Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Dự trữ quốc gia
- 04/06/2012
Theo đánh giá chung, so với pháp lệnh hiện hành, dự thảo luật đã cụ thể hóa, bổ sung nhiều nội dung, hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý cho hoạt động dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo vẫn còn một số điểm cần được tiếp tục hoàn thiện.
Ban hành Luật Dự trữ quốc gia là cần thiết
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng, Huỳnh Nghĩa nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật Dự trữ quốc gia. Theo Đại biểu thì thời gian qua việc thực hiện Pháp lệnh Dự trữ quốc gia đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, không theo kịp với tình hình thực tế nên việc ban hành luật sẽ góp phần khắc phục những quy định chưa đồng bộ với các luật khác, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm sự điều hành, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia của nhà nước trong điều kiện mới được tập trung, thống nhất, có hiệu lực và hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh phát biểu thảo luận tại tổ
Mục tiêu dự trữ quốc gia là quá rộng
Các đại biểu Quốc hội cho rằng mục tiêu dự trữ quốc gia mà Dự thảo Luật Dự trữ quốc gia đưa ra là quá rộng, cần thu hẹp để phù hợp với nguồn lực huy động. Theo Tờ trình của Chính phủ, mục tiêu của dự trữ quốc gia (Điều 1) bao gồm: đáp ứng những yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường; góp phần đảm bảo an sinh xã hội (nội dung được bổ sung so với Pháp lệnh về dự trữ quốc gia hiện hành) và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, bức thiết khác của Nhà nước.
Đại biểu Lê Trọng Sang (TP.HCM) cho rằng, Dự trữ quốc gia là nhằm xử lý trường hợp đột xuất, nghiêm trọng như thiên tai và những khó khăn của nền kinh tế, không nên đưa mục tiêu rộng quá, dẫn tới khó thực hiện. Vì vậy, ông Sang đề nghị dự thảo luật nên xem xét thu hẹp mục tiêu sử dụng dự trữ quốc gia dựa trên cơ sở cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất dự trữ quốc gia, tránh dàn trải.
Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) bày tỏ quan điểm “mở rộng mục tiêu rộng thì nguồn lực huy động phát triển kinh tế càng bị hao hụt, phân tán, lại cộng thêm chi phí bảo trì cho dự trữ quốc gia lớn”
Đại biểu Thào Xuân Sùng (Sơn La) đề nghị nguồn lực dự trữ quốc gia nên được sử dụng trong các trường hợp đột xuất, cấp bách, bất khả kháng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đời sống, an sinh xã hội trên phạm vi rộng mang tính vùng, miền, toàn quốc và quốc phòng, an ninh quốc gia.
Đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) cho rằng trên thực tế, ngay cả ở những nước phát triển, có tiềm lực dự trữ quốc gia mạnh thì nguồn lực dự trữ quốc gia cũng chỉ được sử dụng nhằm ứng phó với những vấn đề quốc phòng, an ninh, tình huống đặc biệt nghiêm trọng vì vậy cần xem xét kỹ quy định về mục tiêu dự thảo luật.
Đại biểu Thân Văn Khoa, Đoàn Bắc Giang phát biểu thảo luận.
Đại biểu Phan Văn Tường thì đề nghị đối với mục tiêu đảm bảo bình ổn thị trường thì Nhà nước cần có những chính sách về tài khóa, tiền tệ để điều chỉnh chứ không nên sử dụng dự trữ quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) đề nghị nên xác định một số mặt hàng cơ bản, chủ lực cần phải dự trữ như xăng, dầu, lương thực…để khi cần là cung cấp kịp thời, không nên đưa quá nhiều mặt hàng vào danh mục hàng dự trữ quốc gia, vì nhiều mặt hàng đơn giản có thể mua ở các nước xung quanh. Đại biểu cho rằng đã là dự trữ quốc gia thì một số mặt hàng phải bí mật nhưng một số mặt hàng lại cần công khai để xin ý kiến Quốc hội.
