Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 được ban hành ngày 17 tháng 11 năm 2010 và đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Trong gần 10 năm thực thi Luật vừa qua (2011-2021), công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được một số kết quả đáng kể, song vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng nêu trên trong đó có nguyên nhân từ những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật; sự thay đổi của môi trường, hành vi kinh doanh, tiêu dùng cũng như những nguyên nhân thuộc về năng lực và cơ chế thực thi. Thực tiễn đó đã đặt ra yêu cầu cấp bách, cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để đảm bảo hiệu lực của công tác thực thi pháp luật và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngày 22 tháng 01 năm 2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiếp đó, ngày 26 tháng 5 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW nêu trên. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hai văn bản quan trọng nêu trên là việc giao Bộ Công Thương thực hiện tổng kết thi hành và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời, trên cơ sở đánh giá toàn diện, đầy đủ quá trình thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đã tiến hành lập đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Ngày 27 tháng 7 năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 17/2021/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.Theo đó, Bộ Công Thương được phân công là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), thời hạn trình Chính phủ trước ngày 10 tháng 6 năm 2022.
Tài liệu này sẽ là tài liệu tham khảo giúp các nhà hoạch định chính sách và làm luật có các định hướng đúng trong công tác xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
I. Quan điểm xây dựng chính sách và pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của các quốc gia trên thế giới
Do sự yếu thế của người tiêu dung (NTD) trong mối quan hệ với các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ, NTD đôi khi không thể đưa ra các quyết định mua sắm, chọn lựa đúng đắn và phù hợp nhất với lợi ích của họ. Chính vì lý do đó, Nhà nước phải can thiệp để bảo vệ lợi ích của NTD. Có hai cách tiếp cận chủ đạo trên thế giới thông qua đó Nhà nước có thể bảo vệ lợi ích của NTD:
(i) xây dựng một hệ thống pháp lý trong đó quy định trách nhiệm pháp lý (liability) đối với các bên sau khi (ex post) đã xảy ra vi phạm; hoặc
(ii) xây dựng một hệ thống pháp lý (regulation) điều chỉnh, ngăn chặn trước các hành vi vi phạm (ex ante) để giảm thiểu vi phạm.
Cách tiếp cận thứ nhất là cách tiếp cận mà theo đó các bên liên quan phải bồi thường thiệt hại sau khi xảy ra thiệt hại thực sự. Theo cách tiếp cận này, các cơ quan phân xử, trong đại đa số các trường hợp là các toà án, bao gồm cả các toà chuyên biệt, sẽ quyết định mức độ bồi thường thiệt hại, căn cứ trên bản chất và thực tế vụ việc. Các bên liên quan sẽ phải chịu bồi thường thiệt hại do hành vi sai sót của họ gây ra, nhưng chỉ sau khi bên bị thiệt hại đã kiện ra toà hoặc khiếu nại đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền khác. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là việc bên bị thiệt hại kiện ra toà không có nghĩa là bên gây ra thiệt hại sẽ chịu bồi thường cho nạn nhân, ví dụ như trong trường hợp bên bị thiệt hại không thể chứng minh được rằng bên gây hại đã có hành vi sai sót. Ví dụ, anh Nguyễn Văn A uống một lon soda B do doanh nghiệp C sản xuất. Sau khi, anh A đã uống một phần của lon soda, bạn của anh A đổ phần còn lại của lon soda đó ra cốc, phát hiện thấy có một xác sên đã biến dạng. Anh A bị viêm nhiễm dạ dày do uống phải lon soda không sạch đó. Tuy nhiên, nếu anh A không kiện doanh nghiệp C ra toà, thì doanh nghiệp C sẽ không bị quy trách nhiệm pháp lý. Trong trường hợp anh A khiếu nại ra toà án, và toà án quyết định rằng thiệt hại về an toàn và sức khoẻ của anh A là do lon soda của doanh nghiệp C sản xuất gây ra, doanh nghiệp C sẽ phải bồi thường thiệt hại cho anh A theo mức mà toà án quyết định.
Cách tiếp cận thứ hai mang tính ngăn chặn, phòng ngừa, trước (ex ante) khi xảy ra vi phạm, theo đó các bên liên quan phải chịu phạt kể cả trước khi có thiệt hại thực sự, do đã vi phạm các quy định về tiêu chuẩn. Ví dụ, doanh nghiệp A sản xuất và buôn bán mũ bảo hiểm xe máy trên thị trường Việt Nam, phải tuân theo Quy chuẩn mũ bảo hiểm quốc gia (gọi tắt là QCVN2) do Bộ Khoa học và công nghệ ban hành. Nếu như những chiếc mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn của doanh nghiệp A được bán ra trên thị trường, thì dù NTD có mua mũ đem về đội hay không, hay dù có xảy ra mất an toàn tai nạn giao thông do những chiếc mũ này hay không, doanh nghiệp A vẫn sẽ bị phạt do vi phạm quy định về chất lượng nói trên. Mức phạt vi phạm có thể sẽ căn cứ theo quy định xử phạt vi phạm hành chính nói chung hay quy định riêng của Bộ Khoa học và công nghệ trong lĩnh vực này.
Theo cách tiếp cận này, một hệ thống quy chuẩn phải được thiết lập, không liên quan đến việc có xảy ra thiệt hại thực sự cho NTD hay không. Các vụ việc đơn lẻ, hay cả một nhóm các vấn đề, đều có thể được điều chỉnh bởi các quy định chuẩn chung này, giảm thiểu khả năng xảy ra việc phải phân định đúng sai, hay giúp tránh các phán quyết không nhất quán và thiếu công bằng trên cơ sở vụ việc. Các bên liên quan sẽ phải chịu phạt chỉ khi các cơ quan chức năng phát hiện được rằng họ không tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn. Và trong đại đa số các trường hợp, các cơ quan chức năng sẽ sử dụng các thủ tục hành chính để xem xét các thông tin kỹ thuật có liên quan, nhằm đi đến kết luận cuối cùng.
Hệ thống quy định liên quan đến bảo vệ NTD thường bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn (standards), đo lường (measurement), chất lượng (quality), môi trường, hay sức khoẻ. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, hệ thống quy định này do các cơ quan chức năng giám sát thực thi. Ví dụ như tại Ấn Độ, các vấn đề tiêu chuẩn do Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (cơ quan tồn tại song song với Vụ Các Vấn đề Tiêu dùng thuộc Bộ Các Vấn đề Tiêu dùng, Lương thực thực phẩm và Phân phối các Hàng hoá công cộng) chịu trách nhiệm, tại Việt Nam cho đến nay là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ).
Trong khi đó, hệ thống quy định trách nhiệm pháp lý liên quan đến bảo vệ NTD thường bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các quyền cơ bản của NTD, trách nhiệm sản phẩm (product liability), các hành vi thương mại không công bằng (unfair trade practices), giải quyết tranh chấp tiêu dùng (consumer redress) và các chế tài áp dụng (remedies and corrective measures). Đây là các quy định thường gặp nhất trong bất kỳ một đạo luật hay bộ luật về bảo vệ NTD nào trên thế giới. Trong một số trường hợp, hệ thống quy phạm pháp lý này cũng bao gồm các vấn đề liên quan đến hợp đồng mẫu (standard forms of contracts) (ví dụ, khi một người bán hàng không đưa ra điều kiện bảo hành nào cho hàng hoá được bán, khi đó bản hợp đồng mẫu mà người đó luôn sử dụng sẽ không có giá trị pháp lý và người mua hàng có quyền lấy lại tiền của mình), hay bảo hành (warranty) (ví dụ, người bán phải chịu trách nhiệm đền bù cho người mua nếu hàng hoá được bán bị lỗi - lỗi đó có thể do sản xuất, thiết kế lô hàng, hay do không cảnh báo đầy đủ về các điều kiện bảo quản và sử dụng, hay do không theo dõi giám sát sau khi hàng đã được bán). Các vụ việc liên quan đến trách nhiệm pháp lý thường do các toà án chung, các toà chuyên biệt về NTD (consumer courts), hay các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ NTD có chức năng xét xử áp dụng và thực thi.
Sau khi đã cân nhắc xem xét cả hai hệ thống bảo vệ NTD ở trên, có thể nói rằng không có hệ thống nào có thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro cho NTD. Hệ thống quy định tiêu chuẩn không thể làm được điều này, do các cơ quan chức năng không có đủ thông tin về các hành vi vi phạm quy định của các doanh nghiệp, cũng như chi phí thực thi cao, v.v. Trái lại, hệ thống quy trách nhiệm pháp lý lại thất bại do các bên liên quan có thể không đủ khả năng bồi thường thiệt hại, hoặc cơ quan phân xử không thể buộc tội họ do bằng chứng không thuyết phục hoặc các thủ tục pháp lý phức tạp.
Bên cạnh đó, những điểm chung của hai hệ thống này cũng đặt ra yêu cầu xem xét khả năng kết hợp cả hai lại thành một hệ thống pháp lý bảo vệ NTD tối ưu nhất, để giảm thiểu các nguy cơ thiệt hại cho NTD. Đây là một thực tế thường thấy tại hầu hết các quốc gia trên thế giới như Pháp, Canada, Hàn Quốc, Malaysia… Luật bảo vệ NTD, chủ yếu bao gồm các điều khoản quy trách nhiệm pháp lý, thường được bổ trợ bởi quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác, ví dụ như về tiêu chuẩn, an toàn, bảo hiểm, sức khoẻ, v.v. Cách tiếp cận này giúp đảm bảo tính chuyên biệt của từng lãnh vực pháp lý khác nhau, giúp các cơ quan thực thi tập trung vào chuyên môn của mình, tuy có mặt trái là tính rời rạc, đôi khi có thể dẫn đến không nhất quán, hay xung đột pháp lý. Ngược lại, tham vọng đưa quá nhiều các vấn đề khác nhau vào cùng một đạo luật về bảo vệ NTD có thể làm giảm hiệu quả pháp lý của các điều khoản, hay tăng chi phí thực thi của cơ quan thực thi hay hệ thống tư pháp.
Trong trường hợp cả hai hệ thống này được sử dụng để bổ trợ cho nhau, có hai câu hỏi cần được làm rõ, để có thể đạt được giải pháp tối ưu trong giảm thiểu rủi ro thiệt hại, bảo vệ NTD. Đó là:
1) Nếu một bên đã thoả mãn tất cả các tiêu chuẩn, quy định đặt ra, bên đó có thể bị quy trách nhiệm pháp lý trong trường hợp có thiệt hại hay không? Và
2) Một bên có thể bị quy trách nhiệm pháp lý do không thoả mãn các tiêu chuẩn quy định đặt ra hay không?
Câu trả lời là, việc tuân thủ các tiêu chuẩn quy định không có nghĩa là bên liên quan có thể thoát được các trách nhiệm pháp lý liên quan đến sản phẩm của mình. Mặt khác, việc không thoả mãn các tiêu chuẩn an toàn trong thực tế không tự động làm phát sinh trách nhiệm pháp lý.
Các tiêu chuẩn, quy chuẩn thường được ưu tiên áp dụng trong các lĩnh vực như thiệt hại do các thành phần độc hại gây ra, sản phẩm có lỗi hay các sơ suất trong khi chữa bệnh, kê đơn. Trong các lĩnh vực này, hệ thống tư pháp thường ít có khả năng thành công cao, do thiếu hiểu biết chuyên sâu về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến sức khoẻ và an toàn, không đủ nhân lực hay các thủ tục không chuyên biệt.
Trên cơ sở các khái quát chung về cách tiếp cận vấn đề bảo vệ NTD nói trên đây, Nhóm nghiên cứu cho rằng xét thực trạng, bất cập về việc thực thi các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (sửa đổi) nên tiếp cận theo hướng kết hợp tối đa hai hệ thống này, theo đó:
- Đối với các quy định về tiêu chuẩn, an toàn của người tiêu dùng hiện đang được điều chỉnh tại các văn bản pháp luật khác thì sẽ quy định theo hướng dẫn chiếu.
- Đối với các vấn đề liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng chưa được quy định tại các văn bản nào: thương mại điện tử, hợp đồng tiêu dùng, trách nhiệm đối với sản phẩm, tiêu dùng bền vững, bán hàng trực tiếp, tận cửa, liên tục,… hoặc quy định không rõ ràng thì sẽ được làm rõ tại Dự thảo Luật BVQLNTD (sửa đổi) lần này.
Với cách tiếp cận nói trên, các phần tiếp theo của nội dung nghiên cứu sẽ tập trung phân tích các vấn đề chung, hay nói các khác là các nhóm quy phạm phổ biến, được đưa vào pháp luật về bảo vệ NTD của một số quốc gia trên thế giới cũng như các vấn đề đặc thù của mỗi nước và cân nhắc tính khả thi hay cần thiết của việc đưa các vấn đề/quy phạm tương tự vào luật bảo vệ NTD tại Việt Nam.
II. Kinh nghiệm quốc tế về một số vấn đề dự kiến sửa đổi, bổ sung tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở tất cả các quốc gia trên thế giới chủ yếu đều điều chỉnh quan hệ giữa bốn chủ thể là người tiêu dùng, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Trong đó, người tiêu dùng (NTD) được coi là chủ thể giữ vị trí trung tâm, được sử dụng xuyên suốt trong các quy định của Luật bảo vệ NTD. Trọng tâm của pháp luật bảo vệ NTD chính là NTD, do vậy nên nội hàm của khái niệm này sẽ là kim chỉ nam cho các nội dung khác được quy định trong luật bảo vệ NTD, đặc biệt là phạm vi điều chỉnh của Luật.
Trên thế giới, pháp luật mỗi quốc gia có tiêu chí xác định và định nghĩa khác nhau về người tiêu dùng, chủ yếu dựa vào tư cách chủ thể và mục đích sử dụng để quy định thế nào là người tiêu dùng:
- Người tiêu dùng là cá nhân mua và sử dụng hàng hóa hoặc dịch vụ, cách quy định này thể hiện rõ luật bảo vệ người tiêu dùng chỉ bảo vệ đối với người nhận hàng hóa, dịch vụ để sử dụng cho mục đích cá nhân, sử dụng trong hộ gia đình, mà không vì mục đích thương mại hoặc sử dụng vào quá trình sản xuất vì pháp nhân có những vị thế và điều kiện tốt hơn so với cá nhân trong quan hệ với nhà cung cấp nên luật bảo vệ người tiêu dùng không cần thiết phải can thiệp vào quan hệ tiêu dùng của họ.
- Người tiêu dùng bao gồm cả cá nhân và tổ chức mua và sử dụng hàng hóa vì mục đích tiêu dùng hoặc mục đích thương mại, quy định này mở rộng về đối tượng được bảo vệ theo luật bảo vệ người tiêu dùng. Quy định này đã khắc phục được hạn chế của cách quy định trên vì không phải lúc nào pháp nhân cũng là người đủ khả năng để đối mặt được với các vi phạm từ phía nhà sản xuất kinh doanh và hậu quả là nếu luật bảo vệ người tiêu dùng không bảo vệ họ như đối với các cá nhân tiêu dùng khác thì quyền lợi của một nhóm đối tượng khá lớn trong xã hội bị xâm phạm, gây thiệt hại chung cho toàn xã hội.
Dưới góc độ kinh tế, theo từ điển Kinh tế học hiện đại định nghĩa: “Người tiêu dùng là bất cứ đơn vị kinh tế nào có nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ cuối cùng…, thông thường, người tiêu dùng được coi là một cá nhân nhưng trên thực tế, người tiêu dùng có thể là cơ quan, các cá nhân và nhóm cá nhân. Trong trường hợp cuối cùng, điều đáng lưu ý là, để có quyết định, đơn vị tiêu dùng là hộ gia đình chứ không phải là cá nhân”
[1].
Trên bình diện quốc tế chưa có định nghĩa pháp lý chung về NTD. Trong các văn bản pháp lý quốc tế về bảo vệ người tiêu dùng, một trong những văn bản nổi tiếng nhất có lẽ là Hướng dẫn của Liên hợp quốc về bảo vệ người tiêu dùng được ban hành năm 1985 (sửa đổi nhiều lần với lần sửa cuối năm 2015)
[2]. Tuy nhiên, trong bản Hướng dẫn này cũng không đưa ra định nghĩa mà chỉ liệt kê 08 quyền mà người tiêu dùng được hưởng
[3].
Dưới góc độ pháp luật các quốc gia, khu vực cũng có cách tiếp cận và định nghĩa khác nhau về “Người tiêu dùng”.
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia điển hình trong hệ thống pháp luật Common Law (hệ thống thông luật), và còn là nơi mà các khái niệm pháp lý - kinh tế hiện đại nảy sinh và phát triển.
Theo từ điển Black’s Law Dictionary, một cẩm nang pháp lý hiện đại được giới luật học Hoa Kỳ và quốc tế coi như những giải thích chính thức về quan điểm của common law về các thuật ngữ pháp lý thì
“Người tiêu dùng là người mua hàng hóa, dịch vụ vì mục đích sử dụng cho cá nhân, gia đình, hộ gia đình mà không nhằm mục đích bán lại”[4].
Về mặt pháp luật, tuy không được quy định chính thức trong một đạo luật cấp bang hoặc liên bang nào, nhưng khái niệm NTD ở Hoa Kỳ thường được hiểu một cách khá thống nhất. Ví dụ như Bang California quan niệm “
NTD là cá nhân tham gia giao dịch với mục đích chủ yếu vì nhu cầu cá nhân hoặc sinh hoạt hộ gia đình”
[5]; trong khi đó, các nhà làm luật tại Thủ đô Wasshington DC thì định nghĩa
“người đang mua hoặc sẽ mua, thuê, hoặc nhận hàng hóa hoặc dịch vụ, bao gồm cả người cùng giao ước hoặc bảo đảm, hoặc người đang hoặc sẽ đưa ra yêu cầu đối với việc cung cấp một hoạt động thương mại; theo tính chất, được coi là người tiêu dùng, chủ yếu vì mục đích sử dụng của cá nhân, hộ gia đình hoặc gia đình”.
[6]
Các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu tuân thủ các quy định do các thiết chế chung tại đây như Nghị viện Châu Âu, Hội đồng Châu Âu, v.v. ban hành. Ngoài ra, các quốc gia này cũng xây dựng những quy định pháp luật riêng cho quốc gia mình.
Theo Chỉ thị số 1999/44/EC về mua bán hàng hóa tiêu dùng và các bảo đảm có liên quan do Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu ban hành ngày 25/5/1999, người tiêu dùng được định nghĩa như sau:
“Người tiêu dùng là bất kỳ tự nhiên nhân nào thực hiện việc mua hàng theo hợp đồng được quy định bởi Chỉ thị này, thực hiện vì mục tiêu không liên quan đến thương mại, kinh doanh hay nghề nghiệp”.
[7]
Nhiều đạo luật cấp bang của Canada cũng đề cập đến khái niệm “Người tiêu dùng”. Ví dụ, Điều 1(e), Luật Bảo vệ NTD của Bang Quebec quy định: “
NTD là tự nhiên nhân (cá nhân) nhưng không phải là thương nhân mua sắm hàng hóa, dịch vụ cho mục đích kinh doanh của mình”.
[8]
Hay tại Điều 1 của Luật Bảo vệ NTD và các hành vi kinh doanh của Bang British Columbia quy định: “
NTD là cá nhân, dù có hay không ở bang British Columbia, tham gia vào một giao dịch tiêu dùng, tự nhiên nhân (cá nhân) tham gia giao dịch tiêu dùng, không bao gồm trường hợp bảo lãnh…”.
[9]
Tại Đức, mặc dù không có một luật chung với tên gọi là Luật Bảo vệ người tiêu dùng nhưng khái niệm và diễn giải về khái niệm “Người tiêu dùng” cũng được Đức đưa vào nhiều văn bản khác nhau. Ví dụ như Điều 13 Bộ luật Dân sự (German Civil Code) 2002 của Đức quy định: “
NTD là một thể nhân (tự nhiên nhân, cá nhân) nào đó khi ký kết một giao dịch pháp lý không nhằm mục đích kinh doanh và cũng không phục vụ hoạt động ngành nghề độc lập của mình”.
[10]
Điều 3 Phần 1 Chương II Luật Người tiêu dùng (Consumer Code) 2014 của Pháp định nghĩa:
“NTD là người thực hiện các giao dịch không vì mục đích thương mại, công nghiệp, thủ công, các hoạt động nông nghiệp hoặc tự sản xuất”.
[11]
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Nga năm 1999 (sửa đổi gần nhất 2007), phần khái niệm cơ bản, có đưa ra định nghĩa:
“người tiêu dùng là cá nhân người có mong muốn đặt hoặc yêu cầu hàng hóa (công việc, dịch vụ) hoặc người đặt, yêu cầu hàng hóa cho mục đích tiêu dùng của cá nhân, gia đình, hộ gia đình và các nhu khác không vì mục đích kinh doanh”.
[12]
Trong Luật Bảo vệ NTD 2019 của Ấn Độ, Điều 2 (7) quy định NTD là: “
Bất cứ người nào: Mua hàng hoặc
thuê dịch vụ có trả tiền, đã thanh toán hoặc đã hứa thanh toán, hoặc đã thanh toán một phần và hứa thanh toán một phần, hoặc theo cách trả dần,… mà không có mục đích để bán lại hoặc vì mục đích thương mại khác”. Điều 2(7 a-b)) giải thích chữ “
người” ở đây được hiểu bao gồm: doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, tổ chức xã hội, tuy nhiên không bao gồm người mua hàng hóa đó để bán lại hoặc vì các mục đích thương mại. Quy định này cũng nhấn mạnh tới những chủ thể có hành vi thuê và mua bán mà ít chú trọng đến chủ thể sử dụng hàng hóa, dịch vụ thì có được coi là NTD hay không
[13].
Điều 2(1) Luật về Hợp đồng tiêu dùng (tức là hợp đồng giao kết giữa NTD với thương nhân) Nhật Bản năm 2000 quy định: “
NTD theo quy định của Luật này là cá nhân nhưng không bao gồm cá nhân tham gia hợp đồng với mục đích kinh doanh”.
[14]
Luật Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng Trung Quốc (ban hành năm 1993, sửa đổi, bổ sung năm 2013) tuy không có điều khoản riêng giải thích khái niệm NTD nhưng tại Điều 2 của Luật này lại quy định rằng: “
Trường hợp NTD, vì nhu cầu cuộc sống, mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thì các quyền và lợi ích hợp pháp của mình sẽ được bảo vệ theo quy định của Luật này và trường hợp Luật này không quy định thì sẽ được bảo vệ theo các quy định khác có liên quan của pháp luật”.
[15]
Tại Malaysia, theo Điều 3(1) Luật Bảo vệ người tiêu dùng Malaysia năm 1999 (bản sửa đổi năm
2016) thì người tiêu dùng được định nghĩa như sau:
“Người tiêu dùng là người nhận hàng hóa hoặc dịch vụ để sử dụng cho mục đích cá nhân, sử dụng trong hộ gia đình, sử dụng hoặc tiêu dùng và không sử dụng hàng hóa hoặc dịch vụ vào mục đích thương mại, tiêu dùng cho quá trình sản xuất.”
[16]
Theo Điều 2 (1), Luật Bảo vệ người tiêu dùng (Thương mại lành mạnh) của Singapore người tiêu dùng được (bản sửa đổi, bổ sung năm 2009) định nghĩa như sau:
“Người tiêu dùng là cá nhân nhận hoặc có quyền nhận hàng hóa và dịch vụ từ nhà cung cấp hoặc có nghĩa vụ thanh toán cho nhà cung cấp đối với hàng hóa, dịch vụ mình đã mua tặng cho cá nhân khác và các hoạt động tiêu dùng đó không nhằm mục đích kinh doanh”.[17]
Tại Việt Nam, khái niệm pháp lý người tiêu dùng được đề cập đến lần đầu tiên trong Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng năm 1999
[18]. Sau này, khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 được ban hành thay thế Pháp lệnh, nhiều nội dung đã được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, khái niệm “Người tiêu dùng” vẫn được quy định như trong Pháp lệnh. Theo đó, Khoản 1 Điều 3 quy định:
“Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”.
Khi xem xét khái niệm này có thể thấy: (i) Chủ thể của giao dịch: cá nhân, gia đình hoặc tổ chức; (iii) Mục đích của giao dịch: Sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt cá nhân, gia đình, tổ chức; (iii) Căn cứ, cơ sở phát sinh quan hệ: xác lập thông qua hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ (mua) và/hoặc xác lập trên cơ sở có hoạt động sử dụng hàng hóa, dịch vụ (sử dụng) thậm chí không sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
1.1.3. Phân tích, đánh giá
Như vậy, có thể thấy trong pháp luật các nước, người tiêu dùng trong những bối cảnh nhất định có thể bao gồm 3 loại chủ thể: (1) người mua hàng hóa, dịch vụ (từ thương nhân) nhưng không sử dụng, (2) người mua bán hàng hóa dịch vụ đồng thời là người sử dụng và (3) người sử dụng hàng hóa dịch vụ thông qua quan hệ mua bán với thương nhân từ một người khác.
Nhìn sâu hơn vào các quy định, có thể thấy khi bàn đến khái niệm “Người tiêu dùng” cần quan tâm đến 3 vấn đề: (i) Người tiêu dùng là thể nhân (một hay nhiều cá nhân) hay tổ chức; (ii) Mục đích sử dụng hàng hóa dịch vụ là gì? tiêu dùng hay mục đích kinh doanh; (iii) Các vấn đề (nếu có) giữa người mua (tiêu) và người sử dụng (dùng) hàng hóa, dịch vụ.
* Về chủ thể (đối tượng) thì có ba cách tiếp cận:
- Cách quy định thứ nhất quy định rõ “người tiêu dùng” là thể nhân/Tự nhiên nhân (Một hoặc hoặc một nhóm cá nhân), đây là cách quy định của rất nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, nhiều quốc gia châu Âu và một số nước châu Á (ví dụ Singapore,…). Cách quy định này thể hiện rõ luật bảo vệ người tiêu dùng chỉ bảo vệ đối với cá nhân, còn pháp nhân (doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã, tổ chức,…) do họ có những vị thế và điều kiện tốt hơn so với cá nhân trong quan hệ với nhà cung cấp nên luật bảo vệ người tiêu dùng không cần thiết phải can thiệp vào quan hệ tiêu dùng của họ. Cách tiếp cận này cũng có một số điểm hạn chế bởi lẽ theo quy định của pháp luật thì pháp nhân có nhiều loại bao gồm cả doanh nghiệp và các cơ quan tổ chức khác trong xã hội. Các đối tượng này ngoài họ cũng có hoạt động tiêu dùng thông thường mà không nhất các quan hệ mua bán của họ đều là các quan hệ thương mại. Do đó trong quan hệ tiêu dùng họ cũng không phải là những người chuyên nghiệp và cũng như NTD, họ cũng không có sẵn nguồn lực để đối phó với những hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất và cũng rất cần tới sự bảo vệ của pháp luật bảo vệ NTD.
- Cách quy định thứ hai là quy định rõ cả thể nhân và pháp nhân, đây là cách quy định của Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ,... Theo quy định này thì NTD bao gồm cả pháp nhân. Quy định này tuy có vẻ hơi rộng và có thể có quan điểm cho rằng nó sẽ làm loãng đi hiệu lực của Luật bảo vệ NTD. Tuy nhiên cách quy định này đã khắc phục được hạn chế của cách quy định thứ nhất vì không phải lúc nào pháp nhân cũng là người đủ khả năng để đối mặt được với các vi phạm từ phía nhà sản xuất kinh doanh và hậu quả là nếu Luật bảo vệ NTD không bảo vệ họ như đối với các cá nhân tiêu dùng khác thì quyền lợi của một nhóm đối tượng khá lớn trong xã hội bị xâm phạm, gây thiệt hại chung cho toàn xã hội.
- Cách thứ ba là không chỉ rõ chỉ là cá nhân, chỉ là tổ chức hay bảo gồm cả cá nhân và tổ chức. Ví dụ như quy định của Trung Quốc, Thái Lan,… Cách quy định này có thể dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau và khó có thể được áp dụng trong thực tiễn bởi lẽ nó có thể được hiểu là gồm cả tự nhiên nhân và pháp nhân, nhưng cũng có thể giải thích theo hướng chỉ là tự nhiên nhân.
* Về mục đích của giao dịch: đối với giao dịch tiêu dùng, thì có thể thấy tất cả các quốc gia chỉ chấp nhận “mục đích tiêu dùng” mà không chấp nhận “mục đích kinh doanh” hay mục đích nghề nghiệp. Như vậy, tất cả các hoạt động nhằm kinh doanh, sinh lời sẽ bị loại bỏ ra khỏi đối tượng xem xét của hành vi tiêu dùng. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, Luật bảo vệ NTD nước này lại quy định NTD bao gồm cả những người sử dụng hàng hóa dịch vụ vào mục đích thương mại hoặc sản xuất kinh doanh. Như vậy khái niệm này của Hàn Quốc là khá rộng và có một hạn chế như trên đã phân tích là làm cho hiệu lực bảo vệ của Luật bảo vệ NTD bị giảm đi do phải trải rộng một cách quá mức. Tuy nhiên việc quy định mục đích vào khái niệm NTD có một điểm hạn chế là phát sinh thêm nghĩa vụ chứng minh mục đích đối với NTD khi họ muốn thực hiện các quyền được quy định tại Luật này. Do vậy, cần thiết phải có quy định giải phóng trách nhiệm này cho NTD như “NTD không có nghĩa vụ phải chứng minh mục đích sử dụng hàng hóa của mình.”
* Về vấn đề tách bạch giữa “tiêu” và “dùng”, còn gọi là người trực tiếp mua hàng hóa và người dùng hàng hóa. Pháp luật các nước dường như không quá tách bạch 2 chủ thể này dù thực tế cho thấy, đây là một vấn đề pháp lý có thể gây tranh cãi. Một người mua đồng thời có thể là người sử dụng hàng hóa, dịch vụ nhưng cũng có thể là hai người khác nhau. Khi đó vấn đề là pháp luật sẽ bảo vệ ai, người mua hay người sử dụng hay cả hai. Có một số quốc gia (Đức, Malaysia, Trung Quốc, …) chỉ rõ NTD là người sử dụng cuối cùng hàng hóa, dịch vụ mà không quan tâm đến việc mua. Ở Thái Lan, Singapore thì nêu tên cả người mua (trả tiền) và người sử dụng (nhận).
Bán hàng trực tiếp (direct selling) được hiểu là một phương thức bán hàng hóa trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua các địa điểm không phải là các cửa hàng bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp, thay vào đó, người bán hàng có thể bán hàng tại nhà, tại nơi làm việc, hoặc bán theo hình thức trực tuyến….
Trong chuỗi phân phối hàng hóa, với phương thức bán hàng trực tiếp, người bán hàng bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng và tránh mọi hình thức trung gian trong chuỗi phân phối. Trong bán hàng truyền thống, hàng hóa được bán trực tuyến hoặc tại một địa điểm bán lẻ cố định, nhưng trong bán hàng trực tiếp, yếu tố quyết định việc bán hàng là sự khéo léo của người bán hàng trước khách hàng thông qua môi trường phi bán lẻ (non-retail environment) (bán tại nhà, nơi làm việc….).
Bán hàng trực tiếp loại bỏ các khâu trung gian trong chuỗi phân phối hàng hóa, ví dụ như các trung tâm phân phối địa phương và người bán buôn. Thay vào đó, sản phẩm được phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới công ty bán hàng trực tiếp, sau đó tới trực tiếp người bán hàng (hay còn gọi là nhà phân phối). Các sản phẩm được bán bằng phương thức bán hàng trực tiếp thường không được bán tại các địa điểm bán lẻ truyền thống, có nghĩa là nếu người tiêu dùng muốn tiêu dùng một sản phẩm/ dịch vụ của công ty bán hàng trực tiếp, thì cách duy nhất là mua qua người bán hàng.
[19]
Có rất nhiều cách khác nhau để triển khai phương thức bán hàng trực tiếp, bao gồm:
- Bán hàng trực tiếp một cấp (Single – level direct sales);
- Bán hàng đội, nhóm (Host or party-plan sales);
- Bán hàng đa cấp (Multi-level marketing);
Bán hàng trực tiếp một cấp là hình thức bán hàng một – một (người bán hàng – người tiêu dùng) thông qua hình thức thuyết trình tận cửa/ tận nơi (door-to-door or in-person presentations), gặp gỡ trực tuyến (online meetings), hoặc thông qua danh mục hàng hóa. Với hình thức này, thông thường, thu nhập của người bán hàng chính là hoa hồng bán hàng, phụ thuộc vào doanh thu mục tiêu mà người đó đạt được.
Bán hàng đội, nhóm được thực hiện với hình thức đội, nhóm, thường thực hiện bán hàng qua các buổi họp/ thuyết trình bán hàng đội, nhóm diễn ra tại nhà của người bán hàng hoặc nhà của khách hàng tiềm năng. Đây là một trong những phương thức phổ biến nhất của hình thức bán hàng trực tiếp. Bán hàng đội nhóm thường được tổ chức thông qua một sự kiện, thường dưới hình thức “tiệc tại gia” (home party), nơi những người bán hàng tư vấn về sản phẩm cho khách hàng.
[20]
Bán hàng đa cấp là phương thức bán hàng dựa trên hệ thống người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, được thực hiện với nhiều dạng thức khác nhau, trong đó bao gồm tích hợp cả bán hàng một cấp và bán hàng đội nhóm. Thu nhập của người bán hàng trong hệ thống bán hàng đa cấp là hoa hồng dựa trên doanh thu bán hàng của chính người đó và hoa hồng dựa trên doanh thu được tạo ra bởi những người bán hàng khác trong hệ thống thuộc hệ thống tuyến dưới của người đó (những người do chính người bán hàng đó tuyển dụng vào hệ thống bán hàng).
Đôi lúc, thuật ngữ “bán hàng trực tiếp” bị sử dụng một cách nhầm lẫn khi bị đánh đồng với “bán hàng đa cấp” (MLM) hay “tiếp thị mạng lưới” (network marketing), nhưng những thuật ngữ này là hoàn toàn khác nhau và không thể thay thế cho nhau, bởi bán hàng đa cấp và tiếp thị mạng lưới chỉ là các dạng khác nhau của bán hàng trực tiếp, không phải tất cả các hệ thống bán hàng trực tiếp đều có liên quan tới bán hàng đa cấp. Ví dụ, trong hình thức bán hàng một cấp, người bán hàng chỉ được nhận hoa hồng từ doanh thu bán hàng của chính bản thân họ, trong hình thức bán hàng này không diễn ra việc tuyển dụng các thành viên bán hàng khác vào mạng lưới, đồng thời người bán hàng cũng không nhận được hoa hồng từ doanh thu của những người bán hàng khác.
[21]
Sự phát triển của phương thức bán hàng trực tiếp gắn liền với sự phát triển của văn minh nhân loại. Từ những năm 2000 trước công nguyên, tại Đạo Luật Hammurabi –luật của người Babylon cổ đại, đã có quy định bảo vệ của cải và tính liêm chính của người bán hàng trực tiếp Babylon cổ đại, sau này được biết đến với thuật ngữ “người bán rong” (peddler).
Vào thế kỷ thứ 5 sau công nguyên, ngành công nghiệp bán hàng trực tiếp phát triển nở rộ tại Hy Lạp. Sau đó, vào Thời kỳ Trung Cổ, những người bán hàng trực tiếp đã đóng góp nhiều cho sự phát triển thương mại. Ý tưởng về phương thức bán hàng trực tiếp đã được đưa tới nước Mỹ, nơi những “người bán hàng rong Mỹ” (Yankee Peddlers) đã mở rộng phạm vi hoạt động tới vùng biên giới miền Tây và lãnh thổ phía Bắc Canada. Phương thức bán hàng trực tiếp tiếp tục phát triển mạnh tại Mỹ vào thế kỷ 19 và thế kỷ 20 khi mọi cá nhân từ tất cả các tầng lớp đều tham gia bán hàng trực tiếp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, phát triển các mối quan hệ xã hội và bán sản phẩm mà họ yêu thích.
Avon là công ty bán hàng trực tiếp đầu tiên giới thiệu tới người tham gia bán hàng trực tiếp một bản đầy đủ các cơ hội kiếm thêm thu nhập dành cho người tham gia bán hàng trực tiếp của Công ty. Người tham gia bán hàng trực tiếp đầu tiên gia nhập Avon năm 1886 là Mrs P.F.E. Albee, Albee đã khởi nghiệp với công việc bán nước hoa tận cửa.
Năm 1910, phiên bản Hiệp hội bán hàng trực tiếp (Direct Selling Association – DSA) được thành lập tại Mỹ nhằm giám sát hoạt động của các công ty gia nhập ngành bán hàng trực tiếp, với tên gọi “Hiệp hội các đại lý tín dụng” (The Agents Credit Association).
Năm 1930 đánh dấu sự ra đời lần đầu của hình thức thuyết phục bán hàng tại nhà với tên gọi “Kế hoạch về các bữa tiệc” (Party Plan). Năm 1951, Tupperware thâm nhập thị trường bán lẻ thế giới bằng cả phương thức bán lẻ và phương thức “Kế hoạch về các bữa tiệc”. Công ty này đã nhận thấy hiệu quả vượt trội trong việc tiếp cận bán hàng tại nhà, doanh thu bán sản phẩm thông qua tiếp cận bán hàng tại nhà đã thành công tới mức họ rút toàn bộ sản phẩm từ các cửa hàng bán lẻ để chuyển duy nhất sang hình thức bán hàng trực tiếp.
[22]
Bán hàng trực tiếp như đã nêu trên thực sự là một phương thức bán hàng hiện đại và hiệu quả (đứng về phía người bán, xét về hiệu quả kinh tế) khi các khâu trung gian bán hàng được loại bỏ, đặt người bán hàng vào vị trí trung tâm, nhưng cũng đồng nghĩa với việc ủy quyền toàn bộ cho người bán hàng trong việc bán hàng, đặc biệt trong việc đưa thông tin tới người tiêu dùng. Nhiều vụ việc khiếu nại đã phát sinh trên thực tế liên quan tới các thông tin gây nhầm lẫn, sai lệch, thổi phồng, … mà người bán hàng cung cấp cho người tiêu dùng trong phương thức bán hàng trực tiếp. Nhiều đối tượng đã lợi dụng mô hình trả thưởng trong bán hàng đa cấp để thực hiện các hành vi trái pháp luật, một trong các hành vi vi phạm phổ biến được biết đến với tên gọi “mô hình kim tự tháp” (pyramid schemes).
Ngày nay, với bản chất năng động và sự phát triển của công nghệ và internet, ngành công nghiệp bán hàng trực tiếp vẫn đang tiếp tục phát triển với nhiều thách thức và triển vọng mới, tuy nhiên đồng hành với nó vẫn là các “mô hình kim tự tháp” và những tiềm ẩn rủi ro đối với người tham gia bán hàng trực tiếp cũng như người tiêu dùng. Vì vậy, quy định về bán hàng trực tiếp đã được nhiều quốc gia định hình từ rất sớm tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau nhằm thiết lập cơ chế quản lý hiệu quả ngành bán hàng trực tiếp, đồng thời bảo vệ tốt nhất lợi ích của người tiêu dùng mua và sử dụng hàng hóa thông qua phương thức bán hàng này. Ngoài ra, trong mối quan hệ giữa công ty bán hàng trực tiếp và người tham gia bán hàng trực tiếp, người tham gia bán hàng trực tiếp với tư cách người tiêu dùng (mua hàng hóa từ công ty vừa để sử dụng vừa để bán lại cho người tiêu dùng cuối cùng) cũng cần được pháp luật bảo vệ.
Mặc dù mỗi quốc gia đều có những cách tiếp cận khác nhau khi thiết lập các quy định nhằm quản lý hiệu quả phương thức bán hàng trực tiếp, mục đích chung của các nhà lập pháp đều nhằm bảo vệ người tiêu dùng, người tham gia bán hàng trực tiếp một cách tối ưu.
Hệ thống luật pháp ở Hoa Kỳ là kết quả quá trình lịch sử phát triển từ các chế độ thuộc địa đi lên thể chế liên bang. Sau khi chiến tranh giành độc lập kết thúc, các tiểu bang (thuộc địa cũ) chọn gia nhập vào liên bang (hợp chủng quốc) để tạo nên một quốc gia mới. Trong quá trình thương lượng giữa 13 tiểu bang đầu tiên khi lập quốc và viết nên Hiến pháp, các tiểu bang muốn duy trì chính phủ và luật riêng của mình, và chỉ đồng ý bàn giao một số quyền nhất định cho chính quyền liên bang. Không nằm ngoài quy luật đó, chính phủ Hoa Kỳ không ban hành một đạo luật riêng biệt nào quản lý hoạt động bán hàng trực tiếp. Các công ty bán hàng trực tiếp hoạt động ở bang nào sẽ tuân thủ các quy định pháp luật tại bang đó. Ngoài ra, những công ty này cũng phải tuân thủ quy định của Cục Quản lý Dược liên bang về thông tin được phép công bố trên nhãn mác sản phẩm. Đồng thời, các công ty bán hàng trực tiếp ở Hoa Kỳ phải thực hiện các nghĩa vụ về kinh tế như nộp thuế ở mỗi bang họ hoạt động.
Tuy nhiên, để hướng dẫn doanh nghiệp hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, Ủy ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ (cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Hoa Kỳ) đã ban hành hướng dẫn về tiếp thị đa cấp (Business guidance concerning multi-level marketing) – một dạng thức của bán hàng trực tiếp. Tại hướng dẫn này có nêu khái niệm về bán hàng trực tiếp
[23], theo đó, bán hàng trực tiếp là một thuật ngữ chung bao gồm nhiều dạng thức kinh doanh khác nhau trong đó người bán hàng trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng tại các địa điểm không phải địa điểm bán lẻ cố định. Người bán hàng trực tiếp có thể bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua các nền tảng truyền thông xã hội (social media platforms) hoặc bán tại nhà của người bán hàng/ khách hàng tiềm năng. Cũng theo hướng dẫn này, bán hàng đa cấp là một dạng thức bán hàng trực tiếp.
Do áp dụng hệ thống Thông luật (common law), Hoa Kỳ thừa nhận án lệ như nguồn luật chính thống và không có quy định cụ thể tại văn bản pháp luật về bán hàng trực tiếp cũng như bán hàng đa cấp. Các phán quyết đã tuyên của tòa án cấp trên nhìn chung có giá trị ràng buộc tòa án cấp dưới trong quá trình cấp dưới xét xử các vụ việc hiện tại. Hệ thống án lệ sẽ được phát triển qua các vụ việc được tòa án xét xử.
Về nguyên tắc chung đối với hoạt động bán hàng trực tiếp tại Hoa Kỳ, Hiệp hội bán hàng trực tiếp Hoa Kỳ đã ban hành Bộ Tiêu chuẩn đạo đức của hiệp hội.
[24]Bộ Tiêu chuẩn này là một hệ thống các chỉ dẫn quy định cách thức hoạt động đối với một tổ chức và các thành viên của tổ chức khi tiến hành các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, bao gồm những nguyên tắc về hành vi áp dụng trong phạm vi một tổ chức, doanh nghiệp, có tác dụng hướng dẫn hành vi của các thành viên tổ chức khi ra quyết định và hành động. Các quy định về đạo đức, về hành vi trong Bộ tiêu chuẩn này sẽ đặt ra những nguyên tắc mà các công ty bán hàng trực tiếp phải tuân thủ trong quá trình hoạt động, nhằm tuân thủ pháp luật của Hoa Kỳ.
