Đề xuất mô hình cơ quan đăng ký hộ tịch ở 2 cấp
- 16/03/2012
Kết quả thực hiện ở quận Ba Đình cho thấy, Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch của Chính phủ với việc đơn giản hóa khá nhiều về thủ tục, giấy tờ trong đăng ký hộ tịch như: Bỏ qua quy định niêm yết việc kết hôn tại UBND cấp xã, không yêu cầu đơn trong thủ tục khai sinh, khai tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi… cùng nhiều chế định mới cởi mở như: Cho phép ủy quyền của người khác thực hiện phần lớn các việc hộ tịch, cấp bản sao giấy tờ hộ tịch qua đường bưu điện, cho phép cấp lại giấy khai sinh, cho phép con ngoài giá thú được nhận cha, mẹ kể cả khi cha, mẹ đã chết… đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có yêu cầu đăng ký các sự kiện hộ tịch.
(Ảnh: Thanh Hải, Báo Pháp luật và xã hội)
Tuy nhiên, bên cạnh đó thì Nghị định 158 cũng đã bộc lộ nhiều bất cập khi thiếu đi các quy định cụ thể, rõ ràng về các giấy tờ đương sự phải nộp và xuất trình trong từng sự kiện hộ tịch. Một số quy định theo đánh giá còn dễ dãi, đơn giản, thiếu tính chặt chẽ của pháp luật, dễ bị lợi dụng để phục vụ cho mục đích cá nhân như quy định về thủ tục cam đoan trong đăng ký khai sinh, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân… Nhiều quy định lại chưa căn cứ vào thực tiễn nên gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết hộ tịch ở cấp huyện (quận) và xã (phường). Chẳng hạn quy định về thời gian một số việc giải quyết ngay, hay đối với các trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng thì cán bộ Tư pháp hộ tịch phải đi xác minh thực tế là chưa khả thi. Bởi hiện nay ở cơ sở, chưa có chế định hộ tịch viên, cán bộ Tư pháp hộ tịch chỉ được chỉ tiêu một người, lại phải kiêm nhiệm nhiều việc tư pháp khác.
Đáng chú ý, về mô hình quản lý hộ tịch ở 4 cấp và giao cho 3 cấp đăng ký như hiện nay theo đánh giá của quận Ba Đình là chưa hợp lý. Bởi việc quy định cấp tỉnh đăng ký một số việc về hộ tịch sẽ dẫn đến tình trạng quá tập trung vào giải quyết các việc đăng ký theo thẩm quyền của cấp mình mà hạn chế nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với cấp dưới là chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tuyên truyền vận động trong công tác hộ tịch. Chưa kể việc quy định mô hình cơ quan đăng ký 3 cấp nhiều trường hợp gây khó khăn, phức tạp cho người dân trong việc xác định thẩm quyền và thủ tục. Tuy nhiên, nếu để mô hình 1 cấp xã đăng ký thì sẽ quá tải. Bởi ở cấp xã, phường chỉ có một cán bộ Tư pháp hộ tịch. Trình độ chuyên môn của cán bộ Tư pháp hộ tịch cấp xã hiện còn nhiều hạn chế, nên mới chỉ giải quyết tốt các trường hợp đăng ký thủ tục hộ tịch đơn giản. Trường hợp thủ tục phức tạp hơn nên để cơ quan chuyên môn giúp việc của UBND cấp huyện giải quyết để có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu. Từ phân tích kể trên, quận Ba Đình đề xuất nên thực hiện mô hình đăng ký hộ tịch ở 2 cấp (cấp huyện, cấp xã) để vừa giảm tải áp lực công việc cho cơ sở vừa đảm bảo đối với các trường hợp thủ tục đăng ký hộ tịch phức tạp sẽ có cơ quan chuyên môn giúp việc UBND huyện xem xét giải quyết.
Cùng với mô hình đăng ký hộ tịch 2 cấp, quận Ba Đình cũng đề xuất Dự án Luật Hộ tịch nên có quy định về chức danh Hộ tịch viên trên cơ sở tách riêng công tác hộ tịch khỏi công tác tư pháp khác theo hướng chuyên nghiệp hóa chức danh Hộ tịch viên. Theo quận Ba Đình, chế định Hộ tịch viên là sự chuyên nghiệp hóa, đào tạo bài bản với tư cách là công chức giúp việc cho UBND cấp xã, hoạt động chuyên trách không phải kiêm nhiệm việc khác. Luật Hộ tịch cũng cần quy định rõ điều kiện và tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Hộ tịch viên. Việc xác định rõ chức danh cũng như tiêu chuẩn Hộ tịch viên sẽ tạo điều kiện cho cơ quan quản lý trong quá trình đào tạo, bổ nhiệm cũng như xây dựng chế độ chính sách đối với Hộ tịch viên; đặc biệt là xác định rõ trách nhiệm của Hộ tịch viên để nâng cao chất lượng của công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.