Dự án Luật phòng, chống rửa tiền: Mới tập trung “phòng ngừa” rửa tiền

Đánh giá về Dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền, Ủy ban Kinh tế cho rằng: Dự án Luật mới chủ yếu tập trung quy định về “phòng ngừa” rửa tiền. Nội dụng “chống rửa tiền” chưa tương xứng, chưa đủ điều lượng.

Tiếp tục phiên họp thứ ba, chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật phòng, chống rửa tiền và Dự án Luật bảo hiểm tiền gửi.

Không điều chỉnh hành vi tài trợ cho hoạt động khủng bố

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, trước những yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế, việc ban hành Luật phòng, chống rửa tiền là vô cùng cấp thiết. Dự thảo Luật bao gồm 5 Chương, 52 điều quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Thẩm tra sơ bộ Dự án, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết ban hành Luật phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, đề nghị cần thể hiện rõ hơn quan điểm về bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia, không gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Tại phiên họp, phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật là vấn đề được các đại biểu quan tâm, thảo luận sôi nổi. Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật phòng, chống rửa tiền cần mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả lĩnh vực chống tài trợ khủng bố. Về vấn đề này, có ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của Luật vì cho rằng tài trợ khủng bố thường gắn với rửa tiền. Luật các tổ chức tín dụng đã quy định về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, do vậy cũng có thể quy định về chống tài trợ khủng bố trong Luật này. Với phạm vi như vậy, đề nghị lấy tên gọi của Luật là “Luật phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị Luật này chỉ quy định về phòng, chống rửa tiền và tên gọi của Luật là “Luật phòng, chống rửa tiền”. Bởi tài trợ khủng bố tuy có liên quan đến rửa tiền nhưng gắn kết trực tiếp và mật thiết với hoạt động khủng bố, do đó cần quy định trong Luật phòng, chống khủng bố. Các nước như Cộng hòa Liên bang Đức đưa nội dung chống khủng bố tài trợ vào Luật chống rửa tiền vì không có Luật chống khủng bố riêng, tội khủng bố được quy định trong Bộ Luật hình sự. Ý kiến này cũng được ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh; ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật tán thành.

Về xử lý vi phạm – biện pháp chống rửa tiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá, Dự thảo Luật mới chủ yếu tập trung quy định về “phòng ngừa” rửa tiền. Nội dụng “chống rửa tiền” chưa tương xứng, chưa đủ điều lượng. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung nội dung chống rửa tiền theo hướng quy định một số hình thức xử lý hành chính để hình thành Chương về xử lý vi phạm (việc xử lý bằng biện pháp hình sự đã được Bộ Luật hình sự quy định).

Về cơ quan phòng, chống rửa tiền, Dự thảo luật quy định: Cơ quan phòng, chống rửa tiền là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan phòng, chống rửa tiền do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định như Dự thảo luật là khá đơn giản, chưa khẳng định rõ địa vị pháp lý (tính độc lập tương đối) của cơ quan này (theo yêu cầu của chuẩn mực quốc tế). Song cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Cơ quan phòng, chống rửa tiền dù có thuộc tổ chức nào những phải hoạt động tuân thủ theo quy định của Luật này; từ đó đề nghị cần bổ sung quy định về các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này trong Luật tương tự như quy định về cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội

Kim Thanh/Báo điện tử Đảng Cộng sản