trong khi với mức chịu thuế là 4 triệu đồng và mức giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng như hiện nay với nhiều người có mức thu nhập trung bình đã bất hợp lý. Vậy mà biểu thuế mới đến năm 2014 mới áp dụng, lúc đó đã quá… lạc hậu.
Một điểm chưa hợp lý nữa là mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) hiện nay không tính đến khu vực, có nghĩa là ở nông thôn, thành thị, đồng bằng hay miền núi đều áp dụng như nhau, trong khi thực tế cho thấy mức chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày của một cá nhân ở thành thị lớn hơn rất nhiều so với ở nông thôn và miền núi. Mặt khác, việc xác nhận hành chính (ở cấp chính quyền địa phương hoặc cơ quan) về quan hệ và thực tế đã tính thuế hay chưa của người phụ thuộc gây nhiều phiền toái, khó chính xác cho cả người nộp thuế, lẫn cơ quan thu thuế…
Bà Trịnh Thị Hồng Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam chia sẻ: "Mỗi năm trượt giá tăng giảm khác nhau và rất nhiều năm, lạm phát vượt xa nhiều so với dự báo nên không thể đưa ra một con số tuyệt đối. Đó là lý do, nhiều người kỳ vọng, sau một thời gian dài nghiên cứu, dự thảo lần này sẽ thay đổi cơ bản trong cách tính, không phải đưa ra con số tuyệt đối như nói trên".
(Nguồn: Ảnh Hải Linh, Báo Kinh tế và Đô thị)
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng: "Cách hay nhất là dựa theo một tiêu chí nào đó như mức lương tối thiểu và biến động theo đó. Lý do, hiện nay lương tối thiểu của Việt Nam được chia cụ thể theo 5 vùng và 3 khu vực, người nộp thuế nằm ở khu vực nào, vùng nào thì điều chỉnh theo khu vực đó".
Sửa chưa hợp lý
Hiện nay, biểu thuế luỹ tiến từng phần đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh gồm 7 bậc. Bậc 1 có thu nhập đến 5 triệu đồng/người/tháng bị áp thuế 5%, cao nhất là 80 triệu đồng/người/tháng với thuế suất 35%. Theo dự thảo luật sửa đổi, bổ sung, biểu thuế này sẽ chỉ còn 6 bậc (loại bỏ bậc cao nhất - 35%). Thuế suất cao nhất áp dụng là mức 30% cho thu nhập từ 52 triệu trở lên.
Nhiều ý kiến cho rằng, cách điều chỉnh này chỉ tác động đến những cá nhân có thu nhập cao, trên 80 triệu đồng/tháng, còn những người có thu nhập ở mức thấp hơn vẫn chịu áp lực do biểu thuế suất quá dày, thu nhập chỉ vừa nhích lên đã rơi vào bậc thuế khác. Phân tích các bậc thuế "sát nút" nhau, bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, dẫn chứng, từ 0 - 5 triệu đồng có thuế suất 5%, 5 -10 triệu đồng là 10%... khiến mức độ điều tiết tăng nhanh, tức số tiền nộp cao. "Bỏ mức thuế suất 35% không quan trọng bằng việc nới rộng khoảng cách giữa các mức thuế, bởi nó sẽ có ảnh hưởng đến nhiều người nộp thuế hơn, hoặc có thể giảm mức thuế suất bậc 1 từ 5% xuống 3%... Đây cũng là một cách để hỗ trợ cho những người nộp thuế, kể cả những người có mức thuế nộp hiện hành tương đối cao" - bà Cúc nói.
Sửa luật là cần thiết, nhưng khi chính sách thuế TNCN còn chưa nhận được sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp dân chúng sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Qua 3 năm thực hiện luật Thuế TNCN, đã có trên 15 triệu cá nhân được cấp mã số thuế (12,6 triệu cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và từ thu nhập khác; 3,2 triệu cá nhân có thu nhập từ kinh doanh). Số thu ngân sách năm 2009 tăng 110% so với 2008 chiếm 3,4% tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN), tương tự năm 2010 bằng 183,6% so thực hiện 2009 và chiếm 4,7% tổng thu NSNN, năm 2011 số thu ước bằng 141,38%, chiếm khoảng 5,5% tổng thu NSNN. |