Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri: Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính

Sáng 18/4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Nội đã tiếp xúc cử tri chuyên đề "Việc thực hiện chính sách pháp luật về xử lý vi phạm hành chính", thống nhất ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Thống nhất sự cần thiết phải ban hành Luật xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên đại diện các sở, ngành Hà Nội đều đề nghị tăng mức phạt tiền đối với các vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị khu vực nội thành của các thành phố, trong đó có Hà Nội. Đồng thời, quy định thêm cho Chủ tịch UBND cấp xã có thêm thẩm quyền xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng như "buộc tháo dỡ công trình xây dựng không có giấy phép" cho phù hợp với một số quy định hiện hành và nâng mức xử phạt lên mức tối đa 5 triệu đồng. Theo ông Trần Viết Ngôn, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, do đặc thù của các khu đô thị mới xây dựng không cần cấp phép, nên cần bổ sung quy định buộc tháo dỡ công trình xây dựng không đúng với phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, bổ sung biện pháp cắt điện, cắt nước, cấm thợ và xe vận chuyển vật liệu vào công trình vi phạm vào Luật, bởi đây là biện pháp rất hiệu quả trong thực tế.

Đại diện Tổng cục Hải quan Hà Nội cũng đề nghị tăng mức phạt tiền đối đa trong các lĩnh vực quản lý dược, an toàn thực phẩm là 2 triệu đồng vì đây thuộc lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đề xuất Luật nên có quy định riêng đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa quà biếu, tặng, trị giá nhỏ. Hiện, trên thực tế nhiều khách hàng khi đến làm thủ tục hải quan mới biết hàng phải xin giấy phép nhập khẩu của cơ quan chuyên ngành đã từ chối nhận hàng vì nhiều lý do. Với những trường hợp này nên xử phạt bằng cách tịch thu hoặc đấu giá sung công quỹ thay vì làm thủ tục tái xuất...

Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri: Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính

(Ảnh: Internet)

Về trình tự thủ tục xử lý tang vật vi phạm hành chính, các đại biểu đề nghị cần rút gọn theo hướng cụ thể, dễ thực hiện. Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết, nhiều tang vật sau khi thanh lý, giá trị thu được không đủ trả tiền bến bãi. Cùng với đó, hiện quy định xử phạt còn chồng chéo hoặc phạt tiền đối với vi phạm vượt đèn tín hiệu các nút giao thông, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát còn thấp. Ông Ngọc kiến nghị, ngoài tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trong nội đô Hà Nội lên gấp 2 lần so với hiện nay, nên áp dụng biện pháp mạnh như tịch thu phương tiện đối trường hợp có dấu hiệu đua xe trái phép (bất kể lứa tuổi, xe của ai), tước giấy phép lái xe vĩnh viễn hoặc phạt tù nếu lái xe có nồng độ cồn tái phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP cũng đồng tình với việc phải quy định tịch thu phương tiện với các trường hợp đua xe. Đồng thời, Luật nên tăng thẩm quyền cho người xử lý trực tiếp, đồng thời cần có sự ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan. Quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong phối hợp răn đe, xử lý người vi phạm.

Minh Hiền/http://www.ktdt.com.vn