Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hoà: Tạo sự bình đẳng trong xã hội
- 21/05/2012
Cán bộ Công đoàn các KCX-KCN TPHCM giải quyết tranh chấp lao động tại Công ty Hwata Vina - ảnh: N.D
Không ai thay thế được vị trí công đoàn
“Để bảo vệ quyền lợi NLĐ phải có một tổ chức của NLĐ đứng ra làm việc này, và tổ chức đó không ai khác hơn là CĐVN. Trên thực tế, chỉ có CĐ là tổ chức duy nhất “đại diện, bảo vệ NLĐ”, chứ không thể là các hội theo giới, theo nghề nghiệp, theo sở thích như hội chim – cá – cảnh, hội người làm vườn, hội người yêu thơ....
Đặc biệt, càng không phải các tổ chức phi chính phủ được thành lập thuần tuý chỉ để chia sẻ với nhau về kỹ thuật. Việc tổ chức CĐ đại diện bảo vệ quyền lợi NLĐ là nguyên tắc đã được lịch sử Việt Nam xác lập 2 lần thông qua Luật CĐ năm 1957 và Luật CĐ năm 1990.
Xét cả mặt lý luận lẫn thực tiễn, trước nay các văn bản của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 20-NQ/TW của BCHTƯ Đảng; kết luận số 09-KL/TW của Bộ Chính trị; cũng như BLLĐ, Luật CĐ và các nghị định, thông tư cùng các văn bản pháp luật khác..., đều quy định CĐ đại diện bảo vệ NLĐ và trong thực tế nhiều năm qua cho thấy CĐ đã và đang thực hiện khá tốt chức năng đó, không ai thay thế được.
Tất nhiên để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, xứng đáng với vai trò của một tổ chức đại diện cho NLĐ thì CĐ các cấp cần tiếp tục được quan tâm tạo điều kiện để hoạt động và bản thân tổ chức CĐ cần phải không ngừng nỗ lực vươn lên. Vì vậy luật cần sửa đổi theo hướng tạo điều kiện để CĐ tiếp tục phát huy và làm tốt hơn nữa sứ mệnh của mình.
Còn việc các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội... chăm lo cho NLĐ là rất quý, rất được trân trọng và hoan nghênh, nhưng không có nghĩa các cơ quan, tổ chức..., cũng là những chủ thể đại diện NLĐ trước Nhà nước, trước NSDLĐ và chịu trách nhiệm trước pháp luật như tổ chức CĐ” - ông Hoà nói.
Phải luật hoá kinh phí công đoàn
Hiện đang có 2 phương án tài chính CĐ: Kinh phí CĐ do DN thuộc các thành phần kinh tế đóng góp bằng 2% quỹ tiền lương thực trả cho NLĐ, hoặc 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ. Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hòa thẳng thắn: “CĐVN không phải là tổ chức CĐ tự do hoạt động thuần tuý bằng đoàn phí để chỉ phục vụ đoàn viên của mình, mà là thành viên trong hệ thống chính trị xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, đại diện bảo vệ không chỉ riêng lực lượng đoàn viên, mà cho cả toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những NLĐ khác (gọi chung là NLĐ).
Vì vậy, khi xã hội đã giao tổ chức CĐ trọng trách này thì phải có kinh phí cho CĐ hoạt động. Theo tôi, cần quy định rõ trong luật nguồn kinh phí CĐ bao gồm cả kinh phí do cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN đóng góp bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ. Đây là nguồn kinh phí quan trọng để CĐ duy trì bộ máy đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ và để chăm lo cho NLĐ, trong đó việc chăm lo cho NLĐ phải được ưu tiên dành phần lớn kinh phí để “chia sẻ”, làm “cân bằng”, tạo sự bình đẳng trong xã hội.
Ngoài ra, các đơn vị nếu có điều kiện chăm sóc thêm các phúc lợi khác cho NLĐ thì đây cũng chính là chăm lo cho nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững và lâu dài của đơn vị.