Skip Ribbon Commands
Skip to main content

DỰ THẢO ONLINE

Nơi cử tri tham gia vào hoạt động lập pháp của quốc hội
Thứ bảy, 04/05/2024

  • Lĩnh vực: Pháp luật
  • Cơ quan trình dự thảo: Chính phủ
  • Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Tư pháp
  • Cơ quan thẩm tra: Ủy ban Pháp luật
  • Dự kiến thảo luận tại: Khóa XIV - Đang cập nhật
  • Dự kiến thông qua tại: Khóa XIV - Đang cập nhật
  • Trạng thái: Đã thông qua

Phạm vi điều chỉnh

Pháp lệnh này quy định việc pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật để xây dựng Bộ pháp điển; cập nhật, duy trì Bộ pháp điển; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện pháp điển và quản lý công tác pháp điển.

Duthao01-Phapdienhoa.doc

 PHÁP LỆNH
PHÁP ĐIỂN HỆ THỐNG QUY PHẠM PHÁP LUẬT

  Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;

Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

 

Chương I:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Pháp lệnh này quy định việc pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật để xây dựng Bộ pháp điển; cập nhật, duy trì Bộ pháp điển; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện pháp điển và quản lý công tác pháp điển.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Pháp lệnh này các từ ngừ dưới đây được hiểu như sau:

 “Pháp điển” là việc cơ quan nhà nước thu thập, rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật còn hiệu lực thành Bộ pháp điển theo trình tự, thủ tục do Pháp lệnh này quy định.

“Bộ pháp điển” là tập hợp toàn bộ quy phạm pháp luật đã được pháp điển theo từng chủ đề.

 “Chủ đề” nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định được phân chia theo chức năng của các cơ quan nhà nước hoặc theo các lĩnh vực pháp luật.

4. “Đề mục” là nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định thuộc chủ đề.

Điều 3. Mục đích của pháp điển

Pháp điển nhằm mục đích tạo công cụ để dễ dàng tra cứu, tiếp cận, áp dụng và thực hiện pháp luật, góp phần làm minh bạch hóa và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Điều 4. Các quy phạm pháp luật được pháp điển

1. Các quy phạm pháp luật được pháp điển bao gồm các quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, trừ Hiến pháp.

2. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật đã được hợp nhất thì thực hiện pháp điển các quy phạm pháp luật theo văn bản hợp nhất.

Điều 5. Nguyên tắc pháp điển

1. Không làm thay đổi nội dung của quy phạm pháp luật được pháp điển.

2. Tuân thủ thứ bậc hiệu lực pháp lý của các quy phạm pháp luật được pháp điển.

3. Tuân thủ thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện pháp điển.

Điều 6. Cơ quan thực hiện pháp điển

Cơ quan thực hiện pháp điển bao gồm:

1. Bộ, cơ quan ngang bộ.

2. Tòa án nhân dân tối cao.

3. Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

4. Kiểm toán nhà nước.

5. Văn phòng Quốc hội.

Chương II : BỘ PHÁP ĐIỂN

Điều 7. Cấu trúc của Bộ pháp điển

Bộ pháp điển được cấu trúc theo các chủ đề.

Mỗi chủ đề có thể có một hoặc nhiều đề mục.

Trong đề mục có thể có các phần; trong phần có thể có các mục; trong mục có thể có các tiểu mục; tiểu mục gồm các điều.

