ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CÔNG ĐOÀN TRONG SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG ĐOÀN VÀ BỘ LUẬT LAO ĐỘNG: Không tăng thêm thì đừng hạ thấp so với hiện hành!
- 18/11/2011
Đây là các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của CNVCLĐ, tổ chức CĐ và đã nhận được sự quan tâm lớn của đội ngũ những NLĐ và cán bộ CĐ trong quá trình soạn thảo. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đan Tâm - cán bộ CĐ lão thành, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn - cho biết:
- CĐVN là tổ chức có địa vị pháp lý sớm nhất. Khi nhà nước dân chủ được thành lập chưa đầy 2 năm và cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, thì ngày 12.3.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 29-SL về “Quyền của những người làm công” (tương tự như Luật Lao động ngày nay), đã dành một chương với 22 điều quy định: “NLĐ có quyền tổ chức CĐ để bảo vệ quyền lợi của mình”, “CĐ có pháp nhân tư cách” (điều 159) và “CĐ có quyền thay mặt công nhân trước tòa án” (điều 160).
Sau đó, ngày 5.11.1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 108-SL, ban hành Luật CĐ do QH khóa I thông qua. Ngày 7.7.1990, Luật CĐ mới với nội dung toàn diện hơn do QH khóa VII - kỳ họp thứ bảy thông qua được ban hành, thay thế Luật CĐ 1957. Hiến pháp năm 1992 đã dành hẳn một điều (Điều 10) khẳng định vị trí, vai trò và chức năng, quyền hạn của CĐ đối với CNVCLĐ, với Nhà nước và với các đơn vị kinh tế.
Như vậy, địa vị pháp lý của CĐVN đã sớm được xác định, ngày càng được bổ sung, nâng cao tương ứng với vị thế ngày càng được nâng lên của GCCN, trách nhiệm của CĐ đối với NLĐ và quyền hạn đối với Nhà nước, với các đơn vị kinh tế và xã hội.
Thưa ông, trong sửa luật lần này, có ý kiến đề nghị không đưa chức năng “đại diện NLĐ” của CĐ vào Luật CĐ (sửa đổi). Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- CN và những NLĐ không phải lúc nào và ở đâu cũng có thể trực tiếp đề đạt yêu cầu, nguyện vọng, quyền lợi với Đảng và Nhà nước, thương lượng ký kết TƯLĐTT với NSDLĐ để bảo đảm quyền lợi của mình, mà phải thông qua tổ chức CĐ là người thay mặt mình (tức đại diện) để làm những việc đó.
Trong thực tế, từ khi ra đời đến nay, nhất là từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, CĐ đã làm tốt vai trò “đại diện cho NLĐ” trong việc tham gia vào các kế hoạch phát triển KTXH, xây dựng các chính sách, chế độ quan hệ trực tiếp nghĩa vụ, quyền lợi NLĐ; thay mặt cho tập thể NLĐ thương thảo với giới chủ...
Về nguyên tắc cũng như trong thực tế, vai trò CĐ “đại diện cho NLĐ” đã và đang hiện hữu ở nước ta, là chức năng vốn có và quan trọng nhất của CĐ. Luật CĐ năm 1990 đã có 6 điều khoản nói về chức năng đại diện cho NLĐ của CĐ. Không chỉ riêng cho GCCN và những NLĐ, mà với vai trò đại diện, CĐ đã và đang làm tốt “cầu nối” GCCN với Đảng và “chỗ dựa” tin cậy của Nhà nước. Do vậy, rất cần thiết phải hoàn thiện, nâng cao chức năng đại diện của CĐ trong Luật CĐ (sửa đổi).
95% số cán bộ CĐ ở DN hiện nay là bán chuyên trách, hưởng lương do người sử dụng LĐ chi trả. Cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ trong Luật CĐ (sửa đổi) cần đảm bảo những gì để cán bộ CĐ trong DN làm tốt trách nhiệm trước NLĐ, thưa ông?
- Đội ngũ cán bộ CĐ trong DN là lực lượng xung kích của tổ chức CĐ, đã có công rất lớn về giáo dục, tập hợp, đoàn kết CNLĐ, xây dựng tổ chức CĐ làm chỗ dựa chính trị- xã hội cho Đảng và Nhà nước, chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ, trực tiếp góp phần phát triển SXKD và giữ vững ổn định DN.
