Chính phủ cho ý kiến một số dự án luật

Sáng 15/9, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã tổ chức phiên họp chuyên đề cho ý kiến về các Dự án luật. Các Dự án Luật gồm: Luật Lao động (sửa đổi), Dự án Luật giá, Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi, Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính, Dự án Luật Quảng cáo, Dự án Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Dự án Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng chống rửa tiền.
Về Dự án Luật Lao động (sửa đổi), nội dung được thảo luận nhiều nhất là tổ chức công đoàn, tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm và thỏa ước lao động tập thể.
 
Các sửa đổi, bổ sung đối với tổ chức công đoàn - đại diện tập thể lao động là việc xác định chủ thể đại diện của người lao động tại doanh nghiệp; nhiệm vụ, thủ tục bầu ban đại diện tập thể lao động, cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở.
 
Hien thi 
                                  (Ảnh phiên họp chuyên đề)
 
Về giờ làm thêm, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về thời gian làm thêm, tối đa là 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ/năm. Một số ý kiến cho rằng, tăng thời gian tối đa của người lao động để tạo điều kiện cho chủ sử dụng lao động hoàn thành các công việc mang tính thời vụ, đột xuất hay thực hiện các công việc gấp theo chu kỳ sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện tăng thu nhập cho người lao động và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế.
 
Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định: “Không nên tăng tổng số giờ làm thêm. Nhưng chúng ta nên quy định giờ làm thêm theo tuần. Nếu ta quy định chung chung 200 giờ rất có thể có những tuần giới chủ bắt công nhân làm việc quá giờ. Cho nên chúng tôi đề nghị không quá 4 giờ/tuần, tức không quá 20 giờ/tháng…”.
 
Về tuổi nghỉ hưu, một số ý kiến thành viên Chính phủ cho rằng, tuổi đời hưởng lương hưu đối với người lao động nên giữ nguyên như hiện nay, tức là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Ý kiến khác đề nghị, cần nâng cao tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ công chức, đặc biệt là nữ giới để đảm bảo bình đẳng giới và giảm áp lực với quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc.
 
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận Dự án Luật Lao động (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ. Trên cơ sở đó, điều chỉnh, bổ sung những quy định phù hợp cao với tình hình thực tiễn, nhất là điều kiện làm việc, thu nhập, quyền làm chủ của người lao động.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Nội dung sửa đổi Bộ Luật Lao động lần này nhiều, nhưng cần tập trung vào nội dung nào bức thiết”.
 
Cuối giờ sáng nay, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến về Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính.
 
Chiều nay, các thành viên Chính phủ tiếp tục cho ý kiến các Dự án luật còn lại./.
 
Huy Nam - VOV

 

Huy Nam/VOV