Dự kiến thay đổi tên gọi dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Ngày 16/2, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã họp về việc xây dựng Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Dự án Luật Tài nguyên, môi trưởng biển và hải đảo là một trong 7 dự án luật được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo trong phạm vi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ XIII.
Theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Cư, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Dự thảo Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo đang được xây dựng trên nhiều nguyên tắc để đạt được 6 mục tiêu chính, đó là: Thể chế hóa quan điểm, đường lối, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, thực hiện quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất đối với biển, hải đảo thành những quy định rõ ràng, cụ thể, có tính khả thi cao; cụ thể hóa quy định các điều ước quốc tế liên quan đến khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; phân công, phân cấp quản lý Nhà nước về biển, hải đảo, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về tài ngyên moi trường biển của cộng đồng, xã hội; góp phần hoàn thiện khung pháp lý quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường biển; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trở thành công cụ pháp lý hữu hiệu ngăn ngừa và xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường biển.
 
Đảo Đá chìm
 
Đảo chìm Đá Đông thuộc quần đảo Trường Sa - thuộc chủ quyền thiêng liêng của đất nước - Ảnh: Báo Người Lao động
Để đạt được 6 mục tiêu này, Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường và hải đảo được xác định là một đạo luật khung, không thay thế các luật chuyên ngành mà đóng vai trò kết nối, điều chỉnh hành vi phát triển trên cơ sở hài hòa lợi ích các ngành, thúc đẩy lĩnh vực kinh tế biển phát triển bền vững. Hiện Dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo dự kiến bố cục thành 9 chương trong đó nhấn mạnh những quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, vấn đề sở hữu tài nguyên biển, hải đảo, nội dung, nguyên tắc chính sách của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng biển, hải đảo; quy định quản lý hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản tài nguyên biển…
 
Phát biểu tại buổi làm việc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhất trí với cách đặt vấn đề và cách tiếp cận để xây dựng Dự án Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo. Nhất trí cách xây dựng luật khung, không đi vào điều chỉnh các luật chuyên ngành đã quy định. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, cần thay tên gọi của Luật thành Luật quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để khẳng định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật cũng như phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước mà Chính phủ giao phó cho ngành. Tuy là xây dựng luật khung, song  trong các điều khoản, quy định càng chi tiết càng tốt, sẽ tạo thuận lợi cho việc vận dụng vào thực tế khi Luật đi vào cuộc sống. Bộ trưởng  nhấn mạnh, Luật cần lấy việc quản lý điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển là một nội dung đặc biệt quan trọng, phải dành 1 chương  để quy định cụ thể, rõ ràng. Đây là căn cứ để xác định quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển hợp lý, bền vững, qua đó đề xuất cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý thông tin, dữ liệu về điều tra cơ bản tài nguyên biển. Ngoài ra, để đạt được tiến độ như kế hoạch đề ra (tháng 10 trình Chính phủ Dự thảo Luật), Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần nhanh chóng mở các diễn đàn thảo luận việc xây dựng Luật với sự có mặt của các Bộ, ngành liên quan, hoàn thiện Dự thảo Luật đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia…
 
 
Tổng hợp/Dự thảo online