Điểm A.1. của Bộ tiêu chí quy định như sau:
Không một công ty thành viên nào của hiệp hội được phép thực hiện bất kỳ hành vi gian dối, vi phạm pháp luật, hành vi tuyển dụng người trái phép hoặc hành vi gian dối và trái đạo đức với người tiêu dùng. Các công ty thành viên phải đảm bảo không có bất kỳ tuyên bố nào được đưa ra mà có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng hoặc người sẽ trở thành người bán hàng.
Tiếp theo, Mục A.8 của Bộ tiêu chí quy định về “quảng cáo liên quan đến thu nhập” như sau: “Không một công ty thành viên nào được phép quảng cáo gây hiểu nhầm về thu nhập thực tế hoặc thu nhập tương lai từ việc bán hàng của những người tham gia bán hàng trực tiếp. Bất kỳ thông tin nào về thu nhập hoặc doanh số được công ty thành viên nêu ra phải dựa vào số liệu có ghi trong sổ sách”. Quy định về việc đưa thông tin liên quan đến doanh thu này cũng được quy định trong bộ tiêu chuẩn đạo đức của Hiệp hội bán hàng trực tiếp toàn cầu, các công ty không được phép đưa thông tin gây nhầm lẫn về thu nhập thực tế của người bán hàng trực tiếp trong hệ thống công ty của họ.
Ngoài ra, Bộ Tiêu chí đạo đức cũng đưa ra các điều khoản liên quan đến điều kiện trong hợp đồng bán hàng ký kết giữa công ty và người bán hàng, trách nhiệm của công ty trong trường hợp người bán hàng rút khỏi công ty bán hàng trực tiếp. Các công ty phải có trách nhiệm áp dụng quy trình xử lý khiếu nại của người bán hàng, phải chịu trách nhiệm khi người bán hàng của họ vi phạm những điều lệ của Bộ tiêu chí đạo đức này.
Ngày 23 tháng 8 năm 2005, Trung Quốc ban hành Luật về quản lý hành chính đối với hoạt động bán hàng trực tiếp, Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2005, gồm 8 Chương và 55 điều: Chương I quy định chung, Chương II quy định về việc thành lập và điều chỉnh của Công ty bán hàng trực tiếp và các chi nhánh, Chương III quy định về tuyển dụng và đào tạo người bán hàng tận cửa (door-to-door salesmen), Chương IV quy định chi tiết về các hoạt động bán hàng trực tiếp (các yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp và người bán hàng phải tuân thủ trong quá trình hoạt động bán hàng trực tiếp tại Trung Quốc), Chương V quy định về ký quỹ, Chương VI quy định về giám sát và quản lý hành chính, Chương VII quy định về các nghĩa vụ pháp lý, Chương VIII quy định về các điều khoản bổ sung.
Mục tiêu xây dựng Luật được thể hiện ngay tại Điều 1, đó là nhằm điều chỉnh các hành vi bán hàng trực tiếp, tăng cường giám sát các hoạt động bán hàng trực tiếp, ngăn ngừa gian lận và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, bảo vệ phúc lợi công cộng.
[25]
Điều 3 của Luật về quản lý hành chính đối với hoạt động bán hàng trực tiếp nêu khái niệm về bán hàng trực tiếp, theo đó bán hàng trực tiếp tại Luật này được hiểu là một phương thức kinh doanh, trong đó các công ty bán hàng trực tiếp tuyển dụng những người bán hàng tận cửa (door-to-door salesmen) để bán hàng hóa trực tiếp tới người tiêu dùng cuối cùng (ultimate consumer) thông qua các địa điểm không phải là các địa điểm kinh doanh cố định của doanh nghiệp.
Thuật ngữ “công ty bán hàng trực tiếp” tại Luật này được hiểu là các công ty đã được phép hoạt động, bán sản phẩm theo phương thức bán hàng trực tiếp và tuân thủ quy định của Luật này.
Thuật ngữ “người bán hàng tận cửa” tại Luật này được hiểu là bất kỳ cá nhân nào được công ty bán hàng trực tiếp tuyển dụng và bán sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng cuối cùng thông qua các địa điểm không phải là các địa điểm kinh doanh cố định của doanh nghiệp.
Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn đăng ký bán hàng trực tiếp tại Trung Quốc đều phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 7 của Luật, gồm: 1. Nhà đầu tư phải có danh tiếng kinh doanh tốt, không có tiền án vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong vòng 5 năm trước khi nộp hồ sơ đăng ký, nếu nhà đầu tư là người nước ngoài, họ yêu cầu phải chứng minh ít có ít nhất 3 năm kinh nghiệm hoạt động bán hàng trực tiếp ngoài lãnh thổ Trung Quốc; 2. Vốn điều lệ tối thiểu 80 triệu NDT; 3. Ký quỹ đầy đủ tại ngân hàng được chỉ định theo quy định tại Luật này; 4. Thiết lập hệ thống thông tin cung cấp và thông tin báo cáo theo quy định tại Luật này. Điều 8 quy định chi tiết về thành phần hồ sơ cần cung cấp cho cơ quan nhà nước khi thực hiện đăng ký bán hàng trực tiếp.
Luật cũng quy định cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về thương mại và Cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực công nghiệp và thương mại (Tổng cục quản lý về thương mại công nghiệp SAIC) có nghĩa vụ thực thi nhiệm vụ điều tiết quản lý bán hàng trực tiếp tại Trung Quốc.
Cơ quan chịu trách nhiệm về thương mại tại địa phương, khu tự trị trực thuộc trung ương là đơn vị tiếp nhận hồ sơ của công ty muốn tổ chức bán hàng trực tiếp. Cơ quan đó sẽ chuyển tiếp hồ sơ về cơ quan phụ trách cấp nhà nước về thương mại và công nghiệp trong vòng 7 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này trong vòng 90 ngày sẽ ra quyết định có hay không chấp nhận đơn này. Nếu hồ sơ được chấp thuận, Cơ quan phụ trách về Công nghiệp và Thương Mại của nhà nước sẽ cấp giấy phép hoạt động.
Các yếu tố được Tổng cục quản lý về thương mại công nghiệp (SAIC) cân nhắc khi tiến hành kiểm tra và cấp giấy phép bán hàng trực tiếp đó là an ninh quốc gia, lợi ích công cộng và sự phát triển của ngành.
Cơ quan chịu trách nhiệm trực thuộc SAIC có nhiệm vụ hàng ngày giám sát công ty bán hàng trực tiếp, người bán hàng tận cửa, được sử dụng các biện pháp điều tra để tiến hành điều tra vụ việc vi phạm
[26]
Công ty bán hàng trực tiếp phải thành lập chi nhánh tại tỉnh, khu tự trị, khu đô thị độc lập nơi mà công ty đó có ý định thực hiện các hoạt động tính chất bán hàng trực tiếp. Công ty bán hàng trực tiếp sẽ thành lập các cơ sở phục vụ chăm sóc khách hàng tại khu vực họ có ý định, sẽ kinh doanh bán hàng trực tiếp để hỗ trợ khách hàng và người tham gia bán hàng trực tiếp cũng như làm hài lòng yêu cầu về báo giá hoặc đổi trả hàng và để cung cấp dịch vụ của họ một cách hợp pháp. Sự thành lập của đại lý phải đáp ứng yêu cầu của chính quyền cơ quan quản lý cấp tỉnh trở lên. Để thành lập một đại lý, Công ty bán hàng trực tiếp phải cung cấp các tài liệu và thông tin đáp ứng yêu cầu ở trên và phải nộp đơn theo quy trình thủ tục quy định tại Điều 9. Sau khi được chấp thuận Công ty phải hoàn thành đăng ký thủ tục với cơ quan quản lý về thương mại, công nghiệp theo quy định.
Cơ quan quản lý chịu trách nhiệm về công nghiệp và thương mại phải công bố danh sách công ty bán hàng trực tiếp và địa chỉ chi nhánh trên trang thông tin điện tử của nhà nước và cập nhật định những thay đổi trong danh sách này.
Mặc dù không có quy định về khái niệm “bán hàng trực tiếp”, các khái niệm về các dạng thức khác nhau của bán hàng trực tiếp (bán hàng tận cửa, tiếp thị đa cấp) được tìm thấy tại Luật các giao dịch thương mại đặc thù (Specified Commercial Transactions Law) của Nhật Bản (gồm khái niệm về bán hàng tận cửa và tiếp thị đa cấp). Luật các giao dịch thương mại đặc thù (Specified Commercial Transactions Law) Nhật Bản được ban hành năm 1976 với mục đích bảo vệ quyền lợi người mua, hướng tới sự phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phân phối hàng hóa, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bằng cách đảm bảo công bằng trong giao dịch. Những giao dịch do Luật điều chỉnh bao gồm bán hàng tận cửa (Door-to-door sales), bán hàng qua email, bán hàng qua điện thoại (Telemarketing), tiếp thị đa cấp (Multilevel marketing transaction), cung cấp một chuỗi dịch vụ liên tục. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, Luật đã phải diều chỉnh nhiều lần để phù hợp hơn nữa với thực tế, tạo điều kiện phát triển ổn định nền kinh tế quốc gia. Tương tự với quan điểm tiếp cận của Đài Loan, cách tiếp cận của Nhật Bản đối với hình thức kinh doanh đa cấp không quá khắt khe, Luật không đưa ra những quy định “tiền kiểm” (quy định đối với các điều kiện doanh nghiệp phải đáp ứng trước khi muốn kinh doanh theo hình thức đa cấp) đối với doanh nghiệp muốn kinh doanh theo hình thức đa cấp.
Theo quy định tại Luật các giao dịch thương mại đặc thù Nhật Bản, bán hàng tận cửa là phương thức bán hàng hóa/ dịch vụ trong đó người bán hàng thực hiện việc bán và cung cấp hàng hóa/ dịch vụ tại địa điểm không phải là văn phòng làm việc, cửa hàng hay bất kỳ địa điểm cố định nào theo quy định.
Các quy định điều chỉnh hoạt động tiếp thị đa cấp được quy định tại Chương 3 từ Điều 33 tới Điều 40 của Luật, cụ thể như sau:
· Định nghĩa tiếp thị đa cấp (Điều 33); xuất trình thông tin cá nhân rõ ràng trong khi thực hiện hành vi tiếp thị đa cấp (Điều 33 – 2)
· Các hành vi bị cấm khi thực hiện tiếp thị đa cấp (Điều 34)
· Quảng cáo tiếp thị đa cấp (Điều 35)
· Cấm các hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn, cấm gửi quảng cáo Email tới những người không liên quan (Điều 36)
· Cung cấp tài liệu tiếp thị đa cấp (Điều 37)
· Hướng dẫn (Điều 38)
· Đình chỉ hoạt động tiếp thị đa cấp (Điều 39)
· Huỷ hợp đồng (Điều 40)
Định nghĩa tiếp thị đa cấp
Định nghĩa tiếp thị đa cấp được quy định trong Điều 33 của Luật giao dịch thương mại Nhật Bản dựa trên cơ sở về “lợi nhuận” được tạo ra phải thoả mãn:
- Lợi nhuận được tạo ra từ phí giao dịch được cung cấp bởi một người khác cam kết trong bán lẻ, bán ký gửi hoặc trung gian bán hàng hoặc người khác đã cam kết trong việc cung cấp các dịch vụ tương tự nhau hoặc trung gian cung cấp các dịch vụ trên.
- Lợi nhuận được phát sinh từ việc bán hàng cho người khác mà đã cam kết trong bán lẻ, bán hàng ký gửi hoặc trung gian bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ tới người khác đã cam kết cung cấp các loại dịch vụ tương tự nhau hoặc trung gian cung cấp các dịch vụ trên.
- Khi nguời khác cam kết bán lẻ, bán hàng ký gửi hoặc trung gian bán hàng cung cấp một khoản phí hoặc người khác cam kết trong cung cấp các dịch vụ tương tự nhau, hoặc trung gian để cung cấp các dịch vụ trên, cung cấp một khoản phí giao dịch hoặc trả một khoản hoa hồng cho dịch vụ trên, lợi nhuận được phát sinh từ tiền hoặc hàng hoá cung cấp từ một người thứ ba.
Như vậy, lợi ích từ hệ thống tiếp thị mà một người X nhận được phát sinh từ doanh số bán hàng/ dịch vụ của người X, từ việc bán hàng cho người khác là Y mà người Y có cam kết bán lại, bán ký gửi, hoặc là trung gian bán hàng, và từ doanh thu người thứ ba là Z dưới cấp của X và Y.
Tương tự quy định tại Nhật Bản, mặc dù không có quy định về khái niệm “bán hàng trực tiếp”, các khái niệm về các dạng thức khác nhau của bán hàng trực tiếp (bán hàng tận cửa, tiếp thị đa cấp) được tìm thấy tại Đạo luật Bán hàng tận cửa và một số phương thức bán hàng đặc thù khác (Act on Door-to-door sales, etc.). Mục đích xây dựng Luật này là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển của thị trường thông qua các quy định liên quan tới các vấn đề phát sinh trong giao dịch hàng hóa và dịch vụ bằng các phương thức bán hàng tận cửa, bán hàng qua điện thoại, tiếp thị đa cấp, các giao dịch tuần hoàn (recurring transactions), ... Kể từ khi được ban hành lần đầu tiên vào năm 1995, Đạo Luật này đã được sửa đổi nhiều lần theo hướng thắt chặt quản lý và bổ sung thêm nhiều quy định. Đạo Luật này được sửa đổi bổ sung mới nhất vào ngày 28 tháng 11 năm 2017, có hiệu lực từ ngày 29 tháng 5 năm 2018.
Theo quy định của Đạo Luật này, bán hàng tận cửa được định nghĩa là phương thức bán hàng hóa trong đó người bán hàng bán hàng hóa hoặc dịch vụ bằng cách thuyết phục khách hàng/ người tiêu dùng mua hàng tại bất kỳ địa điểm không phải là văn phòng giao dịch, cửa hàng phân phối hay các địa điểm kinh doanh (theo quy định của Thủ tướng); tiếp thị đa cấp được định nghĩa là phương thức bán hàng hóa/ dịch vụ thông qua tổ chức bán hàng hội tụ những yếu tố sau: (i) Có mô hình tuyển dụng trong đó người bán hàng thuyết phục những người khác tham gia bán hàng trong tổ chức để trở thành tuyến dưới của mình; (ii) người bán hàng tham gia bán hàng trong tổ chức với mô hình tuyển dụng như đề cập ở trên có từ 3 cấp trở lên (người bán hàng tham gia vào tổ chức mà không do bất kỳ ai thuyết phục tham gia thì được tính là người bán hàng cấp 1) (Lưu ý: có trường hợp đặc biệt theo quy định tại Nghị định khác, theo đó trường hợp 2 cấp hoặc 1 cấp vẫn đươc coi là bán hàng đa cấp nếu trên thực tế điều hành nhiều cấp); (iii) Có mô hình trả thưởng theo quy định; bán hàng tận cửa dưới hệ thống bảo trợ là phương thức bán hàng thỏa mãn cả khái niệm về bán hàng tận cửa và tiếp thị đa cấp, trong đó tồn tại mô hình trả thưởng cho người bán hàng.
Cũng theo quy định tại Chương III của Luật này, doanh nghiệp tiếp thị đa cấp phải nộp hồ sơ để thực hiện đăng ký hoạt động tiếp thị đa cấp với Ủy ban thương mại lành mạnh (Fair Trade Commission), Thị trưởng Thành phố hoặc tương đương. Hồ sơ đăng ký bao gồm: Đơn đăng ký, Vốn điều lệ tối thiểu 300 triệu won, tài liệu bảo đảm thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng thỏa mãn quy định tại Điều 37, chương trình trả thưởng, tài liệu giải trình về phương thức bán hàng (bao gồm phương thức quản lý hàng tồn kho và phương thức trả thưởng), các tài liệu khác theo quy định tại Thông tư hướng dẫn.
Quy định điều chỉnh hoạt động bán hàng trực tiếp được hình thành khá sớm tại Malaysia với sự ra đời của Đạo luật bán hàng trực tiếp và cấm mô hình kim tự tháp 1993
[27]. Đạo luật được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động bán hàng trực tiếp, cấm mô hình kim tự tháp, các hành vi tương tự và điều chỉnh các vấn đề khác có liên quan tới bán hàng trực tiếp. Đạo luật gồm 8 chương và 45 Điều, gồm các quy định về yêu cầu giấy phép đối với hoạt động bán hàng trực tiếp; các vấn đề liên quan tới bán hàng tận cửa (door-to-door sales), bán hàng qua thư (mail order sales) và giao dịch bán hàng thông qua các phương tiện điện tử (sales through electronic transactions); hợp đồng bán hàng trực tiếp; quy định cấm đối với mô hình kim tự tháp (pyramid scheme); quy định về điều tra và xử lý các hành vi vi phạm....
Điều 2 Đạo luật quy định: bán hàng trực tiếp bao gồm các hình thức: bán hàng tận cửa, bán hàng qua thư hay bán hàng thông qua các phương tiện điện tử (với khái niệm của từng hình thức quy định tại luật này).
Cũng theo quy định của Đạo luật, bán hàng tận cửa là phương thức bán hàng hóa hoặc dịch vụ mà trong đó: (a) người bán hàng thực hiện bán hàng (thuyết phục người mua ký hợp đồng mua/ sử dụng sản phẩm/ dịch vụ) (i) tại địa điểm không phải là địa điểm kinh doanh cố định của doanh nghiệp, (ii) qua điện thoại; (b) người mua hàng bị thuyết phục ký hợp đồng mua/ sử dụng sản phẩm/ dịch vụ.
Khái niệm “Địa điểm kinh doanh cố định”: (a) trong trường hợp bán hàng hóa, địa điểm kinh doanh cố định là nơi người bán hàng thực hiện hoạt động kinh doanh hoặc là nơi hàng hóa được trưng bày để bán; (b) trong trường hợp cung cấp dịch vụ, địa điểm kinh doanh cố định là nơi tại đó người bán hàng thực hiện hoạt động kinh doanh.
“Bán hàng qua thư” là phương thức bán hàng trong đó người bán hàng thực hiện bán hàng qua thư hoặc qua bất kỳ hình thức thư từ nào bao gồm sử dụng các phương tiện điện tử.
“Bán hàng thông qua các phương tiện điện tử” được hiểu là phương thức bán hàng hóa/ dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử sử dụng mạng lưới tiếp thị nhằm mục đích kiếm thù lao, hoa hồng hay các lợi ích kinh tế khác.
Theo phân loại của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Malaysia (Bộ Nội Thương và Bảo vệ người tiêu dùng – Ministry of Domestic trade and Consumer Affairs), các dạng thức bán hàng trực tiếp gồm 03 loại sau:
Đạo Luật về bán hàng trực tiếp và tiếp thị trực tiếp
[28] được ban hành tại Thái Lan năm 2002, sửa đổi bổ sung năm 2017
[29]. Tại Đạo luật này, “bán hàng trực tiếp” được định nghĩa như sau:
“Bán hàng trực tiếp” là việc tiếp thị hàng hóa hoặc dịch vụ được thực hiện trực tiếp cho người tiêu dùng tại nhà, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc bất kỳ địa điểm nào khác không phải là địa điểm kinh doanh thông thường, thông qua đại diện bán hàng trực tiếp hoặc nhà phân phối một cấp hoặc đa cấp. Bán hàng trực tiếp không bao gồm một số giao dịch đặc thù được quy định tại Văn bản hướng dẫn thực thi Đạo Luật về Bán hàng trực tiếp và Tiếp thị trực tiếp.[30]
Ngoài ra, cũng tại Đạo Luật này, “Tiếp thị trực tiếp” được định nghĩa là việc tiếp thị hàng hóa hoặc dịch vụ cho người tiêu dùng ở xa để từng người tiêu dùng phản hồi và mua sản phẩm từ doanh nghiệp bán hàng trực tiếp.
Việc mua, bán hàng hóa, dịch vụ theo hình thức thương mại điện tử của các đối tượng sau không được coi là tiếp thị trực tiếp: (i) cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm dưới THB1.8 (khoảng 1,2 tỷ VNĐ); (ii) doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) theo quy định của Luật Phát triển SME; (iii) các doanh nghiệp xã hội theo quy định của Luật Phát triển doanh nghiệp xã hội; (iv) hợp tác xã nông nghiệp và nhóm nông dân theo quy định của Luật Hợp tác xã nông nghiệp.
[31]
Về cơ chế quản lý đối với hoạt động bán hàng trực tiếp, các doanh nghiệp bán hàng trực tiếp tại Thái Lan phải đăng ký với Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Thái Lan (OCPB) theo quy định của Đạo Luật về Bán hàng và Tiếp thị trực tiếp (DSA).
Phòng Quản lý bán hàng trực tiếp của OCPB sẽ thẩm định các tài liệu liên quan đến hoạt động bán hàng trực tiếp của doanh nghiệp trước khi cấp quyền kinh doanh bán hàng trực tiếp. Các tài liệu này bao gồm: Nguyên tắc hoạt động, Kế hoạch trả thưởng cho các nhà phân phối hoặc đại diện, Danh mục sản phẩm bán hàng trực tiếp. Trong quá trình xem xét, OCPB có thể yêu cầu doanh nghiệp bán hàng trực tiếp xin ý kiến bằng văn bản của Ủy ban Quảng cáo Thái Lan liên quan đến việc tuân thủ các quy định về pháp luật quảng cáo liên quan đến việc quảng cáo các sản phẩm.
Các doanh nghiệp bán hàng trực tiếp hoặc tiếp thị trực tiếp phải ký quỹ tại OCPB một khoản tiền để đăng ký hoạt động theo quy định tại Thông tư quy định chi tiết về ký quỹ đối với bán hàng trực tiếp và tiếp thị trực tiếp
[32], cụ thể:
- Đối với đăng ký bán hàng trực tiếp: yêu cầu ký quỹ THB25,000 (khoảng 17 triệu đồng) đối với cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp khác.
- Đối với đăng ký tiếp thị trực tiếp: yêu cầu ký quỹ THB5,000 (khoảng 3,4 triệu đồng) đối với cả doanh nghiệp tư nhân và yêu cầu ký quỹ THB25,000 (khoảng 17 triệu đồng) đối với doanh nghiệp khác.
- Đối với doanh nghiệp khác: phải ký quỹ THB25,000 (khoảng 17 triệu đồng) cho mỗi hình thức đăng ký bán hàng trực tiếp và tiếp thị trực tiếp.
Số tiền ký quỹ này có thể điều chỉnh phụ thuộc vào doanh thu hàng năm của doanh nghiệp và cao nhất có thể là THB200,000 (135 triệu đồng).
Doanh nghiệp không cần thực hiện việc gia hạn quyền kinh doanh bán hàng trực tiếp, nhưng doanh nghiệp có trách nhiệm phải:
- Thông báo cho OCPB nếu có sự thay đổi về nội dung trong các tài liệu đã đăng ký trong quá trình hoạt động.
- Báo cáo OCPB định kỳ về tình trạng hoạt động vào mỗi tháng 1 và tháng 7 hàng năm.
Mặc dù không có quy định và cơ chế quản lý cụ thể đối với phương thức bán hàng trực tiếp, một trong các loại hình của phương thức bán hàng trực tiếp được Đài Loan quy định quản lý khá chặt chẽ là bán hàng đa cấp.
Hoạt động bán hàng đa cấp xuất hiện tại Đài Loan từ thập niên 70 của thế kỷ 20. Vào thời điểm hoạt động này bắt đầu xuất hiện có những vi phạm lường gạt xảy ra, làm tổn hại lợi ích kinh tế của người tiêu dùng. Vụ việc nổi tiếng có tên gọi “Hội Chuột – Rat Club” năm 1981 trong đó số người bị hại lên tới hơn một vạn người, nợ xấu lên đến hơn 400 triệu Đài tệ. Vụ việc này không những đã ảnh hưởng nhiều tới lòng tin của người dân vào bán hàng đa cấp mà còn đặt ra vấn đề cần có quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động này.
Tháng 1 năm 1991, Đài Loan thông qua “Luật Thương mại lành mạnh”, sau đó công bố “Quy chế giám sát bán hàng đa cấp” (Supervisory Regulations Governing Multi-level sales), đây là những văn bản pháp lý đầu tiên trực tiếp điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp tại Đài Loan và cũng từ đây hoạt động bán hàng đa cấp đã có cơ sở pháp lý để tồn tại một cách hợp pháp. Luật Thương mại lành mạnh Đài Loan ra đời với nhiều mục đích, không chỉ nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường mà còn nhằm duy trì trật tự cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy tính ổn định và sự thịnh vượng của toàn bộ nền kinh tế. Tương tự Luật Cạnh tranh Việt Nam, Luật Thương mại lành mạnh Đài Loan điều chỉnh các hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi thương mại lành mạnh và hoạt động bán hàng đa cấp. Điều 23 của Luật Thương mại lành mạnh quy định về bán hàng đa cấp, “Quy chế giám sát bán hàng đa cấp” có giá trị như một nghị định hướng dẫn Điều 23 của Luật Thương mại lành mạnh.
Quan điểm về điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp của Đài Loan cũng được thể hiện rõ qua những lần sửa đổi Luật Thương mại lành mạnh và Quy chế giám sát bán hàng đa cấp. Kể từ khi ra đời đến nay, Luật Thương mại lành mạnh đã trải qua 5 lần sửa đổi vào các năm 1999, 2000, 2002, 2010 và 2011, nhưng chỉ lần sửa đổi vào năm 1999 là có liên quan trực tiếp tới Điều 23 – điều khoản quy định về bán hàng đa cấp (bổ sung vấn đề liên quan tới một số quyền của người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp), các lần sửa đổi còn lại không có vấn đề liên quan đến điều 23 này. Có thể nói Luật Thương mại lành mạnh và Quy chế giám sát bán hàng đa cấp Đài Loan năm 1992 đặt nền móng cho việc quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại Đài Loan, tuy nhiên đây là những quy định hết sức sơ khai với các yêu cầu đơn giản, bước đầu đưa ra các định nghĩa về bán hàng đa cấp bất chính, một số nghĩa vụ cơ bản của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đối với cơ quan có thẩm quyền (nghĩa vụ thông báo) và đối với người tham gia (nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ trung thực). Quy chế giám sát bán hàng đa cấp 1992 chỉ quy định 8 điều, trong đó nhấn mạnh về nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Sự sửa đổi Quy chế giám sát bán hàng đa cấp trong năm 1999 cho thấy một sự khác biệt tương đối lớn, trước hết về quy mô của Quy chế, số điều quy định đã tăng lên 26 điều, trong đó bổ sung thêm điều về quy định nghĩa vụ đối với nhà nước của doanh nghiệp đa cấp, bổ sung hành vi bị cấm của doanh nghiệp đa cấp, bổ sung về quy định đào tạo người tham gia về các văn bản pháp luật, bổ sung quy định về thanh tra hoạt động bán hàng đa cấp … Bản Quy chế giám sát bán hàng đa cấp sửa đổi gần đây nhất là năm 2012, trong đó bổ sung một số yêu cầu về minh bạch tài chính, loại trừ quyền tham gia bán hàng đa cấp của người không đủ năng lực hành vi dân sự…
Pháp luật Đài Loan cũng tiếp cận điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp này giống như cách tiếp cận của nhiều quốc gia khác, đó là hướng tiếp cận đưa ra các quy định để điều tiết, cấm các hành vi bán hàng đa cấp phi pháp có tác động xấu tới xã hội chứ không tiếp cận theo hướng cấm hoàn toàn phương thức kinh doanh này. So với quan điểm tiếp cận của một số quốc gia đã phân tích tại phần trên, quan điểm tiếp cận của Đài Loan đối với hoạt động bán hàng đa cấp có chiều hướng “nhẹ nhàng” hơn và không quá chú trọng vào khâu “tiền kiểm” (siết chặt các quy định nhằm hạn chế việc đăng ký bán hàng đa cấp của doanh nghiệp) mà chú trọng hơn vào việc đảm bảo quyền lợi của người tham gia trong quá trình bán hàng đa cấp.
Các quốc gia được lựa chọn học hỏi kinh nghiệm về quản lý hoạt động bán hàng trực tiếp tại phần trên được lựa chọn trên tiêu chí: (i) quốc gia có ngành bán hàng trực tiếp phát triển (dựa trên số liệu doanh thu ngành bán hàng trực tiếp công bố bởi Hiệp hội bán hàng trực tiếp thế giới WFDSA
[33]); (ii) một số quốc gia có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Với những tiêu chí như vậy, việc phân tích, đánh giá quy định của các quốc gia này sẽ có ý nghĩa đối với các nhà lập pháp Việt Nam trong quá trình xây dựng các quy định pháp luật có liên quan.
Qua tổng hợp, phân tích quy định quản lý hoạt động bán hàng trực tiếp tại Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ, nhóm nghiên cứu rút ra một số kết luận sau:
(i) Khái niệm về bán hàng trực tiếp và các loại hình bán hàng trực tiếp được quy định tại các nước có nhiều nét tương đồng và đã nắm đúng bản chất của loại hình kinh doanh này. Tuy nhiên, phụ thuộc vào quan điểm xây dựng pháp luật của từng quốc gia và mục đích mà văn bản pháp luật hướng tới, mỗi khái niệm và loại hình bán hàng trực tiếp tại mỗi quốc gia sẽ có những nét quy định riêng biệt đặc thù.
(ii) Từ quốc gia phát triển tới quốc gia đang phát triển, các rủi ro tiềm ẩn đối với người tiêu dùng trong giao dịch bán hàng trực tiếp đều được nhận thức đầy đủ và quy định đầy đủ tại các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Các quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng gồm: quy định về các hành vi cấm trong hoạt động bán hàng trực tiếp và chế tài xử lý, nghĩa vụ bắt buộc của người bán hàng trong bán hàng trực tiếp (nghĩa vụ cung cấp thông tin là một trong những nghĩa vụ quan trọng), một số quy định đặc thù về thời hạn suy nghĩ lại về việc ký hợp đồng mua hàng (cooling off period), quy định về việc được trả lại hàng, quy định về mẫu hợp đồng bán hàng trực tiếp....
(iii) Xét về đặc điểm văn hóa, mức dân trí trung bình, hệ thống pháp luật áp dụng (hệ thống luật thành văn hay án lệ), các quốc gia châu Á có xu hướng quy định chặt chẽ và chi tiết hơn tại các văn bản pháp luật.
(iv) Nhiều quốc gia có quy định yêu cầu doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký để được cấp giấy phép bán hàng trực tiếp (Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ) và hoạt động bán hàng trực tiếp một cách hợp pháp tại quốc gia đó.
(v) Các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động bán hàng trực tiếp/ các hình thức của bán hàng trực tiếp tại các quốc gia đều được quản lý bởi cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng.
2.1.1. Kiểm soát về hình thức và ngôn ngữ hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (kiểm soát về tính minh bạch)
Việc kiểm soát về tính minh bạch của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được thể hiện qua các yêu cầu về hình thức và ngôn ngữ hợp đồng được quy định tại Điều 14 Luật BVQLNTD, cụ thể:
“Trường hợp giao kết hợp đồng với người tiêu dùng bằng văn bản thì ngôn ngữ của hợp đồng phải được thể hiện rõ ràng, dễ hiểu. Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng là tiếng Việt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” (khoản 2) và “Trường hợp giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải tạo điều kiện để người tiêu dùng xem xét toàn bộ hợp đồng trước khi giao kết” (khoản 3).
Pháp luật Việt Nam đưa ra những yêu cầu về tính minh bạch nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận dễ dàng và đầy đủ nội dung của hợp đồng theo mẫu cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, Điều 14 hiện nay mới chỉ quy định về HĐTM, chưa quy định các nội dung tương tự về ĐKGDC.
2.1.2. Kiểm soát về tính hiệu lực của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
Tính hiệu lực của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được quy định tại Điều 16 Luật BVNTD 2010, trong đó liệt kê chín loại điều khoản hợp đồng sẽ không có hiệu lực với người tiêu dùng nếu được đưa vào hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung, bao gồm:
a) Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật;
b) Hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng;
c) Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đơn phương thay đổi HĐTM, ĐKGDC;
d) Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đơn phương xác định người tiêu dùng không thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ;
đ) Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
e) Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ giải thích hợp đồng trong trường hợp điều khoản của hợp đồng được hiểu khác nhau;
g) Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong trường hợp kinh doanh hàng hoá, cung ứng dịch vụ thông qua bên thứ ba;
h) Bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ các nghĩa vụ ngay cả khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không hoàn thành nghĩa vụ của mình;
i) Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho bên thứ ba mà không được người tiêu dùng đồng ý.
Cách quy định này của Luật BVNTD 2010 có ưu điểm nổi trội là tính xác định, theo đó tạo nên cơ chế kiểm soát nhanh chóng và hiệu quả, giảm chi phí tiếp cận cho người tiêu dùng hay giúp người ban hành HĐTM, ĐKGDC có thể tự kiểm soát tính công bằng của các điều khoản do mình đưa ra. Tuy nhiên, cách quy định này bộc lộ hai bất cập:
Thứ nhất, một số trường hợp được liệt kê tại Điều 16 LBVNTD có hạn chế là sự thiếu linh hoạt, cứng nhắc, không cho phép tính toán đến hoàn cảnh, lĩnh vực kinh doanh đặc thù của từng loại thị trường. Ví dụ: đối với các loại hợp đồng có đặc tính là quá trình thực hiện hợp đồng diễn ra lâu dài, chịu sự chi phối của biến động thị trường ví dụ hợp đồng viễn thông, việc yêu cầu thương nhân phải liên hệ và đàm phán lại với từng khách hàng để sửa đổi hợp đồng nhằm tuân thủ Điều 16.1 (đ) Luật BVQLNTD là không khả thi và không thực tế.
Thứ hai, thiếu quy định chung mang tính khái quát để định hình chuẩn mực kiểm soát tính bất công bằng của các điều khoản mẫu. Danh mục các điều khoản không có hiệu lực tại Điều 16 Luật BVNTD không thể bao quát tất cả các dạng thức mới của các điều khoản bất công trên thị trường, đơn cử thiếu các trường hợp sau:
(i)Quy định về chế tài xử lý vi phạm giữa các bên theo hướng không cân bằng, tương xứng, trong đó Bên mua luôn là bên phải chịu chế tài xử lý vi phạm nặng hơn
Ví dụ: Trong trường hợp chậm thanh toán dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng, bên mua bị phạt 20% giá trị căn hộ; trong khi đó nếu bên bán chậm bàn giao căn hộ dẫn tới việc chấm dứt hợp đồng, bên bán chỉ bị phạt 8% giá trị căn hộ hoặc 8% số tiền bên mua đã nộp.
(ii) Quy định chưa đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng liên quan đến trách nhiệm bồi thường và mức bồi thường thiệt hại:
Ví dụ: “Trong trường hợp hư hỏng hàng hóa thì mức bồi thường áp dụng không quá 03 (ba) lần cước chuyển phát và hoàn trả tiền cước nếu khách hàng đã thanh toán. Mức bồi thường trong từng trường hợp cụ thể, Công ty sẽ căn cứ vào mức độ hàng hóa hư hỏng thực tế để xem xét quyết định.”
Điều khoản nêu trên quy định chưa đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng dưới hai góc độ: Một là, quy định này cho phép doanh nghiệp đơn phương xác định mức độ hàng hóa hư hỏng từ đó xác định mức bồi thường cho khách hàng mà không có sự thống nhất với khách hàng là bên chịu thiệt hại; Hai là, quy định trên đã giới hạn mức bồi thường áp dụng tối đa (nếu có) mà doanh nghiệp phải chi trả là không quá ba lần cước chuyển phát, được hiểu là áp dụng trong mọi trường hợp, bao gồm cả trường hợp mức bồi thường đó thấp hơn giá trị hàng hóa bị hư hỏng.
Do đó, trong trường hợp xuất hiện các điều khoản mới bất công thái quá cho người tiêu dùng, nhưng lại nằm ngoài danh mục liệt kê tại Điều 16 Luật BVQLNTD, cơ quan nhà nước không có cơ sở pháp lý để kiểm soát điều khoản đó. Việc thiếu vắng một điều khoản quy định chung đồng nghĩa với việc thiếu vắng một công cụ quan trọng để thiết lập một chuẩn mực về tính công bằng trong pháp luật hợp đồng Việt Nam, cũng như đảm bảo tính linh hoạt của cơ chế kiểm soát trước sự thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội.
2.2.1. Kiểm soát về hình thức và ngôn ngữ hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (kiểm soát về tính minh bạch)
Về cơ bản, các quốc gia trên thế giới đều đặt ra yêu cầu về tính minh bạch của các điều khoản mẫu, chẳng hạn như:
Tại Châu Âu, Điều 5 Chỉ thị Hội đồng Châu Âu 93/13/EEC quy định:
[34]
“Trong trường hợp hợp đồng có tất cả hoặc một số điều khoản được cung cấp cho người tiêu dùng bằng văn bản, các điều khoản này phải được soạn thảo bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu. Khi có nghi ngờ về ý nghĩa của một thuật ngữ, cách giải thích có lợi nhất cho người tiêu dùng sẽ được ưu tiên”.
Tại Úc, Điều 24 Luật Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Úc quy định:
[35]
"Khi xác định xem một điều khoản của hợp đồng là không công bằng theo nội dung trên hay không, tòa án có thể xét đến những vấn đề mà tòa án cho là có liên quan, nhưng phải xét đến mức độ minh bạch của điều khoản và toàn bộ hợp đồng.
Một điều khoản là minh bạch nếu điều khoản đó được diễn đạt bằng ngôn ngữ đơn giản hợp lý; dễ đọc; được trình bày rõ ràng và luôn có hiệu lực với bất kỳ bên nào bị tác động bởi điều khoản".
Tại Hàn Quốc, Đạo luật về các Điều khoản và Điều kiện Hàn Quốc
[36] quy định nghĩa vụ để chuẩn bị và giải thích các điều khoản và điều kiện như sau:
- "Một doanh nhân phải cung cấp các điều khoản và điều kiện của hợp đồng bằng tiếng Hàn và sử dụng các điều khoản được tiêu chuẩn hóa và hệ thống hóa để khách hàng có thể dễ dàng hiểu các chi tiết của các điều khoản và điều kiện này, đồng thời chỉ ra rõ ràng các chi tiết quan trọng của hợp đồng bằng dấu hiệu, màu sắc, chữ in đậm và lớn, v.v. .để khách hàng dễ dàng nhận ra chúng" (khoản 1 Điều 3).
- "Khi giao kết hợp đồng, người kinh doanh phải trình bày/chỉ ra rõ ràng với khách hàng của mình các chi tiết về các điều khoản và điều kiện liên quan theo cách thường được mong đợi đối với loại hợp đồng được đề cập và phải, theo yêu cầu của khách hàng, chuyển một bản sao của các điều khoản và điều kiện cho khách hàng để giúp khách hàng hiểu chúng" (khoản 2 Điều 3).
- "Một doanh nhân phải giải thích các chi tiết quan trọng được cung cấp trong các điều khoản và điều kiện của hợp đồng để khách hàng có thể hiểu chúng" (khoản 3 Điều 3).
- "Nếu một doanh nhân ký kết hợp đồng, vi phạm các nội dung tại khoản 2 và 3 nêu trên, họ không được khiếu nại rằng các điều khoản và điều kiện liên quan cấu thành nội dung của hợp đồng” (khoản 4 Điều 3).
- "Các điều khoản và điều kiện sẽ được giải thích một cách công bằng phù hợp với nguyên tắc tin cậy và thiện chí, và sẽ không được giải thích khác nhau giữa các khách hàng. Nếu ý nghĩa của các điều khoản và điều kiện không rõ ràng, nó sẽ được giải thích có lợi cho khách hàng" (Điều 5).
Như vậy có thể thấy nhiều quốc gia trên thế giới đều đặt ra yêu cầu về tính minh bạch của điều khoản mẫu, trong đó nổi bật là các yêu cầu về tính đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu và nguyên tắc giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng trong trường hợp điều khoản có nhiều cách hiểu khác nhau.
2.2.2. Kiểm soát về tính hiệu lực của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
Tương ứng Điều 16 Luật BVQLNTD Việt Nam về các điều khoản không có hiệu lực, tính hiệu lực của các điều khoản mẫu trong HĐTM, ĐKGDC được quy định phổ biến trên thế giới, trong đó pháp luật nhiều nước trên thế giới chia các điều khoản về tính hiệu lực thành hai phần: (i) một định nghĩa hoặc một điều khoản chung quy định nguyên tắc xác định điều khoản không công bằng và (ii) danh mục các điều khoản không công bằng cụ thể. Cụ thể như sau:
2.2.2.1. Quy định chung về các điều khoản không công bằng
Có hai cách quy định chung về các điều khoản không công bằng, trong đó:
Cách thứ nhất, đưa ra định nghĩa về điều khoản không công bằng và xác định tính hiệu lực của điều khoản không công bằng, chẳng hạn như Châu Âu và Anh:
* Châu Âu:
Về định nghĩa, Điều 3(1), Chỉ thị 93/13/EEC của Uỷ ban châu Âu quy định:
“Một điều khoản không được hai bên thoả thuận sẽ được coi là bất công nếu điều khoản đó đi ngược lại với yêu cầu về sự thiện chí, dẫn đến một sự bất cân xứng đáng kể đối với quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh theo hợp đồng gây bất lợi cho người tiêu dùng”.[37]
Về tính hiệu lực của điều khoản không công bằng, Điều 6(1), Chỉ thị 93/13/EEC của Uỷ ban châu Âu quy định: “Các quốc gia thành viên, theo luật pháp của từng nước, cần quy định rằng các điều khoản không công bằng sẽ không ràng buộc người tiêu dùng và, các điều khoản khác của hợp đồng vẫn có hiệu lực nếu như hợp đồng tiếp tục tồn tại mà không có các điều khoản không công bằng”.
* Anh:
Về định nghĩa, Mục 62.4 (Yêu cầu các điều khoản hợp đồng và thông báo phải công bằng) Phần II (Điều khoản không công bằng) Đạo luật quyền người tiêu dùng 2015 của Anh: quy định: “
Một điều khoản được coi là không công bằng nếu trái với yêu cầu về thiện chí, điều đó gây ra sự mất cân bằng đáng kể về quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng gây bất lợi cho người tiêu dùng”.
[38]
Về tính hiệu lực của điều khoản không công bằng, Phần II (Điều khoản không công bằng) Đạo luật quyền người tiêu dùng 2015 của Anh quy định:
- Điều khoản không công bằng của hợp đồng tiêu dùng không ràng buộc đối với người tiêu dùng.
- Một thông báo tiêu dùng không công bằng không ràng buộc người tiêu dùng.
Trong trường hợp điều khoản của hợp đồng tiêu dùng không ràng buộc người tiêu dùng thì hợp đồng vẫn tiếp tục, cho đến khi có thể, có hiệu lực theo mọi khía cạnh khác.
