Dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động: Nhiều điểm sai cơ bản!

Trong 2 ngày (15 và 16.6), tại TPHCM, Tổng LĐLĐVN đã triệu tập hội nghị với đại diện tổ chức CĐ của 31 tỉnh phía nam và CĐ ngành T.Ư, để góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động (viết tắt là DT) sẽ trình Quốc hội thứ XIII vào năm 2012.Theo nhận định chung của các đại biểu, DT gồm 17 chương với 275 điều, nhìn về hình thức “khá đẹp”, nhưng xét nội dung thì nhiều điểm sai cơ bản!

Ban đại diện để bảo vệ ai?
Điểm nổi bật được DT đưa ra mà ai cũng quan tâm, đó là “Ban đại diện tập thể lao động”, được thực hiện tất cả các quyền của CĐ về đại diện NLĐ, đây thực chất là một tổ chức CĐ thứ hai. Thoạt nghe, ai cũng ngỡ khi ban đại diện ra đời sẽ phát huy được dân chủ và NLĐ có thêm chỗ dựa. Thế nhưng, khi đọc kỹ DT mới thấy việc ra đời ban đại diện sẽ dễ xảy ra nhiều chuyện phức tạp. Cụ thể, cái gọi “ban đại diện” là để đại diện cho “tập thể lao động”. Tuy nhiên, tại khoản 3, điều 3 của DT đã giải thích “tập thể lao động” bao gồm cả những NLĐ làm việc trong một bộ phận DN.
Câu hỏi đặt ra là, trong một Cty (ngành may) có cả ngàn NLĐ, thì một tổ KCS gồm 12 người, hoặc một tổ cơ điện 3 người (đây là các bộ phận của Cty) có phải “tập thể lao động”? Ý nghĩa câu hỏi trên hết sức quan trọng, bởi nó quyết định hàng loạt các quy phạm pháp luật trong DT có liên quan đến ban đại diện khi thực hiện vai trò đại diện tập thể NLĐ trong thương lượng hoặc tranh chấp với người sử dụng lao động (NSDLĐ) để xác lập các điều kiện lao động mới như: Xây dựng hoặc sửa đổi bổ sung thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, tiền thưởng, thu nhập, định mức lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bữa ăn giữa ca và các phúc lợi khác...Căn cứ các tài liệu của ILO từ những năm 1987 khi mới khởi sự giúp VN xây dựng BLLĐ 1994, thì đã gọi “tập thể lao động” tiên quyết phải hội đủ 3 yếu tố, đó là có tổ chức, có người đại diện, để đấu tranh đòi lợi ích tập thể. Về “tổ chức”, cái gọi ban đại diện được ra đời theo quy định tại các điều 202, 203, 205 của DT phụ thuộc hoàn toàn vào sự quyết định  của NSDLĐ, bởi lúc này NSDLĐ có toàn quyền tổ chức hoặc không tổ chức hội nghị NLĐ để bầu ban đại diện. Đặc biệt, khi tổ chức hội nghị “đại biểu NLĐ” để bầu ban đại diện, NSDLĐ có toàn quyền “múa may”.
Còn trong trường hợp không tổ chức được hội nghị NLĐ thì DT cho phép “lấy chữ ký ủng hộ của NLĐ”(?!). Vậy, ai đứng ra tổ chức lấy chữ ký NLĐ thành lập ban đại diện? Tóm lại,  xét mặt “tổ chức” thì việc ra đời ban đại diện không phải để bảo vệ NLĐ, mà nhằm tăng vây cánh cho NSDLĐ, chưa kể trong một DN có quá nhiều ban đại diện ở các bộ phận kiểu “năm cha, ba mẹ” thì sẽ rất phức tạp!
Thiếu điều kiện cho người lao động phát triểnTại hội nghị, các đại biểu còn phát hiện DT có rất nhiều điểm đi ngược sự phát triển của xã hội, cụ thể: Cách nay 125 năm, Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Cộng sản II do Ăngghen lãnh đạo đã lấy ngày 1.5 là ngày Quốc tế Lao động với khẩu hiệu: “8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi”, theo đó cả thế giới đã thực hiện ngày làm việc 8 giờ.Tại VN, khi xây dựng BLLĐ cũng đã quy định rõ “ngày làm việc 8 giờ”, trường hợp phải làm thêm cũng không quá 200 giờ/năm. Thế nhưng, DT này lại tăng thời gian làm thêm lên 432 giờ/năm. Con người “tồn tại” phải được đáp ứng 3 nhu cầu tối thiểu, gồm: Có cơm ăn, có áo mặc, có chỗ ở. Nhưng để con người “phát triển” thì phải được đáp ứng  5 nhu cầu cơ bản, đó là: Được giáo dục, được chăm sóc y tế,  được thông tin, được hưởng an sinh xã hội, và được vui chơi giải trí.Theo đó, Điều 56 BLLĐ đã quy định về tiền lương tối thiểu như sau: “Mức lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản xuất sức lao động mở rộng và được dùng làm căn cứ để tính các mức lương cho các loại lao động khác”.  Thế nhưng, trong DT lần này đã bỏ hẳn quy định về “...bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích lũy...” trong phần lương tối thiểu, có nghĩa NLĐ chỉ được “tồn tại” chứ không dám... mơ được “phát triển”.Chưa hết, điều 198 của DT có một quy định hết sức khó hiểu, đó là: NLĐ thuộc khu vực quản lý nhà nước và hành chính sự nghiệp nghỉ hưu ở tuổi 62 đối với nam, 60 đối với nữ, trong khi NLĐ ở khu vực khác vẫn nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Điều này thật không ổn, bởi lẽ: Ở các khu vực quản lý nhà nước và hành chính sự nghiệp cũng có nhiều NLĐ làm việc bằng HĐLĐ như ở DN, vậy vì sao nam 62 tuổi và nữ 60 tuổi mới được nghỉ hưu? Còn nếu quy định này nhằm kéo dài tuổi hưu cho những người có quyền chức thì lầm to, bởi họ làm việc bằng chế độ điều động bổ nhiệm (không phải NLĐ làm việc bằng HĐLĐ) và đã được điều chỉnh bởi Luật Cán bộ công chức.

 

Dương Minh Đức/http://congdoan.most.gov.vn