Điều 8. Tên và số thứ tự các chủ đề

1. Tên và số thứ tự các chủ đề trong Bộ pháp điển được quy định và sắp xếp như sau:

1.     An ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội

2.     An toàn thực phẩm

3.     Báo chí

4.     Biên giới lãnh thổ quốc gia

5.     Biển và hải đảo

6.     Bộ máy hành chính nhà nước

7.     Bổ trợ tư pháp

8.     Bưu chính

9.     Các vấn đề xã hội

10.      Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước

11.      Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

12.      Chính phủ

13.      Chính quyền địa phương và dân chủ ở cơ sở

14.      Chủ quyền quốc gia

15.      Chủ tịch nước

16.      Chứng khoán

17.      Cơ yếu

18.      Công an nhân dân

19.      Công nghệ thông tin

20.      Công nghiệp

21.      Dân số

22.      Dân sự

23.      Dân tộc

24.      Doanh nghiệp và hợp tác xã

25.      Du lịch

26.      Dược

27.      Đất đai

28.      Đấu thầu

29.      Đầu tư

30.      Điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế

31.      Đo lường chất lượng

32.      Gia đình

33.      Giáo dục và đào tạo

34.      Giao thông vận tải

35.      Hải quan

36.      Hành chính tư pháp

37.      Hình sự

38.      Hỗ trợ, viện trợ phát triển

39.      Hội và tổ chức phi Chính phủ

40.      Kế toán

41.      Khiếu nại, tố cáo

42.      Khoa học và công nghệ

43.      Khu kinh tế

44.      Kiểm toán

45.      Kiến trúc, quy hoạch xây dựng

46.      Kinh doanh bất động sản

47.      Lâm nghiệp

48.      Lao động

49.      Môi trường

50.      Năng lượng

51.      Năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân

52.      Ngân hàng

53.      Ngân sách

54.      Ngoại giao

55.      Người có công

56.      Nhà ở và công sở

57.      Nông nghiệp và phát triển nông thôn, diêm nghiệp

58.      Phát triển đô thị

59.      Phòng, chống tham nhũng

60.      Phổ biến giáo dục và thi hành pháp luật

61.      Quân đội nhân dân

62.      Quốc hội

63.      Quốc phòng

64.      Quy hoạch, kế hoạch

65.      Sở hữu trí tuệ

66.      Tài chính

67.      Tài nguyên, khoáng sản

68.      Thanh tra

69.      Thể dục, thể thao

70.      Thi đua khen thưởng

71.      Thi hành án

72.      Thống kê

73.      Thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác

74.      Thương mại

75.      Thuỷ lợi

76.      Thuỷ sản

77.      Tiền tệ

78.      Tín dụng

79.      Tín ngưỡng, tôn giáo

80.      Tổ chức chính trị - xã hội

81.      Tố tụng dân sự

82.      Tố tụng hành chính

83.      Tố tụng hình sự

84.      Tòa án

85.      Tương trợ tư pháp

86.      Văn hóa

87.      Văn thư lưu trữ

88.      Vi phạm hành chính

89.      Viện Kiểm sát

90.      Viễn thông

91.      Xây dựng

92.      Xây dựng pháp luật

93.      Xuất bản

94.      Y tế

2. Việc bổ sung chủ đề do Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Chính phủ hướng dẫn việc sắp xếp chủ đề được bổ sung vào Bộ pháp điển.

3. Căn cứ nhiệm vụ thực hiện pháp điển quy định tại Điều 25, Điều 26, Điều 27, Điều 28 và Điều 29 của Pháp lệnh này, Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan thực hiện pháp điển hoặc chủ trì thực hiện pháp điển các chủ đề.

Điều 9. Tên và cấu trúc của đề mục

        1. Cơ quan thực hiện pháp điển xây dựng tên và cấu trúc của mỗi đề mục. Tên và cấu trúc của  đề mục được xây dựng dựa theo tên và cấu trúc của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc nội dung của chủ đề.

2. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan thực hiện pháp điển thể bổ sung phần, mục, tiểu mục vào cấu trúc của từng đề mục

        3. Chính phủ quy định cách thức xác định tên, cấu trúc và bổ sung phần, mục, tiểu mục quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này .

Điều 10. Số, ký hiệu trong Bộ pháp điển

1. Đề mục, phần, mục, tiểu mục, điều trong Bộ pháp điển được đánh số.

2. Các điều trong Bộ pháp điển được ký hiệu để phân biệt hình thức văn bản quy phạm pháp luật.

3. Chính phủ quy định việc đánh số và ký hiệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 11. Ghi chú, chỉ dẫn quy phạm pháp luật

1. Trong mỗi điều của Bộ pháp điển phải ghi chú điều của văn bản quy phạm pháp luật gốc được pháp điển.

2. Trong trường hợp một đề mục, phần, mục, tiểu mục, điều của Bộ pháp điển có nội dung liên quan đến đề mục, phần, mục, tiểu mục, điều khác của Bộ pháp điển thì phải được chỉ dẫn.

3. Chính phủ quy định việc ghi chú và chỉ dẫn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 12. Sử dụng Bộ pháp điển

1. Bộ pháp điển được xây dựng theo quy định của Pháp lệnh này là Bộ pháp điển chính thức của Nhà nước, được sử dụng trong áp dụng và thực hiện pháp luật.

2. quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có sự sai sót trong Bộ pháp điển thì có quyền kiến nghị bằng văn bản đến Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với cơ quan thực hiện pháp điển xem xét, sửa chữa các sai sót đó.

Chương III:
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC PHÁP ĐIỂN

Điều 13. Trình tự xây dựng đề mục và chủ đề

          1. Cơ quan thực hiện pháp điển xây dựng đề mục theo trình tự sau đây:

a) Thu thập các văn bản quy phạm pháp luật thuộc nội dung của đề mục;

b) Phân loại các văn bản quy phạm pháp luật theo đề mục;

c) Rà soát để loại bỏ các nội dung không chứa quy phạm pháp luật và quy phạm pháp luật hết hiệu lực;

d) Tập hợp các quy phạm pháp luật trong từng đề mục còn hiệu lực tại thời điểm kết thúc việc rà soát;

đ) Cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian kể từ thời điểm kết thúc việc rà soát quy định tại điểm d khoản này cho đến thời điểm thông qua kết quả xây dựng chủ đề quy định tại Điều 17 của Pháp lệnh này;

e) Sắp xếp quy phạm pháp luật trong từng đề mục theo thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản được pháp điển từ cao đến thấp; các quy phạm pháp pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau các quy phạm pháp luật được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành;

g) Đánh số các điều trong đề mục theo quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh này;

h) Ghi chú điều của văn bản quy phạm pháp luật gốc;

i) Chỉ dẫn các quy phạm pháp luật đã được tập hợp có liên quan đến quy phạm pháp luật được pháp điển.

2. Sau khi xây dựng xong nội dung đề mục, cơ quan thực hiện pháp điển xây dựng chủ đề theo trình tự sau đây:

a) Sắp xếp các đề mục đã được xây dựng vào chủ đề. Thứ tự sắp xếp theo chữ cái đầu của tên đề mục;

b) Đánh số đề mục theo dãy số tự nhiên.

Đối với chủ đề do nhiều cơ quan tham gia xây dựng thì các cơ quan tham gia xây dựng gửi các đề mục đến cơ quan chủ trì xây dựng chủ đề để sắp xếp vào chủ đề.

Điều 14. Thẩm định kết quả xây dựng chủ đề

1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thẩm định kết quả xây dựng chủ đề.

 2. Cơ quan xây dựng hoặc cơ quan chủ trì xây dựng chủ đề có trách nhiệm gửi Hồ sơ kết quả xây dựng chủ đề đến Bộ Tư Pháp để thẩm định. Hồ sơ bao gồm:

 a) Công văn của Thủ trưởng cơ quan xây dựng hoặc chủ trì xây dựng chủ đề đề nghị thẩm định kết quả xây dựng chủ đề;

b) Những vướng mắc trong quá trình xây dựng chủ đề, nếu có;

c)  Dự thảo kết quả xây dựng chủ đề.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định kết quả xây dựng từng chủ đề.

Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Chủ tịch và các thành viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo cơ quan chủ trì, tham gia xây dựng chủ đề, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

4. Hội đồng thẩm định kết quả chủ đề thẩm định toàn diện kết quả xây dựng  chủ đề, tập trung vào những nội dung sau đây:

a) Sự tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng đề mục, chủ đề; 

b) Sự phù hợp của vị trí quy phạm trong từng đề mục của chủ đề;

c) Tính chính xác của nội dung chỉ dẫn các quy phạm pháp luật có liên quan trong chủ đề;

d) Các vấn đề khác liên quan đến nội dung của chủ đề.

Văn bản thẩm định phải được hoàn thành và gửi cho cơ quan thực hiện pháp điển trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 15. Hoàn thiện và ký xác thực kết quả xây dựng chủ đề

1. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định kết quả xây dựng chủ đề, cơ quan xây dựng chủ đề có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện chủ đề. Đối với chủ đề do nhiều cơ quan tham gia xây dựng thì từng cơ quan hoàn thiện đề mục của mình và gửi kết quả về cơ quan chủ trì xây dựng chủ đề để hoàn thiện chủ đề.

2. Thủ trưởng cơ quan xây dựng chủ đề có trách nhiệm ký xác thực kết quả xây dựng chủ đề do cơ quan mình xây dựng. Đối với các chủ đề do nhiều cơ quan tham gia xây dựng thì Thủ trưởng các cơ quan cùng ký xác thực.