Cách thứ hai, quy định các tiêu chí xác định điều khoản không công bằng và xác định tính hiệu lực của điều khoản không công bằng, chẳng hạn như Úc và Đài Loan:
* Úc:
Về tiêu chí xác định điều khoản không công bằng, Mục 24 (1) Phần 2-3 Điều khoản hợp đồng không công bằng Luật Người tiêu dùng Úc 2010 quy định:
"Điều khoản của hợp đồng tiêu dùng hoặc hợp đồng kinh doanh nhỏ là không công bằng nếu:
(a) Nó sẽ dẫn đến sự mất cân bằng đáng kể về quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh theo hợp đồng;
(b) Nó không cần thiết một cách hợp lý để bảo vệ lợi ích hợp pháp của bên được hưởng lợi theo điều khoản đó (Điều khoản của hợp đồng được cho là không cần thiết một cách hợp lý để bảo vệ lợi ích hợp pháp của bên sẽ được hưởng lợi theo điều khoản đó, trừ khi bên đó chứng minh khác đi); và
(c) Nó sẽ dẫn đến thiệt hại (dù là về tài chính hay về mặt khác) cho một bên nếu nó được áp dụng hoặc được dựa vào".
[39]
Về xác định tính hiệu lực của điều khoản không công bằng, Mục 23 (1) Phần 2-3 Điều khoản hợp đồng không công bằng Luật Người tiêu dùng Úc 2010 quy định:
"Một điều khoản của hợp đồng tiêu dùng hoặc hợp đồng kinh doanh nhỏ vô hiệu nếu:
(a) điều khoản là không công bằng; và
(b) hợp đồng là một hợp đồng theo mẫu".
* Đài Loan
Điều 12 Luật Bảo vệ người tiêu dùng Đài Loan quy định chung về tiêu chí xác định điều khoản không hợp lý và xác định tính hiệu lực của điều khoản không hợp lý như sau:
“Bất kỳ điều khoản và điều kiện mẫu nào vi phạm các yêu cầu về thiện chí đều là không hợp lý đối với người tiêu dùng, bị coi là vô hiệu.
Việc sử dụng các hợp đồng mẫu được cho là không hợp lý khi các điều khoản và điều kiện quy định thuộc bất kỳ điều nào sau đây:
1. Trường hợp các điều khoản và điều kiện của hợp đồng vi phạm nguyên tắc bình đẳng và có đi có lại.
2. Trường hợp các điều khoản và điều kiện của hợp đồng bị loại trừ bởi các quy tắc bổ sung mà các quy tắc này trái với pháp luật.
3. Trường hợp các mục đích của hợp đồng không thể đạt được do các quyền hoặc nghĩa vụ chính của hợp đồng bị hạn chế bởi các điều khoản và điều kiện đó”.
[40]
Dù thuộc cách nào trong hai cách nêu trên, quy định của các quốc gia nêu trên đều có điểm chung là xác định các điều khoản không công bằng sẽ không có hiệu lực, đồng thời việc xác định tính hiệu lực sẽ dựa vào các tiêu chí chung mang tính nguyên tắc chứ không chỉ dựa vào các trường hợp được liệt kê cụ thể như tại Điều 16 Luật BVQLNTD Việt Nam.
2.2.2.2. Các trường hợp điều khoản không công bằng cụ thể
Bên cạnh một điều khoản chung mang tính nguyên tắc, pháp luật các nước còn quy định các trường hợp điều khoản không công bằng cụ thể để bổ trợ cho điều khoản chung, chẳng hạn như sau:
Mục 1 Phụ lục đính kèm Chỉ thị Hội đồng Châu Âu 93/13/EEC đưa ra danh sách chỉ dẫn và không đầy đủ các điều khoản có thể bị coi là không công bằng như sau:
[41]
- Loại trừ hoặc giới hạn trách nhiệm pháp lý của người bán hoặc nhà cung cấp trong trường hợp người tiêu dùng chết hoặc bị thương tật cá nhân do hành động hoặc thiếu sót của người bán hoặc nhà cung cấp đó;
- Loại trừ hoặc hạn chế một cách không phù hợp các quyền hợp pháp của người tiêu dùng đối với người bán hoặc nhà cung cấp hoặc bên khác trong trường hợp người bán hoặc nhà cung cấp không thực hiện toàn bộ hoặc một phần hoặc thực hiện không đầy đủ bất kỳ nghĩa vụ nào trong hợp đồng, bao gồm tùy chọn bù trừ khoản nợ của người bán hoặc nhà cung cấp đối với bất kỳ khiếu nại nào của người tiêu dùng;
- Đưa ra một thỏa thuận ràng buộc người tiêu dùng trong khi việc cung cấp dịch vụ của người bán hoặc nhà cung cấp phải tuân theo một điều kiện mà việc thực hiện chỉ phụ thuộc vào ý chí của chính họ;
- Cho phép người bán hoặc nhà cung cấp giữ lại các khoản tiền mà người tiêu dùng đã thanh toán khi họ quyết định không giao kết hoặc thực hiện hợp đồng, mà không quy định người tiêu dùng nhận được khoản tiền bồi thường tương đương từ người bán hoặc nhà cung cấp mà sau đó là bên hủy hợp đồng ;
- Yêu cầu bất kỳ người tiêu dùng nào không thực hiện nghĩa vụ của mình phải trả một khoản tiền bồi thường cao bất hợp lý;
- Ủy quyền cho người bán hoặc nhà cung cấp tùy ý hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp họ không được phép cung cấp cùng một cơ sở vật chất cho người tiêu dùng hoặc cho phép người bán hoặc nhà cung cấp giữ lại số tiền người tiêu dùng đã thanh toán cho phần dịch vụ chưa được cung cấp trong hợp đồng mà người bán hoặc nhà cung cấp hủy bỏ;
- Cho phép người bán hoặc nhà cung cấp chấm dứt hợp đồng không xác định thời hạn mà không có thông báo hợp lý trừ khi có cơ sở nghiêm trọng để làm như vậy.
- Tự động gia hạn hợp đồng có thời hạn mà người tiêu dùng không có chỉ định khác, khi thời hạn ấn định để người tiêu dùng đồng ý/không đồng ý gia hạn hợp đồng được quy định sớm/ngắn một cách bất hợp lý;
- Ràng buộc người tiêu dùng không thể thay đổi với các điều khoản mà anh ta không có cơ hội tìm hiểu rõ ràng thực sự trước khi ký kết hợp đồng;
- Cho phép người bán hoặc nhà cung cấp đơn phương thay đổi các điều khoản của hợp đồng mà không có lý do chính đáng được quy định trong hợp đồng;
- Cho phép người bán hoặc nhà cung cấp đơn phương thay đổi bất kỳ đặc điểm nào của sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp mà không có lý do chính đáng;
- Quy định giá hàng hóa được xác định tại thời điểm giao hàng hoặc cho phép người bán hàng hóa hoặc nhà cung cấp dịch vụ tăng giá của họ mà không cho người tiêu dùng trong cả hai trường hợp có quyền tương ứng để hủy bỏ hợp đồng nếu giá cuối cùng quá cao so với giá cả đã thỏa thuận khi hợp đồng được giao kết;
- Trao cho người bán hoặc nhà cung cấp quyền xác định liệu hàng hóa hoặc dịch vụ được cung cấp có phù hợp với hợp đồng hay không, hoặc trao cho họ độc quyền giải thích bất kỳ điều khoản nào của hợp đồng;
- Giới hạn nghĩa vụ của người bán hoặc nhà cung cấp trong việc tôn trọng các cam kết do đại lý của họ thực hiện hoặc thực hiện các cam kết của họ phải tuân theo một hình thức cụ thể;
- Buộc người tiêu dùng thực hiện tất cả các nghĩa vụ của mình trong khi người bán hoặc nhà cung cấp không thực hiện;
- Cung cấp cho người bán hoặc nhà cung cấp khả năng chuyển giao các quyền và nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trong đó điều này có thể làm giảm sự đảm bảo cho người tiêu dùng mà không được sự chấp thuận/thỏa thuận của họ;
- Loại trừ hoặc cản trở quyền khởi kiện của người tiêu dùng hoặc thực hiện bất kỳ biện pháp pháp lý khác, đặc biệt bằng cách yêu cầu người tiêu dùng đưa các tranh chấp riêng ra trọng tài không được pháp luật quy định, hạn chế quá mức bằng chứng có sẵn cho họ hoặc áp đặt cho họ một gánh nặng bằng chứng mà, theo luật hiện hành, phải nói dối với một bên khác trong hợp đồng.
* Úc:
Mục 25 Phần 2-3 Điều khoản hợp đồng không công bằng Luật Người tiêu dùng Úc đưa ra các ví dụ về các dạng điều khoản của hợp đồng tiêu dùng có thể được coi là không công bằng, bao gồm:
[42]
- Điều khoản cho phép hoặc có hiệu lực cho phép một bên (nhưng không phải bên còn lại) tránh hoặc hạn chế việc thực hiện hợp đồng;
- Điều khoản cho phép, hoặc có hiệu lực cho phép một bên (nhưng không phải bên còn lại) chấm dứt hợp đồng;
- Điều khoản phạt, hoặc có hiệu lực trừng phạt một bên (nhưng không phải bên còn lại) do sự vi phạm hoặc chấm dứt hợp đồng;
- Điều khoản cho phép hoặc có hiệu lực cho phép một bên (nhưng không phải bên còn lại) thay đổi các điều khoản của hợp đồng;
- Điều khoản cho phép, hoặc có hiệu lực cho phép một bên (nhưng không phải bên còn lại) gia hạn hoặc không gia hạn hợp đồng;
- Điều khoản cho phép, hoặc có hiệu lực cho phép một bên thay đổi giá trả trước phải trả theo hợp đồng trong khi bên kia không có quyền chấm dứt hợp đồng;
- Điều khoản cho phép, hoặc có hiệu lực cho phép một bên đơn phương thay đổi các đặc tính của hàng hóa hoặc dịch vụ được cung cấp, hoặc quyền lợi về đất đai được bán hoặc được cấp theo hợp đồng;
- Điều khoản cho phép, hoặc có hiệu lực cho phép một bên đơn phương xác định xem hợp đồng có bị vi phạm hay không hoặc đơn phương giải thích ý nghĩa của nó;
- Điều khoản hạn chế, hoặc có hiệu lực hạn chế trách nhiệm liên quan của một bên đối với các đại lý của mình;
- Điều khoản cho phép, hoặc có hiệu lực cho phép một bên chuyển nhượng hợp đồng gây bất lợi cho bên kia mà không có sự đồng ý của bên kia;
- Điều khoản hạn chế, hoặc có hiệu lực hạn chế quyền của một bên trong việc kiện bên kia;
- Điều khoản hạn chế, hoặc có tác động hạn chế bằng chứng mà một bên có thể đưa ra trong quá trình tố tụng liên quan đến hợp đồng;
- Điều khoản áp đặt, hoặc có hiệu lực áp đặt, gánh nặng một cách rõ ràng đối với một bên trong các thủ tục tố tụng liên quan đến hợp đồng;
- Dạng điều khoản, hoặc dạng có hiệu lực như một điều khoản theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Mục 64 Phần 3-2 Giao dịch tiêu dùng Luật Người Tiêu dùng Úc 2010 còn quy định về nội dung đảm bảo không bị loại trừ theo hợp đồng. Theo đó, điều khoản của hợp đồng (bao gồm cả điều khoản không được quy định trong hợp đồng nhưng được đưa vào hợp đồng qua một điều khoản khác của hợp đồng) sẽ vô hiệu trong phạm vi mà điều khoản đó có ý nghĩa loại trừ, hạn chế hoặc sửa đổi, hoặc được xem là loại trừ, hạn chế hoặc sửa đổi:
- Việc áp dụng tất cả hoặc bất kỳ quy định nào về điều khoản không công bằng của Luật Úc;
- Việc thực hiện một quyền được trao bởi một điều khoản nhất định; hoặc
- Bất kỳ trách nhiệm nào của một người đối với việc không tuân thủ quy định đảm bảo áp dụng tại Phần này đối với việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ.
Theo quy định của phần này, một điều khoản của hợp đồng không được áp dụng để loại trừ, hạn chế hoặc sửa đổi việc áp dụng quy định tại Phần này trừ khi điều khoản đó thể hiện rõ ràng hoặc mâu thuẫn với quy định của Phần này.
* Hàn Quốc
Đạo luật về các Điều khoản và Điều kiện Hàn Quốc
[43] nghiêm cấm các điều khoản sau:
(i) Thứ nhất, nghiêm cấm các điều khoản miễn trừ (Điều 7 Đạo luật về các Điều khoản và Điều kiện Hàn Quốc ):
Một nội dung trong các điều khoản và điều kiện liên quan đến trách nhiệm của các bên ký kết thuộc bất kỳ điểm nào trong số các điểm sau đây sẽ vô hiệu nếu:
- Điều khoản đó miễn trách nhiệm cho một thương nhân đối với sự cố ý hoặc sơ suất rõ ràng của bộ phận của thương nhân, người đại diện hoặc nhân viên của họ;
- Điều khoản đó giới hạn, mà không có lý do chính đáng, mức độ bồi thường mà một thương nhân phải trả, hoặc một điều khoản mà theo đó chuyển rủi ro mà một thương nhân phải chịu sang cho khách hàng
- Điều khoản loại trừ hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hành của một thương nhân, hoặc thắt chặt các yêu cầu đối với khách hàng để thực hiện các quyền theo bảo hành đó mà không có lý do chính đáng;
- Điều khoản loại trừ hoặc giới hạn bảo hành đối với đối tượng của hợp đồng mà một thương nhân đã cung cấp mẫu hoặc đã chỉ ra chất lượng, hiệu suất, v.v. mà không có lý do đáng kể.
(ii) Thứ hai, xác định trước số tiền bồi thường (Điều 8 Đạo luật về các Điều khoản và Điều kiện Hàn Quốc):
Bất kỳ điều khoản nào trong các điều khoản và điều kiện buộc khách hàng phải thanh toán tổn thất nặng một cách bất hợp lý, bao gồm nhưng không giới hạn, tổn thất thanh lý quá mức do chậm trễ, sẽ vô hiệu.
(iii) Thứ ba, hủy bỏ hoặc chấm dứt hợp đồng (Điều 9 Đạo luật về các Điều khoản và Điều kiện Hàn Quốc):
Một nội dung trong điều khoản và điều kiện liên quan đến việc hủy bỏ hoặc chấm dứt hợp đồng thuộc bất kỳ điểm nào trong số các điểm sau đây sẽ vô hiệu nếu:
- Điều khoản đó loại trừ quyền của khách hàng trong việc hủy bỏ hoặc chấm dứt hợp đồng theo quy định của Đạo luật, hoặc hạn chế việc thực hiện quyền đó;
- Điều khoản đó cho phép một thương nhân có quyền hủy bỏ hoặc chấm dứt hợp đồng mà không được quy định trong Đạo luật, do đó có thể đưa khách hàng vào tình thế bất lợi không đáng có;
- Điều khoản đó làm giảm nhẹ các yêu cầu đối với của một thương nhân trong việc thực hiện quyền hủy bỏ hoặc chấm dứt hợp đồng theo quy định của Đạo luật, do đó có thể đưa khách hàng vào tình thế bất lợi không đáng có;
- Điều khoản buộc khách hàng phải trả tiền bồi thường quá mức do hủy bỏ hoặc chấm dứt hợp đồng, hoặc theo đó quy định một cách bất hợp lý để khách hàng từ bỏ yêu cầu bồi thường của họ mà không có lý do chính đáng;
- Điều khoản đó làm giảm một cách bất hợp lý nghĩa vụ bồi thường của một thương nhân hoặc nghĩa vụ của họ trong việc bồi thường trong trường hợp hủy bỏ hoặc chấm dứt hợp đồng;
- Điều khoản trong hợp đồng quy định mối quan hệ chủ nợ - con nợ liên tục có thể khiến khách hàng gặp bất lợi không đáng có bằng cách quy định một thời hạn ngắn hoặc dài một cách bất hợp lý hoặc bằng cách cho phép ngụ ý gia hạn hoặc làm mới hợp đồng.
(iv) Thứ tư, thực hiện các nghĩa vụ (Điều 10 Đạo luật về các Điều khoản và Điều kiện Hàn Quốc):
Một nội dung trong các điều khoản và điều kiện liên quan đến việc thực hiện các nghĩa vụ thuộc bất kỳ điểm nào trong các tiểu đoạn sau đây sẽ vô hiệu:
- Một điều khoản theo đó, mà không có lý do chính đáng, cho phép một thương nhân có quyền đơn phương xác định hoặc thay đổi các chi tiết của việc thực hiện
- Một điều khoản theo đó, mà không có lý do chính đáng, cho phép thương nhân đơn phương đình chỉ thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc thoái thácquy kết việc thực hiện nghĩa vụ của mình cho một bên thứ ba.
(v) Thứ năm, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng (Điều 11 Đạo luật về các Điều khoản và Điều kiện Hàn Quốc):
Một điều khoản trong các điều khoản và điều kiện liên quan đến quyền và lợi ích của khách hàng thuộc bất kỳ điểm nào trong số các điểm sau đây sẽ vô hiệu:
- Một điều khoản theo đó, không có lý do chính đáng, loại trừ hoặc hạn chế quyền bào chữa, bồi thường thiệt hại, v.v. của người tiêu dùng, được quy định bởi Đạo luật;
- Một điều khoản theo đó, mà không có lý do chính đáng, tước bỏ quyền thực hiện nghĩa vụ của khách hàng trong một thời gian nhất định
- Một điều khoản giới hạn một cách bất hợp lý quyền của khách hàng trong việc ký kết hợp đồng với bên thứ ba.
- Một điều khoản theo đó, mà không có bất kỳ lý do chính đáng nào, cho phép một thương nhân tiết lộ thông tin bí mật của khách hàng mà họ có được trong quá trình kinh doanh của mình.
(vi) Thứ sáu, được coi là thể hiện ý định (Điều 12 Đạo luật về các Điều khoản và Điều kiện Hàn Quốc):
Một điều khoản trong các điều khoản và điều kiện liên quan đến việc thể hiện ý định thuộc bất kỳ điểm nào trong số các điểm dưới đây sẽ vô hiệu:
- Một điều khoản theo đó quy định rằng khi một hành vi nhất định của việc thực hiện một hành động hoặc việc bỏ sót xảy ra, người tiêu dùng sẽ được coi là đã bày tỏ hoặc không bày tỏ một ý định nhất định: Với điều kiện, điều này sẽ không áp dụng trong trường hợp người tiêu dùng được thông báo riêng rằng nếu họ không thể hiện ý định của họ trong một khoảng thời gian nhất định, mà theo đó là một khoảng thời gian đáng kể, người tiêu dùng đó sẽ được coi là đã bày tỏ hoặc không bày tỏ ý định của họ, hoặc trong trường hợp không thể đưa ra thông báo như vậy do những tình huống không thể tránh khỏi
- Một điều khoản theo đó áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt một cách bất hợp lý đối với các yêu cầu dành cho hoặc cách thức mà người tiêu dùng có thể bày tỏ ý định của họ
- Một điều khoản theo đó quy định, mà không có một lý do đáng kể, rằng ý định của một thương nhân, mà ý định này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người tiêu dùng, được coi là đã được trao đổi với khách hàng
- Một điều khoản quy định thời hạn dài hoặc vô thời hạn một cách bất hợp lý mà trong đó một thương nhân có thể bày tỏ ý định của mình, mà ý định này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người tiêu dùng
(vii) Thứ bảy, nghĩa vụ bổ sung của người đại diện (Điều 13 Đạo luật về các Điều khoản và Điều kiện Hàn Quốc):
Nếu người đại diện của người tiêu dùng ký kết hợp đồng và người tiêu dùng không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì bất kỳ điều khoản nào trong điều khoản và điều kiện của hợp đồng quy định người đại diện có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ của khách hàng sẽ vô hiệu.
(viii) Thứ tám, cấm nộp đơn kiện (Điều 14 Đạo luật về các Điều khoản và Điều kiện Hàn Quốc):
Một điều khoản trong các điều khoản và điều kiện liên quan đến việc nộp đơn, v.v. của các vụ kiện thuộc bất kỳ điểm nào trong số các điểm sau đây sẽ vô hiệu:
- Điều khoản cấm người tiêu dùng nộp đơn khởi kiện một vụ kiện bất lợi bất hợp lý cho họ hoặc yêu cầu người tiêu dùng đồng ý với thẩm quyền.
- Một điều khoản trong các điều khoản và điều kiện theo đó đặt ra trách nhiệm chứng minh cho người tiêu dùng mà không có bất kỳ lý do chính đáng nào.
2.3.1. Kiểm soát về hình thức và ngôn ngữ hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (kiểm soát về tính minh bạch)
Có thể thấy cách quy định trong Luật BVQLNTD Việt Nam 2010 về các yêu cầu đối với tính minh bạch của HĐTM có sự tương đồng đáng kể so với các quy định của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, Luật BVQLNTD 2010 mới chỉ đặt ra yêu cầu về tính minh bạch đối với HĐTM, chưa quy định các nội dung tương tự về ĐKGDC. Trong khi đó, yêu cầu về tính minh bạch của các quốc gia trên thế giới như được dẫn chiếu nêu trên điều chỉnh chung cho các điều khoản mẫu do doanh nghiệp soạn sẵn, không phân biệt hình thức tồn tại của các điều khoản mẫu đó. Theo đó, trong bối cảnh cả khái niệm HĐTM và ĐKGDC được đưa ra đồng thời trong Luật BVQLNTD 2010, Việt Nam cần có sự điều chỉnh giống nhau về yêu cầu minh bạch đối với HĐTM, ĐKGDC. Cụ thể, cần sửa đổi Điều 14 Luật BVQLNTD và các điều khoản liên quan theo hướng áp dụng chung cho cả HĐTM và ĐKGDC, không chỉ áp dụng riêng cho HĐTM như các quy định hiện hành.
2.3.2. Kiểm soát về tính hiệu lực của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
Như đã phân tích, việc thiếu vắng một quy định chung về điều khoản không công bằng/không có hiệu lực đồng nghĩa với việc thiếu vắng một công cụ quan trọng để thiết lập một chuẩn mực về tính công bằng trong pháp luật hợp đồng Việt Nam, cũng như đảm bảo tính linh hoạt của cơ chế kiểm soát trước sự thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội cũng như chiến lược thiết kế điều khoản tinh vi của các chủ thể kinh doanh. Bên cạnh đó, danh mục điều khoản không có hiệu lực tại Điều 16 Luật BVQLNTD 2010 cũng cần hoàn thiện để đảm bảo tính thực tiễn hơn. Để khắc phục được những bất cập này, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, trước hết cần quy định một điều khoản chung về các trường hợp không công bằng/ không có hiệu lực, sau đó hoàn thiện danh mục cụ thể.
Về điều khoản chung, cần thiết kế dưới dạng đưa ra các tiêu chí đánh giá khi nào một điều khoản được coi là không công bằng/ không có hiệu lực. Dựa vào kinh nghiệm quốc tế, luật Việt Nam có thể xây dựng định nghĩa về điều khoản không công bằng hoặc đưa ra nguyên tắc về điều khoản không có hiệu lực bao gồm 03 tiêu chí: (i) sự bất cân xứng đáng kể đối với quyền và nghĩa vụ của các bên; (ii) đi ngược lại với yêu cầu về sự thiện chí và (iii) gây bất lợi cho người tiêu dùng.
Lợi thế lớn nhất của điều khoản chung này là tính linh hoạt giúp thích nghi với sự thay đổi của đời sống kinh tế - xã hội và giúp tạo ra công cụ kiểm soát chung để ngăn chặn thương nhân thiết kế các điều khoản có chức năng tương đương với các điều khoản bị cấm trong danh mục cụ thể. Tuy nhiên, do các quy tắc pháp lý phải đảm bảo tính xác định nên vẫn cần hoàn thiện một danh mục chỉ dẫn mở về các điều khoản không công bằng.
Danh mục này có thể xây dựng từ việc hoàn thiện 9 trường hợp được quy định tại Điều 16 Luật BVQLNTD hiện nay, ví dụ: điểm (đ) và (i) khoản 1 Điều 16 cần bổ sung theo hướng chỉ không có hiệu lực khi chủ thể kinh doanh đơn phương thay đổi giá/ chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho bên thứ 3 mà không cho phép người tiêu dùng đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc bắt người tiêu dùng gánh chịu những hệ quả pháp lý bất lợi từ việc chấm dứt này.
Bên cạnh đó, cần cân nhắc bổ sung thêm một số trường hợp không có hiệu lực khác như: (i) Quy định chế tài nặng hơn đối với người tiêu dùng do sự vi phạm hoặc chấm dứt hợp đồng hoặc (ii) cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gia hạn hợp đồng đã thỏa thuận với người tiêu dùng mà không quy định trách nhiệm thông báo trước hoặc không có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn gia hạn hay chấm dứt hợp đồng.
Ngoài các trường hợp đã được liệt kê cụ thể, Việt Nam cần quy định thẩm quyền của cơ quan giải quyết tranh chấp trong việc xác định thêm các trường hợp không có hiệu lực khác dựa vào các tiêu chí mang tính nguyên tắc đã được đề ra, đảm bảo tính thích nghi linh hoạt với các thay đổi trong đời sống kinh tế - xã hội nhằm không bỏ sót các trường hợp bất công phát sinh mới trên thị trường.
Hướng dẫn của Liên Hợp quốc về bảo vệ người tiêu dùng (bản sửa đổi mới nhất năm 2015) có định nghĩa như sau: “Tiêu dùng bền vững là việc thỏa mãn được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai đối với hàng hóa và dịch vụ một cách bền vững về mặt kinh tế, xã hội và môi trường”.
Báo cáo của Chương trình môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) năm 2017 có định nghĩa về yếu tố cấu thành tiêu dùng “bền vững” bao gồm đa dạng các yếu tố về các lĩnh vực khác nhau trong đồng hệ quốc gia hoặc văn hóa. Tuy nhiên trước đó, Hội nghị chuyên đề Oslo năm 1994 đã đưa ra một định nghĩa phổ rộng rằng: “tiêu dùng bền vững là việc sử dụng các dịch vụ và sản phẩm liên quan nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản và cải thiện cuộc sống trong khi tối thiểu hóa việc tiêu tốn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và vật liệu độc hại, cũng như việc phát thải chất thải và các chất gây ô nhiễm trong suốt vòng đời của sản phẩm và dịch vụ đó nhằm không tác động tới khả năng đáp ứng các nhu cầu tương tự của những thế hệ tương lai”. Định nghĩa này ám chỉ rằng tiêu dùng bền vững không chỉ bao hàm các hành vi mua sắm mà còn bao gồm tổng thể “các lựa chọn về lối sống” giữa các cá nhân và cơ sở hạ tầng liên quan (về đi lại, giải trí và nhà ở) trong một xã hội. Người tiêu dùng bao gồm các chính phủ (từ cấp quốc gia đến địa phương), doanh nghiệp và người tiêu dùng cuối cùng ở cấp độ hộ gia đình và cá nhân.
Trong Hướng dẫn của Liên Hợp quốc về bảo vệ người tiêu dùng được công bố trong Nghị quyết do Đại hội đồng thông qua vào ngày 22 tháng 12 năm 2015, vấn đề thúc đẩy tiêu dùng bền vững được quy định thành một nhóm chính sách với nhiều quy định cụ thể, bao gồm:
Nhấn mạnh người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững về mặt môi trường, kinh tế, xã hội, bao gồm thông qua tác động của sự lựa chọn các nhà sản xuất.
Các Chính phủ cần thúc đẩy sự phát triển và thực hiện các chính sách tiêu dùng bền vững và phải thống nhất chính sách này với các chính sách công khác. Việc hoạch định chính sách của chính phủ nên được tiến hành với sự tham vấn của doanh nghiệp, người tiêu dùng, các tổ chức môi trường và các tổ chức có liên quan khác. Doanh nghiệp có trách nhiệm thúc đẩy tiêu dùng bền vững thông qua việc thiết kế, sản xuất và phân phối hàng hóa và dịch vụ. Người tiêu dùng và các tổ chức môi trường có trách nhiệm thúc đẩy sự tham gia tranh luận của công chúng đối với vấn đề tiêu dùng bền vững và hợp tác với chính phủ và doanh nghiệp về vấn đề tiêu dùng bền vững.
Các chính phủ, hợp tác với doanh nghiệp và các tổ chức dân sự liên quan, cần xây dựng và thực hiện các chiến lược thúc đẩy tiêu dùng bền vững thông qua việc phối hợp thực hiện nhiều chính sách trong đó có thể bao gồm các quy định pháp luật; các công cụ kinh tế xã hội; các chính sách trong các lĩnh vực như sử dụng đất, giao thông, năng lượng và nhà ở; các chương trình thông tin nhằm tăng cường nhận thức về tác động của tiêu dùng; loại bỏ những trợ cấp là nguyên nhân gây ra sản xuất và tiêu dùng bất hợp lý và thúc đẩy các hoạt động quản lý môi trường đối với từng ngành cụ thể.
Các chính phủ cần khuyến khích việc thiết kế, phát triển và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ an toàn và tiết kiệm năng lượng, có cân nhắc tới các tác động vòng đời. Các chính phủ cần khuyến khích các chương trình tái chế nhằm khuyến khích người tiêu dùng tái chế rác thải và mua bán các sản phẩm tái chế.
Các chính phủ cần thúc đẩy sự phát triển và việc sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia về an toàn môi trường đối với sản phẩm và dịch vụ; những tiêu chuẩn đó không được tạo ra các rào cản thương mại.
Các chính phủ cần khuyến khích kiểm nghiệm tác động môi trường của sản phẩm.
Các chính phủ cần quản lý cẩn thận việc sử dụng những vật liệu gây nguy hại đến môi trường và khuyến khích sự ra đời của những vật liệu thay thế. Những vật liệu mới tiềm tàng chứa đựng nguy cơ gây hại tới môi trường cần phải được đánh giá trên cơ sở khoa học về tác động lâu dài đối với môi trường trước khi những vật liệu đó được đem đi phân phối.
Các chính phủ cần tăng cường nhận thức các lợi ích liên quan tới sức khỏe của việc tiêu dùng và sản xuất bền vững, lưu ý cả các tác động đối với sức khỏe cá nhân và đối với tập thể thông qua bảo vệ môi trường.
Các chính phủ, phối hợp với doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức liên quan khác, cần khuyến khích thay đổi việc tiêu dùng không bền vững thông qua phát triển và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ có lợi cho môi trường và cho ra đời các công nghệ mới, bao gồm công nghệ thông tin về công nghệ truyền thông, mà có thể vừa thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng vừa giảm thiểu ô nhiễm và sự mất cân đối các nguồn lực tự nhiên.
Các chính phủ cần xây dựng hoặc phát triển các cơ chế quản lý hiệu quả để bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm các khía cạnh của tiêu dùng bền vững.
Các chính phủ cần xem xét một loạt các công cụ kinh tế, ví dụ như các công cụ tài khóa về chi phí môi trường, để thúc đẩy tiêu dùng bền vững, cần lưu ý các nhu cầu xã hội, nhu cầu và động lực gây ra hành vi bền vững, trong khi tránh những tác động tiêu cực tiềm tàng khi tiếp cận thị trường, đặc biệt là đối với những nước đang phát triển.
Các chính phủ, hợp tác với doanh nghiệp và các tổ chức liên quan khác, cần xây dựng những hướng dẫn, phương pháp luận và cơ sở dữ liệu đối với những tiến bộ theo hướng tiêu dùng hợp lý ở mọi cấp độ. Thông tin này cần được công bố công khai.
Các chính phủ và các tổ chức quốc tế cần đi đầu trong việc thực hiện các hoạt động bền vững trong hoạt động của mình, đặc biệt thông qua các chính sách mua sắm của họ. Ở những nơi thích hợp, mua sắm của chính phủ cần khuyến khích sự phát triển và sử dụng những sản phẩm và dịch vụ có lợi cho môi trường.
Các chính phủ và các tổ chức liên quan khác cần thúc đẩy nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng mà có liên quan tới thiệt hại đối với môi trường để xác địnhcác biện pháp giúp tiêu dùng ngày càng bền vững.”
Báo cáo về “Sự đóng góp của bảo vệ người tiêu dùng tới tiêu dùng bền vững” do UNCTAD thực hiện đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa bảo vệ người tiêu dùng và tiêu dùng bền vững. Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không phải lúc nào cũng tích hợp những điều khoản cụ thể về tiêu dùng bền vững, nhưng trên thực tế, các cơ quan thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn thường sử dụng những điều khoản hiện có trong quy định pháp luật để triển khai lĩnh vực này, thông qua việc gắn kết giáo dục người tiêu dùng và cung cấp hướng dẫn cho doanh nghiệp, đồng thời giải quyết các vụ việc có liên quan, chẳng hạn như về môi trường. Bên cạnh đó, giáo dục, nâng cao nhận thức người tiêu dùng cùng với sự vào cuộc của doanh nghiệp được coi không chỉ là những hoạt động chủ yếu của chính sách bảo vệ người tiêu dùng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu tiêu dùng bền vững cũng như trong mối tương quan giữa tiêu dùng bền vững và hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Theo thông tin được trình bày tại báo cáo, người tiêu dùng không chỉ có vai trò tối quan trọng trong các vấn đề liên quan đến tiêu dùng bền vững mà còn có quyền được hưởng một môi trường bền vững. Theo đó, họ có trách nhiệm đảm bảo rằng các hành vi tiêu dùng của mình không gây tác động tới khả năng sống tốt của cộng đồng, ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.
Tại Liên minh châu Âu (EU), Ủy ban Châu Âu đã có nhiều nỗ lực và hoạt động nhằm thúc đẩy việc thực hiện mua sắm công xanh (Green Public Procurement - GPP) bởi các nước thành viên, bao gồm việc triển khai các nghiên cứu/dự án, ban hành các chính sách và xây dựng các tiêu chuẩn. Mặc dù GPP vẫn là hệ thống tự nguyện, hiện nay nhiều nước thành viên đã và đang xây dựng kế hoạch hành động quốc gia và các hướng dẫn về mua sắm xanh. Tháng 7/2008, kế hoạch hành động của EU về sản xuất – tiêu dùng bền vững (SCP), chính sách công nghiệp bền vững (SIP) được triển khai như là một nỗ lực để phát triển một chương trình, chính sách bảo trợ đặc biệt tập trung vào tiêu thụ bền vững. Trong kế hoạch SCP, Ủy ban châu Âu khởi xướng các công cụ như gắn nhãn sinh thái, hiệu quả năng lượng EU với mục đích thông báo cho người tiêu dùng về các tác động môi trường của sản phẩm nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.
Các sáng kiến khác của EU gồm có Diễn đàn bán lẻ và Bàn tròn thực phẩm châu Âu được thiết lập nhằm trao đổi cách thức thực hiện để đạt được sự bền vững trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm ở châu Âu. Các chính sách khác như Chương trình quản lý sinh thái và Đề án kiểm toán (EMAS), Chương trình mua sắm công xanh (GPP) và Kế hoạch hành động công nghệ môi trường (ETAP) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và cơ quan công tham gia vào mua sắm xanh. Sau khi gặp phải một số rào cản trong việc quảng bá sản phẩm xanh ở các nước thành viên về phương diện phương pháp và cách thức áp dụng để chứng minh về các tiêu chí xanh của sản phẩm, các nước Liên minh châu Âu đã đưa ra dự án “Thị trường độc nhất cho sản phẩm xanh” (Single Market for Green Products). Dự án này bao gồm một chuỗi các hoạt động: Dự án thiết lập 2 phương pháp để đo lường hiệu suất môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm PEF (Product Environmental Footprint) và OEF (Organisation Environmental Footprint). Bên cạnh đó, dự án đưa ra các chỉ tiêu khi báo cáo hiệu quả hoạt động đối với môi trường, chẳng hạn như sự minh bạch, rõ ràng, có thể tin cậy và so sánh… Năm 1980, cuốn sách đầu tiên The Green Consumer Guide (Hướng dẫn tiêu dùng xanh) đã được xuất bản ở Anh với ý tưởng chủ đạo là trong xã hội hiện đại, “mua sắm bản thân nó cũng là một thú vui”.
Tiêu dùng bền vững ở Hoa Kỳ được thiết lập và triển khai thực hiện trong một số chương trình mua sắm xanh của Liên bang, trong đó các cơ quan điều hành được yêu cầu cân nhắc các tác động môi trường, giá thành và các yếu tố khác của một sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua sắm. Theo quy định mua sắm Liên bang và Sắc lệnh 13101 về xanh hóa chính phủ, tất cả các cơ quan chính phủ phải thực hiện mua sắm các sản phẩm có thành phần tái chế nhằm khuyến khích việc sử dụng các vật liệu tái sinh. Theo thống kê của cơ quan Cone Communications năm 2013, ở Hoa Kỳ có 71% người tiêu dùng quan tâm tới môi trường khi họ mua sắm, trong đó 7% quan tâm đến môi trường trong mọi lần mua sắm, 20% thường xuyên quan tâm đến môi trường và 44% quan tâm đến môi trường.
Tại Hoa Kỳ, luật chính sách năng lượng năm 2005 tạo ra các ưu đãi để khuyến khích việc mua xe phát thải thấp. Theo đó, các ưu đãi về thuế đã thu hút NTD quan tâm tới các loại phương tiện có giá cao hơn nhưng thân thiện hơn với môi trường. Các khoản thuế tín dụng đã được đưa ra để giảm giá lên đến 3.400 đô la Mỹ cho xe hybrid (xe lai) và 4.000 đô la Mỹ cho xe ô tô năng lượng thay thế. Ưu đãi về thuế có thể thay đổi dựa vào mức độ vận hành “xanh” của các loại xe. Ví dụ, Tesla Roadster, một loại xe chạy hoàn toàn bằng điện sẽ nhận được một khoản thuế tín dụng lớn hơn nhiều so với việc mua một chiếc xe hybrid tiêu chuẩn, vì xe hybrid sẽ gây ô nhiễm nhiều hơn trong thời gian vận hành.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra các chính sách khuyến khích người tiêu dùng sử dụng những loại xe tiết kiệm năng lượng. Rainforest Alliance - một tổ chức phi lợi nhuận tại Hoa Kỳ đang gây ảnh hưởng tới sự lựa chọn của người tiêu dùng bằng cách ghi nhãn sản phẩm (và hoạt động) bền vững về hoạt động lâm nghiệp và khai thác gỗ, bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo sinh kế bền vững. Tổ chức này cũng làm việc với các doanh nghiệp du lịch để giảm thiểu những tác động bất lợi của họ đến sinh thái và xã hội. Rainforest Alliance chứng nhận sản phẩm nông nghiệp bao gồm cà phê, sô cô la, chuối, nước cam, các loại hạt và hàng trăm mặt hàng khác đến từ các trang trại thuộc các rừng nhiệt đới được bảo tồn.
Nhật Bản là quốc gia đi tiên phong về sản xuất và tiêu dùng bền vững vì đây là nước nghèo tài nguyên với một năng lực sản xuất, chế tạo mạnh mẽ, vì vậy quản lý chặt chẽ nguyên liệu là một yêu cầu kinh tế tổng quát, bao trùm. Khái niệm then chốt về sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Nhật Bản được căn cứ trên một xã hội với chu kỳ nguyên liệu bền vững để giảm sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm tối đa tải trọng môi trường. Nhật Bản đã thực hiện Kế hoạch cơ bản về thiết lập một xã hội có chu kỳ nguyên liệu bền vững từ năm 2003 dựa trên Luật cơ bản về thiết lập một xã hội có chu kỳ nguyên liệu bền vững. Tháng 06/2018, Nhật Bản đã thông qua Kế hoạch cơ bản lần thứ 4. Các khung pháp lý có liên quan khác bao gồm Luật Thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên để tăng cường mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đã ban hành Luật về Thúc đẩy mua sắm xanh năm 2001 để yêu cầu các cơ quan chính phủ mua sắm các sản phẩm thân thiện với môi trường và khuyến khích dán nhãn sinh thái cho khách hàng để nhận biết các sản phẩm đó. Với việc mua sắm xanh, chính quyền trung ương xác định và công bố một chính sách mua sắm với các chỉ tiêu trên những loại sản phẩm và dịch vụ mỗi năm.
Nhật Bản cũng đã có các chính sách về tái chế bao bì và vật liệu đóng gói. Năm 1995, Đạo luật Tái sử dụng bao bì (Containers/Packaging Recycling Act) được thông qua nhằm thúc đẩy tái chế các loại thùng chứa và bao bì đóng gói sản phẩm, bao gồm khoảng 60% khối lượng chất thải trong các hộ gia đình ở Nhật Bản. Theo Đạo luật này, người tiêu dùng cần phân loại các vật liệu, sau đó cơ quan chức năng thành phố sẽ thu thập và giao lại cho các công ty được chỉ định để thực hiện tái chế.
Tháng 2/1996, Mạng lưới tiêu dùng xanh (Green Purchasing Network) được thành lập bởi Bộ Môi trường, mục đích nhằm thúc đẩy mua sắm xanh ở Nhật Bản thông qua việc cung cấp thông tin và hướng dẫn trong việc thực hành mua sắm xanh. Tính đến nay, mạng lưới đã đưa ra rất nhiều hoạt động như: hội thảo, triển lãm xanh, giải thưởng “Mua sắm xanh”, dữ liệu thông tin sản phẩm… và đạt được những thành công nhất định. Kết quả là, tất cả các cơ quan chính phủ trung ương đều thực hiện mua sắm xanh, 100% các cơ quan chính quyền ở 47 tỉnh và 12 thành phố được chỉ định mua sắm xanh. Theo một cuộc khảo sát năm 2003, 52% trong số 722 nhà cung cấp xác nhận doanh số bán hàng sản phẩm xanh đã gia tăng trong những năm qua, quy mô thị trường trong nước của các sản phẩm xanh ước tính lên tới 50 nghìn tỷ yên, sự quan tâm của khách hàng tới sản phẩm xanh cũng tăng lên đáng kể.
Về các vấn đề mới nổi như chất thải rắn và nhựa, Nhật Bản có Luật về Thúc đẩy tái chế và các hoạt động có liên quan để xử lý nguồn rác thực phẩm từ năm 2001 và Chiến lược tuần hoàn, tái chế nguồn rác năm2019. Trong Kế hoạch cơ bản lần 4 về thiết lập một xã hội có chu kỳ nguyên liệu bền vững, có 04 chỉ số đạt được trong năm 2025 so với mức năm 2000, gần gấp đôi hiệu suất tài nguyên, đạt tỉ lệ tuần hoàn (đầu vào) 18% và tỉ lệ sử dụng tuần hoàn (đầu ra) 47%, và cắt giảm 77% khối lượng chôn lấp tiêu hủy. Kế hoạch cơ bản này gắn với các thách thức và cơ hội mới của Nhật Bản hiện nay, như gia tăng tính không chắc chắn toàn cầu, tiến độ hợp tác quốc tế, suy giảm tính khu vực ở Nhật Bản, xã hội 5.0, sự trì trệ về kinh tế ở Nhật Bản và giảm dân số với sự già hóa dân số và giảm tỉ lệ sinh. Ngoài ra, Kế hoạch cơ bản cũng xem xét các vấn đề gần đây ở Nhật Bản, như sự cố nhà máy hạt nhân, thiên tai thường xuyên xảy ra, thay đổi trong quan điểm của người dân từ giá trị vật chất sang giá trị tinh thần và thiếu nguồn nhân lực trong quản lý và tái chế rác thải. Kế hoạch cơ bản nhằm giải quyết các khía cạnh tài nguyên, và các vấn đề rộng lớn hơn trong xã hội. Khi đề ra các chỉ tiêu, việc thu thập dữ liệu cơ sở để xây dựng các chỉ tiêu phù hợp và giám sát tiến độ thực hiện một cách có hệ thống là yếu tố quyết định việc đạt được các mục tiêu theo mỗi chương trình. Ngoài ra, do cần có các hành động rộng khắp trong toàn bộ chuỗi cung ứng, đôi khi liên quan đến nhiều bộ ngành và cơ quan khác nhau, các hoạt động thông qua sự hợp tác liên bộ, với sự tham gia của nhiều bên hữu quan cùng với chính quyền địa phương và khu vực doanh nghiệp là chìa khóa để giải quyết toàn diện vấn đề hiệu quả tài nguyên.
