Băn khoăn khống chế trần xử phạt vi phạm hành chính?

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa có buổi làm việc với Tổ biên tập Dự án Luật Thủ đô về việc chỉnh lý, hoàn thiện một số nội dung quy định trong Dự thảo Luật.

Trong đó, vấn đề quy định trần xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm trên địa bàn Thủ đô đã được các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đặng Thanh Sơn, Vụ Phó Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, đại diện Tổ biên tập cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô mới nhất đã cập nhật sát với tinh thần của Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) - Dự Luật vừa được UBTVQH cho ý kiến.
Dự án Luật XLVPHC đưa ra phương án "Đối với khu vực nội thành của TP trực thuộc Trung ương, Chính phủ có thể quy định mức phạt tiền cao hơn không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm về giao thông, môi trường và trật tự quản lý đô thị nhưng không vượt quá mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực tương ứng được quy định".

Băn khoăn khống chế trần xử phạt vi phạm hành chính?

(Hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai được TP Hà Nội đề xuất áp dụng mức xử phạt cao.Ảnh minh họa)

"Ý kiến cơ quan thẩm tra và đa số thành viên UBTVQH tán thành việc áp dụng mức xử phạt cao hơn trong lĩnh vực giao thông, môi trường, trật tự quản lý đô thị ở một số TP lớn… Do đó, nếu phương án này của Luật XLVPHC được Quốc hội thông qua thì sẽ áp dụng luôn đối với Luật Thủ đô" - ông Sơn cho biết.

Tuy nhiên, đối với các lĩnh vực bức xúc của Thủ đô hiện nay mà Dự án Luật XLVPHC không quy định như văn hóa, đất đai, xây dựng, Dự thảo Luật Thủ đô mới nhất tiếp tục đề xuất áp dụng mức xử phạt cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần so với mức phạt cụ thể do Chính phủ quy định đối với hành vi VPHC tương ứng trong các lĩnh vực này.

Ngoài ra, Dự thảo cũng "mở" hơn so với Dự án Luật XLVPHC khi đề nghị áp dụng mức phạt tiền đối với các hành vi VPHC có tính chất đặc thù hoặc hành vi mới chưa được pháp luật xử lý VPHC quy định thực hiện ở nội thành cao hơn không quá 2 lần mức phạt tối đa được quy định tại điều 24 Luật XLVPHC cho lĩnh vực có hành vi đặc thù đó.

Tại buổi làm việc, tán thành với việc quy định mức phạt cao hơn đối với một số hành vi trên địa bàn Thủ đô, song có ý kiến đại biểu cho rằng, không nên khống chế trần xử phạt mà nên quy định "mở" để sau này căn cứ vào từng địa bàn, từng đối tượng, tùy từng mức độ để quy định.

Đại diện CA TP Hà Nội cho rằng, nếu trong tương lai, các vấn đề bức xúc, quy định mức xử phạt cao hơn đã có chuyển biến thì việc đặt ra mức trần xử phạt là không nên. Theo đó, đại biểu đề xuất nên giao UBND TP căn cứ vào tình hình thực tế, hàng năm có tờ trình HĐND TP để ban hành Nghị quyết và công bố trước ngày 31-12 hàng năm. "Điều luật chỉ đi vào cuộc sống nếu sát với thực tế, phù hợp với thực tế" - ông Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc CA TP Hà Nội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các ý kiến còn lại đều cho rằng việc không đưa ra mức trần xử phạt VPHC trong các lĩnh vực nêu trên sẽ khó được Quốc hội chấp thuận.
Theo dự kiến, ngày 10-5 tới, Dự thảo Luật Thủ đô sau khi chỉnh lý, hoàn thiện sẽ tiếp tục được trình xin ý kiến. Dự thảo sẽ tiếp tục xin ý kiến về việc Thủ đô được áp dụng mức phạt cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần so với mức phạt cụ thể do Chính phủ quy định đối với hành vi VPHC tương ứng trong các lĩnh vực như văn hóa, đất đai, xây dựng.
Về thẩm quyền xử phạt, Dự thảo cũng sẽ đưa ra hai phương án xin ý kiến. Một là trên cơ sở đề nghị của UBND TP, HĐND TP Hà Nội sẽ quy định cụ thể hành vi VPHC, mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi VPHC.
Hai là Chính phủ quy định cụ thể hành vi VPHC, mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi VPHC quy định trong Dự thảo Luật trên cơ sở đề nghị của UBND TP Hà Nội, Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan.

Hải Yến/http://phapluatxahoi.vn