Doanh nghiệp bình đẳng trong thu phí công đoàn
- 19/04/2012
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính và đại diện Tập đoàn Dệt - May VN, Hiệp hội Dệt - May VN tham dự, phát biểu ý kiến. Khẳng định vị trí pháp lý của tổ chức CĐ và thu kinh phí 2% là những vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Hầu hết các đại biểu đánh giá cao Dự thảo Luật CĐ (sửa đổi) với kết cấu hoàn chỉnh, quán triệt và cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với yêu cầu xây dựng GCCN, tổ chức CĐ lớn mạnh, đáp ứng được sự phát triển KTXH của đất nước.
(Ảnh: Lê Khánh)
Về vấn đề thu kinh phí 2%, bà Đàm Minh Hoa - Chủ tịch CĐ Cty CP may Việt Thắng - và một số đại biểu đề nghị thu kinh phí hoạt động CĐ trên mức thu nhập để đảm bảo kinh phí hoạt động, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. Cũng về vấn đề này, ông Đặng Quang Thanh – Chủ tịch CĐ Liên doanh Vigawel VN, 100% vốn Hồng Kông, chuyên gia công cho các Cty của Mỹ - nêu rõ một phần lớn trong số kinh phí CĐ thu được sử dụng quay trở lại phục vụ chính NLĐ. Nhiều cán bộ CĐ còn cho rằng, cần phải bình đẳng giữa các loại hình DN trong việc thu phí CĐ. Trao đổi với các cán bộ CĐ của ngành dệt - may VN, ông Nguyễn Khánh Sơn - Ủy viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt - May VN - cho rằng: Vị trí, vai trò của CĐVN đã được pháp luật quy định và xuất phát từ đòi hỏi thực tế; còn việc thu kinh phí CĐ thì cần phải được luật hóa.
Bên cạnh các nội dung trên, một số đại biểu còn đóng góp ý kiến về cách hành văn, câu chữ trong dự thảo sao cho ngắn gọn, dễ hiểu nhất. Ông Vũ Đức Cường – LĐLĐ TP.Hải Phòng, địa phương có đông CN dệt may - đề nghị khoản 2, điều 24 nên để “Cán bộ CĐ không chuyên trách được sử dụng ít nhất 24 giờ làm việc trong 1 tháng đối với chủ tịch, phó chủ tịch CĐCS” thay cho “được sử dụng 24 giờ làm việc” nhằm tạo điều kiện “mở” về thời gian hoạt động cho cán bộ CĐ không chuyên trách.
Khoản 2 điều 17 ghi “CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở có quyền và trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ ở các cơ quan, tổ chức, DN chưa thành lập được tổ chức CĐCS khi được NLĐ ở đó yêu cầu” – theo ông Cường, không nên để cụm từ “khi được NLĐ ở đó yêu cầu” vì thực tế có nhiều nơi NLĐ không biết có CĐ cấp trên cơ sở để đưa ra yêu cầu.
Chia sẻ với các đại biểu là cán bộ CĐ và đại diện người sử dụng LĐ trong ngành dệt - may VN, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng nói: CĐVN là CĐ của một nước XHCN nên không chỉ có mỗi nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ mà còn phải cộng tác với người sử dụng LĐ để phát triển SXKD.
TP.Cần Thơ: Lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật CĐ (sửa đổi) Ngày 17.4, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Cần Thơ tổ chức họp lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật CĐ (sửa đổi). Hầu hết ý kiến đóng góp nhất trí sự cần thiết phải sửa đổi Luật CĐ để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của tổ chức CĐ. Luật cần chỉnh lý, sửa đổi một số nội dung theo hướng dự án luật: Thống nhất tên gọi các cấp CĐ theo cấp hành chính và ngành nghề; cho phép NLĐ nước ngoài gia nhập tổ chức CĐ để phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế... Trước đó, LĐLĐ TP.Cần Thơ cũng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật CĐ (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật CĐ được lãnh đạo LĐLĐ TP.Cần Thơ, LĐLĐ các quận - huyện, CĐ ngành, CĐCS tham gia hội thảo nhất trí cao nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức CĐ VN trong tình hình mới. Nhiều ý kiến đóng góp vào các nội dung cụ thể: Nên có quy định trường hợp thành lập CĐCS cho số LĐ dưới 20 người; thống nhất tên gọi của các cấp CĐ theo ngành nghề, cấp hành chính... L.N.G |