Cần hoàn thiện Luật Công đoàn (sửa đổi), bảo đảm thực thi hiệu lực, hiệu quả
- 27/10/2011
Cần hoàn thiện Luật Công đoàn (sửa đổi), bảo đảm thực thi hiệu lực, hiệu quả
Thu Hà
Ngày 6/8/2009, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết 19 năm thực hiện Luật Công đoàn nhằm đánh giá kết quả sau 19 năm thực hiện Luật Công đoàn (1990- 2009), đồng thời xác định phương hướng, nội dung hoàn thiện Luật Công đoàn (sửa đổi).
Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đồng chí Phó Chủ tịch Nguyễn Hòa Bình, Mai Đức Chính chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Báo cáo tổng kết 19 năm thực hiện Luật Công đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính khẳng định những đóng góp tích cực với vai trò là công cụ pháp lý quan trọng cho hoạt động công đoàn của Luật Công đoàn 1990. Đồng chí Mai Đức Chính nhấn mạnh: Sau khi Luật Công đoàn được thông qua và công bố, các ngành, các cấp, các tổ chức Công đoàn đã tập trung triển khai, tuyên truyền, phổ biến… Do có sự chủ động, tích cực của các cấp Công đoàn, sự cộng tác của các cơ quan chính quyền, chuyên môn cùng cấp, đến nay đã có 100% LĐLĐ địa phương, công đoàn ngành Trung ương đã triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật Công đoàn, 80% cán bộ Công đoàn chuyên trách, 60% cán bộ công chức, công nhân lao động rhuộc khu vực nhà nước, 25% công nhân thuộc khu vực ngoài quốc doanh đã được học tập Luật Công đoàn… Nhờ làm tốt công tác tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật Công đoàn, đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nhiều đối tượng về tổ chức Công đoàn; từng bước đưa pháp luật Công đoàn vào thực tiễn cuộc sống, góp phần củng cố vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn trong cơ chế thị trường, thể chế hóa và điều chỉnh có kết quả mối quan hệ giữa chính quyền và công đoàn cùng cấp. Công đoàn tham gia có hiệu quả thực hiện một số quy đinh Luật Công đoàn: Quyền gia nhập, thành lập và hoạt động Công đoàn; quyền đại diện; quyền tham gia kiến nghị, quyền kiểm tra, giám sát; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…
Bên cạnh nhưng kết quả đạt được, sau 19 năm thực hiện, Luật Công đoàn vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Việc tuyên truyền, phổ biến Luật Công đoàn chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục và mới tập trung nhiều đối với cán bộ, chưa chú trọng tuyên truyền trong công nhân lao động; không ít cán bộ, đoàn viên, kể cả cán bộ công đoàn, cán bộ quản lý hiểu và nhận thức vừa Luật Công đoàn rất ít, không nắm rõ nội dung Luật, thậm chí cho rằng Luật Công đoàn và việc thi hành Luật Công đoàn là việc riêng của tổ chức công đoàn; nhiều nơi quyền đại diện của công đoàn mang tính hình thức, chất lượng và hiệu quả của đại diện chưa cao, chưa phát huy và thể tốt vai trò là người “duy nhất” đại diện cho công nhân, lao động; việc chủ động, độc lập thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của Công đoàn ít được thực hiện; việc thực hiện cơ chế dân chủ cơ sở nói chung còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp, số ban thanh tra nhân dân hoạt động yếu vẫn còn nhiều…
Theo các đại biểu, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do sự bất cập của Luật Công đoàn 1990 có khá nhiều điểm không còn phù hợp với sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta sau hơn 20 năm đổi mới. Các quy định của Luật còn bị ảnh hưởng của tư duy kinh tế cũ, thể hiện rõ nét nhất là những quy định về quyền dân chủ, quyền tham gia quản lý của Công đoàn, những quy định về hoạt động công đoàn đối với từng loại hình doanh nghiệp. Nhiều nội dung của Luật Công đoàn 1990 không còn phù hợp và tương thích với Hiến pháp 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001), Bộ Luật Lao động, Luật Doanh nghiệp (năm 2005), Luật Đầu tư... Ngoài ra, những hạn chế đó còn do hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, Công đoàn còn nhiều khiếm khuyết. Công tác thanh tra, xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật lao động Công đoàn còn nhiều yếu kém; cấp ủy đảng, chính quyền nhiều nơi, nhiều lúc chưa thực sự quan tâm đến việc chỉ đạo, triển khai tổ chức Luật Công đoàn…
Để Luật Công đoàn thực sự là công cụ pháp lý quan trọng cho hoạt động Công đoàn cả về trước mắt và lâu dài, theo các đại biểu, Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm mục đích khắc phục cơ bản những hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn 1990, phân định rõ thêm chức năng, quyền và nghĩa vụ của tổ chức Công đoàn, tạo điều kiện và cơ sở pháp lý thuận lợi cao nhất cho việc thực hiện, nâng cao quyền công đoàn của người lao động. Luật Công đoàn (sửa đổi) khẳng định vai trò, vị trí, hiệu quả hoạt động của Công đoàn các cấp trong việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ tập trung vào xác định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; tiếp tục khẳng định, điều chỉnh, mở rộng và nâng cao quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của các đối tượng công nhân, viên chức, lao động... trong các cơ quan, tổ chức, hội, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập và gia nhập công đoàn; các quyền, trách nhiệm cơ bản của tổ chức công đoàn. Luật còn quy định trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp đối với người lao động và tổ chức Công đoàn...
Tại Hội nghị, đa số đại biểu cho rằng cần hoàn thiện Luật Công đoàn (sửa đổi) và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để đảm bảo cho Luật Công đoàn được thực thi hiệu lực, hiệu quả. Việc sửa đổi Luật cần tiếp tục khẳng định, điều chỉnh, mở rộng và nâng cao quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của mọi đối tượng, mọi thành phần kinh tế; quy định cụ thể các quyền và trách nhiệm cơ bản của tổ chức Công đoàn; quy định trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp… đối với người lao động và tổ chức Công đoàn; cần đảm bảo thực quyền cho tổ chức công đoàn và chế độ chính sách đối với cán bộ công đoàn; có cơ chế giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm quyền công đoàn…Các đại biểu cũng đề nghị tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Công đoàn tới cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động và đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, bởi thực tế hiện nay, không ít cán bộ lãnh đạo chính quyền và cán bộ chuyên môn không nắm được quyền và trách nhiệm của mình trong việc thi hành Luật Công đoàn, coi việc thực hiện Luật là của tổ chức Công đoàn các cấp...