Điều 16. Xem xét kết quả xây dựng chủ đề

1. Chậm nhất là ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định, cơ quan thực hiện pháp điển gửi Hồ sơ kết quả xây dựng chủ đề đến Ủy ban pháp điển quốc gia để xem xét.

2. Hồ sơ bao gồm:

a) Công văn của Thủ trưởng cơ quan xây dựng chủ đề hoặc chủ trì xây dựng chủ đề đề nghị xem xét kết quả xây dựng chủ đề;

b) Chủ đề đã được xây dựng có chữ ký xác thực của Thủ trưởng cơ quan xây dựng hoặc các cơ quan tham gia xây dựng chủ đề;

c) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định;

d) Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định.

3. Chậm nhất là ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Ủy ban pháp điển quốc gia có trách nhiệm xem xét, thảo luận tập thể, biểu quyết theo đa số để quyết định việc trình Chính phủ thông qua kết quả xây dựng chủ đề.

Điều 17. Thông qua kết quả xây dựng chủ đề

1. Chính phủ xem xét, thông qua kết quả xây dựng từng chủ đề theo đề nghị của Ủy ban pháp điển quốc gia.

2. Hồ sơ trình Chính phủ thông qua kết quả xây dựng chủ đề gồm:

a) Tờ trình của Ủy ban pháp điển quốc gia đề nghị Chính phủ thông qua chủ đề;

b) Dự thảo kết quả xây dựng chủ đề đã được Ủy ban pháp điển quốc gia xem xét;

c) Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thông qua kết quả xây dựng  chủ đề;

d) Các tài liệu có liên quan khác, nếu có.

3. Trong trường hợp chủ đề chưa được thông qua, Ủy ban pháp điển quốc gia chủ trì cùng Bộ Tư pháp, cơ quan thực hiện pháp điển hoàn thiện chủ đề theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để trình Chính phủ thông qua.

Điều 18. Sắp xếp các chủ đề vào Bộ pháp điển, đăng tải và sử dụng chủ đề

1. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày Chính phủ thông qua kết quả xây dựng chủ đề, Bộ Tư pháp có trách nhiệm sắp xếp kết quả xây dựng chủ đề đã được thông qua vào đúng vị trí của Bộ pháp điển và đăng tải trên Trang thông tin điện tử pháp điển.

2. Từng chủ đề của Bộ pháp điển được sử dụng sau khi được Chính phủ thông qua và được đăng tải trên Trang thông tin điện tử pháp điển.

Điều 19. Hoàn thành Bộ pháp điển

1. Thời hạn xây dựng Bộ pháp điển là năm năm, kể từ ngày Pháp lệnh này có hiệu lực.

2. Bộ pháp điển được hoàn thành khi tất cả các chủ đề đã được Chính phủ thông qua và đăng tải trên Trang thông tin điện tử pháp điển.

3. Trên cơ sở chỉ dẫn quy phạm pháp luật của cơ quan xây dựng đề mục, trong thời hạn một năm, kể từ thời điểm hoàn thành Bộ pháp điển, Bộ Tư pháp thực hiện việc chỉ dẫn toàn bộ Bộ pháp điển theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Pháp lệnh này.

Chương IV:
CẬP NHẬT, DUY TRÌ BỘ PHÁP ĐIỂN

Điều 20. Cập nhật Bộ pháp điển

Bộ pháp điển phải được thường xuyên cập nhật khi có văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.

Điều 21. Quy trình cập nhật quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ vào Bộ pháp điển

1. Đối với các chủ đề đã được công bố, nếu có quy phạm pháp luật mới được ban hành sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy phạm pháp luật trong chủ đề thì cơ quan thực hiện pháp điển có trách nhiệm xác định quy phạm pháp luật tương ứng trong chủ đề được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ và thực hiện việc cập nhật các quy phạm pháp luật mới.

