Cần thiết lập Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá?

NDĐT - Trong chương trình làm việc sáng 22-5, Quốc hội đã nghe và cho ý kiến thảo luận vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Một trong những vấn đề các đại biểu tập trung thảo luận là nên hay không việc thành lập Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá.

Cần thiết lập Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá?

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ giải đáp một số vấn đề liên quan đến việc thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá.  

Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trương Thị Mai trình bày trước Quốc hội cho biết, trong kỳ họp trước, có ý kiến đồng tình và không đồng tình ủng hộ thành lập quỹ này.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá của Việt Nam cần được thực hiện trên cơ sở xã hội hóa, huy động trách nhiệm xã hội, cộng đồng, Nhà nước cũng như cơ sở kinh doanh thuốc lá.

Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với ý kiến ủng hộ việc thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, đồng thời tiếp thu ý kiến của một số đại biểu về việc phải bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả trong sử dụng quỹ, dự thảo Luật đã được bổ sung thêm quy định cụ thể về tổ chức, bộ máy, cơ chế quản lý Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Điều 28 và Điều 29).

Tại phiên họp sáng nay, phần lớn ý kiến của các đại biểu ủng hộ chủ trương thành lập quỹ, tuy nhiên cần phải có quy chế quản lý phù hợp.

Ý kiến của đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho biết, trước đây ông không đồng tình ủng hộ việc thành lập quỹ này, nhưng bây giờ thì ông đồng tình. Tuy nhiên, ông nói rõ, sắp tới chúng ta phải ban hành Luật phòng, chống lạm dụng rượu, bia hoặc Luật hạn chế rượu, bia, cũng cần có một nguồn quỹ để phòng, chống tác hại của rượu bia, cũng gần như Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, nâng cao sức khoẻ cộng đồng. Vì thế, nên chăng gọi luôn quỹ này là Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng để sau này chúng ta có ba nguồn thu. Một là thu từ thuốc lá. Hai là thu từ rượu, bia. Ba là thu từ những doanh nghiệp có sản xuất hoặc khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Còn nếu riêng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn có quỹ riêng này thì nhất trí quỹ có thể tên gọi là Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá hoặc Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng, việc xây dựng nguồn quỹ này sẽ tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá bền vững và hiệu quả hơn, là bước chuẩn bị tiến tới thành lập một quỹ chung cho mục đích nâng cao sức khỏe. Đây cũng chính là kinh nghiệm của một số nước trên thế giới.

Cũng tương tự ý kiến của đại biểu Phạm Đức Châu, đại biểu Nguyễn Thu Anh cho rằng, sắp tới khi Luật phòng, chống tác hại rượu, bia ra đời, có thể nhập tên của hai quỹ này thành tên chung là quỹ nâng cao sức khỏe.

Về nguồn thu cho quỹ, phần lớn các đại biểu đồng ý với phương án 2, tức là thu trực tiếp từ những người sản xuất và tiêu thụ thuốc lá. Phần lớn đại biểu không nhất trí phương án thu từ ngân sách.

Trong phần phát biểu ý kiến của mình, đại biểu Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã làm sáng tỏ phần nào phương thức quản lý quỹ cũng như xác định nguồn thu của quỹ. Ông Vương Đình Huệ đưa ra những bất cập của việc chi nguồn thu từ ngân sách cho quỹ. Tuy nhiên, nếu chọn phương án 2, thu từ những đóng góp bắt buộc của người sử dụng thuốc lá, cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá, hoặc tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá bán thuốc lá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, sẽ có những băn khoăn về tính minh bạch và công khai…

Những ý kiến không đồng tình việc thành lập quỹ, phần lớn bởi vì lo ngại việc hình thành nhiều loại quỹ sẽ khó kiểm soát, có thể nảy sinh tình trạng lạm dụng quỹ... Nên tăng chi ngân sách qua chi thường xuyên hoặc cho phép bổ sung trong chương trình mục tiêu quốc gia về y tế để bảo đảm cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu quả.

Đại biểu Trịnh Đình Thạch (Quảng Ngãi) nói: “Tôi nghĩ là không nên thành lập quỹ này. Rõ ràng là các đồng chí thu cái nguồn theo phương án hai cũng từ nhà kinh doanh, nhà sản xuất, nhà buôn bán như vậy thì ta đóng thuế lên 65%-70% thì nguồn đó cũng Nhà nước thu và các đồng chí điều tiết. Tôi nghĩ phần này Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định cụ thể. Nếu như có quỹ này thì sẽ tốn nhiều văn bản nữa, bây giờ trên có quỹ thì ở tỉnh, ở huyện, ở xã rất khó xử vấn đề này. Tôi nghĩ không nên có quỹ này vì nhiều cơ sở sản xuất thuốc lá sẽ đóng thuế chồng thuế…”

Khoản 1 điều 30 dự thảo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá:

1. Quỹ được hình thành từ các nguồn sau:

* Phương án 1:

a) Hàng năm ngân sách cấp một khoản kinh phí tối đa bằng 2% tổng số tiền thu được từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.

Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm quy định tại điểm này.

b) Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế;

c) Nguồn thu hợp pháp khác.

* Phương án 2:

a) Từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá bán thuốc lá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, nhưng tối đa không quá 2% và được thu cùng với thu thuế tiêu thụ đặc biệt do doanh nghiệp tự khai tự nộp vào tài khoản của Quỹ.

Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm đóng góp bắt buộc quy định tại điểm này.

b) Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế;

c) Nguồn thu hợp pháp khác.

Minh Nhật/NDĐT