Đơn thư khiếu nại tố cáo: nhận 20.000, chỉ chuyển 1.700

Sau khi nghe trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày công tác trong thời gian từ tháng 8.2010 đến tháng 8.2011 của các ban, ủy ban thuộc Thường vụ, ông Nguyễn Sinh Hùng nêu thắc mắc, các đơn vị tiếp nhận hơn 20.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhưng số lượng chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết chỉ có hơn 1.700 vụ, và nhận văn bản trả lời của hơn 1.000 vụ (đạt hơn 67%), vậy những đơn thư không được chuyển, không được giải quyết thì đi đâu? Tại sao?

Sáng 28.9, trong phiên thảo luận công tác dân nguyện của ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra khá gay gắt khi phê phán công tác tiếp dân và tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại tố cáo của người dân.

 

Sau khi nghe trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày công tác trong thời gian từ tháng 8.2010 đến tháng 8.2011 của các ban, ủy ban thuộc Thường vụ, ông Nguyễn Sinh Hùng nêu thắc mắc, các đơn vị tiếp nhận hơn 20.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhưng số lượng chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết chỉ có hơn 1.700 vụ, và nhận văn bản trả lời của hơn 1.000 vụ (đạt hơn 67%), vậy những đơn thư không được chuyển, không được giải quyết thì đi đâu? Tại sao?

Với các đoàn đại biểu Quốc hội, phần trăm xử lý được còn thấp hơn, trong tổng số 8.723 đơn thư nhận được, các đoàn mới chuyển hơn 3.300 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền và nhận lại 1.819 văn bản trả lời, đạt 54,37%.

Từ thực tế đó, Chủ tịch Quốc hội kêu gọi các ủy ban của Thường vụ, các đoàn đại biểu Quốc hội phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chứ không thể để việc đơn thư tố cáo của người dân “như con chim thả ra bay mất mà không biết đi đâu”.

Đơn thư vòng đi rồi vòng lại

Đáng chú ý, thảo luận về kết quả giải quyết đơn thư tố cáo của người dân, ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm ủy ban Pháp luật kể câu chuyện “bi kịch” về thực trạng đơn thư chạy vòng vèo giữa các ủy ban. Có lần có 5-7 người đến nhà riêng của ông để đưa đơn, ông nói rằng không tiếp ở nhà được. Sau đó xem lại thì các đơn thư đúng là ủy ban Pháp luật đã nhận cách đây hai năm, nhưng chính ông Lý cũng không rõ là sau đó chuyển cho ủy ban Tư pháp hay ủy ban Kinh tế, không rõ là đơn thư đã được xử lý đến đâu, như thế nào. Nhóm người đó mới hỏi là ủy ban Pháp luật ở đâu, ông nói ở tầng 3 nhà C, còn ủy ban Tư pháp thì ở tầng 2 nhà C, họ mới kêu lên: “Trời ơi, ở ngay gần nhau vậy mà để đơn thư của chúng tôi tồn đọng suốt 2 - 3 năm nay”.

Do đó, ông Lý cho rằng vấn đề là phải tổ chức như thế nào giữa các ủy ban, nên có biện pháp giải quyết ra sao.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Sinh Hùng cho rằng trong Thường vụ Quốc hội phải có bộ phận điều phối. Giả sử như ban Dân nguyện làm đầu mối thì phải thay mặt các ủy ban khác đến gặp người có trách nhiệm ở Tòa án, hay ở bộ Tài chính, hay Thanh tra Nhà nước để theo dõi xem các đơn từ được giải quyết đến đâu. Bên cạnh đó, các cơ quan của Thường vụ cũng cần xem xét hiệu quả giải quyết, ví dụ như tỉ lệ 67% hay 54% nói trên, người dân có thỏa mãn hay không, hay họ lại phải đi khiếu kiện tiếp.

Từ đó, nhiều đại biểu đã nhất trí với việc cần có sự kết nối giữa các ủy ban trong Thường vụ, thậm chí có thể ứng dụng hệ thống tin học, cơ chế một cửa trong xử lý đơn thư khiếu nại, để khi cần có thể thấy rõ là đơn thư đang nằm ở đâu, mắc chỗ nào.

Cũng trong buổi thảo luận, các đại biểu cũng nêu mối lo ngại chung là khiếu kiện đông người trong năm 2011 tăng hơn 32% so với năm 2010, mà chủ yếu là liên quan đến đất đai. Do đó có ý kiến nhấn mạnh đến sự cấp thiết phải sửa đổi luật Đất đai 2003.

Việt Anh/http://sgtt.vn/Thoi-su/153525/Don-thu-khieu-nai-to-cao-nhan-20000-chi-chuyen-1700.html