Dự án "Hỗ trợ việc xây dựng Luật Giá" tổ chức Hội thảo diện hẹp về dự thảo Luật Giá
- 24/03/2012
Hội thảo được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và đồng chí Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Phó trưởng Ban soạn thảo Luật Giá thừa ủy quyền Lãnh đạo Bộ Tài chính đồng chủ trì.
Tham dự Hội thảo là hơn 100 đại biểu đến từ các Đoàn Đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành phố đại diện cho ba miền Bắc – Trung - Nam; Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Đại biểu là Lãnh đạo một số Ủy ban liên quan của Quốc hội (Ủy ban Kinh tế, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách); đại diện một số Bộ, ngành; đại diện Sở Tài chính các tỉnh, thành phố; thành viên Ban soạn thảo, thành viên Tổ biên tập dự án Luật Giá và một số chuyên gia đến từ Trường Đại học Tài chính - Marketing.
Tài liệu đưa ra thảo luận tại Hội thảo lần này là bản dự thảo Luật Giá mới nhất đã được chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 15/12/2011 cũng như các chuyên gia kinh tế, các Hiệp hội, ngành hàng.
Các đại biểu tập trung thảo luận 5 vấn đề (i) Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, (ii) Quỹ bình ổn giá, (iii) Thẩm quyền quyết định biện pháp bình ổn giá của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, (iv) Danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá, (v) Thẩm định giá của nhà nước.
1. Về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, các đại biểu có ý kiến:
- Đự thảo Luật Giá nên quy định tiêu chí hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá còn danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá nên giao cho Chính phủ quy định để phù hợp với tình hình thực tế từng thời kỳ.
- Nên phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền quy định bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá quy định phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhưng phải có giám sát, kiểm tra.
- Có ý kiến đề nghị xem xét lại việc đưa xăng dầu thành phẩm, xi măng, sắt thép, đường ăn, thức ăn chăn nuôi vào danh mục bình ổn giá bởi vì hiện nay những sản phẩm này được sản xuất, kinh doanh trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường, do vậy nên để thị trường điều chỉnh.
- Đề nghị cân nhắc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá nên là danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước can thiệp kiểm soát trong một số trường hợp.
- Về trường hợp thực hiện bình ổn giá: có ý kiến đề nghị Luật cần cụ thể trường hợp thế nào là “biến động bất thường”, tránh trường hợp áp dụng tùy tiện khi Luật được ban hành.
2. Về Quỹ bình ổn giá: Đa số ý kiến ủng hộ về nguồn hình thành, cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá được quy định tại dự thảo Luật, cũng có ý kiến không ủng hộ nguồn hình thành Quỹ bình ổn giá được tính vào giá thành hàng hóa, dịch vụ vì điều đó làm tăng giá thành và giá bán sản phẩm; mà nên chủ yếu lấy từ nguồn ngân sách của nhà nước vì việc thực hiện bình ổn giá là một nhiệm vụ có tính chính trị - xã hội.
3. Về thẩm quyền quyết định các biện pháp bình ổn giá:
- Có ý kiến thống nhất nên phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biện pháp bình ổn giá trong trường hợp khẩn cấp, đặc biệt. Có đại biểu đề nghị bỏ Khoản 2 và Khoản 4, Điều 18 vì không cần thiết, nên giao thẩm quyền quyết định biện pháp bình ổn giá ở cấp Trung ương cho Chính phủ, ở địa phương cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đủ.
4. Về danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá:
- Có ý kiến nhất trí với cách tiếp cận nêu tiêu chí của dự thảo Luật nhưng đề xuất nên quy định Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ quyết định hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá cho phù hợp với từng thời kỳ.
- Có ý kiến cho rằng nội dung quy định tại khoản 1, Điều 19 về tiêu chí hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá là quá rộng, sẽ gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quá trình thực thi quản lý và đề nghị Luật cần cụ thể chi tiết nội dung quy định này.
- Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần cụ thể các loại “tài nguyên quan trọng” là loại nào.
- Có ý kiến đề nghị đưa thuốc lá điếu ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá và đề nghị phân cấp cho địa phương quy định khung giá các loại đất để sát với giá thị trường khi bồi thường, thu tiền sử dụng đất.
5. Về thẩm định giá:
* Đối với thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá, có nhiều ý kiến góp ý như:
- Làm rõ hơn khái niệm thẩm định giá, đề nghị bổ sung quy định: “trường hợp có quy định về định giá của cơ quan thẩm quyền thì thẩm định giá theo quy định đó”.
- Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm thẩm định viên về giá tham gia tổ chức bán đấu giá đối với tài sản mà cá nhân thẩm định viên là thành viên tham gia thẩm định giá.
- Về điều kiện hoạt động, hành nghề của thẩm định viên về giá và doanh nghiệp thẩm định giá, có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định sửa đổi, bổ sung các văn bản luật khác cho đồng bộ vì một số trường hợp được phép thực hiện dịch vụ thẩm định giá mà không cần Thẻ thẩm định viên về giá hoặc Giấy chứng nhận để điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá như trường hợp thẩm định giá bất động sản theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản hoặc các doanh nghiệp dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán được đăng ký hoạt động thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.