Hàn Quốc là quốc gia thực hiện và áp dụng các chính sách về tiêu dùng bền vững từ rất sớm. Điểm khởi đầu chính thức của chính sách về sản phẩm bền vững tại Hàn Quốc là chương trình dán nhãn môi trường được triển khai từ năm 1992. Ngoài ra, Chính phủ đã có các nghiên cứu nhằm liên kết hệ thống dán nhãn môi trường với hệ thống mua sắm công cộng và đạt được những kết quả rõ rệt. Không chỉ vậy, Chính phủ luôn coi các nhà sản xuất là những nhà tiêu dùng lớn. Chính phủ đã thông qua các hợp đồng tự nguyện về mua sắm xanh, gắn kết việc mua các nguyên liệu xanh, góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất và bán ra các sản phẩm thân thiện môi trường, hướng tới tiêu dùng bền vững. Tổng khối lượng mua sắm xanh của tất cả các tổ chức công cộng ở Hàn Quốc đạt khoảng 2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2013, tăng 2,6 lần so với năm 2005.
Ngay từ năm 2005, bộ luật khuyến khích mua các sản phẩm và dịch vụ xanh đã được Bộ Môi trường thông qua, mục đích nhằm nuôi dưỡng thị trường sản phẩm xanh bằng cách kích thích nhu cầu tiêu dùng đối với sản phẩm xanh cũng như tạo thuận lợi trong việc tiếp cận sản phẩm xanh của người tiêu dùng. Bộ luật được xem là cơ sở để người tiêu dùng thực hiện tiêu dùng xanh, bền vững và nhà sản xuất tình nguyện thực hiện việc kinh doanh xanh, bền vững. Ngoài ra, cứ 5 năm, Bộ Môi trường được ủy thác thiết lập các kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy mua sắm xanh. Kế hoạch hành động được xây dựng với sự tham vấn của các tổ chức công cộng có liên quan để đưa ra mục tiêu và chiến lược trung hạn cho việc quảng bá các sản phẩm xanh.
Một điểm khá thú vị là chính phủ Hàn Quốc cũng đã hợp tác với các công ty thẻ tín dụng để đưa ra một hệ thống khuyến khích những người có ý thức tiêu dùng xanh: Thẻ tín dụng xanh (The Green Credit Card). Thẻ tín dụng xanh là một phương tiện để tích lũy và sử dụng điểm sinh thái khi khách hàng chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày, hiện đã thu hút hơn 9 triệu người sử dụng. Ngoài ra, Chính phủ cho rằng nhãn sinh thái là một cách hiệu quả giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm xanh, vì vậy các chính sách ghi nhãn sinh thái được ban hành khá sớm (1990), mục đích nhằm cung cấp thông tin đáng tin cậy cho người tiêu dùng.
Hiện nay, nhằm tăng cường thông tin về độ thân thiện với môi trường của sản phẩm cho khách hàng, nhiều chính sách khác đã được thi hành như: Dán nhãn sinh thái, Gắn nhãn “dấu chân Carbon” (Carbon Footprint), Chứng nhận công trình xanh, Chứng nhận cửa hàng xanh... Cùng với các chính sách trên, Chính phủ đang nỗ lực giúp người tiêu dùng nói chung hiểu rõ hơn các khái niệm về lối sống bền vững và quảng bá sản phẩm xanh, bền vững bằng cách nâng cao nhận thức cộng đồng. Hiện nay, 4 “Trung tâm cộng tác tiêu dùng xanh” đã được thiết lập, cung cấp các dịch vụ giáo dục về tiêu dùng xanh, bền vững cho người tiêu dùng.
Các chính sách về tiêu dùng bền vững đã được chính phủ các nước quan tâm và phát triển từ khá sớm. Một số tóm lược về các chính sách, chương trìnhliên quan đến tiêu dùng bền vững có thể được tổng kết như sau:
STT
|
Chính sách/ Chương trình thúc đẩu tiêu dùng bền vững
|
Quốc gia triển khai
|
1
|
Gắn nhãn sinh thái/gắn nhãn xanh
|
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Liên minh châu Âu
|
2
|
Mua sắm xanh ở khu vực công
|
Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các nước Liên minh châu Âu
|
3
|
Khuyến khích sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng
|
Trung Quốc, Hoa Kỳ
|
4
|
Tái chế bao bì
|
Nhật Bản
|
5
|
Xây dựng mạng lưới tiêu dùng xanh, bền vững
|
Nhật Bản, Liên minh châu Âu
|
6
|
Luật khuyến khích tiêu dùng xanh (thẻ tín dụng xanh)
|
Hàn Quốc
|
7
|
Nâng cao nhận thức cộng đồng
|
Hầu hết các quốc gia và khu vực
|
Việt Nam có thể học tập một số kinh nghiệm thành công của các nước như sau:
- Chương trình gắn nhãn xanh: Do sản phẩm xanh có những tiêu chuẩn và đặc điểm khác với các sản phẩm thông thường nên việc dán nhãn xanh để người tiêu dùng dễ dàng phân biệt, nhận diện sản phẩm xanh là một chương trình cần thiết.
- Mua sắm xanh trong lĩnh vực công: Đây là một chính sách đã được áp dụng thành công ở hầu hết các quốc gia. Có thể dễ dàng nhận thấy chính sách này dễ áp dụng và khả năng thành công cao vì đơn vị thực thi chính sách là chính phủ và các cơ quan hành chính công.
- Xây dựng Mạng lưới tiêu dùng xanh, bền vững: Văn hóa thích tham gia vào các hội, nhóm của người Việt Nam là một trong những đặc điểm văn hóa có thể khai thác để khuyến khích việc xây dựng và phát triển các Mạng lưới tiêu dùng xanh, bền vững. Thông qua các Mạng lưới này, nhiều hoạt động liên quan đến tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như hình thành thói quen và xu hướng tiêu dùng bền vững có thể được triển khai một cách hệ thống và có hiệu quả hơn mà vẫn đảm bảo thông tin được tiếp cận có sự chuyên biệt, phù hợp đối với từng Mạng lưới ở các khu vực địa lý và đặc điểm thành phần người tiêu dùng khác nhau.
Quyền riêng tư là quyền của cá nhân đối với thông tin của họ để xác định, giới hạn xem những thông tin đó được lưu trữ, truyền đạt cho người khác và sử dụng vào lúc nào, như thế nào và ở mức độ nào. Khi “xã hội công nghiệp” chuyển sang “xã hội công nghệ”, quyền riêng tư của con người càng được quan tâm nhiều hơn. Đối với bên mua - người tiêu dùng, quyền riêng tư là khả năng kiểm soát thông tin cá nhân của mình bằng việc sử dụng hoặc cho đi khi thấy phù hợp. Còn đối với bên bán – thương nhân, quyền riêng tư của người tiêu dùng được thể hiện qua sự tương tác hai chiều giữa bên bán – thương nhân với bên mua - người tiêu dùng. Người tiêu dùng càng ít quan tâm về quyền riêng tư của mình, thương nhân càng dễ dàng có cơ hội khai thác thông tin nhằm tối đa hóa lợi ích thương mại.
Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 và Hệ thống tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) đã nhận được rất nhiều cuộc gọi, đơn thư phản ánh về việc bị một số đối tượng lừa gạt người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch mua sắm trên các gian hàng TMĐT.
Ví dụ một số vụ việc như dưới đây:
- Sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng để chiếm đoạt tài sản: Anh N.H.T.A cư trú tại TP. Hồ Chí Minh đặt mua 1 đôi giày trên gian hàng của một sàn TMĐTvới giá 689.000 đồng vào tháng 6 năm 2021. Khi đơn hàng đã đặt chưa được giao cho anh thì có một đơn vị khác lợi dụng thông tin cá nhân của anh để giao cho anh đơn hàng với đúng địa chỉ, đúng tên người nhận và cùng giá trị. Anh đã không biết việc này và tin tưởng rằng đây là đơn hàng của mình, nên đã nhận hàng và thanh toán tiền. Khi bóc kiện hàng ra, anh N.H.T.A phát hiện đôi giày không đúng với quy cách, chất lượng mà anh đã đặt. Ngay lập tức anh N.H.T.N đã liên hệ với bên giao hàng để trả lại thì không được đồng ý, đồng thời khi liên hệ với gian hàng thì bị chặn số. Anh đã phản ánh với sàn TMĐT và kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình thì thấy đơn hàng đã bị hủy.
- Một vụ việc tương tự của anh N.V.T cư trú tại Vĩnh Long. Anh N.V.T đã đặt mua hàng của một shop trên sàn TMĐT vào tháng 10 năm 2020. Sau khi nhận hàng và trả tiền, Anh N.V.T phát hiện thấy sản phẩm giao không đúng với đơn hàng mà anh đã đặt. Ngay lập tức anh đã kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình trên sàn TMĐT thì thấy đơn hàng vẫn đang trong tình trạng đóng gói, chờ chuyển đi. Như vậy, thông tin cá nhân, thông tin về đơn hàng của anh N.V.T đã bị đối tượng nào đó thu thập và sử dụng cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
- Mua hàng trực tuyến (đặc biệt là thông qua các trang mạng xã hội) khi chưa có đủ thông tin về người bán hoặc người bán không đủ độ tin cậy: Chị N.T.N cư trú tại Hồ Chí Minh, đã đặt mua sản phẩn Sữa ong chúa tại một cửa hàng trên trang Facebook trong tháng 5 năm 2021. Sau khi bóc kiện hàng và thấy sản phẩm không đúng với đơn hàng đã đặt, chị N.T.N đã liên lạc với bên giao hàng và cửa hàng bán sản phẩm trên facebook đều không được hỗ trợ giải quyết. Cửa hàng đã tìm cách thoái thác, trốn tránh trách nhiệm với người tiêu dùng.
Trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng thường rơi vào tình trạng bất cân xứng về thông tin, hiểu biết, trình độ khoa học kỹ thuật, khả năng đàm phán, ký kết hợp đồng, khả năng chịu rủi ro và sự am hiểu pháp luật cũng như tiềm lực tài chính. Chính vì những lí do đó, người tiêu dùng luôn nằm ở vị thế yếu hơn trong tương quan so sánh với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng thậm chí còn chưa có ý thức về “giá trị” của những thông tin cá nhân của mình. Điều này vô hình chung khiến họ thiếu nhận thức và sự quan tâm đến vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trong các giao dịch kinh doanh – tiêu dùng.
Bảo vệ thông tin cá nhân được xem là một quyền hiến định theo pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới bởi thông tin cá nhân thuộc sở hữu riêng của mỗi người, có thể dùng để xác định và định danh một cá thể cụ thể. Trên cơ sở đó, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã cụ thể hóa và xây dựng các cơ chế nhằm bảo đảm an toàn, bí mật về thông tin cá nhân cho người tiêu dùng, kể cả khi người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ bằng giao dịch thương mại điện tử. Trong trường hợp quyền riêng tư đối với thông tin cá nhân của người tiêu dùng bị xâm phạm thì các chế tài do vi phạm quyền riêng tư của con người trong pháp luật về quyền riêng tư có thể được áp dụng đối với các bên liên quan.
Ở cấp độ toàn cầu, các quy định về bảo vệ quyền về sự riêng tư có thể được tìm thấy trong Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát năm 1948 (UDHR), trong đó có Điều 12
[44] liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền về sự riêng tư. Từ nội dung Điều 12 UDHR, có thể thấy nội hàm của các giá trị riêng tư cần được bảo vệ không chỉ là cuộc sống riêng tư của mỗi cá nhân, mà còn bao gồm cả những khía cạnh đời sống có sự gắn kết mật thiết với cá nhân, cụ thể như gia đình, nơi ở, thư tín và cả những giá trị định tính như danh dự, uy tín cá nhân.
Dù vậy, sự phát triển của khoa học công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với tiềm năng giám sát ngày càng tinh vi của các hệ thống máy tính đã đặt ra những yêu cầu mới với bảo vệ dữ liệu của cá nhân người tiêu dùng. Để đáp ứng yêu cầu này, có hai công cụ pháp lý quốc tế đã được phát triển, trong đó đặt ra một số quy tắc cụ thể chi phối việc thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân, bao gồm: Công ước năm 1981 của Hội đồng châu Âu về bảo vệ cá nhân liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân tự động
[45] và Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OSCD) điều chỉnh việc bảo vệ quyền về sự riêng tư và việc chuyển đổi dữ liệu cá nhân xuyên biên giới
[46]. Các văn kiện này mô tả thông tin cá nhân là dữ liệu được bảo vệ ở mọi bước, từ thu thập đến lưu trữ và chuyển giao. Quyền của người tiêu dùng đối với việc truy cập và sửa đổi dữ liệu cá nhân của mình cũng là một khía cạnh quan trọng của các quy tắc này. Về bản chất, các quy định liên quan đến bảo vệ dữ liệu trong hai văn kiện trên cơ bản tương đồng nhau, chỉ khác nhau ở mức độ, theo đó đối với thông tin cá nhân, quy định chung là: i) Chỉ được thu thập một cách công bằng và hợp pháp; ii) Chỉ được sử dụng vào mục đích rõ ràng đã được công bố từ đầu; iii) Bảo đảm tính đầy đủ, phù hợp và không sử dụng sai mục đích; iv) Bảo đảm tính chính xác và cập nhật; và v) Phải được xóa bỏ ngay sau khi đạt được mục đích sử dụng. Hai văn kiện nêu trên đã có tác động sâu sắc đến việc xây dựng và áp dụng luật pháp về bảo vệ dữ liệu cá nhân trên toàn thế giới.
Thu thập thông tin người tiêu dùng là hoạt động thu thập để đưa vào một cơ sở dữ liệu bao gồm thông tin cá nhân của nhiều người tiêu dùng là khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp. Hiện nay, pháp luật Việt Nam nói chung và luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng đều rất chú trọng về việc bảo vệ thông tin của khách hàng. Theo đó, người tiêu dùng khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ phải được đảm bảo an toàn, bí mật thông tin của mình. Doanh nghiệp không được cung cấp thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba, trừ trường hợp có yêu cầu cung cấp thông tin từ cơ quan có thẩm quyền hoặc có sự đồng ý của người tiêu dùng.
Các chính sách pháp luật điều chỉnh vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân nói chung và thông tin cá nhân người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử nói riêng được các quốc gia trên thế giới xây dựng theo hai khuynh hướng cơ bản: (i) ban hành đạo luật chung, ví dụ như Liên Minh Châu Âu (EU), Nhật Bản… Tính đến thời điểm tháng 1 năm 2021, đây được coi là khuynh hướng phổ biến ở các quốc gia/ khu vực trên thế giới với khoảng 120 quốc gia đã ban hành luật về bảo mật dữ liệu
[47]; (ii) ban hành kèm trong các luật chuyên ngành: điển hình như Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã ban hành các quy định liên quan đến bảo vệ thông tin người tiêu dùng trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
Quyền về sự riêng tư là một phần của Công ước châu Âu về quyền con người năm 1950
[48], trong đó tuyên bố,
mọi người đều có quyền được tôn trọng riêng tư và cuộc sống gia đình, nhà ở và thư từ. Từ cơ sở đó, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã tìm cách đảm bảo quyền này thông qua việc xây dựng một văn bản pháp luật chung, đặc biệt khi Internet xuất hiện. Vào năm 1995, EU đã thông qua Chỉ thị về bảo vệ dữ liệu châu Âu (95/46/EC)
[49], trong đó thiết lập các tiêu chuẩn bảo mật và riêng tư dữ liệu tối thiểu để các quốc gia thành viên thực thi bằng cách đưa vào pháp luật của nước mình. Tuy nhiên, Chỉ thị năm 1995 được soạn thảo vào giai đoạn khi Internet mới chỉ được sử dụng bởi 1% dân số thế giới. Vì vậy, khi Internet bùng nổ, xuất hiện yêu cầu phải có văn bản pháp luật mới để giải quyết các vấn đề nảy sinh về bảo vệ dữ liệu cá nhân người tiêu dùng từ việc sử dụng Internet và các thiết bị thông minh trên quy mô lớn. Đây là lý do dẫn đến sự ra đời của Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) do Ủy ban châu Âu xây dựng vào tháng 5/2018
[50].
Về bản chất, GDPR là một bộ quy tắc mới, được xây dựng nhằm cung cấp cho công dân EU quyền kiểm soát nhiều hơn đối với dữ liệu cá nhân của họ. Theo các điều khoản của GDPR, không chỉ các tổ chức phải đảm bảo dữ liệu cá nhân được thu thập hợp pháp và nghiêm ngặt, mà tất cả những bên thu thập và quản lý dữ liệu đều có nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu khỏi việc bị lạm dụng và khai thác, cũng như tôn trọng quyền của chủ sở hữu dữ liệu. Các công ty nằm ngoài lãnh thổ châu Âu cũng phải chấp hành các quy định này. Tiền phạt đối với hành vi trái với quy định của GDPR rất cao. Theo đó có hai cách thức phạt, có thể tối đa là 20 triệu Euro hoặc 4% doanh thu toàn cầu (tùy theo mức nào cao hơn), cộng với việc các chủ thể dữ liệu có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Dữ liệu cá nhân nhạy cảm được quy định dưới dạng hạng mục dữ liệu cá nhân đặc biệt trong GDPR, được xem là:
“Bất kỳ dữ liệu nào tiết lộ chủng tộc hoặc sắc tộc, tư tưởng chính trị, đức tin tôn giáo, quan niệm triết lý, thành viên công đoàn, và việc xử lý dữ liệu di truyền và sinh trắc nhằm mục đích định danh, hoặc dữ liệu liên quan đến sức khoẻ, tình trạng sinh dục, và xu hướng tính dục”[51]. Việc xử lý và phân tích các dữ liệu nhạy cảm hoàn toàn bị cấm bởi GDPR. Một số trường hợp ngoại lệ cho phép xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm, bao gồm có sự đồng thuận từ chủ thể dữ liệu, để bảo vệ quyền lợi cá nhân, để phục vụ công tác y tế dự phòng và y tế nghiệp vụ, hoặc vì lợi ích công cộng.
Trong những tình huống vi phạm, GDPR cho phép các cá nhân có quyền nộp đơn khiếu nại đến Cơ quan Quản lý Dữ liệu đặt tại các quốc gia thành viên nơi cá nhân đang làm việc hoặc sinh sống, hoặc nơi việc vi phạm đã diễn ra. Các cá nhân sau khi được thẩm định quyền bị xâm hại sẽ được xử lý đền bù theo quyết định của Cơ quan Quản lý Dữ liệu, theo tinh thần của những quyết định đưa ra bởi Hội đồng Bảo vệ Dữ liệu châu Âu (EDPB). Tính đến tháng 5/2019, khoản tiền phạt lớn nhất áp dụng theo GDPR là 50 triệu Euro.
GDPR thiết lập 7 nguyên tắc cần tuân thủ khi xử lý dữ liệu:
Một là tính hợp pháp, công bằng và minh bạch: Việc xử lý dữ liệu phải hợp pháp, công bằng và minh bạch đối với chủ thể dữ liệu;
Hai là giới hạn mục đích: Mục đích xử lý dữ liệu phải hợp pháp và được thể hiện rõ ràng cho chủ thể dữ liệu khi thu thập;
Ba là giảm thiểu dữ liệu: Chỉ thu thập và xử lý dữ liệu khi thực sự cần thiết cho các mục đích đã định;
Bốn là độ chính xác: Phải bảo đảm dữ liệu cá nhân là chính xác và cập nhật;
Năm là giới hạn lưu trữ: Chỉ lưu trữ dữ liệu nhận dạng cá nhân trong thời gian cần thiết cho mục đích đã định;
Sáu là tính toàn vẹn và bảo mật: Việc xử lý dữ liệu phải được thực hiện trên cơ sở đảm bảo tính bảo mật, tính toàn vẹn và bảo mật thích hợp (ví dụ: bằng cách sử dụng mã hóa);
Bảy là trách nhiệm giải trình: Người kiểm soát dữ liệu có trách nhiệm chứng minh sự tuân thủ GDPR với tất cả các nguyên tắc này.
GDPR cũng quy định “quyền được lãng quên” - cụ thể là quyền xóa dữ liệu thiết lập cho những người muốn xóa dữ liệu cá nhân của họ khi không còn căn cứ để lưu giữ dữ liệu đó. GDPR được áp dụng ở cấp độ trong nước với hiệu lực cùng thời điểm với ngày hiệu lực của văn bản và việc áp dụng luật tại từng quốc gia sẽ không ảnh hưởng đến hiệu lực của quy định này. Tuy nhiên, GDPR cho phép các quốc gia thành viên sự linh hoạt đến một mức độ nhất định khi áp dụng một số quy định.
Trong thực tế, các quốc gia thành viên EU đã sửa đổi luật bảo vệ dữ liệu của họ để tuân thủ các yêu cầu GDPR. Ví dụ, Đức đã ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu liên bang (Bundesdatenschutzgesetz - BDSG)
[52]của Tòa án Hiến pháp Liên bang có quy định: Bảo vệ dữ liệu cá nhân là bảo vệ quyền cơ bản của cá nhân hay chính là quyền tự quyết định về thông tin của cá nhân đó. Những người có liên quan tới việc bảo vệ dữ liệu cá nhân có quyền tự quyết định thông tin sẽ được cung cấp cho những ai và sử dụng cho những mục đích nào. Ngoài ra, Tòa án Hiến pháp cũng ban hành Luật bảo vệ dữ liệu tiểu bang để quy định việc bảo vệ dữ liệu trong các cơ quan tiểu bang và địa phương đó. Nước Anh cũng đã thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu quốc gia mới (DPA)
[53]có hiệu lực vào ngày 25/5/2018, trong đó cho phép tiếp tục áp dụng GDPR kể cả khi nước này rời Liên minh châu Âu.
Cho đến nay, Hoa Kỳ chưa có bất kỳ đạo luật riêng nào ở cấp liên bang về bảo vệ dữ liệu cá nhân, song vấn đề này đã được nêu trong nhiều văn bản pháp luật ban hành theo từng ngành, từng đối tượng. Theo cách tiếp cận của Hoa Kỳ, việc bảo vệ dữ liệu và quyền về sự riêng tư được dựa trên sự kết hợp giữa luật pháp, quy định và tự điều chỉnh, thay vì chỉ có sự can thiệp của nhà nước
[54]. Pháp luật thường chỉ được áp dụng cho các tình huống trong đó các cá nhân không thể tự kiểm soát việc sử dụng dữ liệu cá nhân của họ. Một số các Luật chuyên ngành của Mỹ như:
§ Đạo luật về Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC Act) là Luật bảo vệ người tiêu dùng liên bang, nghiêm cấm các hành vi không công bằng hoặc lừa đảo và đã được áp dụng cho các chính sách riêng tư và an toàn dữ liệu trực tuyến;
§ Đạo luật Hiện đại hoá các dịch vụ tài chính (hay còn gọi Đạo luật Gramm - Leach - Bliley - Financial Services Modernization Act) quy định việc thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin tài chính;
§ Đạo luật về tính linh hoạt và tính trách nhiệm về bảo hiểm y tế HIPAA cũng đã sửa lại Quy tắc Thông báo vi phạm về an ninh;
§ Đạo luật Báo cáo Tín dụng Công bằng - Fair Credit Reporting Act (15 USC 1681 et seq);
§ Đạo luật Bảo mật truyền thông điện tử;
§ Đạo luật Lạm dụng và Gian lận Máy tính (CFAA) đã quy định việc ngăn chặn liên lạc điện tử và giả mạo máy tính.
Hệ thống bảo mật thông tin của Mỹ được cho là lâu đời, mạnh mẽ và có hiệu quả nhất trên thế giới. Các đạo luật của liên bang gần đây được ban hành với một số quy định mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong các luật chuyên ngành nhằm đảm bảo cho vấn đề an ninh được an toàn và chặt chẽ hơn. Sau khi GDPR được thông qua, một số tiểu bang của Hoa Kỳ đã đề xuất luật bảo vệ dữ liệu của riêng họ, thiết lập một số quyền giống như GDPR.
Dữ liệu là đầu mối và các doanh nghiệp thu thập thông tin có giá trị từ khách hàng/ người tiêu dùng của họ mỗi ngày. Tuy nhiên, việc thu thập, sử dụng và bảo vệ thông tin của người tiêu dùng có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, bên cạnh đó sẽ tạo ra trách nhiệm lâu dài đối với thương hiệu hoặc uy tín doanh nghiệp. Vì vậy, việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong thời đại số là vô cùng cần thiết. Đạo luật bảo mật người tiêu dùng California (CCPA) đã được ban hành và có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2020, nhằm bảo vệ dữ liệu của người tiêu dùng và cho họ quyền kiểm soát nhiều hơn đối với việc sử dụng thông tin cá nhân của mình.
Hầu hết các công ty đều tiến hành thu thập các thông tin cá nhân như tên, số liên lạc, địa chỉ và ID email của khách hàng của họ. Nhưng với sự ra đời của các ứng dụng và trang web dành cho thiết bị di động, các doanh nghiệp hiện có thể theo dõi những gì khách hàng của họ mua và nơi họ đến để tạo hồ sơ người mua cụ thể. Những hồ sơ người mua này có thể bao gồm dữ liệu sinh trắc học, thông tin duyệt internet, mua sản phẩm hoặc sản phẩm mong muốn, dữ liệu vị trí địa lý, thông tin học tập và nghề nghiệp, v.v.
Theo CCPA, bất kỳ doanh nghiệp nào liên quan đến cư dân California đều phải tiết lộ và xóa thông tin cá nhân theo yêu cầu của khách hàng. Đạo luật CCPA áp dụng đối với:
- Các công ty bán dữ liệu tại trung tâm hoạt động
- Doanh nghiệp có tổng thu nhập trên 25 triệu đô la Mỹ
- Các công ty có dữ liệu trên 50,000 người tiêu dùng
- Các công ty tạo ra hơn 50% doanh thu bằng cách bán dữ liệu người tiêu dùng
Văn bản luật này thiết lập các quyền sau đây cho người tiêu dùng:
- Quyền được biết
- Quyền xóa bỏ
- Quyền được tiếp cận
- Quyền từ chối
- Quyền được bình đẳng
Chế tài xử lý vi phạm Đạo luật này được quy định như sau:
- Đối với các sự cố liên quan đến 10,000 người tiêu dùng, doanh nghiệp có thể bị phạt tới 7.5 triệu đô la Mỹ.
- Người tiêu dùng cá nhân có thể kiện các công ty vi phạm bản quyền và phạt họ từ 100 đô la đến 750 đô la Mỹ.
- Tổng Chưởng lý California có thể kiện các vi phạm quyền riêng tư cố ý lên tới 7,500 đô la mỗi vụ.
Luật liên bang có thể áp dụng trước CCPA. Một số loại dữ liệu thiết yếu không thuộc quyền kiểm soát của Đạo luật bao gồm:
- Thông tin công khai không được coi là thông tin cá nhân
- Dữ liệu được xác định hoặc tổng hợp không được coi là thông tin cá nhân
- Dữ liệu từ người tiêu dùng không phải là cư dân của California
- Dữ liệu được sử dụng để hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật
Ngoài ra, CCPA mở rộng đáng kể định nghĩa về thông tin cá nhân, từ đó đòi hỏi các công ty phải có những thay đổi đáng kể trong cách thức hoạt động của mình. Văn bản luật này, không giống như bất kỳ luật bảo vệ dữ liệu nào được ban hành trước đây ở Hoa Kỳ, yêu cầu có một lựa chọn trên trang web của công ty để cho phép người tiêu dùng từ chối chia sẻ dữ liệu cho bên thứ ba. Văn bản luật này cũng cho phép quyền hành động riêng tư trong trường hợp vi phạm dữ liệu và cho phép Tổng Chưởng lý California áp dụng các hình phạt hành chính lên tới 7.500 đô la Mỹ cho mỗi lần vi phạm mà không có giới hạn tối đa số lần.
Không chỉ California, 11 bang khác của Hoa Kỳ bao gồm Maryland, New Jersey và Washington… gần đây đã đưa ra dự thảo văn bản pháp luật tương tự. Trên thực tế, mức độ phức tạp và không chắc chắn do những thay đổi về khung pháp lý đang khiến các doanh nghiệp kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ ban hành và thực thi luật bảo mật dữ liệu cá nhân áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Đáp ứng lời kêu gọi đó, Quốc hội Hoa Kỳ đã đưa ra một số dự luật về quyền về sự riêng tư dữ liệu để thực hiện tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu liên bang tại Hoa Kỳ. Ví dụ, Luật Phổ biến Dữ liệu Hoa Kỳ (S. 142) sẽ áp đặt các yêu cầu liên quan đến quyền về sự riêng tư đối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet tương tự như các yêu cầu áp đặt cho các cơ quan Liên bang theo Luật về quyền về sự riêng tư năm 1974. Luật bảo vệ quyền về sự riêng tư và quyền lợi người tiêu dùng trên phương tiện truyền thông xã hội năm 2019 (S. 189), sẽ yêu cầu các chủ thể: (i) cung cấp cho người dùng một bản sao miễn phí dưới dạng điện tử những dữ liệu cá nhân mà nhà điều hành đã xử lý và (ii) thông báo cho người dùng trong vòng 72 giờ sau khi phát hiện dữ liệu của người dùng đã bị truyền đi do vi phạm nền tảng bảo mật
[55].
Luật Bảo vệ thông tin cá nhân và dữ liệu điện tử của Canada (Personal Information Protection and Electronic Documents Act - PIPEDA)
[56]được ban hành ngày 13/4/2000. Mục tiêu chủ yếu của Luật này là nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử thông qua việc: cho phép thu thập, sử dụng và phát tán thông tin cá nhân trong một số trường hợp đặc biệt; cung cấp các thiết bị điện tử để liên lạc hoặc ghi lại thông tin giao dịch.
"Thông tin cá nhân" được quy định trong PIPEDA là thông tin về một cá nhân có thể nhận dạng được, nhưng không bao gồm tên, chức danh hoặc địa chỉ doanh nghiệp hoặc số điện thoại của nhân viên của một tổ chức. Thông tin cá nhân bao gồm:
- Tên, tuổi, số ID (mã số cá nhân), nguồn thu nhập, nguồn gốc dân tộc hoặc thông tin về nhóm máu;
- Ý kiến, đánh giá, nhận xét, địa vị xã hội hoặc các biện pháp kỷ luật;
- Hồ sơ tín dụng, hồ sơ nợ, hồ sơ y tế, sự tồn tại tranh chấp giữa người tiêu dùng và người bán hàng, ý định về việc mua hàng hóa, mua dịch vụ hoặc thay đổi công việc.
10 nguyên tắc thông tin công bằng của PIPEDA
[57] tạo thành các nguyên tắc cơ bản cho việc thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân, cũng như để cung cấp quyền truy cập vào thông tin cá nhân. Họ cung cấp cho các cá nhân quyền kiểm soát cách thông tin cá nhân của họ được xử lý trong khu vực tư nhân.
Ngoài các nguyên tắc này, PIPEDA tuyên bố rằng bất kỳ việc thu thập, sử dụng hoặc tiết lộ thông tin cá nhân nào chỉ được dành cho các mục đích mà một người hợp lý cho là phù hợp trong các trường hợp.
Văn phòng Ủy Viên về Quyền riêng tư (OPC) xác định các hành vi cấm đối với thông tin cá nhân, bao gồm:
- Thu thập, sử dụng hoặc tiết lộ thông tin cá nhân theo những cách khác trái pháp luật;
- Lập hồ sơ hoặc phân loại các cá nhân theo cách dẫn đến việc đối xử không công bằng, phi đạo đức hoặc phân biệt đối xử trái với luật nhân quyền;
- Thu thập, sử dụng hoặc tiết lộ thông tin cá nhân cho các mục đích đã biết hoặc có khả năng gây tổn hại đáng kể cho cá nhân;
- Buộc NTD phải trả phí để xóa thông tin đã được công bố;
- Yêu cầu mật khẩu cho các tài khoản mạng xã hội nhằm mục đích sàng lọc nhân viên; và
- Tiến hành giám sát một cá nhân bằng cách sử dụng chức năng âm thanh hoặc video trên thiết bị của họ.
PIPEDA quy định trách nhiệm của các tổ chức đối với từng nguyên tắc trong số 10 nguyên tắc thông tin công bằng. Luật này cũng chỉ ra cách hoàn thành những trách nhiệm này và đưa ra một số lời khuyên.
Nguyên tắc 1 - Trách nhiệm giải trình
Một tổ chức chịu trách nhiệm về vấn đề thông tin cá nhân trong phạm vi kiểm soát của mình. Tổ chức phải chỉ định người chịu trách nhiệm về việc tuân thủ các nguyên tắc thông tin công bằng này.
Nguyên tắc 2 - Xác định Mục đích
Mục đích thu thập thông tin cá nhân phải được xác định bởi tổ chức trước hoặc tại thời điểm thu thập.
Nguyên tắc 3 - Sự đồng ý
Việc thu thập, sử dụng hoặc tiết lộ thông tin cá nhân cần có kiến thức và sự đồng ý của cá nhân, trừ trường hợp không phù hợp.
Nguyên tắc 4 - Giới hạn việc thu thập
Việc thu thập thông tin cá nhân phải được giới hạn ở mức độ cần thiết phục vụ cho các mục đích mà tổ chức đã xác định. Việc thu thập này phải được tiến hành bằng các phương tiện công bằng và hợp pháp.
Nguyên tắc 5 - Hạn chế sử dụng, tiết lộ và lưu giữ
Trừ khi cá nhân đó đồng ý hoặc luật pháp yêu cầu, thông tin cá nhân chỉ có thể được sử dụng hoặc tiết lộ cho các mục đích mà nó được thu thập. Thông tin cá nhân chỉ được lưu giữ chừng nào cần thiết để phục vụ những mục đích đó.
Nguyên tắc 6 - Độ chính xác
Thông tin cá nhân phải chính xác, đầy đủ và cập nhật nhất có thể để đáp ứng đúng các mục đích được sử dụng.
Nguyên tắc 7 - Các biện pháp bảo vệ
Thông tin cá nhân phải được bảo vệ bằng biện pháp bảo mật thích hợp liên quan đến độ nhạy cảm của thông tin.
Nguyên tắc 8 - Cởi mở
Một tổ chức phải cung cấp thông tin chi tiết về các chính sách và thông lệ của mình liên quan đến việc quản lý thông tin cá nhân một cách công khai và sẵn sàng.
Nguyên tắc 9 - Quyền truy cập cá nhân
Theo yêu cầu, một cá nhân phải được thông báo về sự tồn tại, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân của họ và được cấp quyền truy cập vào thông tin đó. Một cá nhân sẽ có thể thách thức tính chính xác và đầy đủ của thông tin và sửa đổi nó khi thích hợp.
Nguyên tắc 10 - Sự tuân thủ đầy thách thức
Các hành động thể hiện quyền đối với thông tin cá nhân bao gồm:
- Yêu cầu một tổ chức thu thập, sử dụng hoặc tiết lộ thông tin cá nhân của họ một cách hợp lý và thích hợp, và không sử dụng thông tin cho bất kỳ mục đích nào khác với mục đích mà họ đã đồng ý;
- Biết người đại diện của tổ chức chịu trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của họ;
- Yêu cầu tổ chức bảo vệ thông tin cá nhân của họ bằng cách thực hiện các biện pháp bảo mật thích hợp;
- Yêu cầu thông tin cá nhân mà một tổ chức nắm giữ về họ là chính xác, đầy đủ và cập nhật;
- Có được quyền truy cập vào thông tin cá nhân của họ và yêu cầu chỉnh sửa nếu cần thiết; và
- Khiếu nại về cách một tổ chức xử lý thông tin cá nhân của họ nếu họ cảm thấy quyền riêng tư của họ không được tôn trọng.
Các Hành động yêu cầu các tổ chức
· có được sự đồng ý của người tiêu dùng khi họ thu thập, sử dụng hoặc tiết lộ thông tin cá nhân của người tiêu dùng;
· cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ ngay cả khi người tiêu dùng từ chối việc thu thập, sử dụng hoặc tiết lộ thông tin cá nhân của bạn trừ khi thông tin đó là cần thiết cho giao dịch;
· thu thập thông tin bằng các phương tiện công bằng và hợp pháp; và
· có chính sách thông tin người tiêu dùng rõ ràng, dễ hiểu và dễ dàng truy cập.
Nhật Bản ban hành Luật Bảo vệ thông tin cá nhân (APPI) vào tháng 5/2017, điều chỉnh đối với tất cả các công ty kinh doanh có trụ sở tại Nhật Bản hay ở nước ngoài khi kinh doanh tại Nhật Bản, thành lập Ủy ban bảo vệ thông tin cá nhân (PPC), tăng cường quản lý các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.
APPI được áp dụng đối với “những nhà quản lý doanh nghiệp xử lý các thông tin cá nhân” (Business operator handling personal information). Cụ thể hơn, nhà quản lý doanh nghiệp này có thể là thể nhân hay pháp nhân sử dụng dữ liệu thông tin cá nhân nhằm mục đích kinh doanh, ngoại trừ: i) Các cơ quan nhà nước; ii) Chính quyền địa phương; (iii) Những cơ quan hành chính được sáp nhập; và iv) Những tổ chức hành chính độc lập ở địa phương. Phạm vi của APPI cũng mở rộng tới cả những pháp nhân nước ngoài thu thập và xử lý thông tin cá nhân tại Nhật Bản. Thêm vào đó, thậm chí nếu một pháp nhân nước ngoài không được thành lập tại Nhật Bản, một vài điều khoản trong APPI cũng sẽ được áp dụng đối với pháp nhân đó khi cung cấp sản phẩm hay dịch vụ cho cá nhân tại Nhật Bản và thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân đó.
Một điểm đáng chú ý của APPI là việc sử dụng thuật ngữ “handling” (nắm giữ hoặc xử lý thông tin) thay vì “processing” (xử lý thông tin) như các văn bản khác liên quan đến bảo vệ dữ liệu. “Handling” có thể được hiểu với tính khái quát cao hơn, bao gồm bất kỳ hoạt động nào liên quan đến các thông tin cá nhân.
Thông tin cá nhân được định nghĩa là thông tin về một cá nhân thuộc bất kỳ danh mục nào sau đây: (a) thông tin có chứa tên, ngày sinh hoặc các mô tả khác cho phép một cá nhân cụ thể có thể được xác định (bao gồm thông tin cho phép dễ dàng tham khảo hoặc cho phép nhận dạng cá nhân); hoặc (b) thông tin chứa mã nhận dạng cá nhân, bao gồm các ký tự, ký tự số và dấu, có thể được sử dụng để xác định cá nhân cụ thể và được quy định trong Nghị định của Chính phủ quy định về việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung ban hành tháng 12 năm 2016 (ví dụ: định danh sinh trắc học chẳng hạn như dữ liệu vân tay, dữ liệu nhận dạng, hộ chiếu hoặc số giấy phép lái xe). Các định nghĩa về thông tin cá nhân tùy thuộc vào ngữ cảnh và không giới hạn đến các loại dữ liệu cụ thể. Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã làm rõ hơn định nghĩa về mã được quy định trong APPI; cụ thể, dựa theo Điều 1 Nghị định của Chính phủ, mã cá nhân nhận dạng bao gồm hai loại mã sau đây:
(1) Mã là một tính năng cơ thể của một cá nhân cụ thể đã được chuyển đổi thành dữ liệu được cung cấp để sử dụng bởi máy tính, bao gồm dữ liệu DNA, dữ liệu nhận dạng khuôn mặt, dữ liệu giọng nói, dữ liệu mẫu dáng đi, dữ liệu lòng bàn tay/ ngón tay/ dấu vân tay, mô hình tĩnh mạch;
(2) Mã được gán liên quan đến việc sử dụng dịch vụ hoặc mua bán hàng hóa cung cấp cho một cá nhân, hoặc được nêu trong giấy tờ cấp cho một cá nhân để có thể xác định một người cụ thể, chẳng hạn như số hộ chiếu, sổ lương hưu, giấy phép lái xe và số bảo hiểm y tế.
Dữ liệu cá nhân được định nghĩa là thông tin cá nhân nằm trong một cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân. Một cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân là tập hợp thông tin, bao gồm (a) tập hợp thông tin được sắp xếp một cách có hệ thống theo cách cho phép thông tin cá nhân cụ thể được lấy ra bằng máy tính; và (b) bất kỳ việc thu thập thông tin nào khác được quy định trong Nghị định của Chính phủ được sắp xếp một cách có hệ thống theo một cách cho phép cụ thể để thông tin cá nhân dễ dàng được tìm kiếm.
Nhà quản lý doanh nghiệp xử lý thông tin cá nhân phải làm rõ mục đích sử dụng thông tin cá nhân, đồng thời phải tuân thủ những quy định sau: (i) nhà quản lý không được sử dụng thông tin cá nhân nằm ngoài phạm vi cần thiết để đạt được các mục đích mà không có sự cho phép từ trước của cá nhân; và (ii) không được thay đổi mục đích sử dụng ngoài phạm vi có mối quan hệ thay thế một cách chính đáng với mục đích sử dụng ban đầu.
Thông tin được thu thập phải hợp pháp và nhà quản lý doanh nghiệp không được thu thập các thông tin cá nhân bằng cách lừa dối hay các phương pháp sai trái khác. Một khi nhà quản lý doanh nghiệp thu thập thông tin, cá nhân bị thu thập thông tin phải được thông báo hay tuyên bố công khai về mục đích sử dụng trừ một số ngoại lệ sau: i) việc thông báo hay tuyên bố công khai có khả năng gây hại đến đời sống, thân thể, tài sản, quyền hay lợi ích của cá nhân hay bên thứ ba; ii) những thông báo này có khả năng gây hại đối với quyền cũng như lợi ích chính đáng của nhà quản lý; (iii) sự phối hợp với một cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương hay bên thứ ba là cần thiết để tiến hành các vấn đề được quy định bởi luật pháp mà sự thông báo hay tuyên bố công khai có khả năng cản trở việc thực hiện.
Thông tin nhạy cảm (sensitive information) cũng được quy định trong APPI và đây là loại thông tin mà nhà quản lý doanh nghiệp không được thu thập từ các cá nhân mà không có sự cho phép từ trước. Thuật ngữ này được sử dụng trong APPI là “thông tin cá nhân được yêu cầu đặc biệt” (Special care-required personal information) bao gồm trạng thái xã hội, hồ sơ bệnh án, hồ sơ phạm tội hay lịch sử về việc đã từng là nạn nhân của tội phạm. Ngoài việc phải có sự đồng ý từ trước của cá nhân khi thu thập, nhà quản lý doanh nghiệp sẽ không được phép chuyển các thông tin nhạy cảm này cho bất kỳ bên thứ ba nào khác.
Nếu một cá nhân yêu cầu nhà quản lý doanh nghiệp xử lý thông tin chỉnh sửa, mở rộng hay xóa dữ liệu cá nhân của chính mình bởi vì sự không chính xác, các nhà quản lý phải ngay lập tức điều tra. Dựa vào kết quả điều tra, nhà quản lý sẽ phải có những hành động cụ thể đối với dữ liệu cá nhân và phản hồi tới yêu cầu của cá nhân. Hơn nữa, nếu một cá nhân yêu cầu nhà quản lý doanh nghiệp ngưng sử dụng hay tiết lộ các dữ liệu cá nhân đã được lưu trữ bởi vì vi phạm APPI, nhà quản lý phải dừng việc sử dụng hay tiết lộ nếu lý do được đưa ra là xác đáng.
Cũng như các quy định khác về bảo vệ dữ liệu trong văn bản quốc tế cũng như pháp luật quốc gia, nhà quản lý doanh nghiệp không được cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba mà không có sự đồng ý từ cá nhân sở hữu thông tin đó. Tại đây, “bên thứ ba” có thể bao gồm các thể nhân, pháp nhân khác, thậm chí bao gồm cả các công ty con của nhà quản lý doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc nhà quản lý doanh nghiệp cung cấp thông tin cho các công ty con của mình cũng phải tuân theo những quy định về bên thứ ba trong APPI. Đối với bên thứ ba ngoài phạm vi lãnh thổ của Nhật Bản, nhà quản lý doanh nghiệp cũng cần sự đồng ý từ chủ dữ liệu trước khi cung cấp.
PPC (Personal Information Protection Commission- Ủy ban bảo vệ dữ liệu thông tin) là cơ quan bảo vệ dữ liệu cấp trung ương được thành lập theo bản sửa đổi gần đây của APPI và chịu trách nhiệm cho việc thi hành, điều tra. Ngoài ra, PPC còn chịu trách nhiệm cho việc ban hành hướng dẫn tuân thủ APPI. Trước khi PPC được thành lập, có nhiều cơ quan của Chính phủ có quyền lực thi hành đối với các nhà quản lý doanh nghiệp theo thẩm quyền tương ứng, và tại mỗi một cơ quan lại có hướng dẫn riêng (theo thống kê là hơn 40 hướng dẫn cho 27 ngành công nghiệp). Sự ra đời của bộ hướng dẫn từ PPC đã tạo ra sự thống nhất cao, tránh tình trạng hướng dẫn nằm phân tán, rải rác trong quy định tại các cơ quan khác nhau.
PPC có thể yêu cầu các báo cáo về việc xử lý thông tin cá nhân và ban hành các khuyến nghị hay lệnh sửa đổi trong trường hợp nhà quản lý doanh nghiệp vi phạm quyền riêng tư của cá nhân và vi phạm những quy định của APPI. Trước khi ban hành lệnh sửa đổi thì các khuyến nghị, hướng dẫn sẽ được gửi tới nhà quản lý doanh nghiệp. Việc vi phạm lệnh sửa đổi là tội phạm hình sự và cá nhân chịu trách nhiệm có thể bị phạt tù tối đa lên tới 6 tháng, khoản tiền phạt cũng lên đến 300.000 Yên Nhật (xấp xỉ 2.670 đô la Mỹ). Đây cũng là mức phạt tiền tối đa với nhà quản lý doanh nghiệp.
Ngày 2.11.2020, Quốc hội Singapore đã thông qua dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trước đó, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đã từng được Quốc hội Singapore thông qua vào ngày 15.10.2012, công nhận quyền của các cá nhân trong việc bảo vệ các dữ liệu của chính họ, đồng thời thừa nhận sự cần thiết của việc các tổ chức tiến hành thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân vì những mục đích phù hợp với những hoàn cảnh nhất định. Luật áp dụng đối với tất cả các cá nhân, tổ chức được thành lập hoặc được công nhận theo pháp luật Singapore, hoặc có nơi cư trú hoặc văn phòng đại diện hoặc khu vực kinh doanh tại Singapore. Đặc biệt, luật chỉ áp dụng nếu các dữ liệu cá nhân được thu thập, sử dụng hoặc tiết lộ tại Singapore. Singapore cũng thành lập Ủy ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân để nâng cao nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân, cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, quản lý hoặc các dịch vụ đặc biệt khác liên quan cũng như tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này. Bên cạnh Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, một số văn bản pháp luật chuyên ngành của Singapore cũng quy định về vấn đề này như: Luật An ninh mạng và máy tính; Luật Bí mật công vụ, Luật Thống kê; Luật Giao dịch điện tử, Luật Ngân hàng, Luật Viễn thông…
Để bảo vệ dữ liệu cá nhân, Uỷ ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân được thành lập với các chức năng sau: nâng cao nhận thức về bảo vệ DLCN; cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, quản lý hoặc các dịch vụ đặc biệt khác liên quan đến bảo vệ DLCN; tham mưu cho Chính phủ về tất cả các vấn đề liên quan đến bảo vệ DLCN….
Uỷ ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân có quyền xem xét khiếu nại liên quan đến truy cập dữ liệu cá nhân cũng như tiến hành một cuộc điều tra theo quy định của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để xác định hành vi vi phạm Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo những điều khoản sửa đổi, trong trường hợp vi phạm về dữ liệu, các tổ chức sẽ phải thông báo cho Ủy ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân của Singapore trong vòng 3 ngày sau khi vi phạm nếu vi phạm có thể dẫn đến “tổn hại đáng kể cho các cá nhân bị ảnh hưởng hoặc tổn hại có quy mô đáng kể (hơn 500 cá nhân bị ảnh hưởng)”. Các cá nhân cũng cần được liên hệ sớm nhất có thể.
Một ngoại lệ mới, tương tự như trong Luật Bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu (GDPR), tạo ra cách để các tổ chức có thể thu thập, sử dụng hoặc tiết lộ dữ liệu cá nhân mà không có sự đồng ý, nếu được chứng minh là vì “lợi ích hợp pháp” và lợi ích cho công chúng lớn hơn lợi ích cho cá nhân. Điều này sẽ phát huy tác dụng nếu dữ liệu được xử lý sẽ giúp phát hiện hoặc ngăn chặn bất kỳ hoạt động bất hợp pháp hoặc mối đe dọa nào đối với bảo mật. Trong ví dụ khác, nó có thể được sử dụng để phát hiện những bất thường trong hệ thống thanh toán để phát hiện gian lận. Các tổ chức sẽ vẫn phải đáp ứng một số yêu cầu, chẳng hạn như thực hiện đánh giá rủi ro và tác động (về cơ bản là một cách để xác định xem nó có ảnh hưởng đến cá nhân hay không) trước khi tiếp tục.
Đối với từng cá nhân, quyền chuyển dữ liệu mới sẽ được cung cấp cho các đối tượng dữ liệu theo sửa đổi mới của luật và các cá nhân có thể yêu cầu chuyển dữ liệu của họ sang một nhà cung cấp dịch vụ khác. Để làm như vậy, các tổ chức sẽ cần phải theo dõi dữ liệu cá nhân của chủ thể dữ liệu trong một thời gian nhất định sau yêu cầu truy cập hoặc chuyển.
Một sửa đổi khác liên quan đến số tiền mà một tổ chức có thể bị phạt. Các công ty có doanh thu hàng năm ở Singapore vượt quá 10 triệu USD hiện có thể bị phạt tới 10% doanh thu này hoặc 1 triệu USD, tùy theo mức nào lớn hơn. Trước khi có Luật sửa đổi mới, mức hình phạt đối với cá nhân tùy thuộc vào hành vi vi phạm: Phạt tiền từ 2.000 tới 100.000 USD, hoặc/và phạt tù không quá 12 tháng, trong một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng hình thức phạt tù có thể lên tới 3 năm. Trong khi đó, số tiền cao nhất mà một công ty có thể bị phạt vì vi phạm dữ liệu chỉ là 1 triệu USD.
Trong khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore đã có đạo luật riêng về bảo vệ dữ liệu cá nhân thì hầu hết các quốc gia còn lại cũng giống như Việt Nam đều chưa có Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân được quy định rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật với mức độ khác nhau ở Hiến pháp, Luật, Nghị định và Thông tư.
Indonesia hiện chưa có luật chung về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, một số yêu cầu về bảo vệ dữ liệu được nêu trong Luật số 11 năm 2008 về Thông tin và giao dịch điện tử, Quy định của Chính phủ số 71 năm 2019 liên quan đến Vận hành hệ thống và giao dịch điện tử (GR 71) (đã sửa đổi Quy định của Chính phủ số 82 năm 2012 về Hệ thống và giao dịch điện tử) và Quy định số 20 của Bộ trưởng Bộ Truyền thông & Khoa học thông tin năm 2016 về Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hệ thống điện tử (Quy định số 20 của Bộ trưởng). Các quy định này đặt ra nghĩa vụ cho các Nhà vận hành hệ thống điện tử khi họ xử lý dữ liệu cá nhân, bao gồm nghĩa vụ về an ninh và bảo mật. Quan trọng là GR 71 chỉ rõ rằng các Nhà vận hành hệ thống điện tử tại Indonesia có thể truyền dữ liệu ra nước ngoài, miễn là họ tuân thủ các nghĩa vụ trong GR 71 và Quy định số 20 của Bộ trưởng.
Ở Indonesia, bí mật đời tư, bí mật dữ liệu cá nhân là một quyền công dân, được quy định tại Điều 28G Hiến pháp năm 1945: Mỗi người đều có quyền tự bảo vệ bản thân, gia đình, sự tôn trọng, nhân phẩm và tài sản của mình. Mỗi người đều có quyền được bảo đảm an ninh và sự bảo vệ khỏi các mối đe dọa sợ hãi để làm, hay không làm, một điều gì đó cấu thành một quyền con người.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, việc thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân được điều chỉnh bởi Luật số 11 năm 2008 về thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 82 năm 2012 của Chính phủ liên quan đến các hệ thống và giao dịch điện tử. Ngoài ra, các luật chuyên ngành và văn bản hướng dẫn trong các lĩnh vực ngân hàng, thị trường vốn, viễn thông, chăm sóc sức khoẻ, thông tin… cũng quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong các lĩnh vực đó.
Hiện nay, Nghị định về Thông tin và Truyền thông đang được Chính phủ Indonesia xây dựng dự thảo. Nghị định sẽ quy định chi tiết về bảo vệ dữ liệu cá nhân bao gồm yêu cầu về sự đồng ý của chủ dữ liệu; việc thu thập, lưu giữ, đánh giá, chuyển giao, huỷ bỏ… dữ liệu cá nhân.
Đạo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân B.E. 2562 (2019) (PDPA) tại Thái Lan quy định các yêu cầu về hoạt động thu thập, bảo mật, sử dụng, tiết lộ, chuyển giao và xử lý khác các dữ liệu cá nhân. PDPA phân biệt giữa người kiểm soát dữ liệu và người xử lý dữ liệu. Người kiểm soát dữ liệu là người đưa ra các quyết định liên quan đến việc thu thập, sử dụng và tiết lộ dữ liệu cá nhân. Người xử lý dữ liệu là người thay mặt người kiểm soát dữ liệu xử lý dữ liệu hoặc làm theo chỉ dẫn của người kiểm soát dữ liệu. Ở cấp độ cao, người kiểm soát dữ liệu có một số nghĩa vụ chính sau:
- Chỉ thu thập dữ liệu cá nhân khi chủ thể dữ liệu đồng ý, chịu trách nhiệm thông báo cho chủ thể dữ liệu về việc thu thập dữ liệu của họ (trừ trường hợp ngoại lệ)
- Thực hiện các biện pháp bảo mật thích hợp để bảo vệ dữ liệu cá nhân khỏi việc tiết lộ trái phép
- Chỉ sử dụng và tiết lộ dữ liệu cá nhân cho các mục đích mà chủ thể dữ liệu đã đồng ý
- Đáp ứng các quyền của chủ thể dữ liệu, bao gồm quyền truy cập & sửa dữ liệu cá nhân của họ và các yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân của họ
- Chuyển dữ liệu cá nhân ra bên ngoài Thái Lan chỉ khi chủ thể dữ liệu đồng ý, trừ khi tồn tại cơ sở pháp lý khác cho việc chuyển giao đó
Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân được xác lập bởi các văn bản pháp luật như: Hiến pháp Thái Lan năm 2007, Các đạo luật chuyên ngành của Thái Lan như Bộ luật Dân sự và Thương mại, Luật Viễn thông, Luật Ngân hàng, Luật Kinh doanh tài chính, Luật Giao dịch điện tử… Các văn bản này đều xác lập cơ chế bảo vệ đối với dữ liệu cá nhân trước các hành động thu thập, sử dụng, tiết lộ, chuyển giao thông tin một cách bất hợp pháp.
Trong nền kinh tế thị trường, thông tin của người tiêu dùng được nhiều tổ chức, cá nhân thu thập, lưu trữ và sử dụng để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như tiếp thị sản phẩm, nghiên cứu thị trường, thậm chí được xem là một “mặt hàng” có thể mua bán… Hiện nay, các hành vi xâm phạm trái phép các thông tin của người tiêu dùng, đặc biệt trong thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến và tinh vi, điển hình như:
Một là, thu thập và sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người tiêu dùng:
Với các công nghệ lớn và ngày càng phổ biến như công nghệ IoT (Internet of thing –vạn vật), AI (artificial intelligence – trí tuệ nhân tạo), VR (virtual reality – thực tế ảo), AR (Augmented Reality – tương tác ảo), Cloud Computing (điện toán đám mây), big Data (dữ liệu lớn)… doanh nghiệp có thể dễ dàng thu thập, lưu trữ, phân tích và truyền tải dữ liệu của cá nhân.Trong những trường hợp như vậy, số lượng người bị thu thập và sử dụng thông tin có thể lên tới hàng ngàn thậm chí là hàng triệu người. Tính phức tạp về mặt công nghệ đã khiến cho việc xác định và xử lý hành vi xâm phạm thông tin cá nhân trở nên khó khăn, vượt ra khỏi tầm kiểm soát của pháp luật.
Hai là, đánh cắp thông tin cá nhân của người tiêu dùng:
Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (E-Business Index-EBI) năm 2017, có 17% website trong khảo sát mắc rủi ro nghiêm trọng là để dữ liệu của khách hàng có thể bị xem trái phép bởi người dùng khác. Một khách hàng khi sử dụng dịch vụ thương mại điện tử tại các website này có khả năng mất tên, email, mật khẩu (dạng mã hóa) hoặc thông tin ngân hàng. Các website thương mại điện tử bán lẻ thường có số lượng lớn khách hàng nên các dữ liệu khách hàng rất có giá trị với tội phạm công nghệ. Hiện nay, hoạt động đánh cắp thông tin cá nhân của người tiêu dùng ngày càng trở nên phổ biến với quy mô ngày càng lớn.
Ba là, hành vi làm phiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản người tiêu dùng:
Hành vi này là hệ quả của các hành vi trên. Các thông tin về nhân thân khách hàng cũng có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như: tiếp thị hàng hóa, dịch vụ; làm giấy tờ giả; bán cho bên thứ ba… Nhiều người cảm thấy bị làm phiền và khó chịu khi thường xuyên nhận được các lời mời sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhiều cá nhân, tổ chức thông qua thư điện tử hoặc điện thoại di động (nhắn tin hoặc gọi điện). Trong những trường hợp như vậy, phần lớn các thông tin họ có được là bất hợp pháp, bởi về nguyên tắc, việc thu thập và sử dụng các thông tin cá nhân chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin. Đây được xem là một hệ quả của các hành vi thu thập thông tin bất hợp pháp, phản ánh một lối tiếp thị, quảng bá sản phẩm kém văn minh của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Ngoài ra, khi có được thông tin người tiêu dùng, đặc biệt là các thông tin về thẻ tín dụng, tội phạm có thể sử dụng các thông tin này làm giả thẻ tín dụng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản hoặc thực hiện các chi tiêu mua sắm.
Thông tin của người tiêu dùng bao gồm thông tin về tên, tuổi, địa chỉ liên lạc, số điện thoại, số tài khoản hoặc thông tin về các giao dịch thanh toán mà doanh nghiệp thu thập được thông qua hoạt động thương mại, mua bán hàng hóa, dịch vụ hoặc thông qua các hoạt động khảo sát thị trường của doanh nghiệp. Các thông tin này gắn với việc xác định danh tính của một người tiêu dùng và là nguồn dữ liệu quan trọng có giá trị thương mại mà doanh nghiệp có thể tận dụng để thực hiện hoạt động quảng cáo, tiếp thị, truyền thông và các hoạt động chăm sóc khách hàng.
Nhìn chung các doanh nghiệp đều mong muốn người tiêu dùng của họ cung cấp càng nhiều thông tin cho mình để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tư vấn và giới thiệu các sản phẩm phù hợp. Tuy nhiên, hầu hết người tiêu dùng khi chia sẻ những thông tin cá nhân đều quan ngại việc thông tin bị tiết lộ gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư của mình. Do đó, để đảm bảo quyền riêng tư không bị xâm phạm, người tiêu dùng cần được biết thông tin cá nhân của mình được thu thập nhằm mục đích gì, được lưu trữ và sử dụng như thế nào.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có một quy định chung về bảo vệ thông tin cá nhân như nhiều quốc gia trên thế giới mà các quy định nằm rải rác tại nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành
[58]. Cụ thể, việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng được quy định tại Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010
[59]. Quy định này ghi nhận việc người tiêu dùng được đảm bảo an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cần tiết lộ thông tin theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, trách nhiệm đảm bảo bí mật thông tin và không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng cung như người tiêu dùng cũng được qy định tại Điều 14 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010
[60].
Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử đã đưa ra nhiều quy định quan trọng về việc bảo vệ thôn tin cá nhân của người tiêu dùng tại chương 5 – an toàn, an ninh trong giao dịch thương mại điện tử. Nghị định này cũng góp phần đưa ra một định nghĩa hoàn chỉnh hơn cho thuật ngữ “thông tin cá nhân” và lần đầu tiên cụm từ “chủ thể thông tin” tương đồng với thuật ngữ “information subject” hoặc “data subject mà pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân ở nhiều quốc gia xác đinh được chính thức sử dụng tại nghị định này.
Các quy định về bảo vệ an toàn thông tin cá nhân tiếp tục được hoàn thiện hơn khi Luật An toàn thông tin mạng có hiệu lực vào năm 2015. Theo đó đưa ra các nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng (Điều 16), quy định việc thu thập, sử dụng, cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân (Điều 17 và Điều 18), đưa ra các yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên môi trường mạng (Điều 19) và đề ra các trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng (Điều 20)
[61].
Thông tin cá nhân của người tiêu dùng được coi là tài sản có giá trị thương mại to lớn đối với mỗi cá nhân, tổ chức kinh doanh. Tình trạng sử dụng trái phép, mua bán thông tin người tiêu dùng tại Việt Nam đang xảy ra phổ biến và đáng báo động khi dữ liệu người tiêu dùng được rao bán tràn lan. Ví dụ, chỉ cần gõ từ khóa “mua dữ liệu khách hàng” vào các trình duyệt web sẽ cho ra kết quả của hàng nhìn thông tin rao bán với các mức giá khác nhau. Dữ liệu người tiêu dùng được rao bán dưới nhiều gói dịch vụ như danh sách khách hàng Facebook; danh sách khách hàng cá nhân bảo hiểm, ngân hàng; danh sách khách hàng sử dụng thuê bao;… và việc mua bán được thực hiện dưới hai hình thức chính:
Một là, các doanh nghiệp chủ động thu thập, lưu trữ thông tin khách hàng để tạo thành kho dữ liệu và tiến hành phân tích, xử lý thông tin nhằm phục vụ việc kinh doanh.
Hai là, các doanh nghiệp thực hiện thu thập dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng, cho phép các đối tác của họ tiếp cận các thông tin này nhưng lại không có quy định hay chính sách chặt chẽ về việc không được chuyển giao thông tin để đối tác thực hiện việc chuyển giao, buôn bán cho đối tác khác.
Do đó, có thể thấy mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định về việc bảo vệ thông tin cá nhân hay thông tin người tiêu dùng nhưng dường như các quy định pháp luật này chưa thực sự phát huy hiệu quả, bên cạnh đó chế tìa xử phạt vẫn chưa đủ mạnh để có thể giải quyết được thực trạng dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng vị lợi dụng và xâm phậm với mục đích không chính thống.
Bảo vệ thông tin cá nhân nói chung và người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại truyền thống và thương mại điện tử là một chủ đề thu hút sự quan tâm rộng rãi của Chính phủ các nước. Chính phủ các nước cũng như Chính phủ Việt Nam đều có nhiều cách tiếp cận khác nhau về việc bảo vệ thông tin cá nhân nhưng đều có quan điểm chung bảo vệ thông tin cá nhân chính là bảo vệ các quyền cơ bản của mỗi công dân. Tại Việt Nam, Luật An toàn thông tin mạng kết hợp với Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Hình sự, Luật Giao dịch điện tử và một số các văn bản khác và Luật Tiếp cận thông tin sắp có hiệu lực thi hành sẽ từng bước tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ, đầy đủ đối với việc bảo vệ thông tin cá nhân trong sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay.
Về mặt định nghĩa chung, bảo hành (warranty) vừa giống như chính sách bảo hiểm, vừa là một hợp đồng sửa chữa. Khi một nhà sản xuất đưa ra các điều kiện bảo hành giống như một chính sách bảo hiểm cho sản phẩm của mình, nhà sản xuất sẽ đền bù thiệt hại cho NTD bằng cách sửa chữa, thay thế, hoặc hoàn lại giá mua vào cho NTD nếu như trong một khoảng thời gian nhất định, sản phẩm hoặc một phần của sản phẩm bị phát hiện là có khiếm khuyết. Khi nhà sản xuất đó đưa ra các điều kiện bảo hành giống như một hợp đồng sửa chữa cho NTD, nhà sản xuất sẽ có nghĩa vụ phải sửa chữa miễn phí tất cả các lỗi hỏng để tối đa hoá thời gian/khả năng hữu dụng của sản phẩm, trong một khoảng thời gian nhất định. Bảo hành không chỉ bảo hiểm NTD khỏi việc sản phẩm vận hành không thoả đáng, mà còn là một phương tiện để các doanh nghiệp cung cấp thông tin cho NTD về chất lượng sản phẩm của mình. Bảo hành có thể bao gồm việc thay mới, hay sửa chữa các sản phẩm bị lỗi, hoàn tiền, hay đôi khi cả việc hoàn tiền cho các hậu quả phái sinh do sản phẩm bị lỗi.
[62]
Do bảo hành là một bộ phận của trách nhiệm pháp lý (liability) phát sinh trong các quan hệ giữa NTD và nhà sản xuất, hay nhà cung cấp dịch vụ, người bán nên có nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa các quy định về vấn đề này thành một bộ phận của Luật BV NTD của họ. Vài ví dụ tiêu biểu có thể nêu lên ở đây là các quy định của trong luật của Cộng đồng Châu Âu (EU), của Canada, và Malaysia. Tuy nhiên, cần lưu ý là trong chỉnh thể các vấn đề liên quan đến trách nhiệm sản phẩm (product liability), thường vấn đề bảo hành được hiểu theo nghĩa hẹp như một hợp đồng sửa chữa và bảo đảm.
Chỉ thị số 1999/44/EC của EU quy định rằng, việc đưa ra một chế độ bảo hành hợp lý cho các khiếm khuyết trong sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định cho một số hàng hoá, sản phẩm là điều hiển nhiên, do các chế độ bảo hành đó là các công cụ marketing hoàn toàn hợp pháp và sẽ giúp thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên các chính sách bảo hành đó phải có một số thông tin nhất định, bao gồm một tuyên bố rằng sự bảo hành đó không ảnh hưởng gì đến các quyền lợi hợp pháp của NTD.
Khoản 2, Điều 3 của Chỉ thị cũng nêu rõ: “Trong trường hợp hàng hoá được bán có sai sót, NTD sẽ có quyền vãn hồi các khiếm khuyết đó thông qua việc sửa chữa hoặc thay thế, phù hợp với khoản 3 của Điều này, hoặc được giảm giá, phù hợp với các khoản 5 & 6 của Điều này”.
Khoản 3 Điều này cũng quy định rằng việc sửa chữa hay thay thế đó phải được hoàn thành một khoảng thời gian hợp lý, không gây bất tiện đáng kể nào cho NTD, có xem xét đến bản chất của hàng hoá và mục đích sử dụng hàng hoá của NTD. Các điều kiện bảo hành này, dù không nêu cụ thể tỷ mỉ về thời gian, địa điểm, và phương thức, nhưng có thể được luận giải và áp dụng hợp lý bởi các cơ quan thi hành, đảm bảo quyền lợi cho NTD.
Điều này của chỉ thị cũng đề cập đến tính “miễn phí” của việc bảo hành, dẫn chiếu đến các chi phí cần thiết để sửa chữa khiếm khuyết, hay thay thế hàng hoá, gồm cả các loại phí như phí bưu điện, nhân công và nguyên vật liệu. (Khoản 4)
Điều 6 của Chỉ thị về Bảo đảm cũng nêu:
“1. Một bảo đảm sẽ có giá trị ràng buộc pháp lý với bên đưa ra bảo đảm theo các điều kiện nêu ra trong tuyên bố bảo đảm và các hoạt động quảng cáo có liên quan.
2. Một bảo đảm sẽ:
- nêu rõ rằng NTD có quyền lợi hợp phép theo pháp luật của quốc gia họ điều chỉnh việc bán hàng hoá và nêu rõ rằng các quyền lợi này sẽ không bị ảnh hưởng gì bởi bảo đảm đó,
- được trình bày bằng ngôn ngữ đơn giản dễ hiểu nội dung của bảo đảm và các chi tiết chính khác cần thiết cho việc yêu cầu bảo hành, đặc biệt là thời hạn và giới hạn không gian của công tác bảo hành cũng như tên và địa chỉ của bên bảo hành.
3. Theo yêu cầu của NTD, tuyên bố bảo đảm đó được cung cấp bằng văn bản hoặc một hình thức biểu hiện tương tự thích hợp có thể tiếp cận được bởi NTD.”
Luật Liên bang của Canada về bảo vệ NTD chỉ bao gồm các vấn đề như: an toàn sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn phương tiện giao thông cơ giới, cạnh tranh, dán nhãn, đo lường và khối lượng, ngân hàng và viễn thông. Vấn đề bảo hành, cùng với các hành vi thương mại không công bằng, hay bảo vệ thông tin cá nhân, do Luật BVNTD của từng Bang và vùng lãnh thổ quy định.
Ví dụ, Luật Bảo vệ NTD của bang Quebec (Canada) quy định về bảo hành từ Điều 43 đến điều 52, bao gồm các vấn đề như:
- Tính ràng buộc về mặt pháp lý của tuyên bố bảo hành (Đ.43)
- Công bố chính sách bảo hành bằng văn bản (Đ.43)
- Công bố các thông tin như tên và địa chỉ của bên bảo hành, miêu tả hàng hoá được bảo hành, thủ tục bảo hành, thời hạn bảo hành, v.v. (Đ. 45)
- Chi phí cho việc bảo hành (Đ.48, Đ.49)
- Gia hạn bảo hành (Đ.50)
- Bảo hành do bên thứ ba (Đ.51)
Các quy định này tuy không nêu chính xác từng chi tiết, nhưng đều được xây dựng trên cơ sở có thể được luận giải một cách có lợi cho việc bảo đảm cho các quyền lợi của ND.
Bang duy nhất của Canada hiện nay đã có một đạo luật riêng chuyên biệt về trách nhiệm sản phẩm và bảo hành đồ sộ là Bang New Brunswick, sửa đổi bổ sung lần cuối năm 1997.
Luật BVNTD của Malaysia cũng có một phần không nhỏ được dành riêng cho vấn đề bảo hành (từ Phần V đến Phần IX của Luật), với một số lượng các quy định có thể nói là đồ sộ nếu so với các quy định của EU và Quebec (Canada), dẫn đến mức độ chi tiết của các quy phạm cũng cao hơn hẳn. Trong trường hợp này, có thể đem so sánh các quy định này với đạo luật chuyên biệt của New Brunswick (Canada) về tầm vóc. Cụ thể:
“PHẦN V: CÁC ĐIỀU KHOẢN BẢO HÀNH VỀ CUNG CẤP HÀNG HOÁ
30. Phạm vi áp dụng
31. Bảo hành về quyền
32. Bảo hành về chất lượng có thể chấp nhận được
33. Bảo hành phù hợp với mục đích nhất định
34. Bảo hành hàng hoá tuân theo đúng mô tả
35. Bảo hành hàng hoá tuân theo đúng mẫu
36. Bảo hành về giá
37. Bảo hành về sửa chữa và phụ tùng thay thế
38. Bảo hành đặc biệt của nhà sản xuất
PHẦN VI: QUYỀN ĐỐI VỚI NHÀ CUNG CẤP VỀ CÁC ĐIỀU KHOẢN BẢO HÀNH VỀ CUNG CẤP HÀNG HOÁ
39. Quyền đòi đền bù của NTD đối với nhà cung cấp
40. Ngoại lệ về bảo hành về chất lượng có thể chấp nhận được
41. Lựa chọn đối với nhà cung cấp trong trường hợp hàng hoá không tuân thủ điều khoản bảo hành
42. Đáp ứng yêu cầu khắc phục hậu quả
43. Mất quyền từ chối hàng hoá
44. Không đảm bảo đặc tính chủ yếu
45. Cách thức từ chối hàng hoá
46. Lựa chọn của NTD về hoàn trả hoặc thay thế
47. Đánh giá thiệt hại trong trường hợp thuê-mua
48. Trách nhiệm thông báo
49. Trách nhiệm của người uỷ thác và người cung cấp vốn
PHẦN VII: QUYỀN ĐỐI VỚI NHÀ SẢN XUẤT VỀ CÁC ĐIỀU KHOẢN BẢO HÀNH VỀ CUNG CẤP HÀNG HOÁ
50. Quyền đòi đề bù của NTD đối với nhà sản xuất
51. Ngoại lệ về quyền đòi đền bù đối với nhà sản xuất
52. Lựa chọn đối với nhà sản xuất trong trường hợp hàng hoá không tuân thủ điều khoản bảo hành
PHẦN VIII: BẢO HÀNH VỀ CUNG CẤP DỊCH VỤ
53. Bảo hành về dịch vụ chăm sóc và kỹ năng thích hợp
54. Bảo hành về phù hợp với mục đích nhất định
55. Bảo hành về thời hạn hoàn thành
56. Bảo hành về giá
PHẦN IX: QUYỀN ĐỐI VỚI NHÀ CUNG CẤP VỀ CÁC ĐIỀU KHOẢN BẢO HÀNH VỀ CUNG CẤP DỊCH VỤ
57. Quyền đòi đền bù của NTD đối với nhà cung cấp
58. Ngoại lệ về quyền đòi đền bù đối với nhà cung cấp liên quan đến dịch vụ
59. Hợp đồng về sản phẩm và nguyên liệu
60. Lựa chọn đối với nhà cung cấp trong trường hợp nhà cung cấp không tuân thủ điều khoản bảo hành
61. Mất quyền huỷ bỏ hợp đồng
62. Không đảm bảo đặc tính chủ yếu
63. Quy định áp dụng đối với việc huỷ bỏ hợp đồng
64. Hiệu lực của việc huỷ bỏ hợp đồng
65. Thẩm quyền của Toà án trong việc ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bổ sung”
Tại Việt Nam, vấn đề bảo hành mới chỉ được quy định chung trong Bộ Luật Dân sự 2015 (từ điều 446-449), có thể được áp dụng cho tất cả các giao dịch mua bán trên thị trường, giải quyết quan hệ giữa bên mua và bên bán, bao gồm cả quan hệ giữa thương nhân-thương nhân.
Bộ Luật Dân sự 2015 của Việt Nam quy định như sau về vấn đề này:
Bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với vật mua bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Thời hạn bảo hành được tính kể từ thời điểm bên mua có nghĩa vụ phải nhận vật.
Trong thời hạn bảo hành, nếu bên mua phát hiện được khuyết tật của vật mua bán thì có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa không phải trả tiền, giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền.
1. Bên bán phải sửa chữa vật và bảo đảm vật có đủ các tiêu chuẩn chất lượng hoặc có đủ các đặc tính đã cam kết.
2. Bên bán chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển vật đến nơi sửa chữa và từ nơi sửa chữa đến nơi cư trú hoặc trụ sở của bên mua.
3. Bên mua có quyền yêu cầu bên bán hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn do các bên thỏa thuận hoặc trong một thời gian hợp lý; nếu bên bán không thể sửa chữa được hoặc không thể hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn đó thì bên mua có quyền yêu cầu giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền.
1. Ngoài việc yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo hành, bên mua có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra trong thời hạn bảo hành.
2. Bên bán không phải bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên mua. Bên bán được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.”
Điều 608 của Bộ Luật có quy định bổ sung là “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.”
Tuy nhiên, có thể thấy các quy định này chưa thực sự phục vụ cho việc bảo vệ loại đối tượng ‘bên mua’ đặc thù là NTD - vốn luôn ở thế thiếu thông tin, không chỉ về các loại hàng hoá dịch vụ, mà còn về các quyền hợp pháp của họ, các quy định pháp lý liên quan, và cả các điều kiện bảo hành; cũng như yếu thế hơn về khả năng thương lượng. Ví dụ, theo điều 446, nghĩa vụ bảo hành của bên bán chỉ phát sinh nếu hai bên có thoả thuận, hoặc pháp luật có quy định. Tuy nhiên, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác nêu trên, hay từ thực tiễn thị trường, thì nghĩa vụ bảo hành nên, hoặc có thể phát sinh chỉ trên cơ sở một tuyên bố đảm bảo công khai của bên sản xuất, cung ứng hàng hoá. Điều này sẽ giúp cho NTD có thể được bảo vệ kể cả khi họ không có hiểu biết, thông tin cụ thể về các quy định pháp luật liên quan, hoặc bỏ quên, hoặc không thể thoả thuận cụ thể, chi tiết với bên sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ. Ngoài ra, cũng nên có một số quy định chi tiết thêm về thủ tục bảo hành, thời hạn bảo hành, hay các chi tiết, thông tin cần nêu trong văn bản bảo hành sản phẩm, v.v. Các thiếu sót này cần phải được bổ sung, và theo ý kiến của Nhóm nghiên cứu, tốt nhất là được tập hợp trong một văn bản quy phạm pháp luật riêng là luật bảo vệ NTD, để tránh tản mạn, hay xung đột pháp lý về luật áp dụng trong tương lai.
Bên cạnh đó, có thể nói vấn đề bảo hành là một bộ phận trong các liệu pháp tự sửa chữa của thị trường không hoàn hảo, đối với vấn đề thông tin bất đối xứng của NTD, hay là phương tiện đảm bảo, là sự thể hiện tính khả thi của các quyền cơ bản và hợp pháp của NTD như quyền được thông tin, quyền được lựa chọn, v.v. Các nhà soạn thảo Luật bảo vệ NTD Việt Nam nên xem xét đưa hệ thống quy định vấn đề này vào nội dung của Luật, để đảm bảo nhất quán mục tiêu bảo vệ NTD, chứ không chỉ là các bên mua hàng nói chung.
Tuy nhiên, trong bước đầu thực hiện chúng ta nên chọn cách tiếp cận ngắn gọn mà súc tích như của EU và Canada, hơn là cách tiếp cận quá chi tiết của Malaysia. Cách tiếp cận theo hướng khung như của EU và Canada sẽ cho phép áp dụng luật một cách linh hoạt mềm dẻo trong từng trường hợp cụ thể cho phù hợp với tình hình Việt Nam, cho phép mở rộng áp dụng với các vấn đề mới sẽ xuất hiện thêm trong tương lai. Cách tiếp cận đó cũng sẽ giúp cho Luật Bảo vệ quyền lựi NTD (sửa đổi) đơn giản, dễ hiểu hơn, không gây lúng túng cho NTD.
Luật Người tiêu dùng Úc (Australian Consumer Law), là Phụ lục 2 của Đạo luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng năm 2010, là văn bản luật thống nhất về bảo vệ người tiêu dùng trên toàn nước Úc và được đưa vào luật của từng tiểu bang cũng như các vùng lãnh thổ của Úc. Luật có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2011, thay thế cho 20 luật tiêu dùng khác trên toàn quốc cũng như các tiểu bang và vùng lãnh thổ, song song với một số Đạo luật về người tiêu dùng khác vẫn có hiệu lực.
Là một trong những thị trường khó tính và đề cao chất lượng sản phẩm cũng như lòng tin của người tiêu dùng, Luật Người tiêu dùng Úc có nhiều quy định khác nhau liên quan đến chất lượng sản phẩm. Trong đó, các vấn đề liên quan đến thu hồi sản phẩm khuyết tật được nêu trong Luật an toàn sản phẩm (Product Safety Law).
Ở Úc, các tổ chức, cá nhân cung ứng sản phẩm có thể tham khảo các tiêu chuẩn tự nguyện, bao gồm các yếu tố an toàn khi sản xuất sản phẩm hoặc khi giao dịch với người tiêu dùng. Việc nghiên cứu này giúp đảm bảo hàng hóa do tổ chức, cá nhân cung cấp ra thị trường an toàn cũng như ngăn ngừa tối đa việc phải thực hiện trách nhiệm thu hồi sản phẩm. Theo Luật An toàn sản phẩm, hàng hóa tiêu thụ trên thị trường Úc, bất kể từ nhập khẩu hay sản xuất trong nước, không bắt buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn tự nguyện nhưng phải tuân thủ các tiêu chuẩn bắt buộc. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là nhiều tiêu chuẩn bắt buộc lại được ban hành dựa trên các tiêu chuẩn tự nguyện.
Tiêu chuẩn bắt buộc là những đặc tính hay thuộc tính bắt buộc đối với các sản phẩm, hàng hóa; hoặc thông tin bắt buộc/ mô tả về sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu và tiêu thụ tại thị trường Úc. Nếu hàng hóa nhập khẩu vào Úc không đáp ứng được các tiêu chuẩn này thì bị coi là phạm luật và không được phép nhập khẩu vào Úc. Tiêu chuẩn bắt buộc bao gồm những quy định, yêu cầu hay điều kiện tối thiểu đối với mỗi sản phẩm, hàng hóa trước khi được nhập khẩu vào Úc. Những tiêu chuẩn này được đưa ra nhằm tránh hoặc giảm thiểu rủi ro về việc hàng hóa có thể gây sát thương, tổn hại hoặc bị hỏng trong quá trình người tiêu dùng sử dụng.
Trong trường hợp có bằng chứng cho thấy một sản phẩm, hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người tiêu dùng, lệnh cấm hoặc các tiêu chuẩn bắt buộc sẽ được ban hành. Không phải tất cả các sản phẩm được bán ở Úc đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn. Các lệnh cấm và những tiêu chuẩn bắt buộc chỉ được xây dựng và ban hành khi có đầy đủ bằng chứng cho thấy sản phẩm, hàng hóa đó có nguy cơ gây bệnh tật, thương tích nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng của người tiêu dùng trong quá trình sử dụng. Do sự đa dạng và biến thiên của sản phẩm, hàng hóa về mẫu mã, thiết kế, công nghệ sản xuất nên các cơ quan quản lý có liên quan phải thường xuyên theo dõi thị trường để kịp thời phát hiện và xác minh các sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn đang được tiêu thụ trên thị trường.
Có hai nhóm tiêu chuẩn bắt buộc được quy định trong Luật, bao gồm i) tiêu chuẩn an toàn và ii) tiêu chuẩn về thông tin mô tả về sản phẩm, hàng hóa.
Về tiêu chuẩn an toàn, Luật quy định nhiều tiêu chí để đảm bảo an toàn sản phẩm trong các khía cạnh: kết cấu; thành phần; phương pháp sản xuất, gia công, chế biến; thiết kế mẫu mã; quá trình sản xuất; hoàn thiện sản phẩm và đóng gói/ đính, gắn nhãn mác sản phẩm.
Về tiêu chuẩn liên quan đến thông tin mô tả hàng hóa, sản phẩm, các tiêu chuẩn này được đưa ra nhằm đảm bảo người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ những thông tin quan trọng về sản phẩm, hàng hóa trước khi quyết định có nên mua hàng hóa đó hay không.
Các tiêu chuẩn về thông tin mô tả sản phẩm không nhất thiết phải liên quan đến khía cạnh an toàn của một sản phẩm. Ví dụ, đó có thể là nhãn mác đề cập thành phần của một loại thực phẩm như thành phần dinh dưỡng hay hàm lượng các chất phụ gia, chất bảo quản được sử dụng để sản xuất ra thực phẩm đó. Đó cũng có thể là thành phần dược lý đối với sản phẩm mỹ phẩm, nhãn quy định đối với các mặt hàng thuốc lá hoặc các sản phẩm may mặc và dệt.
Khi tổ chức, cá nhân sản xuất, phân phối nhận thấy sản phẩm bị lỗi hoặc không an toàn, có thể tiến hành thu hồi tự nguyện để loại bỏ sản phẩm khỏi thị trường. Theo Luật Người tiêu dùng Úc, Bộ trưởng phụ trách các khía cạnh liên quan đến sản phẩm cũng có thể ra lệnh bắt buộc thu hồi sản phẩm nếu cảm thấy điều đó là cần thiết.
Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Úc (ACCC) quản lý hệ thống quốc gia về thu hồi các sản phẩm không an toàn. Các chương trình thu hồi được công bố công khai trên trang thông tin chính thức của ACCC.
Khi xem xét tiêu chuẩn bắt buộc của một sản phẩm, Chính quyền Liên bang thường tổ chức nghiên cứu, tham vấn ý kiến của đại diện các ngành hàng liên quan cũng như người tiêu dùng trước khi đưa ra thông báo tác động chính thức (Regulation Impact Statement – RIS). Bản thông báo này được đưa ra trên cơ sở xem xét các yếu tố như: các bên liên quan, ảnh hưởng đến thị trường; nguyên nhân dẫn tới nguy cơ mất an toàn của sản phẩm; biện pháp giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng; tác động kinh tế - xã hội của thông báo tác động cũng như các văn bản pháp luật khác liên quan sau đó.
Theo Luật Người tiêu dùng của Úc, mức phạt đối với việc vi phạm tiêu chuẩn an toàn bắt buộc của sản phẩm hoặc các quy định cấm tối đa có thể lên tới 1,1 triệu đô la Úc (áp dụng với doanh nghiệp) và 220.000 đô la Úc (áp dụng đối với cá nhân).
Luật An toàn sản phẩm ở Úc do Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc và các tiểu bang và vùng lãnh thổ cùng chịu trách nhiệm thực thi.
Vai trò của ACCC là xác định và xử lý các mối nguy cơ tiềm ẩn khả năng gây thương tích nghiêm trọng và đe dọa tính mạng do các sản phẩm tiêu dùng mang lại. Cơ quan này sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên khoa học kỹ thuật để đánh giá các nguy cơ rủi ro. Việc đánh giá được tiến hành thông qua cân nhắc hàng loạt nguồn dữ liệu khác nhau về khả năng mất an toàn của sản phẩm cho người tiêu dùng, bao gồm báo cáo bắt buộc về khả năng gây ra bệnh tật, thương tích hoặc đe dọa tính mạng nghiêm trọng; về thông tin các vụ việc thu hồi đã được tiến hành trong quá khứ và thông tin thu thập từ xã hội.
Trên cơ sở đánh giá các thông tin thu thập được, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc sẽ tiến hành nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm: đàm phán với nhà cung cấp sản phẩm về việc thu hồi hàng hóa; tuyên truyền về việc thu hồi sản phẩm cho cộng đồng doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực cũng như người tiêu dùng; trao đổi với nhà cung cấp sản phẩm tự nguyện thay đổi/ điều chỉnh thông tin trên nhãn mác hoặc thiết kế của sản phẩm; xem xét ban hành những yêu cầu về thay đổi tự nguyện hoặc bắt buộc đối với sản phẩm đó; ban hành tiêu chuẩn bắt buộc và lệnh cấm bắt buộc về an toàn sản phẩm.
Là một trong những quốc gia có thế mạnh trong việc thực hiện công tác thu hồi hàng hóa có khuyết tật, song song với việc triển khai các quy định của Luật Người tiêu dùng Úc, quốc gia này cũng có nhiều hệ thống, chương trình hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng tham gia vào công tác thu hồi hàng hóa có khuyết tật lưu thông trên thị trường. Một số kinh nghiệm hay có thể kể đến như:
Người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng Úc nói riêng đều kỳ vọng sự an toàn trong các sản phẩm tiêu dùng mình lựa chọn. Để giúp người tiêu dùng và cộng động doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có thêm thông tin, kiến thức nhằm hạn chế các rủi ro từ các sản phẩm tiêu dùng, định kỳ mỗi năm Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Úc sẽ ban hành ấn phẩm về những ưu tiên an toàn sản phẩm. Các ưu tiên này thay đổi theo thực trạng lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng của người tiêu dùng mỗi năm, do vậy việc cập nhật các thông tin theo định kỳ từng năm khiến các thông tin được cung cấp có tính thời sự và mang lại hiệu quả cao hơn cho người tiêu dùng.
Năm 2021, ấn phẩm về những ưu tiên an toàn sản phẩm đề cập tới những rủi ro gây mất an toàn trong quá trình sử dụng các sản phẩm hết sức quen thuộc và phổ biến trong đời sống như: giường ngủ trẻ em, đồ vật trang trí trên các nóc tủ quần áo/ tủ trang trí, xe đạp bốn bánh, nút “pin” trên các thiết bị điện tử và rủi ro trong mua sắm trực tuyến, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Hiện nay, trên thị trường Úc có hơn 15.000 loại sản phẩm tiêu dùng có sẵn, mỗi loại lại được sản xuất bởi nhiều thương hiệu khác nhau. Nhằm đảm bảo các sản phẩm tiêu dùng này đáp ứng các tiêu chí về an toàn, hệ thống an toàn sản phẩm ra đời. Dựa trên sự phối hợp của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và các cơ quan thuộc chính phủ, hệ thống cung cấp da đạng các thông tin, bao gồm: các hoạt động tự nguyện từ phía nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm; chính sách mới của chính phủ nhằm khuyến khích sản xuất các sản phẩm đảm bảo tiêu chí an toàn; thông báo hạn chế giao dịch các sản phẩm không an toàn; thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong việc lựa chọn và sử dụng sản phẩm an toàn.
Trang thông tin điện tử về an toàn sản phẩm được quản lý và vận hành bởi Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc, là trang thông tin chính thức của các cơ quan quản lý về an toàn sản phẩm trên phạm vi toàn lãnh thổ Úc (bao gồm các tiểu bang và vùng lãnh thổ).
Trang thông tin điện tử hỗ trợ người tiêu dùng phương thức liên hệ tới cơ quan quản lý phù hợp trong trường hợp cần phản ánh, thông báo về hàng hóa có khuyết tật. Đồng thời, đây cũng là kênh đăng tải những thông tin tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức người tiêu dùng và xã hội về thông tin an toàn trên các danh mục sản phẩm khác nhau. Các doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu thông tin về bất kỳ văn bản pháp luật, lệnh cấm, tiêu chuẩn quy định hoặc hạn chế có thể áp dụng khi xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm sang Úc. Trang thông tin cũng cho phép các doanh nghiệp gửi thông báo thu hồi sản phẩm, báo cáo thương tích bắt buộc và các thông tin khác theo yêu cầu của pháp luật.
Ngoài ra, Úc cũng phân chia các cơ quan quản lý thuộc chính phủ theo từng lĩnh vực rất khoa học, cụ thể:
- Nhóm các cơ quan chính phủ quản lý các sản phẩm tiêu dùng thông thường;
- Nhóm các cơ quan chính phủ giám sát các sản phẩm, hàng hóa theo từng lĩnh vực như nông nghiệp, hàng hải, hóa chất, thuốc và thiết bị y tế, đồ điện tử, thực phẩm, thiết bị liên quan đến gas, phương tiện giao thông và phương tiện truyền thông…
Để các bên liên quan gồm doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan giám sát thực hiện tốt trách nhiệm của mình, chính phủ Úc đã ban hành nhiều công cụ để giúp minh bạch hóa thông tin cũng như hướng dẫn quy trình cần thiết để các bên liên quan có thể hoàn thành nghĩa vụ theo đúng quy định pháp luật. Một số công cụ tiêu biểu có thể kể đến như: Hướng dẫn về công tác thu hồi sản phẩm khuyết tật dành cho các nhà cung cấp sản phẩm, Mẫu thông báo thu hồi sản phẩm khuyết tật, Hệ thống bài giảng trực tuyến hướng dẫn việc lập và nộp báo cáo thu hồi sản phẩm khuyết tật.
Đặc biệt, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc hiện đang triển khai vận hành hệ thống RSS (Really Simple Syndication). Đây là một dịch vụ cung cấp tin tức ngắn gọn, người tiêu dùng có thể theo dõi thông tin về sản phẩm có khuyết tật và các chương trình thu hồi sản phẩm khuyết tật thông qua các thiết bị điện tử. Đồng thời, người tiêu dùng có thể lựa chọn danh mục các loại mặt hàng quan tâm để nhận thông tin tuyền truyền liên quan như các sản phẩm về sức khỏe và lối sống, thực phẩm và hàng tạp hóa, điện tử và công nghệ, nhóm sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhóm sản phẩm hóa chất,… Các thông tin này cũng thường xuyên được cập nhật trên website, facebook, twitter và các mạng xã hội khác nhằm đa dạng kênh cung cấp thông tin tới người tiêu dùng.
Tại Hoa Kỳ, năm 1965, Viện luật Mỹ (ALI) đã ban tiến hành Bộ pháp điển phiên bản 2, (bản sửa đổi lần thứ hai). Đáng chú ý trong Bộ pháp điển này liên quan đến trách nhiệm sản phẩm là mục 402A với định nghĩa và những quy định về trách nhiệm đối với những sản phẩm có khuyết tật. Mục 402A qui định như sau:
“1.1. Một người bán bất kỳ một sản phẩm nào trong tình trạng có khiếm khuyết có thể có tính nguy hiểm cao cho người sử dụng, hoặc cho khách hàng, hoặc cho tài sản của họ, sẽ phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại về thể chất xảy ra đối với người sử dụng hoặc khách hàng hay tài sản của họ nếu:
i. Người bán tham gia vào việc kinh doanh sản phẩm đó, và
ii. Sản phẩm đó đã có thể, hoặc đã tới được người sử dụng, hoặc khách hàng mà không có sự thay đổi đáng kể nào về điều kiện hay tình trạng của sản phẩm như lúc bán.
1.2. Khoản 1.1 nêu trên cũng được áp dụng trong các trường hợp.
i. Người bán đã thực hiện tất cả những sự thận trọng có thể trong việc chuẩn bị và bán sản phẩm, và
ii. Người sử dụng hoặc khách hàng đã không mua sản phẩm từ hoặc giao kết bất kỳ một thoả thuận hợp đồng nào với người bán.
iii. Theo quy định tại mục 402 A này thì người bán bao gồm: người bán lẻ, người bán buôn, nhà sản xuất. Thiệt hại bao gồm thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng và thiệt hại về kinh tế, tài chính”.
Trong rất nhiều năm, luật trách nhiệm sản phẩm cùng với điều 402A đã được phát triển qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đa dạng của quan hệ thương mại, rất nhiều người cho rằng mục 402A của Bộ pháp điển hóa “Restatement of Torts” đã không còn phù hợp. Hơn nữa, bản thân các khái niệm được nêu ra trong đó còn tồn tại nhiều mâu thuẫn, hạn chế sự phát triển pháp luật trách nhiệm sản phẩm nói chung và trong việc thực thi mục 402A nói riêng.
Chính vì những lý do trên mà Viện Luật Mỹ (ALI) đã quyết định cần phải sửa đổi những vấn đề liên quan đến trách nhiệm sản phẩm trong đạo luật “Restatement of Torts”. Năm 1995, Viện Luật Mỹ đã soạn thảo một Luật mẫu của liên bang về trách nhiệm sản phẩm (Product Liability Fairness Act) với mục đích nhất thể hóa mảng pháp luật này. Luật mẫu này hệ thống hoá và phát triển nhiều kết luận và các học thuyết được sử dụng trong các án lệ, các qui định trong các đạo luật của liên bang liên quan đến trách nhiệm sản phẩm. Dự án này đã hoàn thành năm 1997 sau khi được các thành viên của ALI phê chuẩn. Trong Bộ pháp điển hóa chỉ có điều 402A gồm 2 mục quy định về khuyết tật do sản xuất và khuyết tật do thiết kế. Trong khi đó, Luật mẫu có đến gồm 21 mục đề cập đầy đủ hơn đến khuyết tật do sản xuất, khuyết tật do thiết kế, khuyết tật do cảnh báo và những hướng dẫn thi hành. Phiên bản hoàn chỉnh nhất của luật này được đưa ra công chúng ngày 6 tháng 5 năm 1998 dưới cả dạng bản cứng và bản mềm. Do có rất nhiều bang đã không chấp nhận nên Luật này vẫn chưa có được giá trị như Bộ luật Thương mại thống nhất (UCC). Tuy nhiên, nhiều qui định trong Luật mẫu có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xét xử của các toà án Mỹ đối với các vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm. Những nguyê tắc này rất có ý nghĩa đối với những người khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do sử dụng sản phẩm có khiếm khuyết hay không an toàn.
Tại Hoa Kỳ, để xác định trách nhiệm sản phẩm, người ta dựa vào ba nguyên lý chủ yếu là sự cẩu thả, việc vi phạm nghĩa vụ đảm bảo và trách nhiệm nghiêm ngặt.
Cẩu thả là một cơ sở quan trọng trọng việc xác định các trách nhiệm theo luật về các vi phạm (tort law). Sự cẩu thả là việc nhà sản xuất không quan tâm ở mức độ cần thiết, tức là mức độ mà một nhà sản xuất hay cung ứng bình thường cần có khi sản xuất hay cung ứng sản phẩm của mình trong điều kiện và hoàn cảnh tại thời điểm sản xuất.
Để xác định sự cẩu thả, cần phải chứng minh được sự hiểu biết của bên gây thiệt hại về khả năng xảy ra thiệt hại. Tuy nhiên, không phải bất cứ sự không hiểu biết nào cũng tạo ra được cơ sở bảo vệ. Công thức: Biết và cần phải biết luôn được áp dụng ở đây. Ví dụ, nếu nhà sản xuất sữa sử dụng nguyên liệu từ những vùng bị dịch thì phải biết rằng sản phẩm của mình có thể tác động xấu đến sức khoẻ của người tiêu dùng.
Để có cơ sở cho việc khởi kiện dựa trên sự cẩu thả từ phía người sản xuất, người bị hại phải chứng minh được: (1) Nghĩa vụ của người sản xuất; (2) Sự vi phạm nghĩa vụ đó; (3) Thiệt hại; (4) Mối liên hệ giữa vi phạm đó với thiệt hại.
Nghĩa vụ bảo đảm sản phẩm cũng là một trong các cơ sở quan trọng để áp đặt trách nhiệm sản phẩm. Trách nhiệm của người sản xuất và cung ứng là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm của mình. Tuy Hoa Kỳ chưa có pháp luật liên bang về trách nhiệm sản phẩm song nghĩa vụ đảm bảo lại được qui định khá rõ trong Bộ luật thương mại thống nhất (UCC). Mục 2-313 UCC qui định về đảm bảo công khai như sau:
1. Đảm bảo công khai của người bán được hình thành như sau:
a. Bất cứ sự khẳng tình tiết hay lời hứa của người bán liên quan đến hàng bán và trở thành một phần trong cơ sở của việc mặc cả sẽ tạo ra đảm bảo công khai rằng hàng bán sẽ phù hợp với sự khẳng định hay lời hứa đó.
b. Bất cứ sự mô tả nào về hàng hoá đã trở thành một phần trong cơ sở của sự mặc cả sẽ tạo nên đảm bảo rằng hàng hoá sẽ phù với sự mô tả đó.
c. Các thuật ngữ được sử dụng như “bảo đảm”, “bảo hành” không có ý nghĩa đối với việc tạo ra đảm bảo.
Mục 2-314 UCC qui định về đảm bảo ngầm định như sau:
1. Trừ phi bị sửa đổi hay bị loại trừ, trong hợp đồng mua bán hàng hoá luôn luôn tồn tại đảm bảo ngầm định rằng hàng bán có tính thương mại nếu như người bán là thương nhân đối với hàng hoá đó.
Theo Bộ luật thương mại thống nhất, có ba nghĩa vụ đảm bảo là: Đảm bảo công khai (Express warranty); đảm bảo ngầm định bao gồm đảm bảo ngầm định về tính thương mại của sản phẩm (Implied warranty of merchantability) và đảm bảo ngầm định về tính phù hợp về công dụng của sản phẩm (Implied warranty of fitness).
Đảm bảo công khai được xác định bởi tuyên bố hay giới thiệu của người bán hay người cung cấp sản phẩm rằng sản phẩm A hoặc X của họ có những công dụng nhất định. Đảm bảo ngầm định xuất hiện khi nhà sản xuất hay cung ứng không đưa ra sự thay đổi hoặc sự khước từ nào đối với tính thương mại của sản phẩm thì nó được coi là mang tính thương mại theo những tiêu chuẩn chung đối với sản phẩm cùng loại. Đảm bảo về công dụng, về tính thích hợp với một công dụng cụ thể chỉ xuất hiện khi người người bán hay người cung ứng có cơ sở tin rằng người mua mua sản phẩm để nhằm một mục đích cụ thể nhất định và người mua dựa vào kỹ năng, kinh nghiệm và đánh giá của người bán hay người cung ứng khi chọn sản phẩm đó.
Trong thực tiễn toà án Mỹ liên quan đến trách nhiệm sản phẩm, người tiêu dùng ít sử dụng nghĩa vụ đảm bảo để làm cơ sở khởi kiện. Lý do là để áp đặt trách nhiệm trên cơ sở nghĩa vụ đảm bảo, cần phải chứng minh bản chất mối quan hệ giữa người bán, người cung ứng và người mua. Việc chứng minh mối liên hệ này không đơn giản. Hơn nữa, mức bồi thường được chấp nhận thường thấp hơn nếu khởi kiện trách nhiệm sản phẩm dựa trên những cơ sở khác.
Theo trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt, thương nhân sẽ bao gồm nhà sản xuất, nhà phân phối hay nhà bán sản phẩm đều phải chịu trách nhiệm đối với những sản phẩm khuyết tật gây ra đối với sức khỏe người tiêu dùng. Việc áp dụng trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt với mục đích bảo vệ người tiêu dùng đến mức tối đa vì nó buộc thương nhân phải thực sự quan tâm đến chất lượng của hàng khi xuất ra thị trường. Đây là một chế định trung tâm của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng tại Mỹ. Bên cạnh hệ thống án lệ truyền thống với các quy định luật thành văn về bảo vệ người tiêu dùng nằm phân tán trong các bộ luật, đạo luật cấp liên bang hoặc tiểu bang, phản ánh quan điểm, cách thức bảo vệ người tiêu dùng.
Các tiêu chí để xác định trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt được các Tòa án Mỹ dựa vào các giải thích tại mục 402A của Tuyển tập án lệ thứ hai để xác định sản phẩm khuyết tật, chủ thể phải bồi thường thiệt hại, chủ thể được bồi thường và điều kiện để bồi thường, cụ thể:
Thứ nhất, tiêu chuẩn xác định sản phẩm khuyết tật gây nguy hiểm bất hợp lý: Theo hướng dẫn tại Mục 402A thì sản phẩm trong tình trạng khuyết tật gây nguy hiểm bất hợp lý chính là các sản phẩm khuyết tật tạo ra mối nguy hại vượt qua hình dung hợp lý của người dùng ví dụ như: khuyết tật do lỗi thiết kế hoặc lỗi sản xuất; sản phẩm không có cảnh báo phù hợp; không đóng gói thích hợp; nguy hiểm không trách được.
Thứ hai, chủ thể trong quan hệ bồi thường thiệt hại: Người bán-chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Tại khoản a Mục 402A (1) giải thích rằng thuật ngữ “người bán” bao gồm tất cả những cá nhân, tổ chức tham gia vào chuỗi cung ứng thương mại để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Do vậy, nếu xảy ra thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường sẽ bao gồm: nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, các thương nhân trung gian, nhà bán buôn bán lẻ với mức độ khác nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn mà những người này tham gia.
Người tiêu dùng-người được bồi thường Tại khoản b Mục 402A (1) giải thích khái niệm “người tiêu dùng” được mở rộng cả người dùng sản phẩm và người mua sản phẩm trong quan hệ tiêu dùng, họ không nhất tiết phải là người giao kết hợp đồng với người bán hàng.
Thứ ba, nguyên nhân và thiệt hại, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại chỉ cần chứng minh rằng sản phẩm khuyết tật chính là nguyên nhân gây ra thiệt hại bất hợp lý (có thể là sức khỏe, tiền bạc, hay cả hai) và từ đó dẫn đến yêu cầu đòi bồi thường. Trong đó đặc biệt yêu tố lỗi không phải là điều kiện bắt buộc, ngay cả trong trường hợp người bán đã thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý khi thiệt hại xảy ra.
Các các nguyên lý cơ bản về trách nhiệm sản phẩm được thể hiện khá rõ trong Chỉ thị 85/374/EEC của Liên minh Châu Âu. Chỉ thị này được ban hành ngày 25 tháng 7 năm 1985 để hài hoà hoá các quy định bắt buộc trong lĩnh vực pháp luật và hành chính của các nước thành viên về trách nhiệm của các sản phẩm bị khiếm khuyết. Chỉ thị này được ban hành trên cơ sở Hiệp ước về thành lập Cộng đồng Châu Âu, nhất là điều 100. Chỉ thị 85/374/EEC này đã được sửa đổi bởi Chỉ thị số 1999/34/EC do Nghị viện và Hội đồng Liên minh Châu Âu ban hành ngày 25 tháng 5 năm 1999. Theo các Chỉ thị này, các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm đối với bất cứ thiệt hại nào do sản phẩm bị khiếm khuyết gây ra cho người tiêu dùng. Theo Chỉ thị năm 1985 nêu trên, nhà sản xuất cung ứng có nhiều cơ hội giải phóng trách nhiệm của mình thông qua các qui định:
(1) Nghĩa vụ chứng minh;
(2) Các trường hợp miễn trách nhiệm (sự phát triển của rủi ro,…);
(3) Giới hạn trách nhiệm trần.
Theo đó, nguyên lý về trách nhiệm nghiêm ngặt cũng được áp dụng ở Liên minh Châu Âu, và do đó cũng thể hiện tính nghiêm khắc, sự phát triển của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của Liên minh Châu Âu.
Luật An toàn Sản phẩm tiêu dùng của Canada quy định như sau:
1. Nghiêm cấm việc nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, bán hoặc quảng cáo bất kỳ sản phẩm tiêu dùng nào có khả năng gây độc hại lớn tới sức khỏe hoặc sự an toàn của người tiêu dùng sản phẩm.
2. Cấm việc quảng cáo sai, dễ gây hiểu nhầm có liên quan đến khiếu nại về an toàn của sản phẩm tiêu dùng.
3. Đưa ra quy định mới về lưu trữ hồ sơ và báo cáo đối với nhà sản xuất, nhập khẩu và người bán các sản phẩm tiêu dùng
4. Tăng cường cơ chế thực thi pháp luật hiện có bao gồm mở rộng quyền hạn thanh tra, yêu cầu bắt buộc thu hồi sản phẩm và yêu cầu kiểm tra sản phẩm.
5. Thiết lập cơ sở pháp lý cho các hình phạt bằng tiền và truy tố hình sự.
Luật an toàn sản phẩm tiêu dùng của Canada (CCPSA) không nhằm vào các nhà xuất khẩu nước ngoài. Tuy nhiên, nhà xuất khẩu nước ngoài vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi CCPSA và nhà xuất khẩu có thể không xuất khẩu được vào thị trường Canada nếu sản phẩm của họ có nguy cơ gây hại tới sức khỏe hoặc sự đe dọa an toàn của người tiêu dùng.
Dưới tác động của những quy định này, các doanh nghiệp Canada thường chuyển trách nhiệm sang cho nhà cung cấp bằng cách đưa ra các điều kiện trong hợp đồng cung cấp để yêu cầu các công ty xuất khẩu nước ngoài phải: i) Giảm lợi nhuận khi hàng hóa bị kiểm tra hoặc bị từ chối nhập vào Canada; ii) Hoàn lại tiền hoặc hủy bỏ đơn đặt hàng trong trường hợp hàng hóa bị thu hồi, hoặc cấm buôn bán; iii) Tiến hành kiểm tra công năng của sản phẩm; iv) Cho phép kiểm tra hàng tại nhà máy nhà nhập khẩu hoặc bên thứ ba và cung cấp bằng chứng về việc kiểm tra khi có yêu cầu; v) Hợp tác đầy đủ trong các cuộc kiểm tra do Chính phủ Canada tiến hành bằng việc cung cấp thông tin; vi) Điều chỉnh bao bì, và ghi nhãn sản phẩm để không có sự công bố gây hiểu nhầm liên quan đến sự an toàn của sản phẩm xuất khẩu sang Canada và vii) Nhà nhập khẩu hoặc người mua hàng Canada cũng có thể quy định trong hợp đồng về trách nhiệm của các nhà cung cấp nước ngoài để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu giữ hồ sơ và báo cáo.
Luật này cũng có thể yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài thông báo cho nhà nhập khẩu Canada duy trì hồ sơ về bất kỳ sự cố hoặc các khiếm khuyết liên quan đến sản phẩm của họ mà có thể dẫn đến kết quả chết người hoặc gây ra tác dụng phụ có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Các chính sách được ban hành sau đó nhằm đảm bảo việc tuân thủ Luật an toàn sản phẩm bao gồm các quy định kiểm tra chuẩn về công năng của các sản phẩm, xem xét lại và điều chỉnh bao bì và ghi nhãn hiệu sản phẩm, triển khai thực hiện hệ thống lưu trữ hồ sơ hàng hóa có liên quan đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng. Bottom of Form
Các quy định về chất lượng sản phẩm là một trong những quy định quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở các nước trên thế giới. Tùy theo đặc điểm khác nhau của hệ thống pháp luật các nước mà các quy định này được phân bổ thành quy định tổng quan về Luật chất lượng sản phẩm và quy định chi tiết tại từng văn bản pháp luật chuyên ngành.
Tại Việt Nam, thu hồi hàng hóa có khuyết tật là một trong những vấn đề pháp lý phức tạp, liên quan đến nhiều khía cạnh trong quan hệ giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Vấn đền này được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có 03 nhóm chính là: (i) các quy định của pháp luật Dân sự; (ii) các quy định pháp luật chuyên ngành (lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng và một số lĩnh vực khác); và (iii) các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ Luật Dân sự 2015 (BLDS) được coi là văn bản luật có nội dung tổng quan nhất, đặt nền móng và điều chỉnh các quan hệ, các giao dịch trong đời sống dân sự dựa trên nguyên tắc bình đẳng và thỏa thuận giữa các chủ thể. Bộ luật đưa ra khá nhiều quy định về trách nhiệm trong hợp đồng dân sự cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dân sự, đây được coi là cơ sở, nền tảng cho các quy định về trách nhiệm xử lý đối với hàng hóa có khuyết tật, trong đó có trách nhiệm thu hồi và bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra.
Mặc dù rất tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên, nhưng Bộ Luật Dân sự đã có các quy định buộc các bên phải đảm bảo chất lượng của hàng hóa, dịch vụ giao dịch. Cụ thể, theo Điều 432 của Bộ Luật Dân sự năm 2015, chất lượng của tài sản được quy định như sau: “Chất lượng của tài sản mua bán do các bên thoả thuận.
Trường hợp tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thỏa thuận của các bên về chất lượng của tài sản không được thấp hơn chất lượng của tài sản được xác định theo tiêu chuẩn đã công bố hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khi các bên không có thoả thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về chất lượng tài sản mua bán thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề.
Trường hợp không có tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tiêu chuẩn ngành nghề thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng và theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”
Bên cạnh đó, Bộ Luật Dân sự năm 2005 (Điều 608, Điều 630) cũng đã đề cập đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng hàng hóa mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường. Cụ thể, Điều 608 quy định “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.”
Đồng thời, Bộ luật Dân sự cũng có nhiều quy định khác nhau về các trách nhiệm mà bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện với người tiêu dùng liên quan đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ, như trách nhiệm bảo đảm chất lượng vật mua bán và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng (Điều 444); về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong thời hạn bảo hành của bên bán đối với vật được phát hiện khuyết tật về kỹ thuật (Điều 448); về nghĩa vụ thông báo khuyết tật của tài sản tặng cho của bên tặng cho, nếu biết mà không thông báo thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (Điều 469); về nghĩa vụ đảm bảo giá trị sử dụng và quyền sử dụng tài sản cho bên thuê và yêu cầu bồi thường thiệt hại (Điều 485, 486); về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bên thuê dịch vụ (Điều 522)…
Về trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra giữa tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng khi tổ chức, cá nhân đó cung cấp hàng hóa không đảm bảo an toàn, chất lượng gây thiệt hại ngoài hợp đồng cho người tiêu dùng được quy định tại Chương XXI về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung. Trong đó, thiệt hại được xác định gồm thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; sức khỏe bị xâm phạm; tính mạng bị xâm phạm hoặc danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Luật số 05/2007/QH12 về Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2008 (Được hợp nhất theo Văn bản số 30/VBHN-VPQH ngày 10 tháng 12 năm 2018) có nhiều quy định liên quan đến việc xác định chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng như việc thu hồi, xử lý hàng hóa không đảm bảo chất lượng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng. Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam, bao gồm người tiêu dùng, tổ chức đánh giá sự phù hợp, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan kiểm tra và cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Thứ hai, về các hành vi bị cấm có liên quan đến người tiêu dùng. Luật đã chỉ ra một số hành vi bị cấm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa có ảnh hưởng tới người tiêu dùng như “thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, về nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa hay như che giấu thông tin về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm, hàng hóa đối với người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường”. Các hành vi này của nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa đều gây ra tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và vi phạm đến quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ ba, về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Luật có nhiều quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa (trong đó có việc thu hồi và xử lý đối với hàng hóa có khuyết tật hoặc hàng hóa không bảo đảm chất lượng), từ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (người sản xuất, người nhập khẩu, người xuất khẩu, người bán hàng) đến người tiêu dùng.
Thứ tư, về giải quyết tranh chấp, bồi thường thiệt hại, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, người sản xuất, người nhập khẩu, người bán hàng phải bồi thường thiệt hại cho người bán hàng hoặc người mua, người tiêu dùng khi hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của người sản xuất, người nhập khẩu, người bán hàng do không bảo đảm chất lượng hàng hóa, trừ những trường hợp thuộc diện miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo thoả thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quyết định của tòa án hoặc trọng tài.
Có thể thấy, với vai trò của một văn bản Luật quy định về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa đã có những quy định rất quan trọng để xác định trách nhiệm của các bên liên quan (người sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, người bán hàng…) đối với việc bảo đảm chất lượng hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng và việc xử lý khi phát sinh vấn đề không bảo đảm chất lượng hoặc hàng hóa có khuyết tật.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa tập trung quy định chung về việc bảo đảm chất lượng của tất cả các loại hàng hóa được sản xuất, lưu thông mà không chỉ điều chỉnh về các loại hàng hóa đưa vào kinh doanh – tiêu dùng. Đồng thời, các quy định của Luật không thể hiện việc bảo vệ đối với sự yếu thế của người tiêu dùng.
Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có sự giao thoa rất rõ ràng và mang nhiều đặc điểm giao thoa với pháp luật Dân sự và pháp luật thương mại. Điều quan trọng mà pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn quan tâm chính là việc bảo đảm cân bằng sự yếu thế của người tiêu dùng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, với sự phát triển trong những năm gần đây, một nhu cầu cũng rất quan trọng chính là pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đồng thời cũng phải bảo vệ được các doanh nghiệp làm ăn chân chính, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững, phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Để hoàn thiện các quy định pháp luật về thu hồi hàng hóa có khuyết tật trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, cần làm rõ khái niệm “hàng hóa có khuyết tật”. Bên cạnh xem xét việc sửa đổi để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành còn cần xem xét việc có hay không bổ sung nhóm “dịch vụ”. Trên thực tế, dù người tiêu dùng tiếp xúc với nhiều loại sản phẩm khác nhau nhưng đều thuộc hai nhóm là hàng hóa và dịch vụ. Hàng hóa là loại sản phẩm có sự luân chuyển trong chuỗi quá trình sản xuất - phân phối - tiêu thụ. Đôi khi, do các phân đoạn trong chuỗi quá trình trên có sự tách rời nên việc kiểm soát chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm là không dễ với các tổ chức, cá nhân tham gia. Vì thế, sản phẩm đến tay người tiêu dùng có thể tiềm ẩn những yếu tố nguy hiểm gây ra những thiệt hại về tài sản và sức khỏe cho người tiêu dùng mà bằng hiểu biết và kinh nghiệm thông thường, người tiêu dùng không dễ nhận biết được.
Khác với các sản phẩm là hàng hóa, sản phẩm là dịch vụ lại mang các đặc tính có thể kiểm soát như sự gắn liền giữa quá trình sản xuất và tiêu dùng, tính không thể luân chuyển, tính xác định của người cung ứng dịch vụ trực tiếp. Vì vậy, đối với dịch vụ, người tiêu dùng có khả năng kiểm soát cao đối với chất lượng và tính an toàn của sản phẩm. Về lý thuyết, bất kỳ loại sản phẩm nào - hàng hóa hay dịch vụ cũng có khả năng tiềm ẩn khuyết tật gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, do đặc tính riêng của sản phẩm là dịch vụ, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác không quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đối với loại sản phẩm này.
Tuy nhiên, thực tế đang dần phủ nhận tính tuyệt đối của lập luận trên. Ví dụ như dịch vụ vận tải hàng không dân dụng. Hiện nay, phần lớn người tiêu dùng sử dụng dịch vụ vận tải hàng không dân dụng không mua vé trực tiếp tại các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjet… và sử dụng dịch vụ ngay tại thời điểm mua vé mà mua vé thông qua các đại lý bán vé như traveloka.com, abay.vn, sanvemaybay.vn, vegiare.com… và mua trước thời điểm sử dụng dịch vụ từ vài ngày đến vài tháng. Chính khoảng cách về thời gian và không gian từ lúc tiến hành giao dịch đến thời điểm sử dụng sản phẩm, dịch vụ đó khiến cho dịch vụ xuất hiện khả năng có những khuyết tật mà người tiêu dùng không thể kiểm soát được. Vì vậy, có lẽ việc làm rõ khái niệm hàng hóa có khuyết tật nên được điều chỉnh lại, cân nhắc việc bổ sung các quy định cho nhóm dịch vụ.
Thứ hai, cần đưa ra quy định và xây dựng tiêu chí để phân loại các mức độ không bảo đảm chất lượng khác nhau theo chiều từ nhẹ (lỗi) đến nặng (khuyết tật). Trong đó, cần lưu ý phân định rõ các trường hợp “hàng hóa không bảo đảm an toàn, không bảo đảm chất lượng” do vi phạm các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định hoặc theo công bố và trường hợp hàng hóa không vi phạm các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng khi đến tay người tiêu dùng vẫn “không bảo đảm an toàn, không bảo đảm chất lượng” (do khả năng phát hiện vượt quá trình độ khoa học ở thời điểm sản xuất, do vận chuyển, bảo quản, do nguyên nhân khác...).
Thứ ba, cần quy định rõ việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật sẽ bao gồm cả tự nguyện và bắt buộc, cùng với đó là các căn cứ để xác định cũng như phương thức thực hiện cụ thể với từng trường hợp. Quy định bắt buộc hoặc tự nguyện hiện nay cũng đã được nhiều quốc gia áp dụng với tổ chức, cá nhân sản xuất, phân phối hàng hóa có khuyết tật. Việc phân loại này tạo thêm lựa chọn và cơ hội thực hiện trách nhiệm của bên cung ứng theo quy định pháp luật.
Thứ tư, cần xác định rõ về trách nhiệm đối với việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật của một số tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan trong các khâu như sản xuất, nhập khẩu/xuất khẩu, phân phối… Đồng thời, quy định cụ thể về chủ thể, nội dung, phạm vi, cách thức, thời gian thực hiện việc thu hồi chưa được quy định cụ thể, ví dụ: cần có quy định để xác định được chủ thể phải chịu trách nhiệm thu hồi hoặc cách thức thu hồi hàng hóa về để thực hiện thu hồi...
Thứ năm, cần quy định chặt chẽ hơn cơ chế giám sát việc thực hiện các chương trình thu hồi sản phẩm có khuyết tật, trong đó yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế tiếp nhận từ đầu cũng như giám sát việc thực hiện chương trình. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế khuyến khích được các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật.
Tại Liên minh Châu Âu (EU), Quy định về thi hành và hợp tác bảo vệ người tiêu dùng xuyên biên giới (Regulation (EC) No 2006/2004 on consumer protection – The CPC Regulation) cho phép thành lập mạng lưới liên chính phủ giữa các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của các nước thành viên để phản ứng nhanh và bảo vệ người tiêu dùng
[63]. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tại các nước thành viên có trách nhiệm trao đổi thông tin với nhau khi phát hiện hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, và cùng hành động để ngặn chặn hành vi đó nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. EU cũng thiết lập Mạng lưới Trung tâm các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng của các nước thành viên (The European Consumer Centers Network – ECC Net), với đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng cách thức giải quyết khi quyền lợi của họ bị xâm phạm
[64].
Bên cạnh đó, EU áp dụng cách thức giải quyết tranh chấp trực tuyến chung cho cả khu vực với mục tiêu làm cho mua sắm qua mạng an toàn hơn, công bằng hơn thông qua các công cụ giải quyết tranh chấp hiệu quả. Theo đó, Hệ thống ODR tại đường dẫn
ec.europa.eu/consumers/odr được sử dụng để kết nối người tiêu dùng và chủ thể kinh doanh để giải quyết tranh chấp khi có vấn đề về hàng hóa, dịch vụ được mua qua mạng. Hệ thống này được vận hành trên nền tảng trực tuyến với 25 ngôn ngữ dành cho 31 quốc gia trong Liên minh Châu Âu
[65]. Quy trình giải quyết tranh chấp trực tuyến được thực hiện như sau:
- Giải quyết trực tiếp với người tiêu dùng:
Khi nhận được yêu cầu của người tiêu dùng về việc tranh chấp chưa được giải quyết, Hệ thống ODR sẽ thông báo tới chủ thể kinh doanh. Trong trường hợp chủ thể kinh doanh thiện chí trao đổi, hai bên có thể nhắn tin trực tiếp và gửi các tệp đính kèm như ảnh sản phẩm.
- Giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan ADR:
Chủ thể kinh doanh sẽ đưa ra một danh sách các cơ quan giải quyết tranh chấp để người tiêu dùng lựa chọn. Người tiêu dùng có quyền chọn một trong số các cơ quan trong danh sách đó hoặc yêu cầu chủ thể kinh doanh gửi một danh sách mới. Thời hạn để hai bên thống nhất lựa chọn là 30 ngày kể từ ngày gửi khiếu nại. Trong trường hợp không thể lựa chọn trong vòng 30 ngày, khiếu nại sẽ được Hệ thống tự động đóng. Trong trường hợp đó, người tiêu dùng được khuyến cáo sử dụng các công cụ giải quyết tranh chấp khác để bảo vệ quyền lợi của mình.
Đạo Luật An toàn thông tin Hoa Kỳ (U.S Safe Web Act) là công cụ để Ủy ban Thương mại liên bang (U.S Federal Trade Commission – FTC) bảo vệ người tiêu dùng khởi lừa đảo và gian lận xuyên biên giới, đặc biệt là chống spam, phần mềm gián điệp và gian lận internet thông qua các hoạt động thương mại điện tử. Đạo Luật này cho phép FTC chia sẻ thông tin trong các vấn đề về bảo vệ người tiêu dùng với các cơ quan thực thi pháp luật ở nước ngoài nhằm giúp ngăn chặn gian lận, lừa đảo, spam, phần mềm gián điệp, …[66]
Ngoài ra, để bảo vệ người tiêu dùng xuyên biên giới hiệu quả, FTC tích cực phát triển và thúc đẩy chính sách và thực tiễn theo định hướng thị trường với các đối tác nước ngoài và mạng lưới quốc tế. FTC đã tham gia vào các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng quốc tế như: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development – OECD), Mạng lưới thực thi và bảo vệ người tiêu dùng quốc tế (The International Consumer Protection Enforcement Network – ICPEN), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (Asia Pacific Economic Cooperation – APEC). Các thỏa thuận và hiệp định ký kết đa quốc gia như Thỏa thuận Hợp tác Thực thi Thư rác và Viễn thông Quốc tế (2016), Hiệp định hợp tác APEC về thực thi quyền riêng tư qua biên giới (2010), Biên bản ghi nhớ về việc thành lập và hoạt động của ICPEN. Đối với các quốc gia có nền kinh tế phát triển, có nhiều khiếu nại liên quan đến người tiêu dùng xuyên biên giới như Úc (Thỏa thuận về hỗ trợ thực thi trong các vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, Thỏa thuận liên quan đến bảo mật trên internet của người tiêu dùng hay ký biên bản ghi nhớ về các vấn đề hỗ trợ thực thi trên email thương mại), Canada (Hiệp định về tiếp thị và email thương mại với Ủy ban Truyền hình và Viễn thông Ca-na-đa, Bản ghi nhớ về gian lận tiếp thị qua biên giới..), Vương quốc Anh (Bản ghi nhớ về hỗ trợ lẫn nhau trong thực thi luật bảo vệ thông tin cá nhân, Bản ghi nhớ về hỗ trợ lẫn nhau trong email thương mại, Bản ghi nhớ về hỗ trợ thực thi trong bảo vệ người tiêu dùng) và nhiều nước khác như Trung Quốc, Costa Rica, Ireland, Mê hi cô, Hà Lan…
Tại Hàn Quốc, phần lớn các vụ việc tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới được xử lý thông qua phối hợp với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng đối tác. Hiện nay, Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc (Korea Consumer Agency – KCA đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với 08 nước, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Hồng Công). Thông qua hợp tác, KCA đã kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài thường xuyên bị người tiêu dùng khiếu nại để từ đó tăng cường hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp.
Bên cạnh đó, KCA cũng tích cực tuyên truyền phổ biến thông tin hữu ích đến người tiêu dùng về thực hiện giao dịch thương mại xuyên biên giới, ví dụ như xuất bản Hướng dẫn mua sắm an toàn trên các trang mạng nước ngoài, Hướng dẫn sử dụng thẻ tín dụng để khiếu nại hoàn tiền… Để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn vụ việc tranh chấp xuyên biên giới, KCA đưa ra một số định hướng hoạt động như sau:
- Trong dài hạn: xây dựng hợp tác về thực thi BVNTD giữa các quốc gia, tiến hành đàm phán ký kết hợp tác song phương và đa phương về bồi thường thiệt hại tiêu dùng cơ bản.
- Trong ngắn hạn:
+ Hợp tác xuyên biên giới: xây dựng cơ chế bồi thường tiêu dùng (ví dụ như cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế - ADR) cho tất cả các loại sản phẩm hoặc một số sản phẩm đặc thù (ví dụ như Hàn Quốc đã hợp tác với Úc để hỗ trợ người tiêu dùng trong các tranh chấp liên quan đến đặt tour du lịch nước ngoài);
+ Hợp tác với các tổ chức quốc tế: đẩy mạnh cơ chế giải quyết tranh chấp tiêu dùng thông các các nỗ lực của ICPEN và OECD hoặc mạng lưới eConsumer.gov;
+ Hợp tác khu vực Châu Á: thông qua cơ chế hợp tác tại website “Diễn đàn Châu Á về chính sách BVNTD”.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam 2010 không có cơ chế riêng biệt cho giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới. Mặc dù vậy, về bản chất, các tranh chấp xuyên biên giới có những đặc thù riêng như: phương thức giao dịch thường là thương mại điện tử, xuyên biên giới, có sự khác biệt về địa lý, ngôn ngữ và hệ thống pháp luật áp dụng tại cư trú của người tiêu dùng và trụ sở kinh doanh của doanh nghiệp,… Vì vậy, bên cạnh việc áp dụng các quy định của pháp luật Việt Nam thì việc sử dụng các cơ chế có tính chất “quốc tế” để giải quyết tranh chấp xuyên biên giới là rất quan trọng.
Hiện tại có một số cơ chế đặc thù đang được áp dụng để giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới ở Việt Nam như sau:
Đến thời điểm năm 2021, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement – FTA)
[67]. Trong các FTA này, nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được quy định trực tiếp trong Hiệp định, mà quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ gián tiếp thông qua các quy định về chất lượng sản phẩm, minh bạch hóa thông tin về sản phẩm như nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, các biện pháp vệ sinh dịch tễ,… Riêng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP có quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đó là: Các nước thành viên TPP phải có luật cấm các hoạt động thương mại gian dối hoặc lừa đảo gây tổn hại hoặc có thể gây tổn hại cho người tiêu dùng. Vì các hoạt động gian dối và lừa đảo có thể khỏi vượt qua biên giới quốc gia, Hiệp định khuyến khích các nước hợp tác và phối hợp cùng nỗ lực để giải quyết các hoạt động đó. Trong thời gian tới, khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực, các quy định liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được quy định chính thức tại điều 13.7. Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Chương Cạnh tranh trong Hiệp định, tạo tiền đề cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực thi chính thức và có hiệu quả trong quan hệ kinh tế – thương mại – tiêu dùng giữa các nước thành viên của Hiệp định RCEP. Theo đó, RCEP quy định:
“2. Mỗi Bên sẽ thông qua hoặc duy trì các luật hoặc quy định để cấm việc sử dụng trong thương mại các hành vi gây hiểu lầm, hoặc mô tả sai lệch hoặc gây hiểu lầm.
3. Đồng thời, mỗi Bên công nhận tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận các cơ chế khắc phục sự cố của người tiêu dùng.”
ICPEN là tổ chức quốc tế lớn nhất trên thế giới về bảo vệ người tiêu dùng (BVNTD). Tổ chức này đã đẩy mạnh các nỗ lực hợp tác để giải quyết các vấn đề về người tiêu dùng liên quan đến giao dịch xuyên quốc gia đối với hàng hóa và dịch vụ thông qua một loạt các hoạt động như: Xây dựng trang web bảo vệ người tiêu dùng:
https://econsumer.gov/, tổ chức các sự kiện nhằm phát hiện các hành vi gian lận, nâng cao nhận thức.
Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACCP) được thành lập vào tháng 8/2007 có chức năng thiết lập và giám sát các cam kết khu vực cũng như cơ chế thúc đẩy lợi ích của người tiêu dùng trong AEC.
Trong thời gian qua, Việt Nam với tư cách là thành viên của ICPEN và ACCP đã tích cực tham gia vào các hoạt động của 2 tổ chức này, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.
Năm 2013, Cục Quản lý cạnh tranh, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc (KCA) đã ký biên bản hợp tác thực hiện Dự án Tăng cường Chính sách bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam (MoU).
Ngoài ra, một mô hình nữa cũng có thể đề cập chính là cơ chế phối hợp hành chính xuyên biên giới nhằm hạn chế các hành vi gây tổn hại tới quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, năm 2013, các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai và Cục Quản lý hành chính Công Thương châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã tổ chức hội đàm nhằm tăng cường hợp tác, phối hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới đã được Cục Quản lý hành chính Công Thương châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và Sở Công Thương Lào Cai ký trên cơ sở biên bản ghi nhớ ngày 10/12/2012.
Từ thực trạng của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam để tăng cường hiệu quả của công tác giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới, cụ thể như sau:
- Xây dựng văn bản pháp lý hoặc nhóm chế định riêng về giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới: Do các tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới có đặc điểm riêng, khác biệt so với các tranh chấp tiêu dùng truyền thống dẫn đến nhu cầu phải cân đối, hài hòa sự khác biệt về pháp lý, văn hóa, tập quán tiêu dùng, thương mại trong quá trình giải quyết tranh chấp. Do đó, cần xây dựng một văn bản pháp lý riêng hoặc xây dựng nhóm chế định riêng về giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới trong các văn bản hiện có. Đó có thể là một nghị định của Chính phủ hoặc một chương trong Luật hoặc các nghị định hiện hành;
- Tăng cường hợp tác quốc tế: Việt Nam cần tăng cường tham gia vào mạng lưới các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng trên thế giới bên cạnh các tổ chức đã tham gia. Việc tham gia vào các mạng lưới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thế giới không chỉ đem đến hiệu quả trong quá trình giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, mà còn là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc đánh giá xem liệu một quốc gia có phải là địa điểm lý tưởng cho một tranh chấp bao gồm khung pháp lý của quốc gia đó (pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tỷ lệ 62 công nhận thỏa thuận, hòa giải), vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng nói chung, trung tâm tư vấn, hỗ trợ giải quyết khiếu nại, ảnh hưởng từ các bên …
- Ký kết các văn kiện pháp lý về hợp tác với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của các nước. Việc ký cam kết, mà điển hình là MoU giữa 02 cơ quan bảo vệ người tiêu dùng thuộc 02 quốc gia sẽ hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong công tác giải quyết khiếu nại xuyên biên giới. MoU cho phép 02 nước tham gia đạt được nhiều thỏa thuận hơn cũng như sát sao hơn trong quá trình thực hiện
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về tranh chấp xuyên biên giới;
- Đa dạng hóa các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Hàn Quốc, Đài Loan…cho thấy tổ chức BVNTD được tổ chức dưới rất nhiều loại hình khác nhau như: Hội BVNTD (Consumer Protection Associations), Nhóm BVNTD (Consumer Protection Team), Câu lạc bộ BVNTD (Consumer Protection Club)…Vấn đề ở đây không chỉ là tên gọi của các tổ chức này mà là mục tiêu, đối tượng hướng đến cũng như phương pháp hoạt động của các tổ chức này là khác nhau, ngoài ra, bản thân các chủ thể này cũng có sự chủ động nhất định và trực tiếp tham gia giải quyết khiếu nại người tiêu dùng xuyên biên giới;
- Hoàn thiện mô hình cơ quan nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
- Đào tạo nguồn nhân lực: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy để triển khai hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới cần tập trung xây dựng một hệ thống cơ quan nhà nước và tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đủ mạnh cả về nhân lực (các hoạt động đào tạo, nâng cao trình độ) và vật lực (hoàn thiện về cơ sở vật chất).
Tòa án xử lý vụ việc nhỏ có chức năng xử lý tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp theo cách nhanh, dễ dàng và chi phí thấp, các bên không cần thuê cố vấn pháp luật. Giá trị tranh chấp không vượt quá €2,000 (khoảng 61.278.000 đồng) đối với vụ việc mà hai bên tranh chấp cùng ở trong một quốc gia
[68] (đối với vụ việc mà hai bên ở hai quốc gia khác nhau trong EU, giá trị tranh chấp không vượt quá €5,000, tương đương 132 triệu đồng)
[69].
Người tiêu dùng có thể nộp đơn qua hai phương thức: nộp tại tòa án và nộp trực tuyến qua trang web dịch vụ tòa án (Court Service Online). Mức phí người tiêu dùng phải nộp để được tòa án tiếp nhận vụ việc là €2 (khoảng 61.000 đồng). Mức phí này sau đó sẽ được hoàn lại nếu người tiêu dùng được phán xử là thắng trong vụ việc. Trong trường hợp vụ việc được chấp thuận xử lý theo thủ tục xử lý vụ việc nhỏ, tòa án sẽ liên hệ bị đơn và bị đơn có 30 ngày để phản hồi. Trên cơ sở phản hồi của bị đơn, tòa án sẽ yêu cầu các bên cung cấp thêm thông tin hoặc yêu cầu nguyên đơn tham gia phiên điều trần hoặc đưa ra phán quyết về vụ việc.
Tòa án xử lý vụ việc nhỏ tại Châu Âu được đánh giá là hỗ trợ hiệu quả cho người tiêu dùng trong việc giải quyết tranh chấp trong tiêu dùng. Tòa án xử lý vụ việc nhỏ cho phép người tiêu dùng tiếp cận hoạt động tố tụng một cách nhanh chóng, dễ dàng và với chi phí thấp. Bên cạnh đó, các bên không cần thuê cố vấn pháp luật.
Theo quy định tại Luật Tố tụng dân sự Trung Quốc, những vụ án dân sự đơn giản có tình tiết rõ ràng, quan hệ về quyền và nghĩa vụ, tranh chấp không đáng kể thì Toà án có thể áp dụng thủ tục rút gọn. Theo đó, nguyên đơn có thể nộp đơn kiện bằng miệng và Tòa án có nghĩa vụ hoàn thành xét xử vụ việc trong vòng 03 tháng kể từ ngày nộp đơn
[70].
Văn bản giải thích Luật Tố tụng dân sự cũng quy định, có nhiều loại vụ việc liên quan đến bồi thường tiền được áp dụng theo thủ tục rút gọn tại Tòa án, trong đó có vụ việc liên quan đến giao dịch và hợp đồng mua bán, hợp đồng vay, thuê, tranh chấp liên quan đến thẻ ngân hàng
[71]
Ở Singapore cũng có các Tòa án giải quyết khiếu kiện nhỏ với thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc mua bán hàng hóa, dịch vụ hoặc hợp đồng thuê nhà ở. Cụ thể, Tòa án giải quyết khiếu kiện nhỏ có thẩm quyền giải quyết đối với các trường hợp sau đây:
- Giá trị tranh chấp không vượt quá 20.000 đô la Singapore (hoặc 30.000 đô la Singapore nếu có biên bản đồng thuận từ các bên);
- Thời điểm khởi kiện không quá 02 năm để từ khi xảy ra hành vi vi phạm;
- Có nội dung liên quan đến: hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ; hợp đồng thuê nhà ở không quá 2 năm; tranh chấp với doanh nghiệp liên quan đến hành vi không công bằng theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng Singapore; Hoàn tiền đặt cọc xe cơ giới.
Giải quyết tranh chấp người tiêu dùng tại tòa án là một trong bốn phương thức giải quyết tranh chấp người tiêu dùng. Giải quyết tranh chấp người tiêu dùng tại tòa án thường được xem là lựa chọn cuối cùng của người tiêu dùng do trình tự thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết lâu, với vụ án sơ thẩm thường là 4 đến 6 tháng, nếu phúc thẩm có thể kéo dài đến 1 năm. Tuy nhiên, do đặc trưng các vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng có giá trị không cao nên trong luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã thiết kế ra cơ chế giải quyết vụ án của người tiêu dùng theo trình tự thủ tục đơn giản, theo đó sẽ quy định cụ thể về các điều kiện đươc giải quyết như tình tiết đơn giản, chứng cứ rõ ràng, giá trị giao dịch thấp, người khởi kiện và người bị kiện rõ ràng. Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng luật cũng quy định miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi và miễn tạm ứng án phí cho người tiêu dùng. Cụ thể:
1. Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vụ án mà bên khởi kiện là người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Luật này.
2. Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện;
b) Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
c) Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng dành các điều khoản quy định về phạm vi, điều kiện, trình tự xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn. Theo quy định về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn tại tòa sơ thẩm và phúc thẩm sẽ do một Thẩm phán tiến hành. Việc xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn tại tòa án được quy định tại Chương XVIII với vụ việc sơ thẩm và Chương XIX với vụ việc phúc thẩm. Các vụ việc đáp ứng đủ điều kiện nêu ra tại điều 317 của Luật này sẽ được xét xử theo tủ tục rút gọn, chi tiết cho vụ việc giải quyết theo trình tự rút gọn tại tòa án sơ thẩm, phúc thẩm được quy định sau đây:
Điều 316. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn
1. Thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật.
2. Những quy định của Phần này được áp dụng để giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn; trường hợp không có quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết vụ án.
3. Trường hợp luật khác có quy định tranh chấp dân sự được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì việc giải quyết tranh chấp đó được thực hiện theo thủ tục quy định tại Phần này.
Điều 317. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn
1. Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;
b) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;
c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Có thể thấy, pháp luật Việt Nam đã có quy định về thủ tục đặc biệt dành cho vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, quy định về ngưỡng giá trị tranh chấp cũng như tiêu chí, điều kiện áp dụng thủ tục này. Tuy nhiên, hiện nay có sự chưa thống nhất giữa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 về:
(1) Tên gọi thủ tục rút gọn và thủ tục đơn giản;
(2) Tiêu chí, điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án.
Trên cơ sở đó, cần thống nhất tên gọi thủ tục này tại Tòa án theo Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 là “thủ tục rút gọn” cũng như thống nhất tiêu chí, điều kiện áp dụng để tổ chức, cá nhân liên quan có thể tham khảo, áp dụng thủ tục này trong trường hợp cần đưa vụ việc ra Tòa án.
Liên Hiệp Quốc A / RES / 70/186
Đại hội đồng
Ngày 04 tháng 02 năm 2016
Phiên thứ bảy
Mục chương trình làm việc 18(a)
15-16940 (E)
Nghị quyết được Đại hội đồng thông qua ngày 22 tháng 12 năm 2015
70/186. Bảo vệ người tiêu dùng
PHỤ LỤC
HƯỚNG DẪN CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG
I. Mục tiêu
1.Để thực hiện sự quan tâm đến quyền lợi và nhu cầu của người tiêu dùng trong tất cả các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển; ghi nhận rằng người tiêu dùng thường phải chịu sự bất cân xứng về mặt kinh tế, các cấp độ giáo dục và khả năng thương lượng trong mua bán; và ý thức được rằng người tiêu dùng có quyền được sử dụng các sản phẩm an toàn, cũng như cần phải khuyến khích sự phát triển kinh tế, xã hội một cách đúng đắn, công bằng và hợp lý, bản hướng dẫn bảo vệ người tiêu dùng này nhằm thực hiện những mục tiêu sau đây:
(a)Giúp các nước thực hiện và duy trì đầy đủ việc bảo vệ người dân của mình với tư cách là người tiêu dùng;
(b)Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức sản xuất và phân phối đáp ứng được những nhu cầu và nguyện vọng của người tiêu dùng;
(c) Khuyến khích việc nâng cao phẩm chất đạo đức cho những người sản xuất, phân phối hàng hóa và dịch vụ cho người tiêu dùng;
(d) Giúp các nước hạn chế những thủ đoạn lạm dụng của các doanh nghiệp tầm cỡ quốc gia và quốc tế gây thiệt hại cho người tiêu dùng;
(e)Tạo thuận lợi cho sự phát triển các hội người tiêu dùng độc lập;
(f) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng;
(g) Khuyến khích sự phát triển của cơ chế thị trường, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn với giá cả thấp hơn;
(h)Khuyến khích tiêu dùng bền vững.
II. Phạm vi áp dụng
2. Các nguyên tắc này áp dụng cho các giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, bao gồm cung cấp hàng hoá và dịch vụ của các doanh nghiệp Nhà nước cho người tiêu dùng. Trong phạm vi của hướng dẫn này, các chính sách bảo vệ người tiêu dùng bao gồm luật, các quy định, quy tắc, khuôn khổ, thủ tục, quyết định, cơ chế và chương trình của các quốc gia thành viên, cũng như các tiêu chuẩn và khuyến nghị của khu vực tư nhân nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng và thúc đẩy phúc lợi của người tiêu dùng.
3. Trong phạm vi của hướng dẫn này, thuật ngữ "người tiêu dùng" nhìn chung được hiểu là thể nhân, không phân biệt quốc tịch nào, thực hiện hành động chủ yếu vì cá nhân, gia đình hoặc các mục đích gia đình, đồng thời công nhận rằng các quốc gia thành viên có thể áp dụng các định nghĩa để giải quyết các nhu cầu cụ thể trong nước.
III. Nguyên tắc chung
4. Để thực hiện sự quan tâm đến những điều hướng dẫn sau đây, các chính phủ cần phát triển, củng cố hoặc giữ vững các chính sách mạnh mẽ về bảo vệ người tiêu dùng. Để thực hiện được điều đó, chính phủ mỗi nước phải giành ưu tiên cho việc bảo vệ người tiêu dùng, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội và môi trường của nước mình, với các nhu cầu của người dân và phải quan tâm đến hệ quả và lợi ích của các biện pháp đề ra.
5. Những nhu cầu pháp lý mà bản hướng dẫn nhằm hướng tới bao gồm:
a. Người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ thiết yếu;
b. Bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương và thiệt thòi;
c. Bảo vệ người tiêu dùng tránh những mối nguy hại về sức khỏe và an toàn;
d. Ủng hộ và bảo vệ các quyền lợi kinh tế của người tiêu dùng;
e. Thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng để họ có thể lựa chọn sáng suốt theo nguyện vọng và nhu cầu cá nhân;
f. Giáo dục người tiêu dùng, bao gồm giáo dục về các tác động về mặt kinh tế, xã hội và môi trường đối với sự lựa chọn của người tiêu dùng;
g. Thực hiện việc đền bù một cách hữu hiệu cho người tiêu dùng;
h. Cho phép tự do thành lập các nhóm hay các tổ chức người tiêu dùng thích hợp và tạo điều kiện cho các tổ chức đó trình bày quan điểm của mình trong các quá trình ra quyết định có ảnh hưởng đến họ;
i. Thúc đẩy tiêu dùng bền vững;
j. Mức độ bảo vệ cho người tiêu dùng sử dụng thương mại điện tử không ít hơn so với các hình thức thương mại khác;
k. Bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng và dòng chảy tự do toàn cầu của thông tin.
6. Việc sản xuất và tiêu dùng không bền vững, đặc biệt là ở các nước công nghiệp, là nguyên nhân chính của sự xuống cấp của môi trường toàn cầu. Tất cả các nước cần thúc đẩy tiêu dùng bền vững; các nước phát triển cần đi đầu trong việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững; các nước đang phát triển cần tìm mọi cách để đẩy mạnh tiêu dùng bền vững trong quá trình phát triển của mình, cần quan tâm thích đáng tới nguyên tắc chung và các trách nhiệm cụ thể. Tình hình cụ thể và nhu cầu của các nước đang phát triển cần phải được ghi nhận đầy đủ.
7. Chính sách khuyến khích tiêu dùng hợp lý cần phải lưu ý mục tiêu xóa đói giảm nghèo, thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của con người, giảm thiểu sự bất bình đẳng trong xã hội và giữa các nước.
8. Các chính phủ cần phát triển, củng cố và duy trì đủ cơ sở hạ tầng để phát triển, thực hiện và điều hành các chính sách bảo vệ người tiêu dùng. Cần quan tâm đặc biệt để bảo đảm các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng được thực hiện vì quyền lợi của toàn dân, đặc biệt là người dân sống ở vùng nông thôn và người nghèo.
9. Tất cả các tổ chức kinh doanh phải tuân theo pháp luật và những quy định của nhà nước, đồng thời phải phù hợp với những quy định của tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ người tiêu dùng mà cơ quan chức năng của nước đó đã thỏa thuận. (Sau đây các tiêu chuẩn quốc tế nói trong bản hướng dẫn đều được hiểu trong văn cảnh của Hướng dẫn này).
10. Vai trò tích cực của việc nghiên cứu trong các trường đại học và các doanh nghiệp kinh doanh tư nhân hay nhà nước cần được xem xét khi hoạch định các chính sách bảo vệ người tiêu dùng.
IV. Nguyên tắc thực hành kinh doanh tốt
11. Các nguyên tắc thiết lập các tiêu chuẩn cho các thông lệ kinh doanh tốt đối với thực hiện các hoạt động thương mại trực tuyến và ngoại tuyến với người tiêu dùng như sau:
(a) Đối xử công bằng và bình đẳng. Các doanh nghiệp nên giải quyết công bằng và trung thực với người tiêu dùng ở tất cả các giai đoạn trong quá trình làm việc, nhằm biến việc này thành một phần không thể thiếu của văn hóa kinh doanh. Các doanh nghiệp nên tránh các hành vi gây hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là đối với những người tiêu dùng dễ bị tổn thương và thiệt thòi;
(b) Hành vi thương mại. Doanh nghiệp không nên để người tiêu dùng tuân theo các hành vi bất hợp pháp, phi đạo đức, phân biệt đối xử hoặc lừa đảo, chẳng hạn như chiến thuật lạm dụng tiếp thị, lạm dụng đòi nợ hoặc các hành vi không đúng khác có thể gây ra những rủi ro không đáng có hoặc gây hại cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp và các đại lý được ủy quyền của họ nên quan tâm đúng mức đến lợi ích của người tiêu dùng và có trách nhiệm duy trì bảo vệ người tiêu dùng như một mục tiêu;
(c) Công bố và minh bạch. Doanh nghiệp nên cung cấp đầy đủ, thông tin chính xác và không gây hiểu lầm về hàng hóa và dịch vụ, các điều khoản, điều kiện, phí áp dụng và chi phí cuối cùng để cho phép người tiêu dùng nắm được thông tin các quyết định. Các doanh nghiệp phải đảm bảo dễ dàng truy cập thông tin này, đặc biệt là các điều khoản và điều kiện chính, bất kể sử dụng phương tiện công nghệ nào;
(d) Giáo dục và nâng cao nhận thức. Các doanh nghiệp, nếu thích hợp, phát triển các chương trình và cơ chế để hỗ trợ người tiêu dùng phát triển kiến thức và các kỹ năng cần thiết để hiểu các rủi ro, bao gồm cả rủi ro tài chính, các quyết định và tiếp cận với sự hỗ trợ và tư vấn có thẩm quyền và chuyên nghiệp, tốt nhất là từ một bên thứ ba độc lập, khi cần thiết;
(e) Bảo vệ quyền riêng tư. Doanh nghiệp nên bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng thông qua sự kết hợp của việc kiểm soát thích hợp, bảo mật, minh bạch và áp dụng các cơ chế liên quan đến việc thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân của họ;
(f) Khiếu nại và tranh chấp của người tiêu dùng. Doanh nghiệp nên cung cấp cơ chế xử lý khiếu nại cung cấp cho người tiêu dùng nhanh chóng, công bằng, giải quyết tranh chấp minh bạch, rẻ tiền, dễ tiếp cận, nhanh chóng và hiệu quả mà không phát sinh chi phí hoặc tạo ra gánh nặng không cần thiết. Các doanh nghiệp nên cân nhắc việc đăng ký dịch vụ trong nước và các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến xử lý khiếu nại nội bộ, thay thế dịch vụ giải quyết tranh chấp và quy tắc hài lòng của khách hàng.
V. Các hướng dẫn
12. Các nguyên tắc chỉ đạo sau đây được áp dụng cho cả hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước và nhập khẩu.
13. Khi áp dụng bất cứ biện pháp hoặc quy định nào về bảo vệ người tiêu dùng, cần quan tâm thỏa đáng để đảm bảo rằng những quy định ấy sẽ không gây cản trở và mâu thuẫn với những điều ước về thương mại quốc tế.
A. Chính sách quốc gia về bảo vệ người tiêu dung
14. Các quốc gia thành viên nên thiết lập các chính sách bảo vệ người tiêu dùng khuyến khích:
(a) Thực hành kinh doanh tốt;
(b) Thông tin rõ ràng và kịp thời để người tiêu dùng có thể liên hệ với các doanh nghiệp một cách dễ dàng cũng như giúp các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật xác minh và định vị doanh nghiệp. Những thông tin này có thể bao gồm thông tin về danh tính của doanh nghiệp, tên gọi pháp nhân và tên giao dịch của doanh nghiệp, địa chỉ chính thức, trang web và địa chỉ e-mail hoặc các phương tiện liên lạc khác, số điện thoại và số đăng ký hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh được cấp;
(c) Thông tin rõ ràng và kịp thời về hàng hóa hoặc dịch vụ được cung cấp bởi doanh nghiệp và các điều khoản và điều kiện của giao dịch có liên quan;
(d) Các điều khoản hợp đồng rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu, không gây bất cân bằng;
(e) Quy trình minh bạch trong việc xác nhận, hủy bỏ, trả lại và hoàn trả các giao dịch;
(f) Cơ chế thanh toán an toàn;
(g) Giải quyết và khắc phục tranh chấp công bằng, hợp lý và nhanh chóng;
(h) Quyền riêng tư của người tiêu dùng và bảo mật dữ liệu;
(i) Giáo dục người tiêu dùng và doanh nghiệp.
15. Các quốc gia thành viên nên hướng tới việc đảm bảo rằng các cơ quan thực thi chức năng bảo vệ người tiêu dùng có nguồn nhân lực và tài chính cần thiết để thúc đẩy việc tuân thủ pháp luật một cách hiệu quả và có thể hoặc tạo điều kiện khắc phục cho người tiêu dùng trong một số trường hợp phù hợp.
B. An toàn thể chất
16. Chính phủ các nước cần phê chuẩn hoặc khuyến khích việc phê chuẩn các biện pháp thích hợp bao gồm những hệ thống pháp lý, những quy định về an toàn, các tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế, các tiêu chuẩn tự nguyện và lưu trữ hồ sơ an toàn để đảm bảo rằng các sản phẩm phải an toàn cho sử dụng theo mục đích, hoặc bình thường có thể dự đoán trước được.
17. Những chính sách thích hợp cần đảm bảo các sản phẩm được sản xuất ra phải an toàn cho việc sử dụng có mục đích hoặc bình thường có thể dự đoán được. Những người có trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường đặc biệt là những người cung cấp, xuất nhập khẩu, những người buôn bán lẻ và tương tự (sau đây gọi là những nhà phân phối) cần phải đảm bảo rằng trong quá trình lưu thông, những hàng hóa này không trở thành độc hại do lưu kho hoặc quản lý không tốt. Người tiêu dùng cần được hướng dẫn đầy đủ về cách sử dụng hàng hóa và phải được thông báo về sự cố có thể xảy ra khi sử dụng theo mục đích, hoặc trong khi sử dụng bình thường có thể thấy trước được. Thông tin quan trọng về an toàn phải được truyền đạt tới người tiêu dùng bằng những ký hiệu quốc tế dễ hiểu nếu có.
18. Cần có chính sách thích hợp để đảm bảo rằng nếu nhà sản xuất hoặc nhà phân phối thấy được tác hại sau khi hàng hóa đã được đưa ra thị trường, thì họ phải khai báo ngay với những người có trách nhiệm, và tốt hơn là với toàn thể công chúng. Các chính phủ cần quan tâm đến các phương thức để bảo đảm rằng người tiêu dùng được thông tin chính xác về những tác hại ấy.
19. Khi cần thiết, chính phủ các nước cần ban hành các chính sách để nếu một sản phẩm được phát hiện là kém chất lượng một cách nghiêm trọng hoặc gây ra những tác hại thực sự nghiêm trọng ngay cả khi được sử dụng đúng, thì nhà sản xuất hoặc nhà phân phối phải thu hồi và thay thế, hoặc sửa chữa, hoặc đổi sản phẩm khác. Nếu không thể thực hiện được việc này trong một thời gian hợp lý, thì người tiêu dùng phải được bồi hoàn thỏa đáng.
C. Thúc đẩy và bảo vệ những quyền lợi kinh tế của người tiêu dùng
20. Các chính sách của nhà nước cần làm cho người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất từ các nguồn lực kinh tế của họ. Những chính sách này phải cố gắng để hoàn thiện phương thức phân phối, thực hiện buôn bán ngay thẳng, tiếp thị có đầy đủ thông tin, và bảo vệ có hiệu quả chống lại những thủ đoạn có thể phương hại đến quyền lợi kinh tế và sự lựa chọn của người tiêu dùng trên thị trường.
21. Các chính phủ cần cố gắng ngăn chặn những thủ đoạn gây tổn hại đến quyền lợi kinh tế của người tiêu dùng, bằng cách bảo đảm các nhà sản xuất, nhà phân phối và những người có liên quan đến việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ phải tuân theo những luật pháp đã định và các tiêu chuẩn bắt buộc. Các tổ chức của người tiêu dùng cần được khuyến khích để giám sát những việc làm có hại như pha chất độn trong thực phẩm, quảng cáo gây nhầm lẫn hoặc gian dối trên thị trường và các gian lận trong cung cấp dịch vụ.
22. Trong trường hợp có thể, các chính phủ nên phát triển, củng cố và duy trì những biện pháp liên quan đến việc kiểm soát các thủ đoạn hạn chế hay lạm dụng trong buôn bán có thể có hại đến người tiêu dùng, bao gồm những biện pháp cưỡng chế đối với những thủ đoạn đó. Về vấn đề này, các chính phủ cần làm theo sự cam kết của mình đối với “Các nguyên tắc và quy tắc công bằng, nhất trí của nhiều bên và các điều lệ về kiểm soát các thủ đoạn hạn chế buôn bán” do Đại hội đồng thông qua trong Nghị quyết 35/63 ngày 5 tháng 12 năm 1980.
23. Các chính phủ cần phê chuẩn hoặc duy trì các chính sách làm rõ trách nhiệm của nhà sản xuất phải đảm bảo hàng hóa đáp ứng được nhu cầu hợp lý về độ bền, công dụng và độ tin cậy, phù hợp với mục đích sử dụng, và người bán phải biết được những yêu cầu này đã được đáp ứng hay chưa. Những chính sách tương tự cũng phải được áp dụng trong các khâu cung ứng dịch vụ.
24. Các chính phủ cần khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, có hiệu quả nhằm tạo cho người tiêu dùng được lựa chọn trong phạm vi rộng các sản phẩm và dịch vụ với chi phí thấp nhất.
25. Ở những nơi phù hợp, các chính phủ cần quan tâm để nhà sản xuất hoặc những nhà bán lẻ phải đảm bảo cung cấp các phụ tùng và dịch vụ sau bán hàng đủ tin cậy.
26. Người tiêu dùng cần được bảo vệ để tránh những gian lận trong hợp đồng, như hợp đồng do một bên quy định tiêu chuẩn, hợp đồng bỏ ra ngoài những quyền cơ bản và những điều kiện giao nhận không sòng phẳng của người bán.
27. Việc xúc tiến thương mại và việc thực hiện buôn bán phải tuân theo các nguyên tắc đối xử công bằng với người tiêu dùng và hợp pháp. Nguyên tắc này quy định việc cung cấp thông tin cần thiết để người tiêu dùng có thể độc lập quyết định, cũng như những biện pháp để bảo đảm rằng thông tin cung cấp là chính xác.
28. Các chính phủ cần khuyến khích mọi nguồn tin tự do đưa những thông tin chính xác về mọi mặt của sản phẩm tiêu dùng.
29. Để người tiêu dùng có thể tiếp cận thông tin chính xác về tác động môi trường của các sản phẩm và dịch vụ thì cần phải thông qua các phương tiện như các thông tin về sản phẩm, các báo cáo về môi trường của ngành, của các trung tâm thông tin người tiêu dùng, các chương trình dán nhãn chứng nhận về môi trường và các đường dây nóng thông tin về sản phẩm.
30. Các chính phủ, hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất, các nhà phân phối và các tổ chức người tiêu dùng, cần có các biện pháp đối với các thông tin gây nhầm lẫn về môi trường trong các quảng cáo và các hoạt động tiếp thị khác.
31. Trong bối cảnh riêng của từng nước, các chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện các điều luật về tiếp thị và hành vi thương mại, thông qua sự hợp tác với các tổ chức người tiêu dùng, nhằm bảo vệ người tiêu dùng một cách thỏa đáng. Những thỏa thuận tự nguyện cũng có thể được các tổ chức kinh doanh và các bên quan tâm khác cùng nhau xây dựng. Những điều luật này phải được công bố rộng rãi.
32. Các chính phủ cần thường xuyên xem xét các văn bản pháp lý liên quan đến việc tính toán và đánh giá xem bộ máy thi hành có đủ năng lực không.
D. Tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng của hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
33. Trong điều kiện thích hợp, các chính phủ cần xây dựng hoặc xúc tiến việc soạn thảo và thực hiện các tiêu chuẩn theo hình thức tự nguyện hoặc các hình thức khác, ở cấp độ quốc gia và quốc tế về an toàn và chất lượng của hàng hóa và dịch vụ, và phải công bố công khai những tiêu chuẩn đó. Những quy định và tiêu chuẩn quốc gia về an toàn và chất lượng sản phẩm phải được thường xuyên xem xét để khi có điều kiện, đảm bảo cho những quy định và tiêu chuẩn đó phù hợp với những tiêu chuẩn chung đã được quốc tế công nhận.
34. Ở những nơi nào do điều kiện kinh tế mà phải áp dụng những tiêu chuẩn thấp hơn những tiêu chuẩn phổ biến được quốc tế công nhận, thì phải cố gắng nâng cao những tiêu chuẩn đó càng sớm càng tốt.
35. Các chính phủ cần khuyến khích và đảm bảo các phương tiện để kiểm nghiệm và xác nhận độ an toàn, chất lượng của hàng hóa và dịch vụ thiết yếu của người tiêu dùng.
E. Cơ sở phân phối hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu
36. Nếu phù hợp, các chính phủ cần xem xét:
(a) Phê chuẩn hoặc duy trì các chính sách để đảm bảo sự phân phối hiệu quả hàng hóa và dịch vụ cho người tiêu dùng; ở nơi thích hợp, cần xem xét các chính sách đặc biệt để đảm bảo việc phân phối những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu ở những nơi việc phân phối gặp khó khăn, đặc biệt đối với các khu vực nông thôn. Những chính sách ấy có thể bao gồm việc trợ giúp để tạo ra các kho chứa và các phương tiện bán lẻ thích hợp ở các trung tâm mua bán nông thôn, khuyến khích người tiêu dùng tự giải quyết và kiểm tra tốt hơn các điều kiện cung ứng hàng hóa và dịch vụ thiết yếu ở nông thôn;
(b) khuyến khích việc thành lập các hợp tác xã tiêu thụ và các hoạt động thương mại có liên quan, cũng như thông tin về các hoạt động đó, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
F. Giải quyết và khắc phục tranh chấp
37. Các quốc gia thành viên nên khuyến khích phát triển công bằng, hiệu quả, minh bạch các cơ chế minh bạch để giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng thông qua hành chính, tư pháp và giải quyết tranh chấp thay thế, bao gồm cả các trường hợp giải quyết tranh chấp xuyên biên giới. Các quốc gia thành viên nên thiết lập hoặc duy trì các biện pháp luật pháp và / hoặc hành chính để người tiêu dùng hoặc các tổ chức có liên quan nếu thích hợp có thể được giải quyết thông qua các thủ tục chính thức hoặc không chính thức nhanh chóng, công bằng, minh bạch, rẻ tiền và dễ tiếp cận. Các thủ tục như vậy cần đặc biệt lưu ý đến nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương và thiệt thòi. Các quốc gia thành viên nên cung cấp cho người tiêu dùng các cách tiếp cận với các biện pháp khắc phục không phát sinh chi phí, không mất thời gian hoặc tạo ra những áp lực kinh tế quá mức so với giá trị kinh tế mà người tiêu dùng đang bị chịu thiệt, đồng thời không áp đặt hoặc gây ra áp lực kinh tế quá mức cho xã hội và doanh nghiệp.
38. Các chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp giải quyết thắc mắc của người tiêu dùng một cách sòng phẳng, nhanh chóng và bình thường; nên thiết lập các cơ chế tự nguyện, bao gồm những dịch vụ tư vấn và các phương thức khiếu nại không chính thức để giúp đỡ người tiêu dùng.
39. Thông tin về các biện pháp khắc phục thiệt hại hiện có và các thủ tục giải quyết tranh chấp khác nên được cung cấp cho người tiêu dùng. Tiếp cận cơ chế giải quyết và khắc phục tranh chấp, bao gồm các biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế, cần được tăng cường, đặc biệt là trong các tranh chấp xuyên biên giới.
40. Các quốc gia thành viên cần đảm bảo rằng các thủ tục giải quyết tập thể đượcnhanh chóng, minh bạch, công bằng, rẻ tiền và dễ tiếp cận cho cả người tiêu dùng vàcác doanh nghiệp, bao gồm cả những doanh nghiệp liên quan đến tình trạng thừa và các trường hợp phá sản.
41. Các quốc gia thành viên nên hợp tác với các doanh nghiệp và nhóm người tiêu dùng trong nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng và doanh nghiệp về cách tránh các tranh chấp, cơ chế giải quyết tranh chấp và giải quyết tranh chấp có sẵn cho người tiêu dùng và ở đâungười tiêu dùng có thể khiếu nại.
G. Các chương trình giáo dục và thông tin
42. Các chính phủ cần phát triển hoặc khuyến khích các chương trình thông tin và giáo dục cho người tiêu dùng, bao gồm thông tin về tác động đối với môi trường của sự lựa chọn của người tiêu dùng và hành vi và các tác dụng có thể có, bao gồm các lợi ích và chi phí, của những thay đổi trong tiêu dùng, có lưu ý đến truyền thống văn hóa của những đối tượng được giáo dục. Mục đích của các chương trình này cần tạo cho mọi người khả năng hành động độc lập, có khả năng lựa chọn một cách có căn cứ các hàng hóa, dịch vụ và ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của họ. Khi thực hiện các chương trình đó, cần chú ý đặc biệt đến nhu cầu của những người tiêu dùng bị thiệt thòi ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị, kể cả những người tiêu dùng có thu nhập thấp và những người có trình độ văn hóa thấp hoặc mù chữ. Các tổ chức người tiêu dùng, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan khác cần phải cùng tham gia vào những nỗ lực giáo dục này.
43. Ở nơi nào phù hợp, giáo dục người tiêu dùng phải trở thành một bộ phận cấu thành của chương trình cơ bản của hệ thống giáo dục, tốt nhất là lồng ghép vào các môn học hiện hành.
44. Các chương trình thông tin và giáo dục người tiêu dùng phải bao quát các khía cạnh quan trọng về bảo vệ người tiêu dùng sau đây:
(a) Sức khỏe, dinh dưỡng, ngăn cản bệnh loãng xương, thực phẩm bị pha trộn;
(b) Tác hại của sản phẩm;
(c) Ghi nhãn sản phẩm;
(d) Pháp luật có liên quan; làm thế nào để được bồi thường, các cơ quan và tổ chức bảo vệ người tiêu dùng;
(e) thông tin về cân đo, giá cả, chất lượng, điều kiện mua bán và việc cung ứng các nhu cầu cơ bản;
(f) bảo vệ môi trường;
(g) sử dụng hợp lý vật liệu, năng lượng, nguồn nước
45. Các chính phủ cần khuyến khích các tổ chức người tiêu dùng và các nhóm liên quan khác, bao gồm báo chí, để tiến hành các chương trình giáo dục và thông tin, bao gồm các tác động về môi trường của việc mua sắm, bao gồm các lợi ích và chi phí của những thay đổi trong tiêu dùng, đặc biệt là lợi ích của các nhóm người tiêu dùng thu nhập thấp ở cả khu vực thành thị và nông thôn.
46. Ở những nơi nào phù hợp, doanh nghiệp phải đảm trách hoặc tham gia một cách thực tiễn và thích hợp vào các chương trình thông tin giáo dục người tiêu dùng.
47. Quan tâm đến sự cần thiết phải đưa chương trình thông tin và giáo dục người tiêu dùng đến những người tiêu dùng ở nông thôn và những người tiêu dùng không biết chữ, các chính phủ cần phát triển hoặc khuyến khích phát triển các chương trình thông tin người tiêu dùng trên phương tiện thông tin đại chúng.
48. Các chính phủ cần tổ chức hoặc khuyến khích các chương trình tập huấn cho những người làm công tác giáo dục, những người công tác ở các phương tiện thông tin đại chúng và những người làm tư vấn về tiêu dùng, để giúp họ có thể tham gia vào việc triển khai các chương trình giáo dục và thông tin cho người tiêu dùng.
H. Thúc đẩy tiêu dùng bền vững
49. Tiêu dùng bền vững là việc thỏa mãn được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai đối với hàng hóa và dịch vụ một cách bền vững về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
50. Tiêu dùng bền vững là trách nhiệm chung của tất cả các nước thành viên, các tổ chức xã hội, người tiêu dùng, doanh nghiệp, các tổ chức lao động. Các tổ chức môi trường và các tổ chức người tiêu dùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững về mặt môi trường, kinh tế, xã hội, bao gồm thông qua tác động của sự lựa chọn các nhà sản xuất. Các Chính phủ cần thúc đẩy sự phát triển và thực hiện các chính sách tiêu dùng bền vững và phải thống nhất chính sách này với các chính sách công khác. Việc hoạch định chính sách của chính phủ nên được tiến hành với sự tham vấn của doanh nghiệp, người tiêu dùng, các tổ chức môi trường và các tổ chức có liên quan khác. Doanh nghiệp có trách nhiệm thúc đẩy tiêu dùng bền vững thông qua việc thiết kể, sản xuất và phân phối hàng hóa và dịch vụ. Người tiêu dùng và các tổ chức môi trường có trách nhiệm thúc đẩy sự tham gia tranh luận về của công chúng đối với vấn đề tiêu dùng bền vững và hợp tác với chính phủ và doanh nghiệp về vấn đề tiêu dùng bền vững.
51. Các chính phủ, hợp tác với doanh nghiệp và các tổ chức dân sự liên quan, cần xây dựng và thực hiện các chiến lược thúc đẩy tiêu dùng bền vững thông qua việc phối hợp thực hiện nhiều chính sách trong đó có thể bao gồm các quy định pháp luật; các công cụ kinh tế xã hội; các chính sách trong các lĩnh vực như sử dụng đất, giao thông, năng lượng và nhà ở; các chương trình thông tin nhằm tăng cường nhận thức về tác động của tiêu dùng; loại bỏ những trợ cấp là nguyên nhân gây ra sản xuất và tiêu dùng bất hợp lý và thúc đẩy các hoạt động quản lý môi trường đối với từng ngành cụ thể.
52. Các chính phủ cần khuyến khích việc thiết kế, phát triển và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ an toàn và tiết kiệm năng lượng, có cân nhắc tới các tác động vòng đời. Các chính phủ cần khuyến khích các chương trình tái chế nhằm khuyến khích người tiêu dùng tái chế rác thải và mua bán các sản phẩm tái chế.
53. Các chính phủ cần thúc đẩy sự phát triển và việc sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia về an toàn môi trường đối với sản phẩm và dịch vụ; những tiêu chuẩn đó không được tạo ra các rào cản thương mại.
54. Các chính phủ cần khuyến khích kiểm nghiệm tác động môi trường của sản phẩm.
55. Các chính phủ cần quản lý cẩn thận việc sử dụng những vật liệu gây nguy hại đến môi trường và khuyến khích sự ra đời của những vật liệu thay thế. Những vật liệu mới tiềm tàng chứa đựng nguy cơ gây hại tới môi trường cần phải được đánh giá trên cơ sở khoa học về tác động lâu dài đối với môi trường trước khi những vật liệu đó được đem đi phân phối.
56. Các chính phủ cần tăng cường nhận thức các lợi ích liên quan tới sức khỏe của việc tiêu dùng và sản xuất bền vững, lưu ý cả các tác động đối với sức khỏe cá nhân và đối với tập thể thông qua bảo vệ môi trường.
57. Các chính phủ, phối hợp với doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức liên quan khác, cần khuyến khích thay đổi việc tiêu dùng không bền vững thông qua phát triển và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ có lợi cho môi trường và cho ra đời các công nghệ mới, bao gồm công nghệ thông tin về công nghệ truyền thông, mà có thể vừa thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng vừa giảm thiểu ô nhiễm và sự mất cân đối các nguồn lực tự nhiên.
58. Các chính phủ cần xây dựng hoặc phát triển các cơ chế quản lý hiệu quả để bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm các khía cạnh của tiêu dùng bền vững.
59. Các chính phủ cần xem xét một loạt các công cụ kinh tế, ví dụ như các công cụ tài khóa về chi phí môi trường, để thúc đẩy tiêu dùng bền vững, cần lưu ý các nhu cầu xã hội, nhu cầu và động lực gây ra hành vi bền vững, trong khi tránh những tác động tiêu cực tiềm tàng khi tiếp cận thị trường, đặc biệt là đối với những nước đang phát triển.
60. Các chính phủ, hợp tác với doanh nghiệp và các tổ chức liên quan khác, cần xây dựng những hướng dẫn, phương pháp luận và cơ sở dữ liệu đối với những tiến bộ theo hướng tiêu dùng hợp lý ở mọi cấp độ. Thông tin này cần được công bố công khai.
61. Các chính phủ và các tổ chức quốc tế cần đi đầu trong việc thực hiện các hoạt động bền vững trong hoạt động của mình, đặc biệt thông qua các chính sách mua sắm của họ. Ở những nơi thích hợp, mua sắm của chính phủ cần khuyến khích sự phát triển và sử dụng những sản phẩm và dịch vụ có lợi cho môi trường.
62. Các chính phủ và các tổ chức liên quan khác cần thúc đẩy nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng mà có liên quan tới thiệt hại đối với môi trường để xác định các biện pháp giúp tiêu dùng ngày càng bền vững.
I. Thương mại điện tử
63. Các quốc gia thành viên nên hướng tới việc nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào thương mại điện tử bằng cách tiếp tục phát triển chính sách bảo vệ người tiêu dùng minh bạch và hiệu quả, đảm bảo mức độ bảo vệ không thấp hơn khoản phải chi trả bằng các hình thức thương mại khác.
64. Các quốc gia thành viên, khi thích hợp, nên xem xét chính sách bảo vệ người tiêu dùng hiện tại để đảm bảo các chính sách này phù hợp với các tính năng đặc biệt của thương mại điện tử và đảm bảo rằng người tiêu dùng và doanh nghiệp được thông báo và nhận thức được các quyền của họ và nghĩa vụ trên thị trường kỹ thuật số.
65. Các quốc gia thành viên nên xem xét nghiên cứu các hướng dẫn quốc tế liên quan, các tiêu chuẩn về thương mại điện tử và các sửa đổi của tiêu chuẩn đó, và nếu được, cần tiến hành điều chỉnh các hướng dẫn và tiêu chuẩn này cho phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội và môi trường cho việc tuân thủ, cũng như cộng tác với các quốc gia thành viên trong việc thực hiện các nghĩa vụ trong các vụ việc xuyên biên giới. Khi làm như vậy, các quốc gia thành viên có thể muốn nghiên cứu Hướng dẫn Bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử của Tổ chức OECD.
J. Các dịch vụ tài chính
66. Các quốc gia thành viên nên thiết lập hoặc khuyến khích, nếu thích hợp:
(a) Các chính sách quản lý và thực thi bảo vệ người tiêu dùng tài chính;
(b) Các cơ quan giám sát có thẩm quyền và nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của họ;
(c) Các biện pháp kiểm soát và cơ chế bảo hiểm thích hợp để bảo vệ người tiêu dùng tài sản, bao gồm cả tiền gửi;
(d) Các chiến lược giáo dục tài chính được cải thiện nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về tài chính;
(e) Đối xử công bằng và công bố thông tin thích hợp, đảm bảo rằng các tổ chức tài chính cũng phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm về các hành động của các đại lý được ủy quyền của họ. Các nhà cung cấp dịch vụ tài chính nên có chính sách bằng văn bản về xung đột lợi ích để giúp phát hiện các xung đột lợi ích tiềm ẩn. Khi khả năng xảy ra xung đột lợi ích phát sinh giữa nhà cung cấp và bên thứ ba, việc xung đột này cần được thông báo cho người tiêu dùng để đảm bảo rằng người tiêu dùng có thể có thiệt hại do xung đột gây ra được biết để phòng tránh;
(f) Hoạt động kinh doanh có trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính và đại lý được ủy quyền, bao gồm cho vay có trách nhiệm và bán các sản phẩm phù hợp với nhu cầu và phương tiện của người tiêu dùng;
(g) Các biện pháp kiểm soát thích hợp để bảo vệ dữ liệu tài chính của người tiêu dùng, bao gồm từ gian lận và lạm dụng;
(h) Khung pháp lý thúc đẩy hiệu quả chi phí và tính minh bạch đối với chuyển tiền, để người tiêu dùng được cung cấp thông tin rõ ràng về giá cả và việc chuyển các khoản tiền được chuyển, tỷ giá hối đoái, tất cả các khoản phí và bất kỳ các chi phí khác liên quan đến việc chuyển tiền được cung cấp, cũng như các biện pháp khắc phục nếu chuyển giao không thành công.
67. Các quốc gia thành viên nên áp dụng các biện pháp để củng cố và tích hợp các chính sách bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến tài chính, giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính.
68. Các quốc gia thành viên có thể muốn xem xét các hướng dẫn quốc tế liên quan và các tiêu chuẩn về dịch vụ tài chính và các sửa đổi của chúng, và nếu thích hợp, điều chỉnh các hướng dẫn và tiêu chuẩn đó cho phù hợp với kinh tế, xã hội và môi trường hoàn cảnh để họ có thể tuân theo chúng, cũng như cộng tác với các quốc gia thành viên trong việc thực hiện của họ xuyên biên giới. Khi làm như vậy, các quốc gia thành viên có thể muốn nghiên cứu các Nguyên tắc Cấp cao về Bảo vệ Người tiêu dùng Tài chính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và Nhóm 20, cũng như các Nguyên tắc về Bao gồm Tài chính Đổi mới của Nhóm 20 và Các Thực tiễn Tốt về Bảo vệ Người tiêu dùng Tài chính của Ngân hàng Thế giới.
K. Các biện pháp liên quan đến các lĩnh vực cụ thể
69. Trong việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, đặc biệt ở các nước đang phát triển, nếu cho phép, các chính phủ cần ưu tiên cho các lĩnh vực được quan tâm đặc biệt về sức khỏe của người tiêu dùng như thức ăn, nước và thuốc chữa bệnh. Cần phê duyệt hoặc duy trì các chính sách về kiểm tra chất lượng sản phẩm, về các phương tiện phân phối an toàn và thích hợp, tiêu chuẩn hóa việc ghi nhãn quốc tế và thông tin, cũng như các chương trình giáo dục nghiên cứu ở các vùng này. Hướng dẫn của chính phủ đối với các lĩnh vực cụ thể cần được phát triển trong khuôn khổ các điều khoản của văn bản này.
70. Thực phẩm. Khi xây dựng các chính sách và kế hoạch nhà nước về thực phẩm, các chính phủ cần xem xét nhu cầu của tất cả những người tiêu dùng đối với sự an toàn thực phẩm, cần ủng hộ và nếu có thể, chấp nhận các tiêu chuẩn của Tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc, Tổ chức y tế thế giới của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Codex Limentarius cả WHO hoặc khi không có những tiêu chuẩn này thì công nhận các tiêu chuẩn về thực phẩm quốc tế đã được công nhận rộng rãi khác.
71. Các chính phủ cần đẩy mạnh các chính sách và hoạt động nông nghiệp bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ đất và nước, ghi nhận kiến thức truyền thống.
72. Nước. Trong khuôn khổ đề ra cho chương trình cấp nước quốc tế và Thập kỷ vệ sinh, các chính phủ cần xây dựng, duy trì và củng cố các chính sách nhà nước để cải tiến việc cung cấp, phân phối, và chất lượng nước uống. Cần phải quan tâm thích đáng đến việc lựa chọn những mức độ chất lượng và công nghệ phù hợp, đến nhu cầu cho các chương trình giáo dục và tầm quan trọng của việc tham gia của cộng đồng.
73. Các chính phủ cần đặt ưu tiên cao cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách và chương trình liên quan tới việc sử dụng nước, ghi nhận tầm quan trọng của sự phát triển bền vững của nước nói chung và thực tế hạn chế nguồn nước nói riêng.
74. Dược phẩm. Các chính phủ cần phát triển hoặc duy trì các tiêu chuẩn hợp lý, những quy định và các hệ thống điều hành phù hợp để đảm bảo chất lượng và việc sử dụng dược phẩm một cách hợp lý thông qua các chính sách thống nhất của nhà nước về dược phẩm. Những tiêu chuẩn và quy định đó cần đề cập đến việc cung ứng phân phối, sản xuất cấp chứng nhận các hệ thống đăng ký, và việc cung cấp những thông tin tin cậy về dược phẩm. Những tiêu chuẩn và quy định đó cần đề cập đến việc cung ứng phân phối, sản xuất, cấp chứng nhận các hệ thống đăng ký, và việc cung cấp những thông tin tin cậy về dược phẩm. Trong khi thực hiện, các chính phủ cần chú ý đặc biệt đến công việc và những kiến nghị của Tổ chức y tế thế giới về dược phẩm. Đối với những sản phẩm phù hợp, nên khuyến khích việc sử dụng bản kế hoạch cấp chứng chỉ về chất lượng của các loại dược phẩm đang lưu hành trên thương trường quốc tế và các hệ thống thông tin quốc tế khác của WHO về dược phẩm. Nếu được, cũng cần phải thực hiện những biện pháp đẩy mạnh việc sử dụng những tên gọi quốc tế không độc quyền cho các loại dược phẩm (INNs) do Tổ chức y tế thế giới vạch ra.
75. Ngoài những lĩnh vực ưu tiên nói ở trên, các chính phủ cần phê chuẩn những biện pháp phù hợp đối với lĩnh vực khác, như thuốc trừ sâu và hóa chất, và nếu được, quy định cả việc sử dụng, sản xuất, và lưu kho của các loại thuốc trên. Để thể hiện sự quan tâm thích đáng đến các thông tin về sức khỏe và môi trường, các chính phủ có thể yêu cầu người sản xuất phải cung cấp thông tin, kể cả việc ghi lại thông tin đó trên nhãn sản phẩm.
76. Năng lượng. Các quốc gia thành viên nên thúc đẩy khả năng tiếp cận phổ quát đối với năng lượng sạch và xây dựng, duy trì hoặc củng cố các chính sách quốc gia để cải thiện việc cung cấp, phân phối nguồn năng lượng với giá cả phải chăng tới người tiêu dùng theohoàn cảnh kinh tế. Cần cân nhắc để lựa chọn mức độ dịch vụ, chất lượng và công nghệ, giám sát quy định, nhu cầu các chương trình nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của sự tham gia của cộng đồng.
77. Tiện ích công cộng. Các quốc gia thành viên nên thúc đẩy khả năng tiếp cận phổ biến đối với công chúng tiện ích và xây dựng, duy trì hoặc củng cố các chính sách quốc gia để cải thiện các quy tắc và quy chế xử lý việc cung cấp dịch vụ, thông tin người tiêu dùng, tiền ký quỹ và thanh toán trước cho dịch vụ, phí thanh toán chậm, chấm dứt và khôi phụcdịch vụ, thiết lập kế hoạch thanh toán và giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các nhà cung cấp dịch vụ tiện ích, có tính đến nhu cầu của những người dễ bị tổn thương và người tiêu dùng thiệt thòi.
78. Du lịch. Các quốc gia thành viên cần đảm bảo rằng các chính sách bảo vệ người tiêu dùng của họ đủ để giải quyết việc tiếp thị và cung cấp hàng hóa và dịch vụ liên quan đến du lịch, bao gồm, nhưng không giới hạn, du lịch, chỗ ở của khách du lịch và chia sẻ thời gian. Đặc biệt, các quốc gia thành viên cần giải quyết các thách thức xuyên biên giới được thúc đẩy bởi hoạt động đó, bao gồm hợp tác thực thi và chia sẻ thông tin với các Quốc gia Thành viên khác, và cũng nên hợp tác với các bên liên quan trong lĩnh vực du lịch - lữ hành.
VI. Hợp tác quốc tế
79. Đặc biệt trong bối cảnh khu vực hoặc tiểu khu vực, các chính phủ cần:
(a) Phát triển, rà soát, duy trì hoặc củng cố các cơ chế trao đổi thông tin về những chính sách và biện pháp của nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng.
(b) Hợp tác và khuyến khích sự hợp tác trong việc áp dụng các chính sách bảo vệ người tiêu dùng nhằm đạt được những kết quả lớn hơn trong phạm vi những nguồn lực hiện có. Những ví dụ về sự hợp tác như vậy có thể là sự hợp tác trong việc lập ra hay phối hợp sử dụng những trang thiết bị thí nghiệm, những quy trình thử nghiệm chung, thay đổi những chương trình về thông tin và giáo dục người tiêu dùng, những chương trình tập huấn và phối hợp biên soạn các quy định.
(c) Hợp tác trong việc cải thiện những điều kiện để cung ứng những sản phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng, chú ý cả hai mặt giá cả và chất lượng. Sự hợp tác như vậy cần bao gồm việc phối hợp cung ứng những hàng hóa thiết yếu, trao đổi thông tin về khả năng cung ứng và những thỏa thuận về việc xác định đặc tính của sản phẩm trong địa phương.
80. Các chính phủ cần phát triển hoặc củng cố các mạng lưới thông tin có liên quan tới các sản phẩm đã và đang bị cấm, thu hồi hoặc thu hẹp phạm vi lưu hành nhằm tạo điều kiện cho các nước nhập khẩu khác tự bảo vệ có hiệu quả tránh những hậu quả tai hại của các sản phẩm đó.
81. Các chính phủ cần hành động để đảm bảo rằng chất lượng sản phẩm và những thông tin liên quan tới các sản phẩm đó không thay đổi trong các nước trên thế giới để có thể gây tác hại cho người tiêu dùng.
82. Các quốc gia thành viên cần nâng cao khả năng hợp tác chống các hành vi thương mại gian lận và lừa đảo xuyên biên giới, như một sứ mệnh vì lợi ích chung. Đồng thời, việc hợp tác trong các cuộc điều tra cụ thể hoặc các trường hợp được nêu trong hướng dẫn này vẫn nằm trong quyền quyết định của cơ quan thực thi bảo vệ người tiêu dùng được yêu cầu hợp tác.
83. Các cơ quan thực thi bảo vệ người tiêu dùng của các Quốc gia Thành viên nên điều phối các hoạt động điều tra và thực thi để tránh can thiệp vào hoạt động điều tra và các hoạt động thực thi của cơ quan thực thi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng diễn ra ở các khu vực pháp lý khác.
84. Các cơ quan thực thi bảo vệ người tiêu dùng của các Quốc gia Thành viên nên thực hiện mọi nỗ lực để giải quyết các bất đồng có thể nảy sinh liên quan đến hợp tác.
85. Các quốc gia thành viên và các cơ quan thực thi bảo vệ người tiêu dùng của họ nên tận dụng các mạng lưới quốc tế hiện có và tham gia song phương thích hợp và các thỏa thuận đa phương và các sáng kiến khác để thực hiện các hướng dẫn này.
86. Các quốc gia thành viên nên cho phép các cơ quan chính sách bảo vệ người tiêu dùng của họ, trong tham vấn với các cơ quan thực thi bảo vệ người tiêu dùng, để giữ vai trò chủ đạo trong việc phát triển khuôn khổ chống gian lận và lừa đảo thương mại thực hành, như được nêu trong các hướng dẫn này.
87. Các quốc gia thành viên được mời chỉ định một cơ quan thực thi bảo vệ người tiêu dùng hoặc cơ quan xây dựng chính sách bảo vệ người tiêu dùng giữ vai trò cơ quan đầu mối trong khuôn khổ hướng dẫn này. Việc chỉ định này nhằm hoàn thiện thủ tục và không tương đương với việc thay thế các phương thức hợp tác khác. Những chỉ định như vậy phải được thông báo cho Tổng thư ký.
88. Các quốc gia thành viên nên cung cấp cho các cơ quan thực thi bảo vệ người tiêu dùng của họ có thẩm quyền để điều tra, theo đuổi, có được và, nếu thích hợp, chia sẻ thông tin và bằng chứng liên quan, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến các hành vi thương mại gian dối và lừa đảo ảnh hưởng đến người tiêu dùng xuyên biên giới. Thẩm quyền này nên mở rộng hợp tác với cơ quan thực thi bảo vệ người tiêu dùng nước ngoài các cơ quan và các đối tác nước ngoài thích hợp khác.
89. Các quốc gia thành viên nên xem xét việc tham gia vào các thỏa thuận để cải thiện tư pháp quốc tế và hợp tác liên cơ quan trong thu hồi tài sản ở nước ngoài và việc thi hành quyết định trong các vụ việc xuyên biên giới.
90. Các quốc gia thành viên có thể muốn xem xét các hướng dẫn quốc tế liên quan và các tiêu chuẩn về bảo vệ người tiêu dùng khỏi thực tiễn gian lận và lừa đảo thương mại xuyên biên giới, trong việc xem xét thẩm quyền pháp lý để cung cấp cho người tiêu dùng của họcác cơ quan thực thi bảo vệ và, nếu thích hợp, điều chỉnh các hướng dẫn đó và tiêu chuẩn đối với hoàn cảnh của họ. Khi làm như vậy, các Quốc gia Thành viên có thể muốn nghiên cứu Hướng dẫn bảo vệ người tiêu dùng khỏi Thực tiễn gian lận và lừa đảo thương mại xuyên biên giới của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế.
91. Để thúc đẩy tiêu dùng bền vững, các chính phủ, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp cần hợp tác với nhau để phát triển, chuyển giao và tuyên truyền về các công nghệ có lợi cho môi trường, bao gồm thông qua các hỗ trợ tài chính từ các nước phát triển, và để tạo ra các cơ chế mới hỗ trợ việc trao đổi giữa tất cả các nước, đặc biệt là đối với và giữa các nước đang phát triển và những nước có nền kinh tế chuyển đổi.
92. Các chính phủ và các tổ chức quốc tế, ở những nơi thích hợp, cần thúc đẩy và tạo điều kiện xây dựng năng lực trong lĩnh vực tiêu dùng bền vững, đặc biệt là ở những nước đang phát triển và những nước có nền kinh tế chuyển đổi. Đặc biệt, các chính phủ cũng cần tạo điều kiện hợp tác giữa các nhóm người tiêu dùng và các tổ chức quần chúng liên quan nhằm mục đích xây và củng cố năng lực trong lĩnh vực này.
93. Các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế, khi thích hợp, nên thúc đẩy các chương trình liên quan đến thông tin và giáo dục người tiêu dùng.
94. Các quốc gia thành viên cần nỗ lực để đảm bảo rằng các chính sách và biện pháp cho người tiêu dùng bảo vệ được thực hiện một cách thận trọng để chúng không trở thành rào cản đối với thương mại quốc tế cũng như phù hợp với các nghĩa vụ thương mại quốc tế.
VII. Cơ cấu thể chế quốc tế
A. Cơ cấu thể chế
95. Một nhóm chuyên gia liên chính phủ về luật và chính sách bảo vệ người tiêu dùng, hoạt động trong khuôn khổ của một ủy ban thương mại hiện có và Ban phát triển của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, sẽ hoàn thiện bộ máy thể chế.
96. Các quốc gia thành viên cần thực hiện các bước thích hợp ở cấp quốc gia hoặc khu vực để thực hiện các hướng dẫn này.
B. Chức năng của nhóm chuyên gia liên chính phủ về pháp luật và chính sách bảo vệ người tiêu dùng
97. Nhóm chuyên gia liên chính phủ về luật và chính sách bảo vệ người tiêu dùng sẽ có các chức năng sau:
(a) Cung cấp một diễn đàn hàng năm và các phương thức tham vấn đa phương, thảo luận và trao đổi quan điểm giữa các Quốc gia Thành viên về các vấn đề liên quan đến
các hướng dẫn, đặc biệt là việc thực hiện chúng và kinh nghiệm phát sinh từ đó;
(b) Thực hiện các nghiên cứu và nghiên cứu định kỳ về bảo vệ người tiêu dùng các vấn đề liên quan đến hướng dẫn dựa trên sự đồng thuận và lợi ích của Thành viên Tiểu bang và phổ biến chúng nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm và mang lại hiệu quả cao hơn cho các hướng dẫn;
(c) Thực hiện các đánh giá đồng cấp tự nguyện về bảo vệ người tiêu dùng quốc gia
chính sách của các Quốc gia Thành viên, do các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng thực hiện;
(d) Thu thập và phổ biến thông tin về các vấn đề liên quan đến tổng thể các kết quả đạt được của các mục tiêu trong hướng dẫn và các bước thích hợp mà các quốc gia thành viên đã thực hiện ở cấp quốc gia hoặc khu vực để thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả mục tiêu và nguyên tắc;
(e) Cung cấp hỗ trợ xây dựng năng lực và kỹ thuật để phát triển các quốc gia và nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi trong việc xây dựng và thực thi người tiêu dùng luật pháp và chính sách bảo vệ;
(f) Xem xét các nghiên cứu, tài liệu và báo cáo liên quan từ các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác và mạng, để trao đổi thông tin về các chương trình làm việc và các chủ đề cho tham vấn và xác định các dự án chia sẻ công việc và hợp tác trong việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật;
(g) Đưa ra các báo cáo và khuyến nghị thích hợp về người tiêu dùng chính sách bảo hộ của các Quốc gia Thành viên, bao gồm cả việc áp dụng và thực hiện của những hướng dẫn này;
(h) Hoạt động trung gian và báo cáo cho Hội nghị Liên hợp quốc để xem xét tất cả các khía cạnh của Bộ các Nguyên tắc Công bằng được Đa phương nhất trí và Quy tắc Kiểm soát Các Thực tiễn Kinh doanh Hạn chế;
(i) Tiến hành đánh giá định kỳ các hướng dẫn, khi được ủy quyền của Hội nghị Liên hợp quốc rà soát tất cả các khía cạnh của Các nguyên tắc và quy tắc bình đẳng đã được thống nhất Song phương để kiểm soát thực tiễn hoạt động kinh doanh bất bình đẳng;
(j) Để thiết lập các thủ tục và phương pháp làm việc có thể cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình.
98. Trong việc thực hiện các chức năng của mình, cả nhóm liên chính phủ và nhóm các cơ quan trực thuộc sẽ thông qua phán quyết về các hoạt động hoặc hành vi của cá nhân từng quốc gia thành viên hoặc các doanh nghiệp riêng lẻ có liên quan đến một doanh nghiệp cụ thể. Nhóm liên chính phủ hoặc các cơ quan trực thuộc nên tránh tham gia khi các doanh nghiệp tham gia vào một giao dịch kinh doanh cụ thể đang phát sinh tranh chấp.
99. Nhóm liên chính phủ sẽ thiết lập các thủ tục có thể cần thiết để giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo mật.
QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU VÀ CÁC HỘI ĐỒNG
|
về các thị trường có tính cạnh tranh và công bằng trong lĩnh vực kỹ thuật số
(Đạo luật thị trường kỹ thuật số)
|
(3) “Dịch vụ thông tin xã hội” nghĩa là bất kỳ dịch vụ trong phạm vi định nghĩa tại khoản (b) Điều 1(1) trong Chỉ thị (EU) 2015/1535;
(4) “Lĩnh vực kỹ thuật số” nghĩa là lĩnh vực sản phẩm và dịch vụ được cung cấp bằng hoặc thông qua các dịch vụ thông tin xã hội;
(5) “Các dịch vụ trung gian trực tuyến” nghĩa là các dịch vụ được định nghĩa tại khoản 2 Điều 2 Quy định (EU) 2019/1150;
(6) “Công cụ tìm kiếm trực tuyến” nghĩa là một dịch vụ kỹ thuật số được định nghĩa tại khoản 5 Điều 2 Quy định (EU) 2019/1150;
(7) “Dịch vụ mạng xã hội trực tuyến” nghĩa là một nền tảng cho phép người dùng cuối kết nối, chia sẻ, khám phá và giao tiếp với nhau trên nhiều thiết bị và đặc biệt là qua các cuộc trò chuyện, bài đăng, video và đề xuất;
(9) 'Dịch vụ liên lạc giữa các cá nhân độc lập với số điện thoại' có nghĩa là một dịch vụ như được định nghĩa tại khoản 7 của Điều 2 của Chỉ thị (EU) 2018/1972;
(10) 'Hệ điều hành' có nghĩa là phần mềm hệ thống kiểm soát các chức năng cơ bản của phần cứng hoặc phần mềm và cho phép các ứng dụng phần mềm chạy trên đó;
(11) 'Dịch vụ điện toán đám mây' có nghĩa là một dịch vụ kỹ thuật số như được định nghĩa tại khoản 19 của Điều 4 của Chỉ thị (EU) 2016/1148 của Nghị viện và của Hội đồng Châu Âu;
(12) 'Cửa hàng ứng dụng phần mềm' có nghĩa là một loại dịch vụ trung gian trực tuyến, tập trung vào các ứng dụng phần mềm như sản phẩm hoặc dịch vụ trung gian;
(13) 'Ứng dụng phần mềm' có nghĩa là bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ kỹ thuật số nào chạy trên hệ điều hành;
(14) 'Dịch vụ phụ trợ' có nghĩa là các dịch vụ được cung cấp trong bối cảnh hoặc cùng với các dịch vụ nền tảng cốt lõi, bao gồm các dịch vụ thanh toán như được định nghĩa tại khoản 3 của Điều 4 và các dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ việc cung cấp các dịch vụ thanh toán như được định nghĩa tại Điều 3 (j) của Chỉ thị (EU) 2015/2366, các dịch vụ thực hiện, nhận dạng hoặc quảng cáo;
(15) "Dịch vụ nhận dạng" có nghĩa là một loại dịch vụ phụ trợ cho phép bất kỳ loại xác minh nào về danh tính của người dùng cuối hoặc người dùng doanh nghiệp, bất kể công nghệ được sử dụng là gì;
(16) 'Người dùng cuối' có nghĩa là bất kỳ thể nhân hoặc pháp nhân nào sử dụng các dịch vụ nền tảng cốt lõi không phải là người dùng doanh nghiệp;
(17) 'Người dùng doanh nghiệp' có nghĩa là bất kỳ thể nhân hoặc pháp nhân nào hoạt động với tư cách thương mại hoặc chuyên môn bằng cách sử dụng các dịch vụ nền tảng cốt lõi cho mục đích hoặc trong quá trình cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ cho người dùng cuối;
(18) 'Xếp hạng' có nghĩa là mức độ nổi bật tương đối đối với hàng hóa hoặc dịch vụ được cung cấp thông qua các dịch vụ trung gian trực tuyến hoặc dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, hoặc mức độ liên quan được cung cấp cho kết quả tìm kiếm bởi các công cụ tìm kiếm trực tuyến, như được trình bày, tổ chức hoặc truyền đạt bởi các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trực tuyến dịch vụ hoặc của các dịch vụ mạng xã hội trực tuyến hoặc của các nhà cung cấp công cụ tìm kiếm trực tuyến, bất kể phương tiện công nghệ nào được sử dụng cho việc trình bày, tổ chức hoặc giao tiếp đó;
(19) ‘Dữ liệu’ có nghĩa là bất kỳ bản trình bày kỹ thuật số nào về các hành vi, sự kiện hoặc thông tin và bất kỳ tổng hợp nào của các hành vi, sự kiện hoặc thông tin đó, bao gồm dưới dạng ghi âm, hình ảnh hoặc nghe nhìn;
(20) ‘Dữ liệu cá nhân’ có nghĩa là bất kỳ thông tin nào như được định nghĩa tại Khoản 1 của Điều 4 Quy định (EU) 2016/679;
(21) ‘Dữ liệu không phải dữ liệu cá nhân’ có nghĩa là dữ liệu không phải là dữ liệu cá nhân như được định nghĩa tại Khoản 1 của Điều 4 Quy định (EU) 2016/679;
(22) 'Cam kết' có nghĩa là tất cả các doanh nghiệp được liên kết hoặc các cam kết được kết nối tạo thành một nhóm thông qua sự kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp của một doanh nghiệp hoặc do một doanh nghiệp khác thực hiện và tham gia vào một hoạt động kinh tế, bất kể địa vị pháp lý và cách thức hoạt động của họ. được tài trợ;
(23) 'Kiểm soát' có nghĩa là khả năng thực hiện ảnh hưởng quyết định đối với một cam kết, như được hiểu trong Quy định (EU) số 139/2004.
1. Một nhà cung cấp các dịch vụ nền tảng cốt lõi sẽ được chỉ định làm người gác cổng nếu:
(b) vận hành một dịch vụ nền tảng cốt lõi, đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng để người dùng doanh nghiệp tiếp cận người dùng cuối; và
(c) có một vị trí vững chắc và lâu dài trong hoạt động của mình hoặc có thể thấy trước rằng nó sẽ được hưởng một vị trí như vậy trong tương lai gần.
2. Một nhà cung cấp các dịch vụ nền tảng cốt lõi sẽ được coi là đáp ứng:
(a) yêu cầu tại khoản 1 điểm (a) trong đó cam kết thực hiện đạt được doanh thu EEA hàng năm bằng hoặc cao hơn 6,5 tỷ EUR trong ba năm tài chính gần nhất, hoặc khi vốn hóa thị trường trung bình hoặc giá trị thị trường hợp lý tương đương trong số cam kết mà nó thực hiện lên tới ít nhất 65 tỷ EUR trong năm tài chính vừa qua và nó cung cấp dịch vụ nền tảng cốt lõi ở ít nhất ba Quốc gia Thành viên;
(b) yêu cầu tại khoản 1 điểm (b) trong đó nó cung cấp dịch vụ nền tảng cốt lõi có hơn 45 triệu người dùng cuối hoạt động hàng tháng được thành lập hoặc đặt tại Liên minh và hơn 10 000 người dùng doanh nghiệp hoạt động hàng năm được thành lập trong Liên minh trong năm tài chính trước;
với mục đích của tiểu đoạn đầu tiên, người dùng cuối hoạt động hàng tháng sẽ là số lượng người dùng cuối hoạt động hàng tháng trung bình trong suốt phần lớn nhất của năm tài chính vừa qua;
3. Trường hợp nhà cung cấp các dịch vụ nền tảng cốt lõi đáp ứng tất cả các ngưỡng trong khoản 2, nó sẽ thông báo cho Ủy ban về điều đó trong vòng ba tháng sau khi các ngưỡng đó được thỏa mãn và cung cấp cho họ thông tin liên quan được xác định trong khoản 2. Thông báo đó sẽ bao gồm các thông tin liên quan. thông tin được xác định trong khoản 2 cho từng dịch vụ nền tảng cốt lõi của nhà cung cấp đáp ứng các ngưỡng trong khoản 2 điểm (b). Thông báo sẽ được cập nhật bất cứ khi nào các dịch vụ nền tảng cốt lõi khác đáp ứng riêng các ngưỡng trong khoản 2 điểm (b).
Việc một nhà cung cấp dịch vụ nền tảng cốt lõi có liên quan không báo cáo về các thông tin được yêu cầu tại khoản này sẽ không ngăn cản Ủy ban chỉ định các nhà cung cấp này làm người gác cổng theo khoản 4 tại bất cứ thời điểm nào.
4. Ủy ban sẽ không chậm trễ quá mức và chậm nhất là 60 ngày sau khi nhận được thông tin đầy đủ được đề cập trong khoản 3, chỉ định nhà cung cấp các dịch vụ nền tảng cốt lõi đáp ứng tất cả các ngưỡng của khoản 2 làm người gác cổng, trừ khi nhà cung cấp đó, với thông báo của nó, trình bày các lập luận đủ cơ sở để chứng minh rằng, trong trường hợp dịch vụ nền tảng cốt lõi liên quan hoạt động và có tính đến các yếu tố được liệt kê trong đoạn 6, nhà cung cấp không đáp ứng các yêu cầu của khoản 1.
Trong trường hợp người gác cổng trình bày các lập luận đủ cơ sở để chứng minh rằng nó không đáp ứng các yêu cầu của đoạn 1, thì Ủy ban sẽ áp dụng đoạn 6 để đánh giá liệu các tiêu chí trong đoạn 1 có được đáp ứng hay không.
5. Ủy ban được trao quyền thông qua các hành vi được ủy quyền phù hợp với Điều 37 để chỉ rõ phương pháp xác định liệu các ngưỡng định lượng nêu tại khoản 2 có được đáp ứng hay không, và thường xuyên điều chỉnh nó theo sự phát triển của thị trường và công nghệ khi cần thiết, đặc biệt là liên quan đến ngưỡng tại khoản 2, điểm (a).
6. Ủy ban có thể xác định là người gác cổng, theo thủ tục quy định tại Điều 15, bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ nền tảng cốt lõi nào đáp ứng từng yêu cầu được nêu tại khoản 1, nhưng không đáp ứng từng ngưỡng của khoản 2, hoặc đã trình bày các lập luận chứng minh đầy đủ phù hợp với khoản 4.
(a) quy mô, bao gồm doanh thu và vốn hóa thị trường, hoạt động và vị thế của nhà cung cấp các dịch vụ nền tảng cốt lõi;
(b) số lượng người dùng doanh nghiệp tùy thuộc vào dịch vụ nền tảng cốt lõi để tiếp cận người dùng cuối và số lượng người dùng cuối;
(c) các rào cản gia nhập bắt nguồn từ hiệu ứng mạng và lợi thế theo hướng dữ liệu, đặc biệt là liên quan đến quyền truy cập và thu thập dữ liệu cá nhân và phi cá nhân hoặc khả năng phân tích của nhà cung cấp;
(d) quy mô và phạm vi ảnh hưởng mà nhà cung cấp được hưởng lợi, bao gồm cả liên quan đến dữ liệu;
(f) các đặc điểm cấu trúc khác của thị trường.
Khi thực hiện đánh giá của mình, Ủy ban sẽ tính đến những phát triển có thể thấy trước của các yếu tố này.
Trường hợp nhà cung cấp dịch vụ nền tảng cốt lõi đáp ứng các ngưỡng định lượng của khoản 2 không tuân thủ các biện pháp điều tra do Ủy ban yêu cầu theo cách thức nghiêm trọng và lỗi vẫn tiếp diễn sau khi nhà cung cấp được mời tuân thủ trong một thời hạn hợp lý và để gửi các quan sát, Ủy ban sẽ có quyền chỉ định nhà cung cấp đó làm người gác cổng.
Trường hợp nhà cung cấp dịch vụ nền tảng cốt lõi không đáp ứng các ngưỡng định lượng của khoản 2 không tuân thủ các biện pháp điều tra do Ủy ban yêu cầu một cách đáng kể và lỗi vẫn tiếp diễn sau khi nhà cung cấp được mời tuân thủ trong một thời gian hợp lý- giới hạn và gửi các quan sát, Ủy ban sẽ có quyền chỉ định nhà cung cấp đó làm người gác cổng dựa trên các dữ kiện có sẵn.
7. Đối với mỗi người gác cổng được xác định theo đoạn 4 hoặc đoạn 6, Ủy ban sẽ xác định cam kết liên quan mà nó thuộc về và liệt kê các dịch vụ nền tảng cốt lõi có liên quan được cung cấp trong cùng cam kết đó và những dịch vụ này đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng để người dùng doanh nghiệp có thể tiếp cận. người dùng cuối như đã đề cập trong khoản 1 (b).
8. Người gác cổng phải tuân thủ các nghĩa vụ quy định tại Điều 5 và 6 trong vòng sáu tháng sau khi dịch vụ nền tảng cốt lõi được đưa vào danh sách theo khoản 7 của Điều này.
1. Ủy ban có thể theo yêu cầu hoặc đề xuất việc xem xét, sửa đổi hoặc bãi bỏ bất cứ lúc nào quyết định được thông qua theo Điều 3 vì một trong những lý do sau:
(b) quyết định dựa trên thông tin không đầy đủ, không chính xác hoặc gây hiểu nhầm do các cam kết cung cấp.
2. Ủy ban sẽ thường xuyên, và ít nhất 2 năm một lần, xem xét liệu những người giữ cổng được chỉ định có tiếp tục đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 3 (1) hay không, hoặc liệu các nhà cung cấp dịch vụ nền tảng cốt lõi mới có đáp ứng các yêu cầu đó hay không. Việc đánh giá thường xuyên cũng sẽ kiểm tra xem danh sách các dịch vụ nền tảng cốt lõi bị ảnh hưởng của người quản lý cổng có cần được điều chỉnh hay không.
Nếu Ủy ban, trên cơ sở xem xét, nhận thấy rằng các sự kiện mà việc chỉ định các nhà cung cấp dịch vụ nền tảng cốt lõi làm người gác cổng đã thay đổi, thì Ủy ban sẽ thông qua một quyết định tương ứng.
3. Ủy ban sẽ xuất bản và cập nhật danh sách những người gác cổng và danh sách các dịch vụ nền tảng cốt lõi mà họ cần phải tuân thủ các nghĩa vụ quy định tại Điều 5 và 6 trên cơ sở liên tục.
Đối với mỗi dịch vụ nền tảng cốt lõi của nó được xác định theo Điều 3 (7), người gác cổng phải:
(a) hạn chế kết hợp dữ liệu cá nhân có nguồn từ các dịch vụ nền tảng cốt lõi này với dữ liệu cá nhân từ bất kỳ dịch vụ nào khác do người quản lý cổng cung cấp hoặc với dữ liệu cá nhân từ các dịch vụ của bên thứ ba và không đăng nhập người dùng cuối vào các dịch vụ khác của người quản lý cổng để kết hợp dữ liệu cá nhân , trừ khi người dùng cuối đã được đưa ra lựa chọn cụ thể và được sự đồng ý theo nghĩa của Quy định (EU) 2016/679. ;
(b) cho phép người dùng doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ giống nhau cho người dùng cuối thông qua các dịch vụ trung gian trực tuyến của bên thứ ba với mức giá hoặc điều kiện khác với giá hoặc điều kiện được cung cấp thông qua các dịch vụ trung gian trực tuyến của người giữ cổng;
(c) cho phép người dùng doanh nghiệp quảng bá ưu đãi cho người dùng cuối có được thông qua dịch vụ nền tảng cốt lõi và ký kết hợp đồng với những người dùng cuối này bất kể họ có sử dụng dịch vụ nền tảng cốt lõi của người gác cổng hay không và cho phép người dùng cuối truy cập và sử dụng, thông qua các dịch vụ nền tảng cốt lõi của người gác cổng, nội dung, đăng ký, tính năng hoặc các mục khác bằng cách sử dụng ứng dụng phần mềm của người dùng doanh nghiệp, trong đó những mục này đã được người dùng cuối mua lại từ người dùng doanh nghiệp có liên quan mà không cần sử dụng phần mềm chính dịch vụ nền tảng của người gác cổng;
(d) không ngăn cản hoặc hạn chế người dùng doanh nghiệp nêu vấn đề với bất kỳ cơ quan công quyền có liên quan nào liên quan đến bất kỳ hoạt động nào của người gác cổng;
(e) không yêu cầu người dùng doanh nghiệp sử dụng, cung cấp hoặc tương tác với dịch vụ nhận dạng của người gác cổng trong bối cảnh các dịch vụ được cung cấp bởi người dùng doanh nghiệp bằng cách sử dụng các dịch vụ nền tảng cốt lõi của người giữ cổng đó;
(f) không yêu cầu người dùng doanh nghiệp hoặc người dùng cuối đăng ký hoặc đăng ký với bất kỳ dịch vụ nền tảng cốt lõi nào khác được xác định theo Điều 3 hoặc đáp ứng các ngưỡng trong Điều 3 (2) (b) như một điều kiện để truy cập, đăng ký hoặc đăng ký bất kỳ dịch vụ nền tảng cốt lõi nào của họ được xác định theo Điều đó;
(g) cung cấp cho các nhà quảng cáo và nhà xuất bản mà họ cung cấp dịch vụ quảng cáo, theo yêu cầu của họ, thông tin liên quan đến giá mà nhà quảng cáo và nhà xuất bản trả, cũng như số tiền hoặc thù lao được trả cho nhà xuất bản, để xuất bản một quảng cáo nhất định và cho từng dịch vụ quảng cáo có liên quan do người gác cổng cung cấp.
1. Đối với mỗi dịch vụ nền tảng cốt lõi của nó được xác định theo Điều 3 (7), người gác cổng phải:
(a) hạn chế sử dụng, cạnh tranh với người dùng là doanh nghiệp, bất kỳ dữ liệu nào không có sẵn công khai, được tạo ra thông qua các hoạt động của những người dùng là doanh nghiệp đó, bao gồm cả người dùng cuối của những người dùng doanh nghiệp này, các dịch vụ nền tảng cốt lõi của nó hoặc được cung cấp bởi những người dùng là doanh nghiệp đó của các dịch vụ nền tảng cốt lõi của nó hoặc bởi người dùng cuối của những người dùng là doanh nghiệp này;
(b) cho phép người dùng cuối hủy cài đặt bất kỳ ứng dụng phần mềm được cài đặt sẵn nào trên dịch vụ nền tảng cốt lõi của nó mà không ảnh hưởng đến khả năng người gác cổng hạn chế việc hủy cài đặt đó liên quan đến các ứng dụng phần mềm cần thiết cho hoạt động của hệ điều hành hoặc của thiết bị và về mặt kỹ thuật không thể được cung cấp độc lập bởi các bên thứ ba;
(c) cho phép cài đặt và sử dụng hiệu quả các ứng dụng phần mềm của bên thứ ba hoặc các kho ứng dụng phần mềm đang sử dụng hoặc tương tác với hệ điều hành của người gác cổng đó và cho phép các ứng dụng phần mềm hoặc kho ứng dụng phần mềm này được truy cập bằng các phương tiện khác với các dịch vụ nền tảng cốt lõi của người gác cổng đó. Người gác cổng sẽ không được thực hiện các biện pháp tương xứng để đảm bảo rằng các ứng dụng phần mềm của bên thứ ba hoặc các cửa hàng ứng dụng phần mềm không gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn của phần cứng hoặc hệ điều hành do người gác cổng cung cấp;
(d) không đối xử thuận lợi hơn trong việc xếp hạng các dịch vụ và sản phẩm do chính người gác cổng hoặc bất kỳ bên thứ ba nào thuộc cùng cam kết cung cấp so với các dịch vụ hoặc sản phẩm tương tự của bên thứ ba và áp dụng các điều kiện công bằng và không phân biệt đối xử để xếp hạng đó;
(e) hạn chế về mặt kỹ thuật khả năng chuyển đổi giữa và đăng ký của người dùng cuối với các ứng dụng và dịch vụ phần mềm khác nhau được truy cập bằng hệ điều hành của người gác cổng, bao gồm cả việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ truy cập Internet cho người dùng cuối;
(f) cho phép người dùng doanh nghiệp và nhà cung cấp các dịch vụ phụ trợ truy cập và khả năng tương tác với cùng một hệ điều hành, các tính năng phần cứng hoặc phần mềm có sẵn hoặc được sử dụng trong việc cung cấp bởi người gác cổng của bất kỳ dịch vụ phụ trợ nào;
(g) cung cấp miễn phí cho các nhà quảng cáo và nhà xuất bản quyền truy cập vào các công cụ đo lường hiệu suất của người gác cổng và thông tin cần thiết để các nhà quảng cáo và nhà xuất bản thực hiện xác minh độc lập của họ về khoảng không quảng cáo;
(h) cung cấp tính khả chuyển hiệu quả của dữ liệu được tạo ra thông qua hoạt động của người dùng doanh nghiệp hoặc người dùng cuối và cụ thể là cung cấp các công cụ cho người dùng cuối để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tính khả chuyển của dữ liệu, phù hợp với Quy định của EU 2016/679, bao gồm cả cung cấp quyền truy cập liên tục và thời gian thực;
(i) cung cấp miễn phí cho người dùng doanh nghiệp hoặc bên thứ ba được người dùng doanh nghiệp ủy quyền quyền truy cập hiệu quả, chất lượng cao, liên tục và theo thời gian thực và sử dụng dữ liệu tổng hợp hoặc không tổng hợp, được cung cấp hoặc tạo trong bối cảnh của việc sử dụng các dịch vụ nền tảng cốt lõi có liên quan của những người dùng doanh nghiệp đó và những người dùng cuối tương tác với các sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp bởi những người dùng doanh nghiệp đó; đối với dữ liệu cá nhân, chỉ cung cấp quyền truy cập và sử dụng khi được kết nối trực tiếp với việc sử dụng do người dùng cuối thực hiện liên quan đến các sản phẩm hoặc dịch vụ do người dùng doanh nghiệp có liên quan cung cấp thông qua dịch vụ nền tảng cốt lõi có liên quan và khi người dùng cuối chọn tham gia chia sẻ đó với sự đồng ý theo nghĩa của Quy chế (EU) 2016/679;
(j) cung cấp cho bất kỳ nhà cung cấp bên thứ ba nào của công cụ tìm kiếm trực tuyến, theo yêu cầu của họ, quyền truy cập theo các điều khoản công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử để xếp hạng, truy vấn, nhấp và xem dữ liệu liên quan đến tìm kiếm miễn phí và có trả tiền được tạo bởi người dùng cuối trên công cụ tìm kiếm trực tuyến của người gác cổng, có thể ẩn danh cho truy vấn, nhấp và xem dữ liệu cấu thành dữ liệu cá nhân;
(k) áp dụng các điều kiện truy cập chung công bằng và không phân biệt đối xử cho người dùng doanh nghiệp vào kho ứng dụng phần mềm được chỉ định theo Điều 3 của Quy định này.
2. Theo mục đích của điểm (a) khoản 1, dữ liệu không được công bố rộng rãi sẽ bao gồm bất kỳ dữ liệu tổng hợp và không tổng hợp nào do người dùng doanh nghiệp tạo ra có thể được suy ra hoặc thu thập thông qua các hoạt động thương mại của người dùng doanh nghiệp hoặc của họ khách hàng về dịch vụ nền tảng cốt lõi của người gác cổng.