Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng góp ý xây dựng Luật Dự trữ Quốc gia
- 16/05/2012
Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM cho biết: “Quy trình giải quyết để sử dụng dự trữ quốc gia phải là một quy trình đặc biệt. Nếu trong tình trạng khẩn cấp mà còn phải qua nhiều cửa, nhiều thủ tục thì hậu quả không thể đo lường”. Các đại biểu cũng yêu cầu ban soạn thảo nghiên cứu lại công tác quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia vì dự thảo thể hiện, Bộ Tài chính hiện đang “ôm đồm” cả những việc không thuộc thẩm quyền. “Ví dụ, định mức về hao hụt xăng dầu thì Bộ Tài chính không thể làm được mà phải là bộ chủ quản hoặc là Bộ Khoa học và Công nghệ. Nếu quy định như trong bản dự thảo dễ dẫn tới tình trạng bộ này đề xuất và bộ kia quyết định, hoàn toàn không ổn về mặt hành chính” - đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Petrolimex Sài Gòn, phân tích.
Các ý kiến góp ý tại hội nghị tại thành phố Đà Nẵng đồng tình với sự cần thiết phải nâng Pháp lệnh Dự trữ Quốc gia năm 2004 lên thành luật nhằm đáp ứng mục tiêu phát sinh từ thực tiễn là nguồn lực dự trữ quốc gia để góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Dự thảo Luật Dự trữ Quốc gia có quy định việc khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia như: Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, kho chứa, cung ứng, bảo quản hàng hóa dự trữ quốc gia, nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản. Các ý kiến cho rằng quy định này còn chung chung, cần có quy định cụ thể hơn về khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động dự trữ quốc gia. Thực tiễn cho thấy mỗi khi có thiên tai xảy ra, hàng cứu trợ từ kho dự trữ quốc gia có chất lượng chưa tốt. Do vậy cần có cơ chế chính sách xã hội hóa việc dự trữ hàng hóa, nhất là những mặt hàng có thời hạn sử dụng. Bảo đảm trong khi chưa xảy ra thiên tai, dịch bệnh thì hàng này vẫn lưu thông trên thị trường nhưng vẫn bảo đảm số lượng, chất lượng hàng khi có biến cố. Nên quy định dự trữ bằng tiền và hàng theo tỷ lệ hợp lý. Theo dự thảo luật này thì việc mua hàng dự trữ quốc gia thuộc nguồn chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước nhưng trong Luật Ngân sách chưa có quy định cụ thể cho hoạt động này. Theo dự thảo luật, Bộ Tài chính là cơ quan quy định về tiêu chuẩn, chất lượng bảo quản hàng dự trữ quốc gia là chưa phù hợp, nên giao việc này cho Bộ Khoa học - Công nghệ.