Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Một số vấn đề cần quan tâm
- 12/03/2012
Bộ luật Lao động (LĐ) đã được Quốc hội nước CHXHCNVN khóa IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 23-6-1994, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-1995. Qua hơn 15 năm thi hành với 3 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006 và 2007, Bộ luật LĐ đã cơ bản đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần quan trọng cho việc sử dụng, quản lý LĐ linh hoạt, thu hút doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư và sử dụng LĐ Việt Nam. Thị trường LĐ từng bước được hoàn thiện và phát triển, đồng thời từng bước mở rộng thị trường LĐ ở nước ngoài. Tuy nhiên, qua quá trình thi hành, Bộ luật LĐ cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải được điều chỉnh, bổ sung kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của đất nước trong tình hình mới.
![]() |
Lao động nữ tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài |
Qua đó, có một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm: Về thỏa ước LĐ tập thể ngành, không nên quy định về thỏa ước LĐ tập thể ngành. Vì hai chủ thể cơ bản trong việc thương lượng, ký kết thỏa ước ngành ở nước ta hiện nay chưa đủ rõ. Tổ chức đại diện người sử dụng LĐ ở một số ngành chưa được hình thành hoặc nếu có thì tổ chức đại diện người sử dụng LĐ đó lại không là đại diện hết cho tất cả các chủ sử dụng LĐ trong cùng một ngành, như: DN Nhà nước, DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Công đoàn ngành theo một hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam lại chưa đại diện hết cho tất cả các công đoàn cơ sở của DN cùng ngành. Công đoàn ngành có DN theo hệ thống công đoàn dọc từ trên xuống dưới, có DN theo hệ thống hành chính (công đoàn địa phương), có DN vừa theo hệ thống công đoàn dọc, vừa theo hệ thống công đoàn địa phương; về thời gian nghỉ tết âm lịch, nên tăng thời gian nghỉ thêm 1 ngày, theo đó, người LĐ sẽ được nghỉ tết âm lịch 5 ngày, nâng tổng số ngày nghỉ lễ, tết lên 10 ngày trong một năm thay vì 9 ngày như quy định hiện hành. Vì việc quy định nghỉ 4 ngày trong khi tuần làm việc 5 ngày như hiện nay dẫn đến tình trạng, người LĐ sau khi nghỉ 4 ngày, đến nơi làm việc chỉ làm có 1 ngày sau đó được nghỉ cuối tuần, nếu xét về mặt kinh tế và về tổ chức LĐ thì không hiệu quả. Mặt khác, so sánh với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới thì thời gian nghỉ lễ hàng năm của người LĐ nước ta còn thấp; về giờ làm thêm, giữ như quy định hiện hành, tối đa là 200 giờ/năm; trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ/năm. Bởi lẽ, với điều kiện về thể chất của người LĐ nước ta thì quy định như hiện hành là phù hợp để bảo vệ sức khỏe của người LĐ về lâu dài, tạo việc làm cho nhiều LĐ đang thiếu việc làm. Nhằm giảm bớt vấn đề về xã hội nảy sinh khi không có việc làm, tránh được việc lợi dụng của người sử dụng LĐ liên tục huy động làm thêm giờ để không tuyển thêm LĐ và giảm bớt chi phí cho người sử dụng LĐ, do tiền làm thêm giờ không phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN và BHYT; về thời gian nghỉ thai sản của LĐ nữ, cần tăng thời gian nghỉ thai sản của LĐ nữ lên 6 tháng. Việc tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng sẽ bảo đảm sức khỏe của LĐ nữ và trẻ sơ sinh, phù hợp với khuyến nghị “nuôi con từ 0 - 6 tháng tuổi hoàn toàn bằng sữa mẹ” của Tổ chức Sức khỏe thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF; về vấn đề bình đẳng giới và tuổi nghỉ hưu, quyền hưởng lương hưu đối với người LĐ giữ như quy định hiện hành, nghĩa là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ trong điều kiện LĐ bình thường.
Về giải quyết tranh chấp LĐ; trong đó đình công là vấn đề có tính chất KT-XH và xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân cơ bản là QLNN về LĐ, gồm có việc xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật; ý thức tuân thủ pháp luật của người sử dụng LĐ và người LĐ còn hạn chế; việc giải quyết các vấn đề LĐ - xã hội phát sinh trong quá trình đầu tư; chính sách về tiền lương. Đặc biệt, việc thiếu đại diện của tập thể LĐ để thương lượng, đối thoại với người sử dụng LĐ, những DN có tổ chức công đoàn cơ sở nhưng chưa trở thành người đại diện đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người LĐ... Vì vậy, để hạn chế tranh chấp LĐ và đình công cần có nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, giải pháp tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật giữ vai trò then chốt. Cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật LĐ, tăng cường năng lực của Công đoàn cơ sở tại DN để BCH Công đoàn cơ sở là đại diện tin cậy bảo vệ quyền lợi của tập thể LĐ; củng cố hoạt động của hệ thống thiết chế hỗ trợ (tham vấn, thương lượng, hòa giải), xét xử (trọng tài, tòa án) hỗ trợ việc hình thành và phát triển cũng như giải quyết các tranh chấp trong quan hệ LĐ. Bên cạnh đó, cần có nhiều quy định phòng ngừa tranh chấp LĐ như: Tăng cường cơ chế đối ngoại giữa người LĐ và tập thể LĐ; quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin, nghĩa vụ thực hiện quy chế dân chủ cơ sở của người sử dụng LĐ; cho phép tập thể LĐ ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn được đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; quy định rõ hơn, cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ LĐ, nhất là trong các vấn đề về tiền lương, thời giờ làm thêm.
Do đối tượng điều chỉnh của Bộ luật LĐ rất rộng và có tầm quan trọng đặc biệt trong xã hội; thiết nghĩ các ý kiến, kiến nghị của người sử dụng LĐ và người LĐ sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chỉnh sửa, bổ sung trước khi đưa ra tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội nhằm tạo sự đồng thuận, góp phần quan trọng cho việc sử dụng, quản lý LĐ, thu hút DN nước ngoài đầu tư và sử dụng LĐ ở nước ta mang lại hiệu quả thiết thực.