Dự án Luật GDĐH đã nhận được sự đồng tình cao của các ĐBQH
- 26/05/2012
PV: Thưa Thứ trưởng, Luật Giáo dục Đại học đã hoàn thiện sửa đổi đến lần thứ 3. Sáng 25/5, trong phiên thảo luận tại Quốc hội, đa số đại biểu đều đồng tình với những nội dung Dự thảo Luật, nhưng cũng còn có ý kiến băn khoăn liên quan đến mức độ chi tiết của dự Luật, quan điểm của Thứ trưởng về việc này như thế nào?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 13 về dự thảo 1 Luật Giáo dục Đại học, Ủy Ban Văn Hóa, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu niên, Nhi đồng Quốc Hội (UBVHGDTNTNNĐ) đã phối hợp với ban soạn thảo Luật hoàn thiện dự thảo 2. Bản dự thảo này đã đưa ra lấy ý kiến chuyên gia qua hội nghị tại 3 địa điểm: Bình Dương, Thành Phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với sự chủ trì của Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc Hội Tòng Thị Phóng và Chủ Nhiệm Ủy Ban Văn Hóa, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu niên, Nhi đồng Đào Trọng Thi. Đồng thời, bản dự thảo cũng được lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo và cán bộ quản lý qua nhiều kênh khác nhau. Trên cơ sở kết luận của các đồng chí chủ trì hội thảo và ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo và cán bộ quản lý, UBVHGDTNTNNĐ đã hoàn thiện dự thảo 3 của Luật Giáo dục Đại học để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3. Như vậy là Ban soạn thảo đã làm việc rất kỹ, quy trình thực hiện từ cấp cơ sở cho đến cao nhất là Ủy Ban Thường vụ Quốc hội để lấy ý kiến, các ý kiến đóng góp đều được nghiên cứu rất cẩn thận để điều chỉnh nội dung dự thảo cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống.
Có thể đơn cử một vài thay đổi quan trọng của dự thảo lần này so với các lần trước. Ví dụ vấn đề tự chủ đại học trong dự thảo lần thứ nhất còn rất mờ nhạt, trong dự thảo lần thứ hai được đưa vào nhưng dưới hình thức được giao có điều kiện thì trong dự thảo lần này, tự chủ được xem là một thuộc tính của trường đại học, khi cơ sở giáo dục đại học có đủ điều kiện hoạt động thì nó có đầy đủ các quyền tự chủ theo luật định. Hoặc như vấn đề phân tầng đại học, trường tư thục vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận… trong các dự thảo trước chưa được đề cập tới thì trong dự thảo này các vấn đề vừa nêu được xử lý một cách cơ bản.
Về mức độ chi tiết trong xử lý các vấn đề về hoạt động giáo dục đại học, qua các hội thảo, có ý kiến cho rằng luật cần thật chi tiết nhưng cũng có ý kiến cho rằng luật qui định những vấn đề chung nhất, bao quát nhất, các vấn đề chi tiết sẽ được xử lý bởi các văn bản dưới Luật như Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ… Quan điểm của Ban soạn thảo luật là những vấn đề nào đã được thực tế kiểm nghiệm thì đưa vào luật một cách ci tiết; những vấn đề còn mới thì được đưa vào ở mức độ khái quát và được hướng dẫn bởi các văn bản dưới luật. Như vậy dự luật vừa đảm bảo sự hoạt động ổn định của hệ thống giáo dục đại học, vừa nhắm tới những phát triển tương lai của hệ thống. Khi những vấn đề mới này đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn hoạt động thì chúng sẽ được bổ sung vào luật.
PV: Về quan điểm cho rằng Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa đưa ra Luật lại vừa giám sát, kiểm tra. Công tác kiểm định đáng lẽ phải do các đơn vị kiểm định độc lập (tổ chức xã hội, hiệp hội…) thực hiện để đảm bảo khách quan; Hay Luật GDĐH còn hạn chế quyền tự chủ của các trường ngoài công lập (NCL). Vậy theo Thứ trưởng việc này là thế nào?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thực hiện Nghị quyết số 48/2010/QH12 ngày 19 tháng 06 năm 2010 của Quốc hội khóa 12 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, Chính phủ giao cho Bộ GD&ĐT tham mưu, tổ chức biên soạn dự thảo luật Giáo dục Đại học. Sau khi có ý kiến của Quốc hội khóa 13 tại kỳ họp thứ 2, dự thảo luật được chuyển cho các cơ quan của Quốc Hội chủ trì chỉnh sửa, hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét ban hành theo đúng trình tự. Bộ GD&ĐT chỉ đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật cho dự thảo luật, quyết định ban hành luật là của Quốc Hội.