- Về quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá, có ý kiến đề nghị chuyển điểm c, Khoản 1 Điều 38 và điểm b, Khoản 2 Điều 38 thành quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá vì thẩm định viên về giá không được hành nghề độc lập, và chỉ được đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp thẩm định giá.
- Có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định về đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá vì theo quy định tại dự thảo Luật có thể hiểu: doanh nghiệp được cấp giấy trước khi đủ điều kiện kinh doanh, và trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày được cấp giấy, doanh nghiệp mới hoàn thành các điều kiện đó.
- Có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm của doanh nghiệp thẩm định giá khi phát hành chứng thư thẩm định giá vì người sử dụng chứng thư thẩm định giá không có chuyên môn, chứng thư thẩm định giá chỉ có giá trị tham khảo trong khi người sử dụng kết quả thẩm định giá lại phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
- Về nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá: có ý kiến đề nghị bổ sung quy định rõ mức bồi thường: về thiệt hại do vi phạm thỏa thuận hợp đồng có thể quy định mức bồi thường cụ thể và mức tối đa đối với loại hợp đồng thẩm định giá, hoặc quy định áp dụng như trường hợp ký kết hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự. Trường hợp thiệt hại do kết quả định giá sai: nếu gây thiệt hại cho khách hàng thì thì phải bồi thường theo mức thiệt hại gây ra, trường hợp gây thiệt hại cho bên thứ ba có liên quan, nếu có khiếu nại của bên này và được cơ quan tài phán xét xử có thiệt hại do kết quả định giá sai thì cũng phải bồi thường.
* Về thẩm định giá của Nhà nước:
- Có ý kiến băn khoăn thẩm định giá của Nhà nước có xảy ra hiện tượng thông đồng nâng giảm giá khi thực hiện thẩm định giá như đối với trường hợp thuê doanh nghiệp thẩm định giá (mua bán tài sản nhà nước) và đề nghị không nên quy định một khu vực chỉ do Nhà nước thực hiện thẩm định giá.
- Có ý kiến đề nghị dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước phải do cơ quan quản lý nhà nước về giá thẩm định giá để tránh thất thoát ngân sách vì chứng thư thẩm định giá do các doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp chỉ có giá trị tham khảo trong khi người ra quyết định là cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm khi được thanh tra, kiểm tra.
6. Một số vấn đề khác, một số đại biểu có ý kiến:
- Đề nghị dự thảo Luật nên tiếp cận theo hướng Nhà nước quản lý gì về giá trong nền kinh tế thị trường; Luật Giá phải có quy định để chống đầu cơ.
- Đề nghị niêm yết giá phải quản lý chặt chẽ và nghiêm túc, hàng hóa, dịch vụ phải bán theo giá niêm yết.
- Lưu ý một số điểm trùng lắp giữa Luật Giá với một số Luật khác như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Doanh nghiệp vì Luật Doanh nghiệp đã quy định quyền của doanh nghiệp, có thể dẫn chiếu hoặc chỉ quy định những việc doanh nghiệp không được làm, cũng có ý kiến đề nghị Luật nên quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa công cộng, hàng hóa độc quyền.
- Đề nghị bổ sung quy định về nghĩa vụ đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh khi mua hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, kinh doanh là hàng hóa, sản phẩm ngành nông nghiệp mà hàng hóa, sản phẩm đó sản xuất theo thời vụ hoặc hạn chế thị trường, sao cho giá thu mua phải bảo đảm hài hòa lợi ích của cả người bán và người mua. Thực tế lâu nay cho thấy do tính chất thời vụ trong sản xuất, do hạn chế về thị trường (chỉ bán được cho một số doanh nghiệp thu mua), và tương quan về tiềm lực kinh tế, nên giá bán các loại sản phẩm, hàng hóa này thường không phản ánh hài hòa lợi ích giữa người bán và người mua, mà phần thua thiệt thường thuộc về người bán là người sản xuất, là đông đảo nông dân.
- Đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền, mức xử phạt hoặc quy định cấp nào sẽ quy định về thẩm quyền, mức xử phạt hành vi vị phạm hành chính trong lĩnh vực giá.
Kết thúc cuộc Hội thảo, Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã tiếp thu những ý kiến góp ý của các vị đại biểu và có những thống nhất như sau:
Vấn đề cốt lõi của Luật Giá là để giá cả vận động theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước. Như vậy có nghĩa Luật Giá phải giải quyết được 2 vấn đề: Nhà nước làm gì và thị trường làm gì trong nền kinh tế thị trường để hướng đến thị trường nhiều hơn. Nhà nước chỉ tạo môi trường pháp luật cho thị trường vận động trong môi trường pháp luật ấy, đó là vai trò quản lý và quản lý bằng pháp luật; Nhà nước áp dụng các biện pháp kinh tế vĩ mô tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả. Bảo đảm để nền kinh tế có hệ thống giá cả cạnh tranh; điều này cũng không loại trừ việc Nhà nước phải định giá sản phẩm độc quyền để ngăn ngừa những khuyết tật của thị trường. Như vậy có nghĩa là Nhà nước can thiệp gián tiếp là chủ yếu. Còn thị trường quyết định giá đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế để thúc đẩy cạnh tranh hơn, phân bổ nguồn lực có hiệu quả.