Skip Ribbon Commands
Skip to main content

DỰ THẢO ONLINE

Nơi cử tri tham gia vào hoạt động lập pháp của quốc hội
Thứ bảy, 04/05/2024

  • Lĩnh vực: Pháp luật
  • Cơ quan trình dự thảo: Uỷ ban thường vụ Quốc hội
  • Cơ quan chủ trì soạn thảo: Ủy ban thường vụ Quốc hội
  • Cơ quan thẩm tra: Ủy ban Pháp luật
  • Dự kiến thảo luận tại: Khóa XV - Kỳ họp thứ 10
  • Dự kiến thông qua tại: Khóa XV - Kỳ họp thứ 10
  • Trạng thái: Đã thông qua

Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Kết quả biểu quyết của Tỷ lệ Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn
dt_NQ_lay_phieu_tin_nhiem_Ky_4.doc
Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII
 
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM
ĐỐI VỚI NGƯỜI GIỮ CHỨC VỤ DO QUỐC HỘI, 
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN BẦU HOẶC PHÊ CHUẨN
 
QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 83/2007/QH11;
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 

 
Nghị quyết này quy định về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
 

Điều 2. Mục đích lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

 

Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; giúp những người này nhận thấy được mức độ tín nhiệm để có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của mình. 
 
Lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm là để đánh giá mức độ tín nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ của cơ quan có thẩm quyền.
 
Bỏ phiếu tín nhiệm là việc đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn  làm cơ sở cho việc miễn nhiệm chức vụ đối với người mà Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân không còn tín nhiệm. 
 

Điều 3. Nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

 

1. Bảo đảm quyền và nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; tôn trọng quyền được báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
 
2. Công khai, công bằng, khách quan, đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
 
3. Bảo đảm sự ổn định của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.
 

Điều 4. Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm 

 

Căn cứ đánh giá tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn gồm:
 
1. Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật;
 
2. Tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống.
 

Điều 5. Phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm 

 

1. Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn sau đây: 
 
a) Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; 
 
b) Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
 
c) Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; 
 
d) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
 
2. Hội đồng dân tộc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó Chủ tịch, các ủy viên của Hội đồng dân tộc. Các Ủy ban của Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó Chủ nhiệm, các ủy viên của Ủy ban mình. 
 
3. Hội đồng nhân dân thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu sau đây: 
 
a) Chủ tịch, Phó Chủ tịch, uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân; 
 
b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của Uỷ ban nhân dân.
 
4. Các Ban của Hội đồng nhân dân thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với Phó Trưởng ban và các ủy viên của Ban mình.
 

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm

 

1. Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm thường xuyên theo định kỳ, công khai, đúng đối tượng và bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục.
 
2. Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri có liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 4 của Nghị quyết này (nếu có) trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tại mỗi kỳ họp.
 
3. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tham gia các cuộc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tại phiên họp của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban của Hội đồng nhân dân mà mình là thành viên; cân nhắc thận trọng, khách quan, công tâm, công bằng khi bỏ phiếu để thể hiện mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. 
 
4. Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm tự nhận xét, báo cáo trung thực kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, việc rèn luyện tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống và giải trình đầy đủ các nội dung mà người tham gia lấy phiếu tín nhiệm yêu cầu.
 

Điều 7. Thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm

 

1. Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm tại kỳ họp đầu năm, kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ.
 
2. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm tại phiên họp toàn thể của cơ quan mình, kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ; việc lấy phiếu tín nhiệm được hoàn thành trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân quy định tại khoản 1 Điều này.
 

Điều 8. Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội

 

1. Người được lấy phiếu tín nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị quyết này có báo cáo công tác bằng văn bản về việc thực hiện các nội dung quy định tại Điều 4 của Nghị quyết này trong năm trước đó. Báo cáo được gửi tới Uỷ ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
 
Uỷ ban thường vụ Quốc hội gửi thông báo về việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp và báo cáo công tác của người được lấy tín nhiệm đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
 
2. Quốc hội quyết định ngày lấy phiếu tín nhiệm trong chương trình kỳ họp.
 
3. Chậm nhất là 10 ngày trước ngày Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có thể gửi yêu cầu bằng văn bản đến người được lấy phiếu tín nhiệm đề nghị làm rõ hơn những nội dung thuộc căn cứ đánh giá đối với chức danh liên quan. Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời đại biểu bằng văn bản đối với các yêu cầu mà đại biểu đã nêu.
 
4. Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín tại phiên họp toàn thể. Trên phiếu thể hiện tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ tín nhiệm: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “chưa có ý kiến”.
 
5. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu để xác định và công bố số phiếu tín nhiệm đối với từng người. 
 
6. Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổng hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; trình Quốc hội thông qua Nghị quyết chung về việc lấy phiếu tín nhiệm.
 
7. Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá mức “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức hoặc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm trong các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết này.
 