Về kiểm định chất lượng chất lượng giáo dục đại học, khi tính tự chủ của các trường cao thì kiểm định chất lượng giáo dục trở thành một công cụ hữu hiệu để quản lý chất lượng giáo dục. Đó là một trong những cơ chế thúc đẩy sự tiến bộ của nhà trường. Kiểm định chất lượng được thực hiện với một bộ tiêu chí đòi hỏi nhà trường phải chứng minh mục tiêu đào tạo của nhà trường phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả nước, đạt mức chất lượng cam kết, đảm bảo sự minh bạch và luôn chịu trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Kết quả kiểm định chất lượng được dùng làm căn cứ để cơ sở giáo dục đại học giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo; làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo và người sử dụng lao động tuyển chọn nhân lực.
Điều 51 của dự thảo Luật Giáo dục Đại học đã đưa ra những qui định đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Đó là một tổ chức có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập khi có đề án thành lập phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; được phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục khi có cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, đội ngũ kiểm định viên đáp ứng yêu cầu hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có trách nhiệm công khai các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục; công khai kết quả kiểm định và báo cáo kết quả kiểm định chất lượng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 49 qui định nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học trong việc bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Theo đó cơ sở giáo dục đại học xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục đại học; được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong số các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận để kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và công bố công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của cơ sở giáo dục đại học và phương tiện thông tin đại chúng khác. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng giáo dục đại học, vị thế và uy tín của cơ sở giáo dục đại học; phân tầng cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; là căn cứ để Nhà nước hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục đại học (Điều 52).
Như vậy khi Luật Giáo dục Đại học được ban hành, chúng ta sẽ có được công cụ pháp lý cơ bản để thực hiện việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học bao gồm việc thành lập các tổ chức kiểm định độc lập, các tiêu chí kiểm định chất lượng và cách sử dụng có hiệu quả kết quả kiểm định chất lượng trong công tác quản lý nhà nước. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong nâng cao chất lượng đào tạo, công khai, minh bạch hoạt động giáo dục đào tạo.
Trong hoạt động giáo dục đào tạo, không có sự khác biệt nào giữa cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập. Quyền tự chủ của trường đại học có ngay từ lúc nó được thành lập và cho phép hoạt động, không phân biệt đó là trường công hay trường tư. Thực thi pháp luật là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi công dân. Vì vậy trong dự luật không ghi rõ loại trường nào được quyền tự chủ, loại trường nào không mà tạo hành lang pháp lý, công khai minh bạch để các trường dựa vào đó hoạt động.
Điều 33 của dự thảo nêu rõ “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động chủ yếu trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong những hoạt động khác phù hợp với năng lực thực hiện quyền tự chủ và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của nhà trường. Cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, thì tùy thuộc mức độ, bị hạn chế quyền tự chủ, đình chỉ hoạt động đào tạo hoặc giải thể nhà trường”.
Ảnh: internet
PV: Thưa Thứ trưởng, cả ở diễn đàn Quốc hội và trong các nhà trường, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm “lợi nhuận và phi lợi nhuân” trong hệ thống các trường ngoài công lập, quan điểm của Thứ trưởng về việc này thế nào?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Xã hội hóa GD&ĐT là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, theo Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ cũng đã khẳng định phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập theo 2 loại hình: dân lập và tư nhân. Nghị quyết cũng chỉ rõ, mỗi cơ sở ngoài công lập có thể hoạt động theo cơ chế lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận, nhưng ưu tiên hình thức phi lợi nhuận.
Thực tế hiện nay, hoạt động của các trường ngoài công lập còn chưa rõ ràng trong tiêu chí hoạt động là lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Nhiều trường tuyên bố là phi lợi nhuận nhưng trong thực tế hoạt động thì không phải như vậy.
Dự thảo Luật GDĐH lần này đã làm rõ khái niệm lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Tại khoản 7, Điều 4 của dự thảo nêu rõ “Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận nếu phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ”.