Nhưng do chưa có sự nhìn nhận đúng đắn tính chất CĐ nước ta là tổ chức chính trị – xã hội của GCCN và những NLĐ, đồng thời cũng là tổ chức của Đảng, của Nhà nước và hoạt động CĐ cũng rất cần thiết cho bản thân các DN, NSDLĐ các thành phần kinh tế. Đại bộ phận cán bộ CĐ các DN là kiêm nhiệm công tác CĐ, lại là người làm công cho NSDLĐ, mà không ít giới chủ lại chưa có cái nhìn đúng đắn vị thế tổ chức CĐ, nên phần lớn cán bộ CĐ DN đã và đang bị sức ép rất lớn từ giới chủ, thậm chí bị vô hiệu hóa, nếu dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ.
Đối với chế độ xã hội nước ta mà GCCN là chủ thể xã hội, CĐ là một thành viên chủ yếu của hệ thống chính trị, bình đẳng với các tổ chức xã hội, trong đó có các DN các thành phần kinh tế, đã có địa vị pháp lý vững chắc, thì không thể chấp nhận thực trạng bất bình đẳng và vi phạm nghiêm trọng pháp luật đó.
Luật CĐ (sửa đổi) và BLLĐ (sửa đổi) kỳ này, cần bổ sung chế tài về bảo vệ cán bộ CĐ; như nếu chủ sử dụng LĐ phân biệt đối xử với cán bộ CĐ hoặc dùng các biện pháp kinh tế và thủ đoạn khác để can thiệp vào tổ chức và hoạt động CĐ (Điều 154 BLLĐ hiện hành), thì xử phạt như thế nào và mức cao nhất đến đâu?; hay như quyết định sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với cán bộ CĐ trái quy định thì xử lý như thế nào, mức độ ra sao? - nên cần được bổ sung vào Luật CĐ và BLLĐ sửa đổi. Có như thế, cán bộ CĐ mới “dấn thân” vì NLĐ, làm tốt trách nhiệm đối với Đảng và Nhà nước, thực hiện được trách nhiệm và quyền hạn CĐ theo luật định.
Cần thấy rằng, cơ quan chế định và thực thi pháp luật nhà nước các cấp nếu nhìn nhận đúng vai trò quan trọng của tổ chức CĐ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để CĐ thực hiện tốt chức năng của mình và kiên quyết ngăn chặn, nghiêm trị những vi phạm quyền CĐ theo luật định, thì cán bộ CĐ mới được bảo vệ tốt nhất.
CĐ mạnh trước hết phải có kinh phí hoạt động. Đa số ý kiến đồng tình việc phải trích nộp kinh phí CĐ (bằng 2% quỹ lương), nhưng vẫn còn ý kiến đề nghị tính lại mức trích và chỉ thực hiện ở những DN có tổ chức CĐ. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Không như các tổ chức chính trị – xã hội khác, với CĐ, kinh phí CĐ là dùng cho việc tổ chức phong trào thi đua SXKD của DN, của ngành, cho việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ, trực tiếp góp phần vào việc xây dựng đội ngũ CN – lực lượng quyết định trực tiếp sự phát triển bền vững của DN.
Từ năm 1957, theo Luật CĐ, kinh phí CĐ do các DN trích nộp đã tạo điều kiện tài chính cần thiết tối thiểu cho hoạt động CĐ, thực chất là cho việc tổ chức phong trào hành động cách mạng của GCCN. Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, GCCN vẫn là lực lượng xung kích của xã hội, đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Chế định thu kinh phí CĐ từ trước đến nay đã có, vì vậy trong sửa đổi Luật CĐ vẫn rất cần thiết giữ sự ổn định nguồn kinh phí này. Nếu thiếu kinh phí, hoạt động CĐ sẽ bị suy yếu!
Tóm lại, về quyền CĐ trong việc bổ sung, sửa đổi Luật CĐ và BLLĐ kỳ này, nếu như điều khoản nào chưa có điều kiện nâng cao hơn, thì đừng hạ thấp so với luật hiện hành. Nhân đây, tôi xin được bày tỏ niềm tin của mình rằng, những người kiên định và tin theo con đường và lý tưởng của GCCN mà mình đã lựa chọn, thì đều mong muốn và ủng hộ nâng cao hơn nữa vị thế của CĐ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đất nước và đòi hỏi của NLĐ.
Xin cảm ơn ông!