Dự luật Hải quan: Cần quy định rõ trách nhiệm chống buôn lậu

Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng Dự thảo Luật Hải quan mới để trình Quốc hội xem xét thay thế Luật Hải quan năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan năm 2005. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ và đầy đủ các khái niệm trong luật để tránh suy diễn, đồng thời bổ sung trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước khác có liên quan đến ngành Hải quan.
Dự thảo Luật Hải quan do Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính soạn thảo gồm có 128 điều, trong đó giữ nguyên 25 điều tại Luật cũ, sửa 39 điều và quy định mới và thêm 64 điều (Luật Hải quan hiện hành là 82 điều). Mục đích của Luật là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hải quan để bảo đảm tiếp tục cải cách hành chính, hiện đại hoá hải quan, đặc biệt là hệ thống thủ tục hải quan điện tử đáp ứng yêu cầu tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, phát triển kinh tế- xã hội... Đồng thời, sửa đổi Luật Hải quan để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật hải quan.
Dự luật Hải quan: Cần quy định rõ trách nhiệm chống buôn lậu
(Cần phải hiện đại hóa công tác chống buôn lậu. Ảnh: TL)
Theo đó, Luật Hải quan lần này được tập trung vào các nội dung như: Cải cách thủ tục hải quan theo hướng nội luật hoá các cam kết quốc tế, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu; Hiện đại hoá hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin, thông quan điện tử; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, gian lận thương mại...
Đóng góp ý kiến về bản Dự thảo Luật Hải quan, Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, về phần giải thích từ ngữ, cần làm rõ và đầy đủ các khái niệm trong luật để tránh suy diễn. Theo đó, đơn cử như tại khoản 2, Điều 4 có khái niệm "động sản có mã số”, Cục Hải quan TP. HCM cho rằng viết như vậy là chưa đủ, bởi một số hàng hóa phi vật chất như phần mềm vẫn thuộc đối tượng phải làm thủ tục khai báo hải quan để xác định trị giá tính thuế. Ngoài ra, theo Cục Hải quan TP. HCM, khoản 12, điều 4 không thống nhất với quy định tại điểm 3.a Điều 36 quy định về thời gian giám sát, do vậy kiến nghị sửa quy định thời gian giám sát từ khi hàng hóa nhập khẩu vào địa bàn hoạt động hải quan đến khi được thông quan hoặc giải phóng hàng.
Cục Hải quan An Giang cũng cho rằng, Luật Hải quan sửa đổi lần này phải được chuẩn hóa sát với tình hình thực tế, từ ngữ chính xác dễ hiểu, dễ thực hiện, hạn chế đến mức thấp nhất việc phải hướng dẫn nhiều nội dung văn bản thực hiện dưới Luật. Theo Cục Hải quan An Giang, ngoài việc xác định trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong hoạt động hải quan, việc xác định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước khác có liên quan trong quản lý nhà nước về hải quan là rất quan trọng, do đó, cần phải quy định rõ và đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước khác có liên quan trong dự thảo Luật Hải quan sửa đổi. "Bởi hoạt động hải quan có liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, ngành khác nhau, khi ngành Hải quan phải căn cứ vào các quy định pháp luật của nhiều ngành luật khác nhau”.
Trong khi đó, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam kiến nghị, tại Điều 4, khoản 1.b quy định về Quyền và nghĩa vụ người khai hải quan điện tử nên sửa đổi theo hướng: "Trường hợp khai hải quan trong thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật, nhưng thuộc diện phải nộp, xuất trình chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan để cơ quan hải quan kiểm tra làm cơ sở thực hiện các thủ tục tiếp theo thì được phản hồi hết quả chậm nhất là 2 giờ kể từ ngày làm việc kế tiếp. Trong trường hợp người khai hải quan có đăng ký làm việc ngoài giờ thì cơ quan hải quan sẽ phản hồi kết quả ngay.” Theo Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, do hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu diễn ra liên tục, kể cả cuối tuần và các ngày Lễ, Tết nên nếu phải đợi kết quả phản hồi từ cơ quan Hải quan sau ngày nghỉ thì việc lưu thông hàng hóa xuất, nhập khẩu sẽ bị chậm trễ. Việc này làm tăng chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Còn theo Cục Hải quan Quảng Ninh, đối với công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cần quy định rõ về mặt địa lý liên quan đến địa bàn hoạt động hải quan; quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác chống buôn lậu, cũng như yêu cầu hỗ trợ về lực lượng, phương tiện để cùng cơ quan Hải quan thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, ở ngoài địa bàn hoạt động, cơ quan Hải quan thực hiện các nhiệm vụ giám sát cần quy định rõ.
Trên cơ sở đóng góp ý kiến, hiện Tổng Cục Hải quan đang tiếp thu chỉnh sửa để hoàn thiện bản dự thảo trước khi trình Bộ Tài chính.
 
H.Vũ/daidoanket.vn