Để đảm bảo cho các trường ngoài công lập phát triển bền vững, điều 65 của dự thảo 3 của Luật qui định phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục được dành ít nhất 25% để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học, cho các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội. Phần này được miễn thuế. Phần còn lại, phân phối cho các nhà đầu tư và người lao động của cơ sở giáo dục đại học thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Dự thảo luật cũng qui định giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục và giá trị của các tài sản được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng cho cơ sở giáo dục đại học tư thục là tài sản chung không chia, được quản lý theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển.
Mặt khác, tài sản và đất đai Nhà nước giao cho cơ sở giáo dục đại học tư thục quản lý và tài sản cơ sở giáo dục đại học tư thục được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng phải được sử dụng đúng mục đích, không chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào.
Như vậy vấn đề gây tranh cãi nhất trong các dự thảo luật Giáo dục Đại học trước đây đã được xử lý trong dự thảo luật lần này, đó là qui định cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Vấn đề này trong dự thảo lần thứ nhất gần như bị “né” hoàn toàn, dự thảo lần thứ 2 được đưa vào ở mức độ hết sức khái quát. Trong bối cảnh nước ta hiện nay, khó có trường tư thục nào tìm được các khoản hiến tặng đủ lớn như các trường đại học nước ngoài để có thể trang trải cho mọi hoạt động mà phải dựa vào các nhà đầu tư. Vì vậy những tiêu chí mà dự thảo luật đưa ra lần này là phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta nhằm một mặt, đảm bảo đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học và mặt khác, ngăn chặn những hành vi trục lợi trong hoạt động giáo dục đào tạo.
PV: Thế còn ý kiến cho rằng Dự thảo Luật GDĐH quy định trình độ của giảng viên phải cao hơn một cấp so với trình độ mà giảng viên tham gia đào tạo. Thực hiện việc này ở các đô thị thì bình thường, còn đối với các địa phương, vùng sâu, vùng xa, các trường văn hóa, nghệ thuật của các tỉnh… quy định này trên thực tế là khó thực hiện được. Thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Luật giáo dục 2005 tại điểm e khoản 1 Điều 77 đã quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau: “e) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy cao đẳng, đại học”.
Trên thực tế thì hầu hết các trường đại học nước ta hiện nay đều phải nhận cán bộ có trình độ ban đầu là đại học để đào tạo bồi dưỡng thành cán bộ giảng dạy có trình độ cao hơn. Có những ngành đặc thù mà trong nước chưa có chương trình đào tạo sau đại học nên không có cán bộ trình độ thạc sĩ. Trong các đợt kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 50 của Quốc hội khóa 12 vừa qua về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải cho dừng tuyển sinh nhiều ngành do không đủ điều kiện tối thiểu về số lượng giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ (mỗi ngành chỉ cần có 1 Tiến sĩ và 3 Thạc sĩ. Nhiều cơ sở giáo dục đại học lúc mở ngành đăng ký đủ số lượng giảng viên theo quy đinh nhưng trong quá trình đào tạo đã không giữ được số lượng giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ). Theo thống kê, tổng số giảng viên đại học, cao đẳng ở nước ta đến nay là 77.500 người, trong đó giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư chiếm tỷ lệ 3,5%; giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm tỷ lệ khoảng 10% và giảng viên có trình độ thạc sĩ chiếm tỷ lệ khoảng 40%. Như vậy còn khoảng 50% giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học chưa có bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ. Vì vậy nếu qui định cứng trong Luật Giáo dục Đại học là giảng viên đại học phải có trình độ Thạc sĩ trở lên thì khi Luật có hiệu lực sẽ có khoảng 50% số cán bộ giảng dạy hiện nay không được dạy, đồng nghĩa với việc giảm 50% qui mô đào tạo.
Để phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo chất lượng giảng viên ngày càng được nâng cao, điều 53 của dự thảo 3 qui định “Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ cao hơn trình độ được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 77 của Luật giáo dục làm giảng viên”. Khoản 6 Điều 10 dự thảo Luật giáo dục đại học quy định chính sách của Nhà nước về phát triển đội ngũ giảng viên: “Có chế độ thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ và chức danh giáo sư, phó giáo sư của các cơ sở giáo dục đại học”.
Xin cám ơn Thứ trưởng!