Cần xem lại việc áp dụng quỹ bình ổn giá

Nhiều chuyên gia phản biện rất mạnh mẽ về các giải pháp bình ổn giá và việc thành lập các quỹ bình ổn giá thời gian qua. Ngay về khái niệm bình ổn giá, theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu tài chính - giá cả, đã quá tù mù và không rõ ràng dẫn tới giải pháp này thời gian qua không hiệu quả. "Bình ổn giá theo tôi hiểu là giá không thay đổi, hoặc thay đổi rất ít. Nhưng tôi cũng có thể hiểu hàng hóa đang ở một mức giá cố định, được điều chỉnh nhảy vọt lên một mức cao hơn rồi giữ yên ổn một thời gian" - TS Ánh nói và dẫn ví dụ, thời gian qua giá điện điều chỉnh 15,28%, mức rất cao từ trước tới nay, thậm chí có đề xuất tăng tới hơn 50% như vậy có phải bình ổn không? Một số chuyên gia cho rằng, việc sử dụng sai quỹ xăng dầu của Petrolimex thì quyền lợi của NTD đối với các quỹ này như thế nào khi đã phải đóng 3.000 đồng/lít xăng... Ngoài ra, quỹ này cũng dễ dẫn tới nguy cơ tiêu diệt sự cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu.

Theo ý kiến của Tổng công ty xăng dầu quân đội, việc lập quỹ hiện nay chưa giải quyết bình ổn giá. Trái lại còn tạo lợi thế cho các doanh nghiệp tích tụ một số vốn từ quỹ trên để giảm vốn vay. Từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh, dẫn đến độc quyền, tiêu diệt cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu...

Theo TS Ánh, Quốc hội từng đặt ra vấn đề việc lập quỹ bình ổn giá là vi phạm pháp luật, trái với pháp lệnh giá khi không có điều khoản nào cho phép thành lập. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng không nên tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn giá. "Vừa rồi có ý kiến đề xuất lập ra quỹ bình ổn giá chứng khoán, rồi gần đây Bộ Công thương cũng tính lập ra quỹ dự trữ lưu thông. Tôi không hình dung được thị trường giá cả đi đến đâu nếu lập ra một loạt quỹ bình ổn như vậy", ông Ánh lo ngại.

Theo ông Đinh Sỹ Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) ở các nước, quỹ bình ổn giá do các hiệp hội, các nhà sản xuất, kinh doanh tự lập ra để can thiệp điều chỉnh, bảo vệ quyền lợi trước là doanh nghiệp (DN), sau đó đến người tiêu dùng (NTD), còn tại Việt Nam nhiều quỹ do Nhà nước bỏ tiền ngân sách ra để hỗ trợ. Ông Dũng băn khoăn về hiệu quả của quỹ bình ổn giá từ trước tới nay khi chưa có ai đánh giá, kết luận hiệu quả đến đâu. "Nếu không cẩn thận lại trở thành chỗ xin cho, không mang lại chút quyền lợi nào cho NTD", ông Dũng nói.

Ở góc độ khác, một quan chức của Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, mục đích của quỹ bình ổn giá là khi nào khó khăn quá thì Nhà nước can thiệp để bình ổn. Xét cho cùng, đây chỉ là biện pháp tình thế, không giải quyết được vấn đề. Hiện cơ quan nào cũng muốn thành lập quỹ dẫn tới loạn quỹ, triệt tiêu tính cạnh tranh, không theo tính thị trường.

Vì vậy theo lãnh đạo này, nên chăng để giá cả tự điều chỉnh theo thị trường, xem khả năng chịu đựng của người dân đến đâu để qua đó điều tiết.

Tổng hợp/Dự thảo Online