2. Chậm nhất hai mươi ngày, trước ngày quy phạm pháp luật mới được ban hành có hiệu lực, cơ quan thực hiện pháp điển phải gửi hồ sơ kết quả pháp điển các quy phạm pháp luật mới đến Bộ Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:

a) Công văn của Thủ trưởng cơ quan thực hiện pháp điển đề nghị cập nhật quy phạm pháp luật cụ thể trong Bộ pháp điển được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, trong đó nêu rõ lý do cập nhật;

b) Kết quả thực hiện pháp điển có chữ ký xác thực của Thủ trưởng cơ quan thực hiện pháp điển, trong đó nêu rõ vị trí quy phạm pháp luật trong Bộ pháp điển được thay thế bằng quy phạm pháp luật mới; vị trí bổ sung quy phạm pháp luật mới vào Bộ pháp điển; vị trí quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực cần được loại bỏ khỏi Bộ pháp điển.

3. Chậm nhất mười ngày, trước ngày quy phạm pháp luật mới được ban hành có hiệu lực, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, cập nhật các quy phạm pháp luật mới vào Bộ pháp điển, loại bỏ các quy phạm pháp luật hết hiệu lực khỏi Bộ pháp điển.

Điều 22. Quy trình cập nhật đề mục mới vào Bộ pháp điển

1. Trong trường hợp các quy phạm pháp luật mới được ban hành chưa thuộc đề mục đã có trong chủ đề của Bộ pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển có trách nhiệm xây dựng đề mục mới, đề nghị Bộ Tư pháp cho ý kiến.

2. Tên và cấu trúc đề mục mới được xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Pháp lệnh này; vị trí, số của đề mục mới được sắp xếp, tính theo số tiếp theo của các đề mục trong chủ đề.

Trình tự xây dựng đề mục mới được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Pháp lệnh này.

3. Chậm nhất hai mươi ngày, trước ngày quy phạm pháp luật mới có hiệu lực, cơ quan thực hiện pháp điển gửi Hồ sơ kết quả xây dựng đề mục mới về Bộ Tư pháp để thẩm định. Hồ sơ bao gồm:

a) Công văn của Thủ trưởng cơ quan thực hiện pháp điển đề nghị thẩm định kết quả xây dựng đề mục mới;

b) Những vướng mắc trong quá trình xây dựng đề mục mới, nếu có;

c)  Dự thảo đề mục mới đã được xây dựng.

4. Bộ Tư pháp có trách nhiệm thành lập Hội đồng thẩm định đối với các đề mục mới. Việc thành lập Hội đồng thẩm định, nội dung thẩm định được thực hiện theo quy định tại khoản 3 khoản 4 Điều 14 của Pháp lệnh này.

5. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định đề mục mới quy định tại khoản 3 Điều này, cơ quan thực hiện pháp điển có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện đề mục, ký xác thực đề mục và gửi Hồ sơ đề mục đến Bộ Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:

a) Công văn của Thủ trưởng cơ quan thực hiện pháp điển đề nghị cập nhật đề mục mới vào chủ đề cụ thể;

b) Đề mục mới có chữ ký xác thực của Thủ trưởng cơ quan thực hiện pháp điển;

c) Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định.

 6. Chậm nhất năm ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận Hồ sơ đề nghị cập nhật đề mục mới vào chủ đề của Bộ pháp điển, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra Hồ sơ và cập nhật đề mục mới vào chủ đề, gửi kết quả cập nhật cho cơ quan thực hiện pháp điển.

Điều 23. Duy trì, truy cập Bộ pháp điển

1. Kể từ ngày được đăng tải, Bộ pháp điển được duy trì liên tục trên Trang thông tin điện tử pháp điển.

2. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có quyền truy cập miễn phí Bộ pháp điển.

Chương V:
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN
TRONG CÔNG TÁC PHÁP ĐIỂN

Điều 24. Quản lý nhà nước về công tác pháp điển

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác pháp điển, có trách nhiệm:

1. Ban hành văn bản quy định việc thực hiện công tác pháp điển;

2. Ban hành kế hoạch, chỉ đạo công tác pháp điển;

3. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Pháp lệnh này;

4. Xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình pháp điển, cập nhật, duy trì Bộ pháp điển;

5. Bảo đảm tổ chức, nhân lực, kinh phí và các điều kiện khác cần thiết cho công tác pháp điển.

 Điều 25. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp

 Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về công tác pháp điển, có trách nhiệm:

1. Trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định về công tác pháp điển;

2. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp điển của các cơ quan thực hiện pháp điển;

3. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp điển;

