Cần tập trung bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên nước
- 04/11/2011
Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được kế thừa phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước năm 1998, nhưng được bổ sung, làm rõ phạm vi không gian, giới hạn lãnh thổ Việt Nam; đồng thời, giới hạn phạm vi điều chỉnh đối với nước nước biển và chỉ điều chỉnh đối với nước biển ven bờ: “Luật này quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nước khoáng, nước nóng thiên nhiên và nước biển (trừ nước biển ven bờ) được điều chỉnh bằng pháp luật khác”.
Sau khi nghiên cứu, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đối tượng điều chỉnh của luật là chưa rõ. Vì theo dự thảo luật có cả nước ngọt, nước mặt, nước ngầm, nước mặt… Trong khi nước biển đã và sẽ có pháp luật liên quan điều chỉnh. Luật cũng không nên điều chỉnh đối với hoạt động phòng, chống lũ, lụt và các tác hại khác do nước gây ra vì tác hại do nước gây ra chủ yếu là lũ, lụt, v.v... đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ thì việc phòng, chống mới có hiệu quả. Hiện tại, các giải pháp này đã được quy định tại nhiều luật, cụ thể: xây dựng, bảo vệ đê điều (Luật Đê điều); phòng, chống lụt, bão (Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão); bảo vệ, phát triển rừng (Luật Bảo vệ và phát triển rừng) và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai (Dự án Luật Phòng, tránh thiên tai).
Theo đại biểu Đương, luật được xây dựng để bảo vệ tốt và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Do vậy, chỉ nên tập trung vào các quy định bảo vệ, và quản lý tài nguyên nước, việc điều chỉnh nhiều sẽ tạo sự dàn trải, khó đạt được mục đính của luật.
Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP Hồ Chí Minh) lại lo lắng cho việc đi vào thực tế cuộc sống của luật vì dự thảo luật có hơn 80 điều thì có tới 30 điều giao Chính phủ và các bộ quy định. Luật như vậy là thiếu rõ ràng, khó đi nhanh vào cuộc sống khi luật được ban hành. Mặt khác, cần đưa nước khoáng, nước nóng ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật vì hai loại nước đó thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản.
Trong khi đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Luật cần điều chỉnh về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra để hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo nguyên tắc quản lý thống nhất, khai thác, sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu; khai thác mặt lợi phải kết hợp với phòng ngừa mặt hại. Tuy nhiên, cần quy định đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, trùng lắp hoặc xung đột với các luật, pháp lệnh có liên quan. Luật cũng cần điều chỉnh nước biển ven bờ, đây là vùng nước có liên quan chặt chẽ và có tác động đến nguồn nước trên đất liền, chịu ảnh hưởng từ hoạt động của con người. Do đó, để thống nhất quản lý, bảo vệ nguồn nước, hạn chế tác hại do nguồn nước trên đất liền gây ra cho nước biển ven bờ và ngược lại. Việc điều chỉnh nước biển ven bờ là cần thiết. Ủy ban Kinh tế đề nghị, nêu rõ cách thức xác định nước biển ven bờ và chỉ điều chỉnh nước biển ven bờ trong phạm vi vùng nước nội thủy.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, không đưa nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vào luật này vì các loại nước trên được coi là khoáng sản và đã được điều chỉnh bởi Luật khoáng sản năm 2010.
Dự thảo Luật quy định việc xây dựng các công trình quy định tại khoản 3 Điều 22 thì phải có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước trong quá trình xây dựng và hoạt động. Một số đại biểu cho rằng, thủ tục này là không cần thiết vì Luật Bảo vệ môi trường đã quy định chủ đầu tư các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (bao gồm cả môi trường nước) và phải được thẩm định.
Ủy ban Kinh tế tán thành với việc phải có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước khi xây dựng các công trình trên. Dù phương án được lập riêng hay thể hiện trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường thì đều phải được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận. Để đơn giản và thống nhất thủ tục hành chính, đề nghị quy định phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước thể hiện trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường.