Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) họp Phiên thứ nhất

Sáng ngày 26/4/2012, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình phiên họp thứ nhất của Ban soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) đã được diễn ra. Tham dự Phiên họp có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) và đại diện các đơn vị liên quan: Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Văn phòng Quốc hội; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính; Bộ Y tế; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Tổng cục Hải quan.

Tại Phiên họp, đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC đã công bố Nghị quyết số 432/2011/UBTVQH13 ngày 30/12/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Theo Nghị quyết của Quốc hội, Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) gồm 08 thành viên do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC làm Trưởng ban; Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể làm Phó Trưởng ban Thường trực; các ủy viên Ban soạn thảo gồm Phó Chánh án TANDTC Đặng Quang Phương; Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Thành Cung; Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên; Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN Nguyễn Văn Pha; Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa.

Trên cơ sở của Nghị quyết trên, ngày 20/02/2012, Trưởng Ban soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) đã ban hành quyết định thành lập Tổ Biên tập dự án BLTTHS (sửa đổi) gồm 25 đồng chí.

Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) họp Phiên thứ nhất

Toàn cảnh phiên họp

Mục đích của việc tổng kết thi hành BLTTHS năm 2003 là đánh giá đầy đủ, đúng đắn thực tiễn thi hành Bộ luật. Chỉ rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập, trên cơ sở đó xác định những nội dung cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Việc tổng kết thi hành BLTTHS năm 2003 phải đáp ứng được các yêu cầu như bám sát theo các định hướng, yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp đã được xác định trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng.

Kế hoạch xây dựng BLTTHS (sửa đổi) được thực hiện trong 3 năm. Dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2014. Theo đó, năm 2012, sẽ hoàn thành việc tổng kết thực tiễn 8 năm thi hành BLTTHS năm 2003; hoàn thành "Những định hướng cơ bản sửa đổi BLTTHS" làm cơ sở cho việc thiết kế các quy định cụ thể vào các năm tiếp theo; hoàn thành căn bản việc nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài. Cuối năm 2013, Ban soạn thảo sẽ trình Dự thảo lần 3 BLTTHS (sửa đổi) xin ý kiến của Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan. Năm 2014, hoàn thiện dự án BLTTHS (sửa đổi) trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Chính phủ và các ngành hữu quan, trình Ủy ban Tư pháp thẩm tra sơ bộ và thẩm tra chính thức, trình UBTVQH, trình Quốc hội theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các đại biểu cũng đã thống nhất về một số nội dung trong định hướng cơ bản sửa đổi BLTTHS như về mô hình tố tụng hình sự thì tăng cường tranh tụng trong hoạt động tố tụng hình sự là tư tưởng mang tính đột phá, xuyên suốt nội dung đổi mới và hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự. Đổi mới các thủ tục tố tụng, nhất là thủ tục tố tụng tại phiên tòa để bảo đảm tranh tụng dân chủ, bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa...

Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) họp Phiên thứ nhấtPhát biểu kết luận phiên họp, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban soạn thảo nhấn mạnh: việc sửa đổi, bổ sung BLTTHS là nhiệm vụ hết sức cần thiết. Vì vậy, các đơn vị tham gia xây dựng Dự thảo cần quán triệt việc tổng kết từ cấp địa phương đến Trung ương. Phải rà soát các quy phạm pháp luật hiện hành xem còn vướng mắc, bất cập đối với hoạt động của cơ quan mình để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Xét thấy cần thiết thì tổ chức các cuộc hội thảo chung hoặc các hội thảo chuyên đề để phục vụ cho việc tổng kết đạt hiệu quả cao.

Về kế hoạch sửa đổi BLTTHS, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban soạn thảo yêu cầu các ngành hoạch định ra 3 giai đoạn tương ứng mỗi giai đoạn là 01 năm, có nội dung yêu cầu từng giai đoạn. Giai đoạn 1 phải tổng kết xong việc thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2003. Giai đoạn 2 phải xây dựng các bản dự thảo. Giai đoạn 3 (2014) phải hoàn chỉnh bản Dự thảo để trình Quốc hội.

Nghĩa Nhân/Báo Pháp luật TP.HCM