4. Xây dựng Trang thông tin điện tử pháp điển; duy trì thường xuyên Bộ pháp điển trên Trang thông tin điện tử pháp điển; quản lý, hướng dẫn sử dụng Bộ pháp điển;

5. Quản lý việc xuất bản Bộ pháp điển bằng văn bản;

6. Định kỳ hàng năm báo cáo Chính phủ về công tác pháp điển;

7. Thực hiện hợp tác quốc tế về công tác pháp điển;

8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều 8; khoản 2 Điều 12; Điều 14, Điều 18; khoản 3 Điều 19; khoản 3 Điều 21; khoản 3 và khoản 5 Điều 22 của Pháp lệnh này;

9. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang bộ quy định tại Điều 26 của Pháp lệnh này;

10. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc chỉ dẫn trong Bộ pháp điển;

11. Tập hợp kiến nghị của các cơ quan thực hiện pháp điển về việc xem xét, xử lý các quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Điều 26. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ

1. Thực hiện pháp điển các quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc chủ trì soạn thảo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; các quy phạm pháp luật do các cơ quan, tổ chức, Đại biểu Quốc hội trình điều chỉnh những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.

2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 13; Điều 15; khoản 1 và khoản 2 Điều 16; khoản 1 và khoản 2 Điều 21; khoản 1, khoản 2 và khoản 5 Điều 22 của Pháp lệnh này.

3. Chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của nội dung đề mục, chủ đề do cơ quan mình xây dựng trong Bộ pháp điển; tính chính xác, kịp thời của việc đề nghị cập nhật các quy phạm pháp luật mới, đề mục mới vào Bộ pháp điển.

4. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn mà mình phát hiện trong quá trình thực hiện pháp điển.

Điều 27. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1. Thực hiện pháp điển các quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc chủ trì soạn thảo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; các quy phạm pháp luật do các cơ quan, tổ chức, Đại biểu Quốc hội trình điều chỉnh những vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của mình.

2. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 26 của Pháp lệnh này.

Điều 28. Trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước

 Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh này.

Điều 29. Trách nhiệm của Văn phòng Quốc hội

1. Văn phòng Quốc hội thực hiện pháp điển đối với các quy phạm pháp luật do Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội trình điều chỉnh những vấn đề không thuộc thẩm quyền thực hiện pháp điển của các cơ quan nhà nước quy định tại Điều 26, Điều 27 và Điều 28 của Pháp lệnh này.

2. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 27 của Pháp lệnh này.

Điều 30. Ủy Ban pháp điển quốc gia

1. Ủy ban pháp điển quốc gia do Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ và chấm dứt hoạt động khi Bộ pháp điển được hoàn thành.

Ủy ban pháp điển quốc gia có Cơ quan thường trực và Bộ phận giúp việc.

Quy chế hoạt động của Ủy ban pháp điển quốc gia do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

2. Ủy ban pháp điển quốc gia có trách nhiệm:

a) Điều phối hoạt động các cơ quan thực hiện pháp điển trong việc xây dựng Bộ pháp điển;

b) Đôn đốc việc thực hiện pháp điển để xây dựng Bộ pháp điển;

c) Thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản khoản 3 Điều 16; Điều 17 của Pháp lệnh này;

d) Các nhiệm vụ khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.

Điều  31. Giám sát việc thực hiện pháp điển

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện pháp điển.

Chương VI:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 32. Bảo đảm kinh phí thực hiện công tác pháp điển

1. Kinh phí xây dựng, cập nhật, duy trì Bộ pháp điển do ngân sách nhà nước cấp.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định khoản kinh phí xây dựng Bộ pháp điển theo đề nghị của Chính phủ.

3. Kinh phí cập nhật, duy trì Bộ pháp điển do Chính phủ quyết định trong kinh phí hoạt động của Bộ Tư pháp và các cơ quan thực hiện pháp điển.

 Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp quy định mức chi cụ thể cho việc xây dựng, cập nhật, duy trì Bộ pháp điển.

 Điều 33. Hiệu lực thi hành 

1. Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày ….tháng ….năm….

2. Chính phủ quy định chi tiết, biện pháp thi hành các điều, khoản được giao trong Pháp lệnh này và hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Pháp lệnh này.                                                       

 Hà Nội, ngày…..tháng….năm…….

 

Không tìm thấy ý kiến nào
Không có mục thảo luận
Không có tài liệu nào
Không có tài liệu nào