Dự án Luật bảo hiểm tiền gửi: Luật mới - mô hình cũ ?
- 07/11/2011
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: bảo hiểm tiền gửi (BHTG) ra đời và đi vào hoạt động đến nay đã được hơn 10 năm và trong thời gian qua BHTG đã làm tốt việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn và bền vững của hệ thống tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, từ khi VN gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) với lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế đòi hỏi BHTG phải có những đổi mới để đối phó với nguy cơ rủi ro cao của hệ thống tài chính, ngân hàng đồng thời cũng là để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chỉ bảo hiểm cho cá nhân gửi VND
Lâu nay BHTG VN đang thiếu một khung pháp lý vững chắc, mới chỉ dừng lại ở văn bản pháp lý là Nghị định (Nghị định 89 và Nghị định 109). Việc xây dựng Luật BHTG là điều cần thiết và phải đạt được mục tiêu là bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống tài chính – ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, dự thảo Luật BHTG đã quy định rõ hơn về quyền và trách nhiệm của người gửi tiền, xác định rõ tổ chức BHTG là ai, hoạt động theo mô hình nào; các điều kiện để được nhận tiền bảo hiểm khi tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán; cơ chế, mức độ xử lý thông tin của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức tín dụng...
Về đối tượng áp dụng của Luật hiện có hai luồng y kiến: Một luồng ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với các loại hình DN, các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội như: Mặt trận Tổ quốc VN, Hội nông dân, Hợp tác xã... vì cho rằng, những tổ chức này cũng có các khoản quỹ hợp pháp đang được gửi tại các tổ chức tín dụng. Việc mở rộng ra các đối tượng này cũng nhằm đảm bảo sự công bằng trong chính sách BHTG.
Còn luồng ý còn lại nhất trí với quy định tại Dự án Luật, chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi của tổ chức, vì cho rằng: chính sách BHTG nên hướng tới bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, trường hợp tổ chức tín dụng gặp rủi ro thì họ vẫn nhận được một khoản tiền gửi tối thiểu. Luồng ý này cũng nhận được sự đồng tình của Ủy ban Kinh tế.
Không vì lợi nhuận
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng nên có nhiều tổ chức BHTG theo cơ chế tự nguyện để các tổ chức tín dụng chủ động chọn lựa tham gia. Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế thấy rằng, bảo hiểm tiền gửi được sử dụng làm công cụ tài chính nhằm mục đích thực hiện chính sách công, không phải thực hiện mục đích kinh doanh vì lợi nhuận nên việc quy định chỉ có một tổ chức bảo hiểm tiền gửi được thực hiện nghiệp vụ BHTG theo cơ chế bắt buộc tại VN như hiện nay là hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Điều 18 của Dự án Luật quy định tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng VN của cá nhân, không bảo hiểm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và các loại tiền gửi khác. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần áp dụng BHTG cho các loại tiền gửi bằng ngoại tệ và các loại tài sản khác như kim loại quý... Bởi trong thực tế các TCTD vẫn huy động một lượng lớn tiền gửi bằng ngoại tệ, bằng vàng nhưng lại không được BHTG.
Về vấn đề này ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội cho rằng: Chính sách quản lý ngoại hối của VN ngoài việc cấm sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch trên lãnh thổ VN, không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ mà nên bán lại cho ngân hàng. Do vậy, không nên quy định bảo hiểm cho các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ. Mặt khác, quy định như vậy cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, không bảo hiểm tiền gửi ngoại tệ và kim loại quý khác.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cũng đồng tình với ý kiến tiếp tục giữ mô hình BHTGVN như hiện nay, thực tế BHTGVN đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập từ năm 1999 nhưng chưa giao cụ thể cơ quan thay mặt Chính phủ quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi rõ ràng. Nếu BHTG VN trực thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng nhà nước VN thì hoạt động của tổ chức này là nhân danh Ngân hàng nhà nước VN. Điều này có nghĩa là, Ngân hàng nhà nước VN thực hiện BHTG.
Với các lý do nêu trên, BHTG VN do Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao Ngân hàng nhà nước VN quản lý hoạt động cũng phù hợp với quy định của Luật Ngân hàng nhà nước VN. Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị BHTGVN là loại hình DN được thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Liên quan đến phí BHTG, ông Nguyên Văn Bình - Thống đốc NHNN cho rằng: Đối với phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm, Dự án Luật không quy định một mức phí hay khung phí cố định mà giao Ngân hàng nhà nước VN quy định về phí BHTG. Đồng thời, Dự án Luật cũng không quy định cụ thể hạn mức trả tiền bảo hiểm mà giao Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm trong từng thời kỳ theo đề nghị của Ngân hàng nhà nước VN.