Điều 9. Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại phiên họp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội

 

1. Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội thông báo về thời gian tiến hành phiên họp lấy phiếu tín nhiệm đến người được lấy phiếu tín nhiệm quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết này chậm nhất là 45 ngày, trước ngày khai mạc phiên họp.
 
2. Người được lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo công tác bằng văn bản về việc thực hiện các nội dung quy định tại Điều 4 của Nghị quyết này trong năm trước đó. Báo cáo được gửi tới Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội chậm nhất là 30 ngày, trước ngày khai mạc phiên họp lấy phiếu tín nhiệm.
 
Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội gửi báo cáo công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm đến các thành viên của cơ quan mình chậm nhất là 25 ngày, trước ngày tiến hành phiên họp lấy phiếu tín nhiệm.
 
3. Chậm nhất là 05 ngày, trước khi bắt đầu phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, thành viên của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội có thể gửi yêu cầu bằng văn bản đến người được lấy phiếu tín nhiệm đề nghị làm rõ hơn những nội dung thuộc căn cứ đánh giá đối với chức danh liên quan. Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời đại biểu bằng văn bản đối với các yêu cầu mà đại biểu đã nêu.
 
4. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thực hiện biểu quyết việc lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trên phiếu thể hiện tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ tín nhiệm: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “chưa có ý kiến”.
 
5. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu để xác định và công bố số phiếu tín nhiệm đối với từng người.  
 
6. Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội gửi kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến Ủy ban thường vụ Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
 

Điều 10. Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Hội đồng nhân dân 

 

1. Người được lấy phiếu tín nhiệm quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị quyết này có báo cáo công tác bằng văn bản về việc thực hiện các nội dung quy định tại Điều 4 của Nghị quyết này năm trước đó. Báo cáo được gửi tới Thường trực Hội đồng nhân dân chậm nhất là 20 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân.
 
Thường trực Hội đồng nhân dân gửi thông báo về việc lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm đến đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là 10 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân.
 
2. Trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có thể gửi yêu cầu bằng văn bản đến người được lấy phiếu tín nhiệm đề nghị làm rõ hơn những nội dung thuộc căn cứ đánh giá đối với chức danh liên quan. Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời đại biểu bằng văn bản đối với các yêu cầu mà đại biểu đã nêu.
 
3. Hội đồng nhân dân quyết định ngày tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong chương trình kỳ họp.
 
4. Hội đồng nhân dân thực hiện lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín tại phiên họp toàn thể. Trên phiếu thể hiện tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ tín nhiệm: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “chưa có ý kiến”.
 
5. Hội đồng nhân dân thành lập Ban kiểm phiếu để xác định và công bố số phiếu tín nhiệm đối với từng người. 
 
6. Thường trực Hội đồng nhân dân tổng hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người giữ các chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu; trình Hội đồng nhân dân thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm.
 
7. Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá mức “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức hoặc Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm trong các trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 12 của Nghị quyết này.
 

Điều 11. Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại phiên họp của các Ban của Hội đồng nhân dân

 

1. Ban của Hội đồng nhân dân thông báo về thời gian tiến hành phiên họp lấy phiếu tín nhiệm đến người được lấy phiếu tín nhiệm quy định tại khoản 4 Điều 5 của Nghị quyết này chậm nhất là 40 ngày, trước ngày khai mạc phiên họp.
 
2. Người được lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo công tác bằng văn bản về việc thực hiện các nội dung quy định tại Điều 4 của Nghị quyết này trong năm trước đó. Báo cáo được gửi tới Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân chậm nhất là 20 ngày, trước ngày khai mạc phiên họp lấy phiếu tín nhiệm.
 
Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân gửi báo cáo công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm đến các thành viên của cơ quan mình chậm nhất là 15 ngày, trước ngày tiến hành phiên họp lấy phiếu tín nhiệm.
 
3. Chậm nhất là 05 ngày, trước khi bắt đầu phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, thành viên các Ban của Hội đồng nhân dân có thể gửi yêu cầu bằng văn bản đến người được lấy phiếu tín nhiệm đề nghị làm rõ hơn những nội dung thuộc căn cứ đánh giá đối với chức danh liên quan. Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời đại biểu bằng văn bản đối với các yêu cầu mà đại biểu đã nêu.
 
4. Các Ban của Hội đồng nhân dân thực hiện biểu quyết việc lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trên phiếu thể hiện tên người, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ tín nhiệm: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “chưa có ý kiến”.
 
5. Các Ban của Hội đồng nhân dân thành lập Ban kiểm phiếu để xác định và công bố số phiếu tín nhiệm đối với từng người.  
 
6. Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân gửi kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến Thường trực Hội đồng nhân dân để tổng hợp, báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.
 

Điều 12. Các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm

 

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị quyết này khi có một trong các trường hợp sau đây:
 
a) Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm;
 
b) Khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội;
 
c) Khi có kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội;
 
d) Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”;
 
đ) Người được lấy phiếu tín nhiệm 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”.
 
2. Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị quyết này khi có một trong các trường hợp sau đây:
 
a) Khi có yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân;
 
b) Khi có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;
 
c) Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp”;
 
d) Người được lấy phiếu tín nhiệm 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp”.
 

Điều 13. Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

 

1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội, trong đó báo cáo rõ căn cứ đề nghị Quốc hội thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm.
 
2. Quốc hội thảo luận. Trước khi Quốc hội thảo luận, người bị bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Quốc hội.
 
Trong trường hợp cần thiết, đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan. Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.
 
3. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.
 
4. Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu thể hiện tên, chức vụ của người bị bỏ phiếu tín nhiệm, hai mức độ "tín nhiệm" và "không tín nhiệm".
 
Đối với người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội không tín nhiệm thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm đối với người đó.
 

Điều 14. Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu 

 

1. Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, trong đó báo cáo rõ căn cứ đề nghị Hội đồng nhân dân thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm.
 
2. Hội đồng nhân dân thảo luận. Trước khi Hội đồng nhân dân thảo luận, người bị bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Hội đồng nhân dân.
 
3. Hội đồng nhân dân thành lập Ban kiểm phiếu.
 
4. Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu thể hiện tên, chức vụ của người bị bỏ phiếu tín nhiệm, hai mức độ "tín nhiệm" và "không tín nhiệm".
 
Đối với người  có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân không tín nhiệm thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm đối với người đó.
 

Điều 15. Hiệu lực thi hành

 

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2013.
 
2. Bãi bỏ quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm quy định tại Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn số 34/2007/PL-UBTVQH12.
 
3. Trường hợp quy định của các luật, nghị quyết khác của Quốc hội được ban hành trước khi Nghị quyết này có hiệu lực mà khác với quy định của Nghị quyết này thì áp dụng quy định của Nghị quyết này.
 

Điều 16. Tổ chức thực hiện và hướng dẫn thi hành

 

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.
 
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày....  tháng 11 năm 2012. 
 
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
 
 
 
Nguyễn Sinh Hùng
 

 

  • gop y

    Bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội - Hội đồng nhân dân bầu là một việc rất quan trọng: yêu cầu cái tâm của đại biểu nhưng cái quan trọng hơn là cái tâm của người được bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm, có dám nói thật, làm thật không. Nhìn vào cơ cấu đại biểu trong Quốc hội- Hội đồng nhân dân nên có sự điều chỉnh theo hướng chỉ đạo quản lý theo ngành dọc từ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân các cấp. Hội đồng nhân dân không lệ thuộc sự chỉ đạo từ Ủy ban nhân dân cấp trên.

    Nguyen Quan - góp ý cho

    04/06/2013 08:24
  • Quy trình lấy phiếu tín nhiệm

    Nên chăng bổ sung quy trình lấy phiếu tín nhiệm vào Hiến pháp

    Thân Ngọc Trí - góp ý cho Điều 9

    29/01/2013 13:32
  • Lấy phiếu tín nhiệm

    Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm khoản 4 có ghi các mức độ đánh giá tín nhiệm trong đó có "chưa có ý kiến". Theo tôi không nên có mức độ này vì rất dễ dẫn đến tình trạng các ĐBQH không có trách nhiệm với lá phiếu của mình mà phê là "chưa có ý kiến", không có tính chất xây dựng.

    Liêu Tấn Hưng - góp ý cho

    23/01/2013 00:46
  • gop y

    Tôi thấy quyền làm chủ của nhân dân đang mang tính hình thức lớn quá. Tôi đề nghị cần sửa đổi lại quyền này, bởi vì đất nước ta là đất nước tiến bộ, biết sai thì phải sửa kịp thời, vì trước sau gì thì quyền thật sự tối cao cũng thuộc về nhân dân. Chúng ta nên đưa vào sớm thì tốt. Đừng đưa vào một cách hình thức. Đừng kéo dài làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của người dân. 

    Huy - góp ý cho Kết quả biểu quyết

    01/01/2013 00:00
  • Góp ý Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm

    Nếu bỏ phiếu tín nhiệm đối với HĐND các cấp thì phải ban hành luật giám sát của HĐND các cấp, tổ chức lại bộ máy của cơ quan thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã mới đảm bảo công bằng cho các cấp.

    Nguyễn Văn Minh - góp ý cho

    10/11/2012 00:00
Không có mục thảo luận

Báo cáo ngày 9-11-2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến các vị ĐBQH thảo luận tại Tổ

Cơ quan ban hành:

Ngày ban hành: 16/11/2012

Số hiệu:

Mô tả:

Báo cáo ngày 9-11-2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến các vị ĐBQH thảo luận tại Tổ về một số vấn đề liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn

tonghopthaoluanto.phieutinnhiem.doc

Tờ trình dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Cơ quan ban hành:

Ngày ban hành: 21/10/2012

Số hiệu:253/TTr-UBTVQH13

Mô tả:

Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết

 

TTr253-TVQH_ve_dt_NQ_lay_phieu_tin_nhiem.doc
Không có tài liệu nào