Các đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Trần Thanh Mẫn (Cần Thơ), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cũng đồng tình việc không nên đặt mục tiêu rộng cho Luật Dự trữ quốc gia. Theo các đại biểu này, dự trữ quốc gia chỉ nên đặt mục tiêu đáp ứng những yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng cần bổ sung một số nội dung vào mục tiêu của Dự thảo luật. Đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) đề nghị dự trữ các nguồn nguyên liệu, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị bổ sung nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững. Đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 23 nhóm hàng hóa dự trữ là vàng, ngoại tệ vì đây là những mặt hàng thuộc diện Nhà nước bình ổn giá.
Đại biểu Bế Xuân Trường, Đoàn Bắc Kạn phát biểu thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) bày tỏ quan điểm, thời gian qua đã xuất hiện việc mua tạm trữ nông sản. Tuy nhiên, tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn xảy ra và nông dân là những người chịu thiệt. Đối tượng hưởng lợi ở đây là doanh nghiệp và khâu trung gian. Đại biểu Cường đề nghị cần bổ sung thêm nhiệm vụ “Tạm trữ nông sản hàng hóa cho nông dân”.
Nên xây dựng chương trình dự trữ quốc gia cấp tỉnh
Đại biểu Phạm Văn Tam (Hà Nam) đề nghị, dự thảo Luật nên có một chương quy định về dự trữ quốc gia cấp tỉnh. Dự trữ quốc gia cấp tỉnh cũng nằm trong ngân sách nhà nước, do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý để xử lý vấn đề thảm họa thiên tai trong thời bình, hoặc ở vùng sâu vùng xa. Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nêu rõ, với thực tế biến đổi khí hậu, nước biển dâng còn diễn biến phức tạp, nếu hệ thống dự trữ quốc gia, hệ thống dự trữ kho tàng không được phân bố cụ thể, hợp lý thì sẽ gây khó khăn cho các địa phương trong công tác ứng cứu.
Về tổ chức dự trữ quốc gia, đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề nghị cần xem xét, cân nhắc sự cần thiết của việc thành lập kho dự trữ ở các địa phương. Còn đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) cho rằng hệ thống kho hàng dự trữ quốc gia cần được xây dựng theo khu vực và cần được phân bổ theo vùng để tránh lãng phí khi sử dụng. Bên cạnh đó, việc thành lập thanh tra chuyên ngành dự trữ quốc gia là không cần thiết vì trùng với chức năng, nhiệm vụ của thanh tra tài chính.
Đại biểu Đinh Thị Bạch Mai (TP.HCM) cho rằng, nên có những vùng nguyên liệu dự trữ quốc gia và cần có qui định cho vùng nguyên liệu để qui trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Dự án Luật nên bổ sung trách nhiệm địa phương chứ không phải chỉ có các bộ, ngành quản lý. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm hình thành vùng dự trữ để khi cần điều động, sử dụng thì phải thực hiện được ngay trách nhiệm của mình. Ngay cả những nơi hay xảy ra thiên tai thì chính quyền địa phương chủ động, tính toán trước bằng chính nguồn lực của mình để ứng phó kịp thời hơn. Bên cạnh đó, phải có qui hoạch đào tạo cán bộ công chức, viên chức thực thiện nhiệm vụ dự trữ quốc gia. Cán bộ phải có những chế độ, chính sách phù hợp để họ toàn tâm, toàn ý cho công việc.
Về vấn đề này, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) băn khoăn với Điều 9, về chế độ chính sách với cán bộ, công chức ngành dự trữ quốc gia không nên, đề nghị bỏ, vì đã có Luật Cán bộ, công chức.
Chiến lược và danh mục dự trữ quốc gia cần phải làm rõ
Đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An) cho rằng, nội dung dự thảo luật còn thiếu nhiều và không rõ từ các định nghĩa, chính sách chiến lược, quy hoạch quản lý về dự trữ. Về mục tiêu thì luật chỉ mới dừng lại ở những vấn đề mang tính cấp bách, các dự trữ cho phát triển kinh tế đất nước chưa tính đến. Về quy hoạch chiến lược cũng chưa rõ nguồn dự trữ ở đâu, mặt hàng nào là dự trữ quốc gia. Đại biểu cho rằng, chiến lược xây dựng chủ yếu là 5 năm, 10 năm nên quy hoạch chiến lược phải do Quốc hội quyết định cụ thể, vì quy hoạch này chủ yếu lấy từ nguồn vốn ngân sách. Về danh mục hàng dự trữ cần phải làm rõ hơn nữa.
