Cân nhắc thành lập tổ chức thẩm định giá
- 09/06/2011
Dự thảo luật quy định tổ chức thẩm định giá bao gồm các doanh nghiệp thẩm định giá và tổ chức thẩm định giá của Nhà nước. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa làm rõ các vấn đề có liên quan như tổ chức thẩm định giá của Nhà nước là loại hình gì? Là một bộ phận thuộc cơ quan quản lý nhà nước do ngân sách nhà nước bảo đảm các khoản chi hay một đơn vị sự nghiệp có thu hay một doanh nghiệp nhà nước?
Việc quy định có tổ chức thẩm định giá của Nhà nước là một điểm mới so với Pháp lệnh Giá. Trước khi Nghị định 101/2005/NĐ-CP ra đời, chưa có các tổ chức thẩm định giá tư nhân, các tổ chức Nhà nước được giao nhiệm vụ thẩm định giá là hệ thống các trung tâm thẩm định giá của Bộ Tài chính và các Sở Tài chính. Sau đó, các trung tâm thẩm định giá đã chuyển thành doanh nghiệp theo Nghị định 101/2005/NĐ-CP. Nay dự thảo Luật Giá lại “phục hồi” liệu có phải là đi ngược lại chủ trương tăng cường xã hội hóa dịch vụ công?
Theo TS Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Thẩm định giá Việt Nam với sự phát triển của kinh tế thị trường, việc định giá trực tiếp của Nhà nước ngày càng một thu hẹp, nay lại tái lập thẩm định giá Nhà nước sẽ dễ là một hình thức biến tướng của định giá. Ông Tuấn cho rằng cần làm rõ khái niệm về định giá và thẩm định giá. Ông đề nghị Dự thảo ghi rõ “Kết quả thẩm định giá chỉ là cơ sở tư vấn tham khảo. Người có quyền sở hữu tài sản (chủ sở hữu tài sản) mới là người có toàn quyền quyết định khối tài sản đó”.
Bà Đoàn Thị Mai thuộc Viện Kinh tế tài chính cho rằng, không nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp thẩm định giá Nhà nước mà nên thực hiện xã hội hóa trong hoạt động dịch vụ thẩm định giá. Nhà nước chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ ban hành chính sách, kiểm tra, giám sát hoạt động thẩm định giá theo pháp luật và chỉ thẩm tra kết quả thẩm định giá khi cần thiết. Các doanh nghiệp thẩm định giá sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định trước pháp luật.
Từ chủ trương thành lập tổ chức thẩm định giá của Nhà nước, dự thảo luật quy định có hai loại thẩm định viên về giá là thẩm định viên về giá hành nghề và thẩm định viên về giá của Nhà nước. Phần lớn ý kiến đều cho rằng, phân biệt như vậy là không có căn cứ khoa học và khiên cưỡng. Bởi lẽ, người đã được cấp thẻ thẩm định viên về giá là thẩm định viên về giá. Thẩm định viên về giá làm việc ở đâu thì áp dụng theo quy định của pháp luật đối với lĩnh vực đó. Chẳng hạn, thẩm định viên về giá làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, giá cả thì theo Luật Công chức, Luật Viên chức; làm việc ở doanh nghiệp thẩm định giá thì theo Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Lao động.
Với đội ngũ thẩm định viên về giá hiện rất mỏng, nhưng chúng ta quy định “Phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành thẩm định giá, kinh tế và các chuyên ngành khác liên quan đến thẩm định giá”. Ông Tiền đặt vấn đề có nhất thiết phải có bằng đại học không, nếu người có trình độ trung cấp, cao đẳng nhưng có thời gian công tác đúng chuyên ngành trên 3 năm có được dự thi hay không? “Các chuyên ngành khác liên quan đến thẩm định giá” là những ngành cụ thể nào”… ông Tiền đề nghị làm rõ.
Dự luật giá ban hành nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành về giá, tạo khung pháp lý thống nhất, đồng bộ trong quản lý giá, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp, bình ổn giá, khuyến khách cạnh tranh. Đồng thời, nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Dự kiến tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII tổ chức vào cuối tháng 7 tới, Chính phủ trình và Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự thảo Luật giá.