Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi: Không công bằng cho các Doanh nghiệp dệt may
- 04/05/2012
Theo Dự thảo, Quy định "Kinh phí Công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động" sẽ làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp (DN), làm giảm khả năng cạnh tranh của DN dệt may - những doanh nghiệp sử dụng số lượng lao động rất lớn. Trên thực tế, các DN nhỏ cũng sử dụng từ 300-500 công nhân, DN lớn từ 2000-20.000 công nhân. Với mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng hiện nay thì với mức trích nộp 2% cho Công đoàn, mỗi một năm DN nhỏ phải đóng từ 250-420 triệu đồng, DN lớn phải đóng từ 1,6 tỷ đồng – 3,5 tỷ đồng/năm. Số tiền này quá lớn và càng lớn khi nhà nước vẫn tiếp tục tăng lương tối thiểu như hiện nay. Trong khi đó, các DN đang đói vốn và phải đi vay lãi cao để duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động (NLĐ).
Theo các chuyên gia, bản chất của các tổ chức xã hội là trên tinh thần tự nguyện, các hội viên đóng hội phí để duy trì hoạt động hội phù hợp với lợi ích của hội viên. Tổ chức Công đoàn hoạt động chăm lo đời sống cho NLĐ, vì vậy NLĐ đóng góp phí là hợp lẽ. Tổ chức Công đoàn sử dụng nguồn phí do NLĐ đóng để hoạt động, thì phải có trách nhiệm với NLĐ về kết quả hoạt động của mình, trên tinh thần bình đẳng. Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn không phải là tổ chức xã hội thuần túy, mà là tổ chức chính trị-xã hội. Vì vậy, theo quy định sẽ có ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của Công đoàn, không lý gì DN phải gánh tất cả làm tăng sức ép chi phí cho họ. Mặt khác, sự khác nhau trong quy định đóng phí Công đoàn cho DN trong nước và DN FDI dẫn tới sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. DN trong nước phải đóng mức phí Công đoàn là 2%, trong khi DN FDI chỉ phải đóng 1%. Vấn đề phí Công đoàn nên được luật hóa để các DN được bình đẳng như nhau.
Thời gian qua, thị trường sụt giảm mạnh, các DN phải đau đầu điều chỉnh các khoản đầu vào để làm sao vẫn lo đủ việc làm cho NLĐ. Thậm chí không ít DN đã phải đóng cửa bởi các chi phí tăng cao, do vậy điều cốt lõi vẫn là làm sao để DN sống khỏe. Trong tình hình này, Luật Công đoàn cũng nên điều chỉnh sao cho có được giải pháp hợp lý cho DN tiếp tục tồn tại và phát triển.
DN đã có Thỏa ước lao động tập thể, trong đó người sử dụng lao động cam kết có nghĩa vụ chăm lo cho NLĐ, nhiều DN may đã xây nhà ở cho công nhân, xây cả nhà trẻ cho con em NLĐ. Như vậy là họ đã chăm lo thiết thực cho NLĐ! Vậy thì mức phí 1% hoặc 2% phí Công đoàn kia nên vẫn có, nhưng cần để lại phần lớn ở DN để chi vào những việc chăm lo thiết thực cho NLĐ.
Theo bà Đặng Phương Dung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) thì Vitas dự định trong tháng 5 này sẽ cùng VCCI tổ chức Hội thảo về mức phí Công đoàn, để các DN cùng trực tiếp trao đổi. Hy vọng rằng những lý do thực tế của các DN dệt may sẽ được các cơ quan chức năng xem xét và có những quyết định chính xác khi sửa đổi Luật Công đoàn.