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng điều 23, khoản 2, danh mục dự trữ quốc gia không nhiều, ở đây đưa ra 5 nhóm rất khó kiểm soát, đề nghị đưa ra các mặt hàng cụ thể. Một số đại biểu cho rằng, dự trữ mà không kiểm tra, giám sát thì lãng phí. Phải có cơ chế toàn diện để dự trữ quốc gia tham gia bình ổn giá, tham gia thị trường.
Huy động nguồn lực dự trữ quốc gia ngoài nhà nước
Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM), quy định nguồn lực dự trữ quốc gia chủ yếu từ ngân sách nhà nước là chưa đủ. Trong điều kiện hiện nay khi tiềm lực ngân sách nhà nước có hạn, để tăng cường sức mạnh dự trữ quốc gia thì cần thiết phải có quy định nhằm tạo cơ chế để huy động toàn xã hội tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia. Thực tế cho thấy nếu có chính sách hợp lý thì sẽ huy động được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước vào dự trữ quốc gia. Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lâm Lệ Hà (Kiên Giang) cho rằng nguồn dự trữ quốc gia cơ bản thống nhất, tuy nhiên, cần mở rộng thêm nguồn từ các doanh nghiệp.
Đại biểu Võ Thị Dung phát biểu tại tổ. Ảnh: Minh Điền
Đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) cũng cho rằng việc nguồn dự trữ quốc gia hình thành nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước không thôi sẽ khó khăn mà nên mở rộng thêm nguồn từ các thành phần kinh tế khác. Đồng thời, cần xem xét cân nhắc việc cần thiết phải quy định tổng mức quỹ tăng dần theo từng năm hay không?
Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) cho rằng về tổng mức dự trữ quốc gia, đại biểu cho rằng việc tăng dự trữ hàng năm phải song hành với năng lực của nền kinh tế; cần căn cứ tỷ lệ GDP hàng năm để quyết định và có thể tương ứng với việc sử dụng khi có chiến tranh, thiên tai… có thể cả nước hoặc một vùng có thể đủ sử dụng trong 1 tháng hay nhiều hơn.
Quản lý hàng hóa dự trữ quốc gia phải đảm bảo
Đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) nhận định, mọi hàng dự trữ quốc gia nhất thiết phải được lưu trữ trong kho hiện đại. Không chỉ là các loại hàng hóa đặc thù như quân trang, quân dụng, thuốc nổ mà kể cả hạt gạo, thuốc trừ sâu cũng phải lưu ý chất lượng chứ không chỉ để trên kệ, gần hết hạn rồi thanh lý.
Ông Phước cũng lấy ví dụ về vụ rò rỉ thuốc trừ sâu ở Ấn Độ khiến 2 triệu người đến nay là nạn nhân của ung thư để thấy được công tác bảo quản rất quan trọng. Bên cạnh đó, theo ông Phước, về tài nguyên quốc gia, hiện Thái Lan, Philippin thiên về dự trữ thực phẩm, còn nhiều quốc gia phát triển dự trữ nguyên liệu thô, nên chăng Việt Nam nên chọn những khoáng sản chủ chốt để mục tiêu dự trữ cho hậu thế.
Ngoài ra các đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều nội dung quan trọng trong quản lý, sử dụng dự trữ quốc gia chưa được quy định rõ như: Nội hàm chính sách ưu tiên đầu tư, cơ chế tài chính đặc thù, cơ chế huy động các thành phần kinh tế tham gia hoạt động dự trữ quốc gia; điều kiện, trường hợp, trình tự, thủ tục, chế độ trách nhiệm trong nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia; thời hạn thẩm định, phê chuẩn giá mua, giá bán hàng dự trữ quốc gia; tiêu chí xác định doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhận hợp đồng bảo quản hàng dự trữ quốc gia; việc nhập, xuất hàng khi thanh lý; xử lý hao hụt, dôi thừa trong bảo quản hàng dự trữ quốc gia; bảo hiểm hàng dự trữ quốc gia; xử lý vi phạm... Có ý kiến cho rằng, hiện nay Dự trữ quốc gia thực tế là dự trữ Nhà nước, nếu đặt phạm vi là “dự trữ quốc gia” thì phải bao hàm cả dự trữ của Nhà nước, dự trữ của các thành phần kinh tế và dự trữ của người dân.