Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ không định giá điện, xăng dầu

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Chính phủ đề xuất chỉnh sửa nội dung dự thảo Luật Giá do có nhiều yếu tố không phù hợp.

Bộ Công thương kiến nghị bỏ các quy định về việc Nhà nước định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí độc quyền hay thống lĩnh. Với 2 loại hàng hóa, dịch vụ là điện và xăng dầu cũng cần có sự điều chỉnh. Điện và xăng dầu đều là những mặt hàng mà Nhà nước từng bước thực hiện cơ chế thị trường theo lộ trình được vạch sẵn.

Về lĩnh vực điện lực

Nhà nước chỉ kiểm soát giá đối với khung giá phát điện, giá bán buôn điện, giá truyền tải, phân phối điện, phí dịch vụ điều độ hệ thống điện, phí dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Căn cứ theo Quyết định 26 của Thủ tướng về thị trường điện lực Việt Nam, ở các khâu truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện là các khâu vẫn còn mang tính độc quyền.

“Về giá điện, Luật Điện lực hiện hành cho phép Nhà nước chỉ giám sát giá (phê duyệt khung giá hay biểu giá), chứ không trực tiếp định giá.Việc định giá bán lẻ điện bình quân mà Nhà nước đang áp dụng chỉ phù hợp trong giai đoạn hiện tại khi tập đoàn Điện lực (EVN) còn độc quyền mua và bán lẻ điện”, nội dung văn bản của Bộ Công thương nêu rõ.

Khi cấu trúc thị trường thay đổi, các quy định về giá điện cũng phải thay đổi theo. Vì vậy dự thảo Luật Giá cũng phải tính đến việc chỉ còn tám năm nữa, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ hoạt động. Lúc đó, việc định giá điện sẽ đi ngược với những cam kết của WTO về tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp, nhất là khi Nhà nước can thiệp vào việc định giá hàng hóa, dịch vụ bất kể thuộc sở hữu nhà nước hay ngoài sở hữu nhà nước (đoạn 78 và 96 - Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO). Vì vậy, Bộ Công thương kiến nghị loại giá bán lẻ điện ra khỏi diện định giá.

Về mặt hàng xăng, dầu

Bộ Công thương cũng kiến nghị không đưa mặt hàng xăng, dầu thành phẩm vào danh mục Nhà nước được định giá. Bởi vì đưa các mặt hàng này vào diện Nhà nước định giá đồng nghĩa vô hiệu hóa Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Trong một văn bản khác cũng gửi Thủ tướng tổng kết việc thi hành Nghị định 84, Bộ Công Thương cho rằng các đợt điều chỉnh, can thiệp giá bán lẻ xăng dầu từ Bộ Tài chính thường chậm so với biến động của giá thế giới. Giá bán lẻ nhiều khi thấp hơn giá thế giới dẫn đến việc doanh nghiệp xăng dầu hiện còn treo lỗ lũy kế khoảng 5.000 tỉ đồng.

Thực tế đợt điều chỉnh giá xăng tăng 900 đồng/lít hôm 20-4 mới đây cho thấy việc Nhà nước can thiệp giá không đúng thời điểm khiến cho giá xăng dầu bị méo mó. Như thừa nhận của Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và một số doanh nghiệp đầu mối, tại thời điểm quyết định tăng giá xăng, các doanh nghiệp xăng dầu đang có lãi từ 300-500 đồng/lít. Việc lỗ (nếu có) là trước thời điểm tăng giá ít nhất gần một tháng.

Dự thảo Online/Tổng hợp