Công bố Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật
- 13/04/2012
Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật gồm 4 chương và 20 điều. Cụ thể, Chương 1 về những quy định chung; Chương II về thẩm quyền và việc tổ chức hợp nhất văn bản; Chương III về kỹ thuật hợp nhất văn bản và Chương IV về điều khoản thi hành.
Toàn cảnh phiên họp công bố Pháp lệnh (Ảnh Chính phủ Online)
Pháp lệnh được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về bảo đảm tính “minh bạch của hệ thống pháp luật”, “nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật” theo tinh thần Nghị quyết số 48/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đồng thời, bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp, các luật có liên quan, đặc biệt là các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm cải cách hành chính trong quá trình hợp nhất theo hướng đơn giản, thuận tiện và hiệu quả.
Hợp nhất văn bản là việc đưa nội dung sửa đổi, bổ sung trong văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản đã được ban hành trước đó vào văn bản được sửa đổi, bổ sung theo quy trình, kỹ thuật quy định tại Pháp lệnh.
Pháp lệnh quy định rõ về thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị-xã hội; thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản liên tịch giữa Chính phủ với cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị-xã hội; thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của các cơ quan khác của Nhà nước; xử lý sai sót trong văn bản hợp nhất; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc hợp nhất văn bản...
Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật hợp nhất văn bản; bồi dưỡng kỹ thuật hợp nhất văn bản; theo dõi, đôn đốc việc hợp nhất văn bản. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, kỹ thuật hợp nhất văn bản được quy định tại Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật là những nội dung tương đối mới đối với các cơ quan, cán bộ, công chức có trách nhiệm thực hiện việc hợp nhất văn bản. Để triển khai tốt Pháp lệnh, trước mắt cơ quan chức năng sẽ tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu hướng dẫn kỹ thuật và bồi dưỡng kỹ năng hợp nhất văn bản cho đội ngũ chuyên trách, để có thể nắm bắt và triển khai được ngay các quy định về trình tự, thủ tục và kỹ thuật hợp nhất văn bản của Pháp lệnh. Bên cạnh đó, các cơ quan Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước cần sớm xây dựng kế hoạch và bảo đảm kinh phí thực hiện việc hợp nhất các văn bản được ban hành trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực. Hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định cụ thể về nguyên tắc hợp nhất văn bản; thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7 tới đây./.